Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Cao Đức Phát thừa nhận có thực tế là trồng rừng thay thế dự án thủy điện có chậm tiến độ.
Tại buổi chất vấn đầu tiên của Kỳ họp thứ 10, QH XIII sáng nay (16/11), đại biểu Tô Văn Tám (Kon Tum) nêu thực tế, về vấn đề thực hiện trồng rừng thay thế theo Nghị quyết số 52/2013 của Quốc hội về chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 5. Báo cáo số 67 ngày 10/11/2015 của Chính phủ cho thấy Chính phủ các bộ, ngành trung ương đã chỉ đạo và triển khai một cách tích cực như đã có các Chỉ thị số 02, Quyết định số 289 đã chỉ đạo các chủ dự án nộp quỹ bảo vệ rừng 323.321.000.000 đồng, ngân sách nhà nước cũng đã được quam tâm bố trí cho việc này.
Tuy nhiên, kết quả trồng rừng thay thế đạt được còn thấp. Trong tổng số 68.209ha rừng phải trồng thay thế đến ngày 20/10/2015 mới trồng được 21.971ha, đạt 32%. Trong đó, đối với diện tích rừng trồng thay thế bởi các dự án thủy điện mới đạt được 6.892ha trong tổng số 21.621ha rừng phải trồng, đạt 46%. Số diện tích rừng thay thế bởi các dự án chuyển sang mục đích kinh doanh đạt 37%. Các dự án chuyển sang mục đích xây dựng công trình công cộng trồng rừng thay thế mới đạt 16%.
Tại sao đã có chủ trương, có sự lãnh đạo, chỉ đạo của Chính phủ, các bộ, ngành đã bố trí cơ bản các nguồn lực mà tiến độ kết quả triển khai thực hiện trồng rừng thay thế không đạt như mong đợi?
Nguyên nhân do nhiều dự án đã hoàn thành, nhiều ban quản lý dự án đã giải thể, nhiều chủ đầu tư không bố trí được kinh phí để trồng rừng thay thế do trước đây dự án không xây dựng dự toán trong dự án. Một số dự án đang nghiệm thu quyết toán, chủ đầu tư đã bàn giao hoặc sang nhượng cho đơn vị khác quản lý nên khó xác định được nguồn vốn, đây có thể được cho là nguyên nhân khách quan.
Tuy nhiên, vấn đề đặt ra và quan tâm đó là tại sao khi xem xét, phê duyệt dự án hay khi nghiệm thu quyết toán không phát hiện ra lỗ hổng này, hay vì lý do gì mà dự án vẫn được triển khai thực hiện, vẫn được nghiệm thu quyết toán, trách nhiệm này thuộc về cơ quan, đơn vị, cá nhân nào cũng cần phải được làm rõ. Đối với những trường hợp này sẽ giải quyết vấn đề vốn cho trồng rừng thay thế như thế nào?
Trả lời vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Cao Đức Phát thừa nhận có thực tế là trồng rừng thay thế dự án thủy điện có chậm tiến độ, trong đó có nguyên nhân một số doanh nghiệp báo cáo do trước đây khi xét duyệt dự án không nhắc đến dự toán kinh phí nên xảy ra tình trạng nhiều doanh nghiệp không có tiền để làm. Những giai đoạn trước, chúng ta thực hiện duyệt dự án thủy điện trước rồi sau đó, nhất là khi Quốc hội nhắc mới rà soát lại, xiết chặt việc trồng rừng thay thế. Chúng tôi đã yêu cầu DN phải thực hiện đúng luật, rất nghiêm túc.
Phải siết chặt lại quy định về việc đăng ký những tên thuốc
Giải đáp chất vấn của đại biểu Nguyễn Văn Tuyết (Bà Rịa - Vũng Tàu) về Thông tư 21 về quản lý thuốc bảo vệ thực vật, Bộ trưởng Phát cho biết: Trước khi thông tư này ban hành ở nước Việt Nam Bộ đã cho lưu hành 4.100 tên thuốc bảo vệ thực vật với 1.700 hoạt chất, chúng tôi thấy số lượng này nhiều quá, bà con nông dân gặp khó khăn, cán bộ quản lý cũng gặp khó khăn khi chọn thuốc cho những bệnh và những cây trồng của mình, số 4.100 này cũng có nghĩa là với cùng một bệnh trên cùng một cây trồng những có rất nhiều loại thuốc khác nhau và nhiều khi thì hàm lượng cũng chỉ chênh nhau một chút hoặc người ta cho thêm một loại gì đó vào và lại đặt một tên khác mà tên thì đặt bao giờ nghe không phải là tiếng Việt, phần lớn tên ngay cả cán bộ chuyên ngành cũng rất khó nhớ. Vì thế, để chấn chỉnh lại tình hình này chúng tôi chủ trương phải siết chặt lại và trong siết chặt lại đó có việc quy định về việc đăng ký những tên thuốc.