|
Ảnh minh họa |
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn Cao Đức Phát cũng thừa nhận người nông dân khó làm giàu từ trồng lúa bởi số tiền lãi của mỗi hộ rất thấp. Theo bộ trưởng, để một hộ trồng lúa sống được thì diện tích trồng phải hơn 2ha, nhưng ở Việt Nam có tới 9,3 triệu hộ nông dân mà diện tích đất lúa chỉ 4,2 triệu ha, bình quân mỗi hộ chỉ có chưa đến 0,5 ha. Trong khi đó, thu nhập của người nông dân trên mỗi ha chỉ khoảng 6 triệu đồng.
Về giống, đa số bà con vẫn lựa chọn lúa IR 50404 để gieo sạ. Tại thị trấn Bảy Ngàn (huyện Châu Thành A, Hậu Giang), trên 70% hộ ND dùng giống lúa IR 50404. Bà con cho biết, ở vụ đông xuân, lúa IR 50404 có năng suất khá cao (đạt khoảng 10 tấn/ha), có thể lãi từ 5-6 triệu đồng/ha/vụ. Ở hai vụ sau (hè thu, thu đông), lãi khoảng 3 triệu đồng/ha/vụ. Nếu một gia đình canh tác 1,5ha lúa, tính cả năm cũng chỉ lãi được khoảng 12 triệu đồng.
Nguyên nhân bà con vẫn lựa chọn lúa IR 50404 để gieo sạ dù không đem lại lợi nhuận cao là do thói quen canh tác từ lâu đời. Ngoài ra, đây là giống dễ trồng, ít sâu bệnh, có thời gian sinh trưởng ngắn, rất thích hợp với nơi có điều kiện sản xuất lúa vụ 3 (vụ thu đông) và thích hợp cho người dân vùng nông thôn khi khó tiếp cận những kỹ thuật sản xuất mới.
Về giá cả, so với lúa chất lượng cao OM 5451 giá 4.450 đồng/kg, lúa IR 50404 có giá 4.200 đồng/kg, thấp hơn vài trăm đồng nhưng dễ trồng, yên tâm hơn nên bà con vẫn lựa chọn. Tuy nhiên, giá vật tư nông nghiệp, giá thuê máy gặt đập liên hợp thu hoạch lúa ngày càng tăng nên vài năm tới cuộc sống của bà con sẽ ngày càng khó khăn hơn.
Theo người dân, loại giống lúa IR 50404 không những dễ trồng mà năng suất cũng khá cao, cao hơn cả giống lúa chất lượng cao. Hiện năng suất vụ đông xuân lúa IR 50404 từ 8-10 tấn/ha; trong khi đó lúa chất lượng cao như OM 5451 khó trồng hơn và năng suất chỉ từ 7-9 tấn/ha. Trong khi đó, thời gian sinh trưởng lúa IR 50404 ngắn (85-90 ngày), bà con sẽ có thời gian làm lúa vụ 3, còn lúa chất lượng cao thì dài ngày hơn (đa số trên 90 ngày), có thể làm không kịp vụ 3.
Tuy nhiên giá cả lúa IR 50404 cũng rất bấp bênh. Những vụ trước đây, lúa IR 50404 có giá thấp hơn lúa chất lượng cao chỉ từ 200-250 đồng/kg nhưng bù lại năng suất cao hơn khoảng 100 kg/công (1.000m2). Vụ hè thu năm 2015 vừa qua, lúa IR 50404 có giá thấp hơn lúa chất lượng cao từ 250-350 đồng/kg.
Ngoài lúa IR 50404, khoảng 3 năm trở lại đây, nhiều người dân vùng ĐBSCL, nhiều nhất là Vĩnh Long, Trà Vinh, Bến Tre… đã ồ ạt gieo sạ lúa Ma Lâm 202 (cũng là lúa có phẩm chất thấp, hạt tròn, có thời gian sinh trưởng khoảng 92 ngày). Nguyên nhân là do loại giống lúa này cho năng suất khá cao (có thể đạt 10 tấn/ha), dễ canh tác, ít sâu bệnh. Đây là loại lúa có phẩm chất thấp, các thương lái mua chỉ bán cho các cơ sở sản xuất bột, làm hủ tiếu, bún, bánh canh, nấu rượu...
