Người nuôi cá bị nợ trăm tỷ vẫn không dám... "làm lớn chuyện"
15:09 - 08/12/2015
Công ty trả nợ nhỏ giọt, giám đốc sang Mỹ để lánh mặt... nhưng nhiều người nuôi cá ở ĐBSCL không dám làm lớn chuyện vì sợ công ty phá sản. Nếu công ty phá sản, ngân hàng sẽ được ưu tiên trả nợ trước, nông dân sẽ trắng tay...

Chủ nợ “không dám kiện”           

Ngày 7.12, ông Cao Lương Tri (ngụ xã Hòa An, huyện Chợ Mới, An Giang) cho biết, sau nhiều năm nợ dây dưa, đến nay Công ty CP Việt An (phường Mỹ Thới, Long Xuyên, An Giang) vẫn chưa trả cho ông 29 tỷ đồng. Số nợ này tuy “khủng” nhưng không ăn thua gì so với khoản nợ của ông Đ.V.H (ngụ thị xã Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp) là 87 tỷ đồng.

Một góc nhà máy của Công ty Việt An. Ảnh: H.D

Theo tìm hiểu của phóng viên NTNN, nhiều nông dân nuôi cá khác bị Công ty CP Việt An nợ hàng chục tỷ đồng cũng đang điêu đứng vì phải trả lãi vay ngân hàng, lãi tiền mua thức ăn cho cá...
 

Theo hồ sơ, năm 2013, ông Cao Lương Tri bán cho Công ty Việt An 8 đợt với hơn 3.000 tấn cá tra, giá bình quân 23.000 đồng/kg. Số tiền bán cá lên tới 80 tỷ đồng và công ty “hứa” thanh toán 20% sau 10 ngày kể từ lúc bắt xong cá, 80% còn lại trả dứt điểm sau 30 ngày. Hợp đồng còn ghi, nếu công ty trả chậm thì phải chịu lãi cho người nuôi 1%/tháng. Thế nhưng, hơn 2 năm nay, công ty vẫn còn nợ khoảng 29 tỷ đồng và chỉ trả nhỏ giọt mỗi lần vài chục triệu đồng.
 

Đùng một cái, cuối tháng 4.2014, ông Lưu Bách Thảo - Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty CP Việt An đột ngột đi Mỹ, giao công ty lại cho người em rể là ông Ngô Văn Thu điều hành. “Mỗi tháng tôi trả lãi ngân hàng hơn 100 triệu đồng, trong khi công ty lâu lâu kêu tôi đến chỉ trả cho 50 triệu đồng” - ông Tri than.
 

Một chủ nợ khác, là bà Trần Thị Xuyên (ngụ phường An Thạnh, thị xã Hồng Ngự) bức xúc: “Ban đầu họ làm ăn uy tín, mua giá cao nên nông dân đổ xô bán cá cho Việt An. Dè đâu... Đã mấy năm nay, họ còn nợ tôi khoảng 5 tỷ đồng, không biết bao giờ thanh toán”.
 

Trao đổi với phóng viên, ông Đ.V.H cho hay: “Lúc cao điểm, Việt An nợ tôi hơn 160 tỷ đồng. Trả chưa được một nửa, giờ họ còn nợ 87 tỷ đồng. Giờ vốn còn không trả, thì nói gì trả lãi như hợp đồng đã ký”. Theo lời ông H, riêng bản thân ông không muốn làm lớn chuyện, vì nghe Công ty Việt An nợ ngân hàng rất nhiều. “Giải pháp xấu nhất, nếu Việt An tuyên bố phá sản thì tài sản của họ sẽ ưu tiên trả nợ ngân hàng, nông dân chúng tôi sẽ lãnh đủ” - ông H phân tích.
 

Còn theo ông Cao Lương Tri, nông dân có muốn kiện cũng không có tiền đóng án phí: “Người nuôi cá chúng tôi ai cũng bị ngân hàng đòi nợ, án phí hàng trăm triệu đồng, nộp xong cũng chưa chắc gì đòi được nợ thì mất cả chì lẫn chài”.

Công ty vẫn hoạt động bình thường?

Trao đổi với phóng viên, ông Ngô Văn Thu cho biết, hiện công ty vẫn hoạt động bình thường và đang trả nợ dần dần cho nông dân. Theo tài liệu đại hội cổ đông thường niên được công bố cuối tháng 8.2015, khoản lỗ của Công ty CP Việt An hiện trên 900 tỷ đồng. Hiện các chủ nợ của Việt An không liên lạc được với ông Lưu Bách Thảo.
 

