Người trồng khoai lang gặp khó
09:00 - 22/12/2015
(TNNN)- Khoai lang là loại cây trồng cho hiệu quả kinh tế cao, thuận lợi cho việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp.
Ảnh minh họa

Tuy nhiên, thời gian qua diện tích khoai lang tăng quá nhanh làm cho sản lượng thu hoạch tăng nhiều so với nhu cầu của thị trường, cộng với việc không thực hiện đúng quy trình kỹ thuật đã làm cho chi phí sản xuất tăng cao, chất lượng thấp dẫn đến tình trạng tiêu thụ gặp nhiều khó khăn.
 
Tại Vĩnh Long, vài năm trước đây, vì mức lợi nhuận cao nên nhiều nông dân ở huyện Bình Tân đã đổ xô đi trồng khoai lang, đặc biệt là khoai lang tím Nhật. Thậm chí có người còn đi thuê đất ở những vùng lân cận với giá cao để trồng làm cho diện tích trồng khoai lang ở Vĩnh Long tăng nhanh trong một thời gian ngắn. Trong 6 tháng đầu năm 2015, diện tích trồng khoai lang đạt hơn 9.500ha và cũng từ tháng 5/2015 đến nay giá khoai lang bị sụt giảm nghiêm trọng làm cho nông dân trồng khoai bị lỗ nặng.
 
Khoai lang tím Nhật biến động giá rất lớn, bình quân trong 5 năm qua khoảng 10.000 đ/kg nhưng có thời điểm giá khoai đạt trên 20.000 đ/kg và cũng có lúc chỉ còn dưới 2.000 đ/kg. Nếu ở thời điểm khoai lang có giá trên 10.000 đ/kg thì mỗi héc-ta, người trồng khoai bán được từ 300- 500 triệu đồng. Trừ chi phí từ 150- 200 triệu đồng/ha thì người trồng khoai thu lãi khoảng 100- 300 triệu đồng/ha/vụ, gấp 3- 5 lần so trồng lúa.
 
Tại huyện Tuy Đức (Đắk Nông), vụ hè thu năm nay, nông dân trong huyện trồng khoảng 2.300 ha khoai lang. Tuy giá cả tăng ổn định ở mức cao nhưng nhiều nông dân đang gặp khó khăn do khoai mất mùa, sản lượng giảm mạnh so với các năm trước. Giá khoai hiện cân tại chỗ là 15.000 đồng/kg dù khoai không được đẹp so với năm ngoái, cao hơn hẳn năm ngoái 7.000 – 8.000/kg nhưng cũng không có nhiều hàng để mua.
 
Bà con cho biết, mặc dù giá cao nhưng sản lượng thấp quá nên lãi cũng không đáng kể, đây cũng là tình trạng chung của nhiều hộ dân lân cận. Bên cạnh đó, khoai lang năm nay còn xuất hiện một số loại sâu bệnh gây hại khá nặng nề, như: bệnh thối dây, tím lá, thân bị sâu…
 
Nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng trên là do bà con sử dụng giống và áp dụng kỹ thuật trong quy trình canh tác khoai lang của nông dân chưa thật sự phù hợp, khi nhu cầu sản xuất càng nhiều, giống chất lượng không đủ cung cấp, nhất là đối với giống khoai lang tím Nhật. Việc chọn dây giống thường được cắt từ những ruộng trồng trước đó đã làm cho giống khoai này dễ bị thoái hóa dẫn đến tình trạng dây khoai sinh trưởng kém, sâu bệnh nhiều và năng suất bị sụt giảm. Điển hình như tại huyện Tuy Đức (Đắk Nông), bà con trồng trên đất cũ đã 4, 5 vụ liên tục nên đất giảm độ màu mỡ do không được cải tạo, xen canh. Thêm nữa, giống cũ bị thoái hóa nên năng suất, sản lượng giảm, chất lượng khoai cũng giảm, sâu bệnh tăng lên tại nhiều khu vực.
 
Ngoài ra, nhằm đạt tiêu chuẩn về kích cỡ, kiểu dáng, màu sắc và độ bóng của củ khoai để đạt được phân loại xuất khẩu, người trồng khoai đã đầu tư thâm canh đồng bộ, sử dụng nhiều phân bón và thuốc BVTV để đạt tiêu chuẩn phân loại của thương lái đã vô tình làm cho sản phẩm khoai lang có nguy cơ bị mất an toàn vệ sinh thực phẩm, gây ô nhiễm môi trường. Một số nông dân đã quá lạm dụng canh tác liên tục nhiều vụ khoai mà không luân canh với lúa hoặc không có giải pháp ngâm nước giữa vụ hay việc sử dụng liên tục nhiều loại thuốc BVTV có độ độc cao đã dẫn đến việc lưu tồn và bộc phát của nhiều đối tượng dịch hại nguy hiểm khó phòng trừ hơn.
 
Thị trường tiêu thụ chủ yếu của khoai lang tím Nhật là Trung Quốc. Thương lái thu mua khoai lang thời gian qua đều không có hợp đồng, chỉ thu mua theo thời vụ tại kho bãi, giá cả theo thị trường tại thời điểm thu mua. Đặc biệt các thương lái nước ngoài chỉ tập trung mua giống khoai lang tím Nhật và luôn có sự thay đổi về quy cách làm cho người sản xuất khoai lang không thể nắm được thị trường tiêu thụ, thiếu thông tin về giá cả và đầy rủi ro.
 
Người dân còn tự phát hình thành vùng chuyên canh sản xuất khoai lang quanh năm với chi phí cao về vật tư phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và thuê nhân công lao động trong các khâu cuốc vồng, thu hoạch, vận chuyển... Từ đó đã dẫn đến tình trạng sản xuất khoai lang ở huyện có chi phí giá thành tăng cao (trên 5.000 đ/kg), khi giá bán khoai bị sụt giảm thì người trồng khoai lang bị lỗ nặng.
 
Trong điều kiện giá khoai lang chưa có dấu hiệu phục hồi, ngành nông nghiệp khuyến cáo nông dân không tăng thêm diện tích trồng, cơ cấu canh tác nhiều giống, không trồng khoai tím Nhật quá 60% so tổng diện tích; không trồng khoai lang 2 vụ liên tiếp mà phải bố trí luân canh và rải vụ để giảm áp lực khi thu hoạch rộ;...
 
Căn cứ vào tình hình thực tiễn, hàng năm ngành nông nghiệp cần ban hành kế hoạch sản xuất cụ thể, trong đó có phân chia theo hình thức rải vụ và cân đối tỷ lệ các giống khoai hợp lý, tránh sản xuất tập trung giống khoai tím Nhật. Đồng thời đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật, đẩy mạnh áp dụng cơ giới hóa để giảm chi phí lao động nhất là công cuốc vồng và thu hoạch bằng thủ công.
 
Ngoài ra, việc chọn giống chất lượng và áp dụng quy trình phòng trừ sâu bệnh tổng hợp, chỉ sử dụng thuốc BVTV khi thật cần thiết cũng phải được nông dân thực hiện đồng bộ kết hợp với áp dụng các biện pháp phòng trừ sinh học, hạn chế thấp nhất việc sử dụng thuốc BVTV định kỳ, đảm bảo đúng thời gian cách ly, sản xuất có ghi chép sổ tay nhật ký VietGAP để khoai lang đạt chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm và phải phát triển sản xuất theo hướng sạch, an toàn…

Quang Huy
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

ĐBSCL: Mua tạm trữ 760.000 tấn gạo