Theo Sở NNPTNT các địa phương vùng ĐBSCL, từ nhiều năm qua, sản lượng lúa tăng nhanh, từ 14 triệu tấn/năm lên đến 25 triệu tấn/năm, sản lượng gạo xuất khẩu cũng không ngừng tăng theo. Tuy nhiên, giá trị không tăng tương ứng, theo đó người trồng lúa không thể giàu lên được. Nếu tính đủ 30% lợi nhuận cho người trồng lúa, mỗi nhân khẩu sản xuất lúa ở ĐBSCL có thể đạt mức lãi 3,8 triệu đồng/năm (khoảng 317.000 đồng/tháng), tức dưới cả ngưỡng nghèo (400.000 đồng/tháng).
Theo thống kê, năm 2015, các tỉnh phía Nam gieo sạ khoảng 4,67 triệu ha lúa, giảm hơn 13.100ha so với cùng kỳ năm trước. Mặc dầu vậy, sản lượng lúa năm nay vẫn tăng khoảng 67.000 tấn, đạt mức 27,5 triệu tấn do năng suất tăng hơn 0,3 tạ/ha so với năm 2014.
Tại Nghệ An, trong vụ xuân năm 2015, tổng chi phí bà con nông dân đã bỏ ra để đầu tư cho 1 sào lúa hết 1.452.000đ đối với những hộ gieo cấy các giống lúa lai và hết 1.316.500 đồng đối với các hộ gieo cấy các giống lúa thuần. Kết thúc thu hoạch vụ lúa xuân 2015, lúa lai doanh thu đạt 1.675.000 đồng, tỉ lệ lãi 15,35%. Lúa thuần doanh thu 1.830.000 đồng, tỉ lệ lãi 39,00%.
Vụ hè thu vừa qua, các địa phương báo cáo diện tích lúa chất lượng thấp chiếm khoảng 30% diện tích được gieo sạ, nhưng thực tế diện tích này cao hơn nhiều.
Theo Bộ NNPTNT, Việt Nam hiện duy trì diện tích sản xuất lúa khoảng 3,8-3,9 triệu ha với diện tích canh tác hàng năm là 7,2-7,3 triệu ha, đạt sản lượng tới 45 triệu tấn thóc (lúa), trong đó mỗi năm xuất khẩu khoảng 14-15 triệu tấn (7-8 triệu tấn gạo).
Nguyên nhân khiến nhà nông ở các tỉnh, thành vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) dù có nhiều ruộng vẫn nghèo sau hàng chục năm cày xới trên mảnh đất của mình đã được các chuyên gia nông nghiệp chỉ ra là do không chú trọng chất lượng, chạy theo sản lượng, lựa chọn giống chất lượng thấp (IR 50404, Ma Lâm 202, OM 576…) để gieo sạ.
Giá thành sản xuất lúa hiện nay của bà con nông dân làm ra khá cao do nhiều nguyên nhân đem lại như: Giá vật tư các loại đầu tư vào sản xuất cao, giá ngày công lao động hiện nay tăng gấp 2 lần so với cách đây 3 năm. Trong khi đó gia lúa gạo thị trường tự do quá thấp và càng đầu tư thâm canh càng cao thì người sản xuất lúa gạo càng lỗ, do năng suất lúa cao có giới hạn nhất định.
Nhiều năm qua, việc sản xuất lúa gạo ở nước ta chủ yếu vẫn chú trọng năng suất. Những giống lúa năng suất dưới 5 tấn/ha sẽ không được lựa chọn. Trong khi đó, tại Thái Lan và nhiều nước khác thì hoàn toàn ngược lại. Họ không quan trọng năng suất, họ có thể chọn giống năng suất thấp nhưng chất lượng cao.
