Người trồng xoài trăn trở tiêu thụ sản phẩm
13:00 - 23/12/2015
(TNNN)- Xoài là đặc sản trái cây nổi tiếng, đầy tiềm năng, có giá trị kinh tế cao. Điển hình như tại xã Tân Hòa (huyện Thanh Bình, Đồng Tháp), bà con trồng xoài cát Hòa Lộc cho năng suất trung bình 1,5 tấn trái/ha, lợi nhuận khoảng 400 triệu đồng/năm. 
Ảnh minh họa

Hiện diện tích trồng xoài của cả nước khoảng 87 nghìn ha, sản lượng hơn 969.000 tấn/năm. Việt Nam đứng thứ 13 về sản xuất xoài trên thế giới nhưng xuất khẩu xoài thì số lượng quá ít và nằm ngoài tốp 10 nước xuất khẩu xoài. Tuy nhiên, nước ta lại đứng thứ bảy trong số các nước nhập khẩu xoài.
 
Lâu nay việc sản xuất và tiêu thụ xoài của người nông dân vẫn gặp không ít khó khăn do công nghệ sau thu hoạch, chế biến, bảo quản hạn chế, chưa có doanh nghiệp đủ mạnh chuyên về kinh doanh xoài, việc sản xuất còn nhỏ lẻ, diện tích ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật còn thấp v.v...
 
Tại Yên Châu (Sơn La), xoài tròn Yên Châu trọng lượng mỗi quả khoảng từ 125 - 200g, có vị ngọt đậm đà và hương thơm đặc trưng, được Cục Sở hữu trí tuệ cấp chứng nhận chỉ dẫn địa lý. Năm nay, người trồng xoài tại Yên Châu gặp nhiều khó khăn do xoài vừa mất mùa, vừa mất giá. Theo đó, giá xoài loại 1 là 20.000 đồng/kg, xoài loại 2 có giá 13.000 -15.000 đồng/kg. Người dân chủ yếu bán cho các thương lái với giá rẻ hoặc tự mang xoài ra dọc hai bên đường quốc lộ 6 để tiêu thụ, còn trên địa bàn hiện chưa có đơn vị nào đứng ra bao tiêu sản phẩm cho người dân.
 
Tại huyện Ea Súp - vựa xoài của tỉnh Đắk Lắk, xoài Ea Súp quả tròn, mùi thơm đặc trưng, chủ yếu là chín cây, cho thu hoạch hơn 1 tạ quả/cây, được người tiêu dùng ưa chuộng. Tuy nhiên đầu ra của sản phẩm còn nhiều khó khăn, bởi địa phương vẫn chưa xây dựng được thương hiệu xoài Ea Súp. Giống xoài này lại có quả nhỏ, hạt lớn, vỏ mỏng nên dễ bị dập nát trong quá trình vận chuyển, khó tăng giá. Hàng năm, cứ vào tầm tháng 5, tháng 6, khắp TP. Buôn Ma Thuột xoài Ea Súp được bán đổ đống trên tấm bạt lớn, đựng trong các thùng các tông, thùng xốp lót bằng rơm với giá rất rẻ, chỉ từ 10.000 – 15.000 đồng/kg.
 
Toàn huyện có hơn 700 ha xoài, rải đều khắp các xã, nhưng năm nay xoài mất mùa, giảm sản lượng xuống chỉ còn một nửa so với năm trước do thời điểm phân hóa mầm hoa tháng 11, 12 gặp lạnh, khi cây ra hoa lại gặp nắng nóng, phấn hoa bị khô, không thể thụ phấn được khiến năng suất xoài giảm sút.
 
Những năm gần đây, nhiều nông dân trong huyện đã tự mày mò, tìm hiểu, đưa các giống xoài mới có năng suất, chất lượng cao như xoài cát Hòa Lộc, Úc, Đài Loan, Thái… về trồng và áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất đã cho ra những vườn xoài đạt chất lượng cao, thơm, ngọt, được người tiêu dùng nhiều địa phương trong tỉnh biết đến. Bà con cho biết năm nay các giống xoài này không chỉ mất mùa, giảm sản lượng mà giá xoài cũng bấp bênh hơn so với năm trước như: xoài cát Hòa Lộc, xoài Úc mua tại vườn dao động từ 17.000 – 20.000 đồng/kg (so với năm ngoái trên 20.000 đồng/kg).
 
Tại Tiền Giang hiện có khoảng 5.000 ha xoài các loại như: xoài cát Hòa Lộc, xoài cát Chu, xoài ghép... Trong đó, huyện Cái Bè là nơi trồng tập trung nhiều nhất tỉnh, với hơn 3.300 ha.
 
