Ngô mất mùa lại mất giá
16:00 - 25/12/2015
(Cổng ĐT HND)- Ở nước ta, ngô là cây trồng thứ hai sau lúa. Tuy nhiên, người trồng ngô vẫn đối mặt với rất nhiều khó khăn. 
Ảnh minh họa

Người trồng ngô vẫn gặp khó
 
Là một trong các vùng trồng ngô trọng điểm, Sơn La được xem là “thủ phủ trồng ngô” với diện tích canh tác lớn nhất cả nước. Vụ ngô năm nay, toàn tỉnh Sơn La gieo trồng trên 180.000 ha, trải đều tại 11 huyện, thành phố. Theo nhận định của một số nông dân thì năng suất, sản lượng ngô năm nay giảm từ 40-50% so với vụ trước. Nguyên nhân chính là do thời tiết bất lợi, nhiều nơi đất dốc đã bạc màu. Đã vậy giá ngô lại giảm mạnh. Nếu như năm trước giá ngô bắp trên thị trường là 3.600đ/kg thì năm này chỉ ở mức 2.300 đến 2.600 đ/kg. Với giá này thì nông dân không có lãi, thậm chí bị lỗ. Hơn nữa, việc tiêu thụ ngô là do phần lớn thương lái đến thu mua để cung cấp cho các cơ sở chế biến thức ăn gia súc. Hiện chưa có doanh nghiệp nào đứng ra ký kết thu mua theo hướng bao tiêu sản phẩm, nên giá ngô vẫn bấp bênh.
 
Tại Thanh Hóa, là 1 trong 4 cây trồng chủ lực trong sản xuất nông nghiệp, hàng năm, diện tích trồng ngô của toàn tỉnh đạt khoảng 49.000 - 54.000 ha, với năng suất trung bình đạt khoảng 42 tạ/ha/vụ, sản lượng đạt hơn 200.000 tấn/năm. Do nông dân vẫn còn xem nhẹ khâu chăm sóc ngô, hoặc chưa chăm sóc đúng cách, đúng thời điểm, nên năng suất ngô vẫn đạt thấp hơn so với mặt bằng chung của cả nước. Bên cạnh đó, do hầu hết diện tích trồng ngô đều được bà con nông dân thu hoạch theo hình thức thủ công, bảo quản tại nông hộ, nên tỷ lệ thất thoát còn nhiều, chất lượng sản phẩm chưa cao.
 
Hiện năng suất canh tác ngô ở nước ta đang ở mức thấp (xếp thứ 59/66 các nước trồng ngô). Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong khi năng suất ngô của Malaysia đạt 55,4 tạ/ha, Indonesia đạt 48,9 tạ/ha thì ở Việt Nam mới đạt 44,5 tạ/ha.
 
Nhiều nông dân còn lo ngại vấn đề ngô nhập ngoại. Trong khi đó, diện tích ngô ở một số nước lân cận như Lào, Trung Quốc ngày càng mở rộng. Các nước đẩy mạnh cơ giới hóa vào sản xuất nên năng suất, sản lượng tăng cao, chi phí sản xuất thấp, vì vậy, khi nhập ngô vào nước ta giá bán ra thấp hơn giá bán ngô trong nước khoảng 1.000 đồng/kg, dẫn đến việc người trồng ngô gặp rất nhiều khó khăn.
 
Ngô biến đổi gen – một hướng đi mới
 
Để giải quyết bài toán cho người trồng ngô, một hướng đi là đưa giống ngô chuyển gen vào sản xuất. Tại các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), chỉ mới vụ thu hoạch đầu tiên giống ngô chuyển gen NK66 Bt/GT đã mang lại niềm vui cho hàng ngàn hộ nông dân.
 
Bà con cho biết, ngô chuyển gen cho năng suất tăng đến 30% so với giống ngô thường, lợi nhuận thu được 35 triệu đồng/ha. Nếu so với ngô lai thông thường trước giờ vẫn trồng, lợi nhuận đã tăng hơn 15 triệu đồng/ha lại là giảm hẳn công chăm sóc, chỉ cần phun một lần duy nhất là cây đã phát triển tốt đến khi thu hoạch.
 
Tại huyện Mộc Châu (Sơn La), giống ngô biến đổi gen Dekalb được trồng thử nghiệm cũng cho năng suất cao, đạt năng suất trung bình 19 tấn/ha. Giá giống ngô biến đổi gen bán tới tay người nông dân là 210.000 đồng/kg, đắt gấp đôi giống ngô lai thường. Ngô thương phẩm đẹp và chất lượng cao hơn nên bà con nông dân bán được giá. Bà con cho biết mặc dù giá thành hạt giống cao hơn nhưng tính về hiệu quả sản xuất, ngô biến đổi gen lại có các đặc tính vượt trội như: năng suất cao; khả năng kháng sâu, bệnh hại tốt; bảo vệ môi trường nhờ giảm thuốc trừ sâu...
 
Trong 10 năm qua, tốc độ phát triển cây trồng biến đổi gen của thế giới khoảng 10%/năm, với tổng diện tích đạt 181 triệu ha. Năm 2015 Việt Nam trở thành quốc gia thứ 29 trên thế giới trồng cây biến đổi gen. Tính đến thời điểm này, trên cả nước có khoảng 3.000 ha trồng ngô biến đổi gen (BĐG), trong đó Công ty Syngenta có 2.500 ha (do đã được thương mại hóa 3 giống), Dekalb khoảng 400 ha (đang trong quá trình khảo nghiệm diện rộng), Pioneer 4-5 ha (khảo nghiệm diện hẹp).
 
Với những lợi ích rõ rệt, ngô chuyển gen là một lựa chọn mới cho nông dân tại khu vực ĐBSCL trong việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Cây ngô chuyển gen thừa kế những ưu thế của cây ngô thường và bổ sung thêm lợi thế từ công nghệ sinh học, ví dụ như giống NK 66 Bt/GT có thể kháng sâu đục thân và chống chịu thuốc trừ cỏ gốc glyphosate. Do đó, ngô chuyển gen có khả năng sinh trưởng tốt, bảo vệ năng suất tiềm năng của cây và mang lại lợi ích kinh tế cao.

Anh Kiệt
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

ĐBSCL: Mua tạm trữ 760.000 tấn gạo