Biến đổi khí hậu “gõ cửa” làng quê: Nước tưới thành thứ... xa xỉ
17:10 - 11/12/2015
Từ hơn 1 năm qua, Ninh Thuận và Bình Thuận được coi là “điểm nóng” của cả nước về hạn hán. Giờ đây, để có thể canh tác, cấy lúa, người nông dân đang phải tiết kiệm từng giọt nước, bởi nước giờ đã trở thành thứ xa xỉ ở vùng duyên hải Nam Trung Bộ này.

Trồng cỏ thay lúa

Từ cuối tháng 10, những trận mưa lớn liên tiếp đổ xuống vùng tâm hạn Thuận Nam của tỉnh Ninh Thuận. Tuy đã có nước, nhưng người dân nơi đây vẫn lo ngại nước chỉ đủ để xuống giống ban đầu, nên nhiều người chỉ dám trồng lúa ở diện tích nhỏ, còn lại chuyển sang trồng cỏ.

Anh Từ Công Chu (xã Phước Nam, huyện Thuận Nam) trồng cỏ nuôi cừu. Ảnh: Tuy Ninh

 

Anh Kiều Văn Khánh (thôn Văn Lâm 1, xã Phước Nam) có 3 sào ruộng. Vụ này anh quyết định chỉ trồng 1 sào lúa, còn lại 2 sào để trồng cỏ. Vừa cấy xong 2 sào cỏ Tây trên chân ruộng lấp xấp nước, anh Khánh cho biết: “Nếu trồng lúa, khoảng 2 tháng nữa không có nước thì sẽ mất trắng, nên tôi chỉ dám trồng cỏ”.

Tương tự anh Khánh, có đất trồng lúa nhưng không chủ động được nguồn nước tưới, ông Từ Công Chu (thôn Văn Lâm 3, xã Phước Nam) vừa được địa phương hỗ trợ 4kg hạt giống cỏ để chuyển đổi cây trồng. Vụ trước gia đình ông Chu đã trồng 1 sào cỏ chăn nuôi, nay được hỗ trợ hạt giống, ông tiếp tục mở rộng  diện tích trồng cỏ lên 2 sào.

Ông Đạt Chung Vui - cán bộ nông nghiệp xã Phước Nam cho biết: “Chúng tôi đã đến từng hộ dân để vận động, chỉ sản xuất lúa ở những vùng có nước. Còn những khu vực không chủ động được nước, thì chuyển qua trồng cỏ và ngô để phục vụ phát triển chăn nuôi”.

Dự kiến, trong vụ đông xuân sớm năm nay, vùng tâm hạn Thuận Nam có 1.800ha đất đưa vào sản xuất. Nguồn nước chính phụ thuộc vào hồ Tân Giang hiện chỉ mới dự trữ được khoảng 12 triệu m3 nước, chưa đạt dung tích thiết kế.

Ông Trần Quốc Hoàn - Trưởng phòng NNPTNT huyện Thuận Nam  cho biết, tới đây mưa không còn nhiều, do vậy nguồn nước dự trữ có khả năng không đảm bảo cung cấp cho hoạt động sản xuất lúa của vùng tâm hạn này. “Chúng tôi đang quyết liệt vận động, chỉ đạo các xã vận động bà con nhân dân chuyển đổi mạnh diện tích đất lúa sang làm các cây màu ít sử dụng nước như: Ngô, đậu, cỏ…”- ông Hoàn nói.

Chỉ riêng vùng tâm hạn Thuận Nam đã phải chuyển đổi 1.000/1.800ha sang cây trồng khác. Từ nguồn kinh phí chống hạn, huyện Thuận Nam tiếp tục hỗ trợ giống ngô lai và cỏ cho nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng.

“Dè xẻn” từng giọt nước cho cây lúa

Hai xã Vĩnh Hảo và Vĩnh Tân (huyện Tuy Phong) là khu vực chịu thiệt hại nặng nề  nhất do thời tiết khắc nghiệt kéo dài suốt 2 năm qua tại Bình Thuận. Nhờ có kênh tiếp nước Lòng Sông – Đá Bạc dài 16km vừa hoàn thành, hồ Đá Bạc đã có đủ nguồn nước cung cấp cho nông dân địa phương sản xuất vụ đông xuân sau 5 vụ bỏ hoang liên tiếp, song thực tế lượng nước cũng đang rất có hạn.