Theo nguồn tin của NTNN, Công an tỉnh An Giang đã đề nghị Bộ Công an có văn bản gửi các cơ quan chức năng ở Việt Nam và Mỹ, theo đó tạm thời không giải quyết cho ông Lưu Bách Thảo đăng ký kết hôn với người có quốc tịch Mỹ, chờ giải quyết xong nợ nần ở Việt Nam. Ngoài ra, 8 ngân hàng cho ông Thảo vay. Ông Đ.V.H - chủ khoản nợ 87 tỷ đồng nói: “Nếu có doanh nghiệp hay tổ chức nào đủ mạnh giúp Công ty Việt An tái cơ cấu, ngân hàng khoanh nợ thì nông dân chúng tôi mới có đường sống. Trong trường hợp Việt An phá sản, tài sản còn lại sẽ ưu tiên trả nợ ngân hàng thì chúng tôi sẽ rơi vào đường cùng”.
 

Trao đổi với NTNN, ông Võ Nguyên Nam - Chánh Văn phòng UBND tỉnh An Giang cho biết, quan hệ giữa người dân bán cá và Công ty CP Việt An là quan hệ dân sự, Nhà nước không thể can thiệp. Hơn nữa, “chủ nợ” của công ty này là người ở nhiều địa phương, cũng chưa có ai tranh chấp nên tỉnh chỉ nắm chung tình hình chứ chưa nắm bắt cụ thể, cũng chưa thể có biện pháp gì hỗ trợ... 

Một số vụ doanh nghiệp nợ tiền mua cá

Ngày 27.8.2013, hàng chục hộ dân nuôi và bán cá tra kéo đến Công ty Chế biến thủy sản Sông Hậu ở phường Thới Hưng, huyện Cờ Đỏ để tìm gặp Ban giám đốc công ty yêu cầu giải quyết số nợ quá hạn kéo dài từ mấy tháng qua. Trong đơn yêu cầu gửi cơ quan chức năng TP.Cần Thơ, có 18 hộ đồng ký tên với tổng số nợ tiền mua cá tra của Công ty Chế biến thủy sản Sông Hậu hơn 38,5 tỷ đồng. Sau đó có thêm 5 hộ bán cá tra bổ sung ghi thêm vào danh sách đòi nợ, tổng số nợ tiền cá của công ty tăng lên hơn 41 tỷ đồng. Đó là chưa kể số tiền nợ của một số hộ dân chưa ghi tên vào đơn yêu cầu đòi nợ, vì còn hy vọng phía công ty sẽ thu xếp trả được.

Giữa năm 2014, ông Lưu Văn Lợi - người nuôi cá tra ở xã Đa Phước, huyện An Phú, tỉnh An Giang - phải tất tả ngược xuôi nhiều tháng đi đòi nợ doanh nghiệp mua cá tra của ông. Ông Lợi cho biết đầu năm 2014, ông bán cá tra nguyên liệu cho Công ty CP An Xuyên (trụ sở đóng tại phường Mỹ Quý, TP.Long Xuyên, tỉnh An Giang) với tổng số tiền hơn 4 tỷ đồng. Sau nhiều lần trả tiền dây dưa,  công ty này vẫn còn “ngâm” của ông hơn 800 triệu đồng. Cùng hoàn cảnh, ông Dương Văn Thành - ngụ xã Vĩnh Khánh, huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang cũng bán cá tra cho Công ty An Xuyên với tổng số tiền hơn 4 tỷ đồng, sau đó phía công ty chỉ trả cho ông Thành 450 triệu đồng.

Tháng 3.2012, hàng chục nông dân nuôi cá đã kéo đến nhà bà Phạm Thị Diệu Hiền -  Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Công ty Thủy sản Bình An (Bianfishco) đòi tiền bán cá. Thời gian đó, bà Hiền đã đã ra nước ngoài để chữa bệnh, trong khi công ty đang nợ hàng trăm tỷ đồng tiền mua cá của nông dân. Sau đó, Bianfishco xác nhận còn nợ 45 hộ dân tiền mua cá, tổng trị giá là 261 tỷ đồng... 


Nguồn: Theo Danviet.vn
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

ĐBSCL: Mua tạm trữ 760.000 tấn gạo