Tuy nhiên, hiện nay xoài Tiền Giang chủ yếu tiêu thụ dưới dạng trái tươi ở thị trường nội địa và xuất khẩu. Hệ thống thu mua vẫn phụ thuộc vào thương lái qua nhiều khâu trung gian. Các loại xoài ở tỉnh Tiền Giang tiêu thụ nội địa là 48,1% và số còn lại cho xuất khẩu. Trong hơn 51,9% xuất khẩu đó chủ yếu là xoài cát Chu, chỉ có 1,3% xuất khẩu từ HTX xoài cát Hòa Lộc.
 
Tại Đồng Tháp, với 9.300 ha diện tích trồng xoài, hàng năm cho sản lượng trên 87.000 tấn. Huyện Cao Lãnh và TP Cao Lãnh được xem là “thủ phủ” xoài với diện tích gần 6.000ha. Vẫn còn những tồn tại nhiều năm nay như: tình trạng “mạnh ai nấy làm”, không liên kết, không sản xuất theo quy trình, làm manh mún, nhỏ lẻ dẫn đến sản phẩm không đạt chất lượng, không đủ cung ứng cho doanh nghiệp theo hợp đồng, khó tiêu thụ, giá bán bấp bênh v.v...
 
Nhược điểm của nhà vườn trồng xoài hiện nay, đó là thói quen bán xoài không qua phân loại, trong khi đó, doanh nghiệp nước ngoài chỉ chọn xoài có mẫu mã đẹp để xuất khẩu. Ngoài ra, nhà vườn chưa mạnh dạn ký kết hợp đồng tiêu thụ với doanh nghiệp thu mua xoài.
 
Nhiều nhà vườn cho rằng chính việc nông dân không đồng loạt sản xuất theo hướng an toàn, không liên kết lại để có sản lượng lớn nên không thể hợp đồng tiêu thụ với doanh nghiệp. Thậm chí có trường hợp nông dân đã thỏa thuận với doanh nghiệp thu mua là cách ly thuốc bảo vệ thực vật đúng thời gian quy định nhưng đến gần ngày thu hoạch lại sợ sản lượng không cao nên bón thêm phân, phun thêm thuốc. Khi doanh nghiệp kiểm tra lại chất lượng thì không đạt.
 
Thêm nữa, nhiều nông dân cho biết, mặc dù biết là trồng xoài theo hướng an toàn thì giá bán cao hơn nhưng chủ vườn kế bên không làm cũng đành “bó tay”. Bên cạnh đó, các chủ vựa thu mua xoài hiện nay cũng không yêu cầu xoài phải đạt chất lượng như thế nào, thậm chí lúc nhu cầu thị trường cần nhiều thì xoài chưa đạt độ già, mẫu mã không đẹp họ vẫn mua. Chính sự không đồng nhất này đã gây khó khăn cho nông dân.
 
Ngoài ra, việc cạnh tranh với xoài Ấn Độ, Thái Lan, Malaysia, Philippines và Trung Quốc cũng là một thách thức đối với ngành xoài. Trong khi, xoài Ấn Độ, Thái Lan, Trung Quốc... chỉ có giá từ 20 - 30 nghìn đồng/kg, độ đồng đều cao, trái lớn vừa phải và rất dễ ăn; còn xoài cát Hòa Lộc nước ta khi bán trên thị trường trong nước, cũng như xuất khẩu lại có giá từ 50 - 70 nghìn đồng/kg, thường dư nước, trái to.... nên người dân một số nước không chuộng.
 
Để cây xoài thực sự gắn bó, đem lại hướng thoát nghèo và làm giàu bền vững, quan trọng là làm sao giúp ổn định đầu ra sản phẩm cho người dân. Theo đánh giá, thị trường xoài trong và ngoài nước đang rất có tiềm năng, như  xoài cát Hòa Lộc đã được xuất khẩu đi nhiều nước. Tuy nhiên, vấn đề chất lượng là trở ngại không nhỏ đối với sự phát triển của trái xoài.
 
Để giải quyết những khó khăn của ngành xoài, các ngành chức năng cần rà soát, nắm bắt nhu cầu thị trường để thông tin cho bà con nông dân. Đồng thời, nâng cao vai trò kết nối doanh nghiệp với nông dân, tổ hợp tác và hợp tác xã trong việc liên kết tiêu thụ.
 
Các nhà vườn phải liên kết lại với nhau trong sản xuất, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào khâu bảo quản, chế biến sau thu hoạch nhằm hạn chế thất thoát, nâng cao chất lượng nông sản để đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp, đơn vị thu mua, tạo thành một chuỗi khép kín trong sản xuất và tiêu thụ. Có như vậy, ngành hàng xoài mới phát triển bền vững.
 

Phan Hoàng
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

ĐBSCL: Mua tạm trữ 760.000 tấn gạo