" Nếu trồng lúa, khoảng 2 tháng nữa không có nước thì sẽ mất trắng, nên tôi chỉ dám trồng cỏ”.
Anh Kiều Văn Khánh

 

Cũng do lượng nước trong hồ Đá Bạc có hạn (khoảng gần 3,8 triệu m3), nên dù đã tới vụ sản xuất, nông dân chỉ dám dùng dè xẻn. Ông Phan Khắc Phong (thôn Vĩnh Sơn, xã Vĩnh Hảo) nói: “Mình ở trên nguồn lấy vừa đủ thôi, nếu lấy quá, bà con ở cuối nguồn sẽ không có nước sản xuất. Khổ thì khổ chung, sướng cũng sướng chung”.

Còn theo ông Nguyễn Anh Tuấn - Phó Chủ tịch UBND xã Vĩnh Hảo, nguồn nước hiện nay khan hiếm, do vậy để tiết kiệm, xã đã có kế hoạch phối hợp Công ty Thủy lợi triển khai phân phối từng đợt lấy nước cho phù hợp”.

Là huyện khô hạn nhất tỉnh, căn cứ trên nguồn nước tích trữ được tại 3 hồ Phan Dũng, Sông Lòng Sông và Đá Bạc, huyện Tuy Phong đã lên kế hoạch sản xuất 2.200ha lúa đông xuân. Ở những nơi không chủ động được nguồn nước thủy lợi, huyện đã buộc phải cắt sản xuất lúa, chuyển qua trồng cây màu và các loại cây chịu hạn.

Ông Nguyễn Trung Thông - Phó Phòng nông nghiệp huyện Tuy Phong cho hay: “Hiện nay, mặc dù tính toán cho sản xuất đông xuân 2015-2016, nhưng chúng tôi cũng đã định hướng cho vụ hè thu 2016. Bởi vì chúng tôi không cân đối trước, khả năng sau này sẽ khó khăn về nước. Ưu tiên của chúng tôi trước mắt đối với diện tích lúa và hoa màu, khi bố trí sản xuất, phải đảm bảo nước cho bà con sản xuất, không để thất thu”.

Theo Chi cục Thủy lợi Bình Thuận, năm nay mưa đến trễ, lượng mưa thấp và phân bổ không đồng đều giữa các vùng, dẫn đến lượng dòng chảy trên các sông, suối tự nhiên trên địa bàn đều ở mức thấp hơn trung bình nhiều năm. Đến nay, các hồ chứa trong toàn tỉnh chỉ tích được 197 triệu m3 (đạt khoảng 91,2% thiết kế), thấp hơn so với cùng kỳ 5,56 triệu m3.

Hai hồ thủy điện Hàm Thuận và Đại Ninh mới tích được 527 triệu m3, thấp hơn cùng kỳ tới 235 triệu m3, nhất là hồ thủy điện Đại Ninh hiện mới tích được khoảng 114 triệu m3, chỉ đạt 40% thiết kế. Do vậy sẽ hụt nguồn nước tưới cho vùng hạ du Đại Ninh, đồng bằng Phan Rí – Phan Thiết, huyện Bắc Bình cũng như bổ sung nước cho huyện Hàm Thuận Bắc.

Để tránh thiệt hại cho vụ sản xuất tới, ngoài đề xuất giảm hơn 13.000ha lúa đông xuân tại 2 huyện Bắc Bình và Hàm Thuận Bắc, Chi cục Thủy lợi tỉnh Bình Thuận đã phải giải pháp cân đối lại nguồn nước trên toàn hệ thống. Ông Phạm Văn Tuyền - Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh Bình Thuận cho biết: “Chúng tôi thường xuyên làm việc với các trạm, xí nghiệp cũng như chính quyền các địa phương thông tin về nguồn nước để các địa phương có kế hoạch sản xuất cho phù hợp, đảm bảo nguồn nước cân đối trên các công trình thủy lợi hiện có”.

Căn cứ trên lượng nước hiện có ở 16 hồ chứa thủy lợi và 2 hồ thủy điện, Công ty Khai thác Công trình Thủy lợi Bình Thuận đã xây dựng kế hoạch tưới cho 47.981ha diện tích vụ đông xuân trên toàn tỉnh. Trong đó, lúa và hoa màu là 33.245ha; thanh long 17.736ha. 

  Chi cục Thủy lợi tỉnh Bình Thuận khuyến cáo nông dân địa phương không nên dùng quá lượng nước các trạm thủy nông cung cấp. Ngoài việc sử dụng nước tiết kiệm, nông dân Bình Thuận cũng cần tuân thủ kế hoạch sản xuất của địa phương nhằm tránh thiệt hại do thiếu nước gây ra. 


Tuy Ninh
Nguồn: Danviet.vn
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

ĐBSCL: Mua tạm trữ 760.000 tấn gạo