Trồng cam cần hướng tới xuất khẩu
15:00 - 22/12/2015
(TNNN)- Trong các cây có múi, cam là loại cây trồng đem lại hiệu quả kinh tế cao. Nhờ cây cam rất nhiều bà con nông dân đã trở nên khá, giàu. 
Ảnh minh họa

Hiệu quả từ trồng cam
 
Tại huyện Cao Phong (Hòa Bình), đến nay, toàn huyện có trên 1.700 ha cam, quýt, bưởi. Năm 2014, sản lượng cam, quýt ở huyện đạt hơn 16.500 tấn, thu nhập bình quân 540 - 670 triệu đồng/ha. Cam Cao Phong ngày càng chứng tỏ ưu thế vượt trội so với các loại cam đặc sản trên thị trường, đẹp mã, mọng nước, có vị ngọt, thơm... Hiện nay, sản phẩm cam Cao Phong được tiêu thụ ở hầu hết các tỉnh, thành phố phía Bắc, có mặt tại một số siêu thị, nhà hàng, nhiều điểm bán, giới thiệu sản phẩm ở Thủ đô Hà Nội; có mặt ở nhiều tỉnh, thành phố miền Trung và miền Nam. Nhiều doanh nghiệp đã liên kết với hộ trồng cam, Công ty TNHH MTV Cao Phong để tiêu thụ sản phẩm. Cam Cao Phong đã giúp người dân bao năm chân lấm tay bùn trở thành tỷ phú, triệu phú.
 
Tại tỉnh Hậu Giang hiện có gần 10.000 ha cam sành, chủ yếu tập trung ở thị xã Ngã Bảy và huyện Châu Thành. Thời gian qua, nông dân trong tỉnh thu lợi nhuận rất cao từ cây cam sành có hạt. Bình quân mỗi ha cam sành vào giai đoạn cho trái rộ có thể giúp cho nhà vườn thu nhập 700 - 800 triệu đồng/năm, có hộ lên đến cả tỷ đồng.
 
Đã có thời kỳ cam sản xuất trong nước xuất khẩu. Từ năm 1960 Nông trường Cao Phong (nay là Công ty TNHH MTV Cao Phong) đã được thành lập để phát triển thành vùng cam, với các giống cam chủ yếu như Xã Đoài, Sông Con và một số giống nhập khác như Naven, Valenxia, hay quýt Ôn Châu… Đến năm 1976, Cao Phong đã có 900ha cam, với sản lượng khoảng 3.000 tấn/năm, trong đó khoảng 50% được xuất khẩu sang Liên Xô trước đây. Thời điểm đỉnh cao của cam Cao Phong là khoảng những năm 1986, khi đó ngoài nông trường, còn có hàng trăm hộ trồng cam. Sản phẩm cam giai đoạn này chủ yếu là xuất khẩu sang Liên Xô, các nước Đông Âu và một phần cung cấp cho thị trường nội địa.
 
Cũng từ những năm 60, 70 của thế kỷ trước, cả nước đã biết tiếng đặc sản cam Minh Hợp của huyện Quỳ Hợp qua Nông trường Xuân Thành (Nay là Công ty TNHH MTV nông nghiệp Xuân Thành). Vào thập niên 80 của thế kỷ XX, cam Xuân Thành đã được xuất khẩu sang Liên Xô (cũ) và nhiều nước Đông Âu.
 
Để hướng tới xuất khẩu cam…
 
Thế giới đang ưa chuộng những loại quả có múi không hạt. Thực tế cho thấy, những nông sản nước ta như bưởi Năm Roi, bưởi da xanh ít hạt và chanh không hạt xuất khẩu sang châu Âu rất tốt. Riêng đối với quả cam hiện vẫn chưa có sản phẩm xuất khẩu. Diện tích trồng cam không hạt chất lượng cao của Việt Nam không nhiều.
 
Vừa qua, tỉnh Hậu Giang đã triển khai trồng thí điểm giống cam sành không hạt nhằm từng bước thay thế cho giống cam sành có hạt đang bị thoái hóa, nhiễm bệnh nhiều. Ngành nông nghiệp tỉnh đã hỗ trợ 100 cây cam sành không hạt đầu dòng từ Viện cây ăn quả miền Nam cho 2 hợp tác xã nông nghiệp tại huyện Châu Thành để nhân giống cung cấp cho nông dân. Từ 100 cây giống đầu dòng này, ngành nông nghiệp huyện Châu Thành sẽ hỗ trợ 4.000 cây giống sạch bệnh cho các nhà vườn trên địa bàn.
 
Khác với cam sành bình thường, cam sành không hạt có vỏ nhìn đẹp mắt, ruột màu cam đậm, vị ngọt lại không có hạt nên được người tiêu dùng ưa chuộng và khả năng xuất khẩu cao. Theo tìm hiểu, cam sành không hạt được trồng ở Tiền Giang, giá bán khoảng 60.000 đồng/kg, cao gấp đôi so với cam sành bình thường. Để đạt hiệu quả khi trồng cam sành không hạt, nhà vườn bắt buộc phải trồng chuyên canh loại cây này, không trồng xen các loại cây có múi khác để đảm bảo tỷ lệ không hạt đạt 100%.
 
Ngoài ra, giống cam đỏ không hạt Cara Cara đã được trồng thử nghiệm thành công ở TP Đà Lạt (Lâm Đồng) cho giá trị kinh tế rất cao. Năm 2012, giống cam này cũng đã được đưa lên vùng Cao Phong để trồng thử nghiệm, nếu cho kết quả tốt, sẽ mở rộng diện tích trồng đại trà.
 
Nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm cam Cao Phong (Hòa Bình), đáp ứng được các tiêu chuẩn để xuất khẩu, huyện Cao Phong đang thực hiện đề án xây dựng thương hiệu cam Cao Phong, giúp dân làm giàu từ vườn cam. Năm 2014, cam Cao Phong được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KHCN) công nhận chỉ dẫn địa lý. Việc phát triển cây cam Cao Phong theo hướng sản phẩm sạch cũng được áp dụng từ 10 năm trở lại đây theo mô hình liên kết giữa doanh nghiệp và nhà nông. Trong đó, doanh nghiệp cung cấp đất, cây giống và phương pháp cho người dân áp dụng.
 
Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện nhiệm kỳ 2015 - 2020 đề ra là ổn định quy mô trên 1.500 ha cam, quýt, sản lượng hằng năm đạt khoảng 22.000 tấn. Trong đó, đặc biệt chú trọng chất lượng sản phẩm. Giải pháp chủ yếu là: Duy trì, giữ vững, phát huy chỉ dẫn địa lý Cao Phong cho sản phẩm cam của huyện đã được công nhận. Mở rộng mô hình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGap từ khâu chọn giống, đến áp dụng khoa học kỹ thuật trong thâm canh và thu hái, bảo quản...

Hà Đức
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

ĐBSCL: Mua tạm trữ 760.000 tấn gạo