Cam Xã Đoài nức tiếng lưu truyền trong dân gian từ lâu, nhiều người chỉ ước được một lần nếm thử.
|
Ông Hưởng đã thành công với việc phục tráng thành công giống cam Xã Đoài |
Cam Xã Đoài là giống cam quý chỉ thực sự ngon khi được trồng trong điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu tại 3 xã Nghi Diên, Nghi Hoa (Nghi Lộc), Hưng Trung (Hưng Nguyên), tỉnh Nghệ An...
Giống cam quý này đang bị mai một, công tác phục tráng rất khó khăn. Chúng tôi tìm về Nghi Diên (Xã Đoài) nghe các bậc cao niên kể chuyện phục tráng cùng những câu chuyện thú vị về giống cam quý.
Cam Xã Đoài chín rộ vào đúng dịp Tết Nguyên đán. Từ đầu năm âm lịch các vườn cam Xã Đoài đã nhộn nhịp khách đến đặt cọc tiền mua cam. Họ thỏa thuận với nhau, đến cuối năm đích thân khách hàng đến tận vườn thu hái. Chủ vườn chỉ việc ngồi đếm quả, tính tiền.
Hiện chưa có tư liệu nào khẳng định về nguồn gốc của giống cam Xã Đoài. Ngay cả thông tin cho rằng giống cam được một vị giáo sĩ phương Tây nhậm chức tại giáo phận Xã Đoài đã trực tiếp mang sang đây trồng thử nghiệm cũng chỉ là những câu chuyện truyền miệng trong dân gian.
Những câu chuyện kể thú vị, hấp dẫn về nguồn gốc cam Xã Đoài càng khiến giống cam này trở nên nổi tiếng.
Họ kể, cách đây khoảng 170 năm, Giáo phận Vinh được thành lập, lấy trung tâm là Tòa Giám mục Xã Đoài, đóng tại địa bàn xã Nghi Diên.
Một giáo sỹ phương Tây sang đây truyền đạo Công giáo đã mang theo giống cam từ xứ sở bò tót Tây Ban Nha về trồng thử nghiệm tại khu đất cạnh Tòa Giám mục Xã Đoài, thuộc xóm 8, 9 ngày nay.
Mối nhân duyên bất ngờ ấy đã mang đến cho vùng đất này những quả cam ngọt, thơm ngon một cách lạ thường. Khi quả cam đầu tiên chín, vị giáo sỹ vừa bóc vỏ đã thấy múi cam vàng óng tựa màu mật ong rừng; nhiều người đứng xa hàng chục mét vẫn cảm nhận được mùi thơm lan tỏa trong không khí.
Khi đưa tép cam vào miệng dường như không phải nhai nuốt mà tự nó tan biến, vị ngọt được lưu giữ trong miệng rất lâu. Ngay cả khi quả cam còn xanh, bóc ăn vẫn không có vị chua.
Vị giáo sỹ hết sức ngỡ ngàng bởi vị thơm ngon đến kỳ lạ của giống cam có xuất xứ từ phương Tây được trồng trên vùng đất Xã Đoài. Tên gọi cam Xã Đoài bắt nguồn từ đó.
Sau này, khi nói về giá trị cam Xã Đoài, nhà thơ Phạm Tiến Duật đã viết: “Cam Xã Đoài mọng nước/ Giọt vàng như mật ong/ Bổ cam ngoài cửa trước/ Hương bay vào nhà trong...”.
Từ chỗ chỉ trồng ở xóm 8, 9, diện tích cam Xã Đoài mở rộng ra toàn xã Nghi Diên và 2 xã lân cận là Nghi Hoa và Hưng Trung. Thời điểm đó, hầu như trong vườn nhà nào cũng dành một khoảnh đất, nhà nhiều có đến dăm bảy sào để trồng giống cam quý này.
Khoảng từ năm 1920-1930, tại Nghi Diên có ông Châu (chưa rõ họ) trồng được 2 ha cam Xã Đoài. Ông Châu mê trồng cam Xã Đoài đến quên ăn, quên ngủ. Vườn nhà ông luôn cho ra những quả cam có hương vị đặc biệt, ngon nhất vùng nên người dân vẫn thường gọi ông là ông Cam Châu.
