Nghề nuôi tôm hùm ở tỉnh Khánh Hòa phát triển “nóng” trong những năm gần đây đã phát sinh nhiều bất cập...
|
Người nuôi tôm hùm Khánh Hòa đang lao đao |
Đảo Bình Ba, xã Cam Bình, TP Cam Ranh hiện có khoảng 700 hộ nuôi 4.000 lồng tôm hùm với diện tích 300 ha, hàng ngày thải ra môi trường hơn 1 tấn rác thải từ vỏ sò, ốc, thức ăn thủy sản...
Đây là tác nhân khiến môi trường ô nhiễm, dịch bệnh trên tôm bùng phát. Đặc biệt, vụ nuôi năm 2012-2013, bệnh trên tôm xuất hiện trở lại đã gây thiệt lớn cho người nuôi với số lồng có tôm bị bệnh chiếm gần 90%.
Vì vậy để bảo vệ môi trường nuôi, UBND xã đã phối hợp các ban ngành, đoàn thể đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, khuyến khích nuôi thả với mật độ hợp lý, không tăng thêm số lượng lồng, bè nuôi, đảm bảo khoảng cách đúng theo quy hoạch, nhất là thu gom rác thải đúng nơi quy định.
Ông Trần Văn Hóa, Chủ tịch UBND xã Cam Bình cho biết: “Nhận thức cao về việc bảo vệ môi trường nuôi là cấp thiết, từ năm 2012 chúng tôi đã thành lập 16 tổ tự quản và 3 tổ hợp tác nuôi tôm. Các tổ hướng dẫn các thành viên thu gom rác thải từ các lồng bè trên biển đưa vào đảo để xử lý chôn lấp hoặc tiêu hủy. Đồng thời chúng tôi thường xuyên mời các cơ quan chức năng về tuyên truyền, phổ biến áp dụng tiến bộ kỹ thuật trong nuôi tôm”.
Vịnh Vân Phong, huyện Vạn Ninh là nơi nuôi tôm hùm nhiều nhất tỉnh. Để bảo vệ môi trường nuôi, chính quyền địa phương đang thành lập các tổ quản lý cộng đồng, khuyến cáo người nuôi thu gom thức ăn dư thừa cho tôm vào bờ để tiêu hủy...
Ông Trần Văn Hồng, với kinh nghiệm hơn 15 năm nuôi tôm hùm ở xã Vạn Thạnh chia sẻ, để chủ động phòng ngừa dịch bệnh cho tôm hùm nuôi và hạn chế gia tăng ô nhiễm, cần tăng cường quản lý thức ăn tôm không để dư thừa gây ô nhiễm nguồn nước; đồng thời thường xuyên vệ sinh lồng nuôi, bổ sung định kỳ vitamin và khoáng chất vào thức ăn cho tôm nhằm tăng cường sức đề kháng.
Chi cục Nuôi trồng thủy sản Khánh Hòa đang tái cơ cấu nghề nuôi tôm hùm, trong đó tập trung hoàn thiện quy hoạch chi tiết mặt nước để nuôi ở các vịnh, đầm; xây dựng rạn nhân tạo ở vịnh Nha Trang nhằm bảo vệ tôm hùm con trong tự nhiên; xây dựng mối liên kết giữa người nuôi với các đơn vị cung cấp đầu vào như con giống, thức ăn… và DN thu mua, sơ chế, chế biến; chú trọng đa dạng hóa thị trường xuất khẩu. |
Mặc dù nghề nuôi tôm hùm ở Khánh Hòa mang lại hiệu quả cao cho người nuôi, nhưng đến nay vẫn chưa có thương hiệu, thiếu sự liên kết giữa người nuôi và DN chế biến - xuất khẩu theo chuỗi giá trị.
Trong khi đó, giá tôm hùm thường biến động theo mùa và phụ thuộc chủ yếu vào thị trường Trung Quốc. Đầu năm 2014, giá tôm hùm thương phẩm gần 2,5 triệu đồng/kg, sau đó giảm dần và nay chỉ còn 1,3-1,4 triệu đồng/kg khiến người nuôi gặp khó khăn.
Tại hội thảo “Phát triển tôm hùm bền vững khu vực miền Trung” do Bộ NN-PTNT tổ chức vừa qua tại TP Nha Trang, TS Mai Duy Minh, Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản 3 cho rằng, cần tổ chức nuôi tôm hùm theo quy trình VietGAP, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm kết hợp quảng bá để đăng ký thương hiệu.
Đồng thời thu hút DN tham gia xây dựng hệ thống phân phối tôm hùm tươi sống, bao gồm các điểm thu mua, lưu giữ trước khi giao cho các cơ sở phân phối để tạo sản phẩm sạch, đảm bảo chất lượng và bán được giá.
Bên cạnh đó, vấn đề con giống cũng đang được đặt ra cấp thiết khi tái cơ cấu nghề nuôi tôm hùm ở Khánh Hòa, bởi con giống khai thác tự nhiên chỉ đáp ứng được 30-40%, còn lại chủ yếu nhập khẩu con giống từ nước ngoài như Singgapore, Malaysia…
Anh Nguyễn Quốc Huy, một người nuôi tôm hùm ở xã Cam Bình cho biết, do khan hiếm nên hiện giá tôm hùm giống lên đến 400.000 đồng/con (gấp gần 2 lần so với những năm trước đây)...