Nghề trồng nấm còn bấp bênh
14:00 - 21/12/2015
(TNNN)- Năm 2014, Việt Nam là nước sản xuất và xuất khẩu lúa gạo đứng thứ hai thế giới với kim ngạch xuất khẩu đạt 3,04 tỷ USD. Tuy nhiên, ngoài việc tạo ra một lượng lớn lúa gạo thì người nông dân cũng thải ra môi trường một số lượng lớn rơm - rạ. Phần lớn lượng rơm rạ đó bà con đem đốt gây ô nhiễm môi trường. Nếu biết tận thu nguồn nguyên liệu này để sản xuất và trồng một số loại nấm: nấm rơm, nấm mỡ, nấm sò… sẽ đem lại một nguồn thu nhập không nhỏ cho bà con.
Ảnh minh họa

Giá bán nấm sò vào thời điểm hiện tại là 30.000-40.000 đồng/kg, nấm linh chi khoảng 800.000 -1000.000 đồng/kg…, so với trồng lúa và chăn nuôi lợn, nghề trồng nấm rơm lãi gấp năm đến mười lần. Tuy nhiên, đa phần người dân trồng nấm theo kiểu tự phát, quy mô nhỏ lẻ, công nghệ lạc hậu nên khó xây dựng thương hiệu để cạnh tranh và liên kết hỗ trợ nhau phát triển.
 
Việc mở rộng sản xuất loại thực phẩm này là không dễ dàng, đặc biệt là sản xuất đại trà ở vùng nông thôn vì nhà xưởng đạt chuẩn phải mất vốn và công đầu tư khá lớn. Theo bà con trồng nấm, mặc dù trồng nấm rơm không khó, nhưng vì nấm là giống rất ưa sạch nên để đạt hiệu quả cao đòi hỏi người trồng nấm phải có kỹ thuật. Đây là khâu quan trọng quyết định năng suất và chất lượng nấm rơm. Để trồng nấm thành công phải tuân thủ đầy đủ các khâu trong xử lý nguyên liệu. Từ việc ủ rơm đến khâu chọn meo giống đều ảnh hưởng lớn đến năng suất nấm. Nếu không thực hiện nghiêm việc xử lý kỹ rơm, rạ trước khi ủ sẽ dễ bị các loại nấm ký sinh cạnh tranh dinh dưỡng, gây bệnh, làm cho nấm rơm không phát triển và chết. Đồng thời, việc chọn được meo giống tốt, đúng tuổi, không nhiễm tạp khuẩn sẽ cho năng suất cao và chất lượng nấm tốt; nếu chất lượng meo nấm không đảm bảo sẽ dễ bị nhiễm nấm dại. Bên cạnh đó, các yêu cầu kỹ thuật trong các khâu sản xuất nấm như điều chỉnh nhiệt độ thích hợp trong các giai đoạn sinh trưởng của nấm cũng là yếu tố quan trọng của mô hình trồng nấm rơm trong nhà.
 
Tại tỉnh Bắc Kạn, qua khảo sát của Sở Khoa học & Công nghệ, trong số vài chục hộ và cơ sở trồng nấm của tỉnh chỉ có khoảng 20% đạt hiệu quả. Do tỉnh chưa sản xuất được nguồn men giống để phục vụ sản xuất tại chỗ. Các hộ phải mua men giống ở các tỉnh khác, nhưng khó nhận biết, xác định được đâu là nguồn men chất lượng, gây ảnh hưởng đến năng suất, hiệu quả sản xuất nấm. Nông dân muốn phát triển nghề nấm nhưng lại chưa có sự hướng dẫn, định hướng của ngành chuyên môn nên việc đầu tư còn bấp bênh, chưa ổn định.
 
Ở tỉnh An Giang và Quảng Nam, một số hộ đã thành công với mô hình trồng nấm rơm trong nhà. Tuy nhiên, khó khăn nhất của người trồng nấm là năng suất nấm phụ thuộc nhiều vào thời tiết, những hôm trời nóng quá thì nấm ít ra trái. Ngoài ra, người trồng nấm cần phải siêng năng, chịu khó từ khâu thu gom rơm, xử lý nguyên liệu, cấy giống đến chăm sóc, xử lý các điều kiện về nhiệt độ, độ ẩm nhà trồng…Người trồng nấm hiện cũng gặp phải những khó khăn về vấn đề nguồn nguyên liệu, do rơm rạ sử dụng từ máy gặt đập liên hợp rất khó thu gom, thứ hai là vấn đề thị trường không ổn định.
 
Tại Bình Thuận, nghề trồng nấm rơm hiện vẫn đang chủ yếu hoạt động cầm chừng, duy trì chứ chưa thật sự mang lại hiệu quả kinh tế cao. So với trước đây thì nghề trồng nấm rơm tại Bình Thuận gặp thêm nhiều khó khăn do nguồn nguyên liệu rơm tăng cao làm giảm hiệu quả kinh tế. Do diện tích cây thanh long tại Bình Thuận ngày càng được mở rộng nhiều nên rơm chủ yếu tập trung để phủ gốc Thanh Long làm cho nguồn nguyên liệu rơm ngày càng khan hiến hoặc giá thành cao gây khó khăn cho nghề trồng nấm rơm.
 
Để ngành sản xuất chế biến nấm cũng phải có hướng đi đúng đắn và tích cực thích hợp trong điều kiện hiện tại và lâu dài, hướng tới xuất khẩu 1 triệu tấn nấm/ năm. Ngành nấm Việt Nam dần phải có tiếng nói chung ngang tầm với một số mặt hàng xuất khẩu khác trên thị trường. Cần quy hoạch các vùng trồng nấm tập trung để chủ động đặt hàng về nguồn nguyên liệu, nghiên cứu cải tiến phương tiện cơ giới hóa thu hoạch để thu gom rơm phục vụ cho nghề trồng nấm, vấn đề quan trọng nữa là cần tăng cường liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm để nâng cao năng suất nấm rơm giúp người dân yên tâm sản xuất./.

Nguyễn Tuân
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

ĐBSCL: Mua tạm trữ 760.000 tấn gạo