Để giảm bớt khó khăn cho người trồng lúa, Thủ tướng Chính phủ đã có chủ trương giao cho Bộ NN & PTNT cùng với các doanh nghiệp kinh doanh lúa gạo phải mua lúa gạo cho nông dân với giá cả đảm bảo nông dân có lãi từ 30% trở lên. Trong thực tế sản xuất hiện nay rất khó để người nông dân sản xuất ra lúa gạo có lãi từ 30% trở lên do nhiều nguyên nhân khác nhau đem lại.
Chính phủ đã ban hành Nghị định 42/2012/NĐ-CP về việc hỗ trợ 500 ngàn đồng/ha/năm đối với người trực tiếp trồng lúa, 500 ngàn đồng/ha/năm để xã xây dựng hạ tầng phục vụ nông nghiệp, nông thôn. Tuy vậy, khi đi vào thực hiện nghị định này thì vẫn gặp không ít khó khăn. Do vậy, ngày 1-7-2015, Chính phủ đã ban hành Nghị định 35/2015/NĐ-CP về quản lý, sử dụng đất trồng lúa. Theo đó, Ngân sách Nhà nước sẽ hỗ trợ địa phương sản xuất lúa 1 triệu đồng/ha/năm đối với đất chuyên trồng lúa nước. Đây được xem là chính sách ưu đãi nhất đối với các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân để khuyến khích việc phát triển cây lúa; đồng thời động viên người trồng lúa không chỉ giữ vững mà còn tăng diện tích.
Ngoài ra, theo kết quả nghiên cứu sản xuất theo mô hình 3 giảm 3 tăng (SRI) của Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Nghệ An trong 3 năm qua cho thấy người sản xuất lúa có thể thu được lãi nặng từ 30 - 50% trở lên không khó nếu biết giảm chi phí đầu tư không cần thiết để nâng cao hiệu quả sản xuất lúa hiện nay như: Giảm lượng phân đạm Urê bón cho cây lúa từ 12 kg/sào xuống còn 9 - 10 kg đối với lúa vụ xuân và 7 - 8 kg đối với lúa hè thu - vụ mùa; Giảm lượng giống gieo cấy hiện nay từ 1,5 - 2 kg/sào đối với lúa cấy xuống còn 1 - 1,2 kg thóc giống và từ 2,5 - 3 kg thóc giống đối với lúa gieo sạ, xuống còn 2 - 2,5 kg; Giảm lượng nước tưới bằng cách áp dụng phương pháp tưới nông - lộ - phơi thay cho việc tưới nước tự do, tưới nước ngập thường xuyên; Giảm lượng thuốc phòng chống các loại sâu bệnh.
Theo tính toán, nếu bà con nông dân thực hiện tốt quy trình sản xuất thâm canh từ việc gieo cấy hạt giống có thất lượng tốt, có phẩm chất cấy gạo ngon, gieo cấy đảm bảo đúng thời vụ, chăm sóc phòng trừ sâu bệnh tốt thì không những đạt được 3 tăng: tăng năng suất, tăng hiệu quả sản xuất và tăng chất lượng sản phẩm. Đồng thời còn tiết kiệm được chi phí đầu tư không cần thiết vào sản xuất lúa khoảng từ 90.000 - 110.000 đồng/sào (1.800.000 - 2.200.000 đồng/ha/vụ) và như vậy sẽ làm tăng giá trị thu nhập của người nông dân trồng lúa lên 38% lãi ròng đối với gieo cấy các giống lúa lai và xấp xỉ 50% đối với các hộ nông dân gieo cấy các giống lúa thuần chất lượng khá.
Đã đến lúc người nông dân trồng lúa không thể sản xuất theo tập quán canh tác, mà phải sản xuất theo đúng quy trình hướng dẫn để không ngừng nâng cao hiệu quả sản xuất. Đặc biệt trong bối cảnh hội nhập kinh tế khu vực khối Asean thì việc chọn giống lúa có chất lượng cơm gạo ngon, năng suất khá để sản xuất và sản xuất đúng quy trình nhằm hạ giá thành sản phẩm, nâng cao hiệu quả sản xuất, đủ sức cạnh tranh với lúa gạo chất lượng cao, giá thành hạ của các nước trong khu vực là việc làm rất cần thiết ngay từ bây giờ nhằm giữ vững thị trường lúa gạo trong thời gian tới.