Tòa Giám mục Xã Đoài liền cử ông đem cam về kinh thành Huế tham dự cuộc thi giới thiệu hoa thơm quả ngọt từng vùng miền. Nhờ đạt giải nhất cuộc thi này, Cam Châu được triều đình nhà Nguyễn phong chức quan đến hàng Cửu phẩm.
Từ đó, cam Xã Đoài nổi tiếng như cồn, không chỉ được ưa chuộng trong Nam, ngoài Bắc mà còn được các giáo sĩ phương Tây đặt mua gửi đi làm quà tận trời Tây, sang tận Tòa thánh Va-ti-căng (Italya).
Mặc dù trải qua hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, nhưng đến năm 1976, tại 3 xã này, cam Xã Đoài vẫn còn khoảng ba trăm ha, người dân ở đây sống chủ yếu nhờ cây cam. Họ thành lập nhiều tổ bạn chuyên vận chuyển cam bằng xe đạp đi vào TP Vinh, ra tận ngoài Bắc để bán.
Giá cam Xã Đoài lúc đó không quá đắt, người dân nhiều vùng miền nhờ đó đã được thưởng thức hương vị đặc trưng của nó. Buôn cam, trồng cam trở thành nghề hái ra tiền cho nông dân các xã phụ cận Xã Đoài.
“Lúc ấy, toàn vùng có tới 300 ha cam, cây nào cũng có tuổi thọ hàng chục năm nhưng không cây nào bị nhiễm sâu bệnh. Nhiều cây to, cổ thụ, muốn hái quả phải bắc thang. Trong ký ức, tôi còn nhớ như in hình ảnh từng đoàn xe thồ hàng tấn cam đi khắp nơi bán, kiếm kế sinh nhai...
Nhưng đến nay, diện tích cam cả 3 xã chỉ còn lại trên dưới vài chục ha, nguy cơ thất truyền là rất cao” – ông Phan Công Hưởng, một người tâm huyết với cây cam Xã Đoài tiếc nuối.
Điều đáng nói, cũng là cam Xã Đoài nhưng một khi đã đưa ra khỏi vườn thì được bán theo trọng lượng, giá cả ngang hàng với những giống cam khác. Nhưng tại vườn, cam lại được bán với đơn vị tính là quả.
Lý giải điều này, người dân Nghi Diên cho biết, vì cam bán với giá cao, để “ăn chắc”, người mua chỉ thực sự tin đó là cam Xã Đoài khi được hái trực tiếp tận vườn, ở những vùng đất thuộc 3 xã trên.
Theo nhẩm tính của người trồng cam nơi đây, mỗi quả cam chỉ nặng khoảng 250g đã được bán bình quân trên dưới 70 nghìn đồng (tương đương 280 nghìn đồng/kg) nhưng vào vụ thu hoạch vẫn không có để bán.
Thường năm sau giá cam lại nhích lên từ 10-15 nghìn đồng/quả so với năm trước. Thế nhưng lượng người đến đặt mua cam Xã Đoài vẫn không ngừng tăng lên.
Ông Phan Công Hưởng, một người có nhiều năm theo đuổi công tác phục tráng cam Xã Đoài tại xóm 8, xã Nghi Diên, cho biết: “Cam Xã Đoài chỉ thực sự có giá trị khi người mua đến tận vườn hái. Đến mùa thu hoạch, các hộ có cam đều phải bảo vệ rất nghiêm ngặt”.
“Năm 2005, cam Xã Đoài được Bộ KH-CN cấp chỉ dẫn địa lý thương hiệu cam Xã Đoài. Theo đó, tổng diện tích được cấp chỉ dẫn địa lý là 300 ha bao gồm 200 ha tại xã Nghi Diên, diện tích còn lại thuộc 2 xã Nghi Hoa và Hưng Trung.
Gần đây, Cục Sở hữu trí tuệ về đặt vấn đề đăng ký quyền sở hữu trí tuệ cho thương hiệu cam Xã Đoài nhưng do sản lượng còn quá ít, diện tích cam chưa đủ để phát triển thành vùng cam hàng hóa nên địa phương hiện chưa làm”
(Ông Nguyễn Quốc Sỹ, Phó Chủ tịch UBND xã Nghi Diên)
|