Một năm khó khăn của ngành cà phê
11:00 - 23/12/2015
(TNNN)- Cà phê là 1 trong 7 loại nông sản xuất khẩu chủ lực của Việt Nam. Năm 2015, diện tích và sản lượng Việt Nam tăng nhẹ. Tuy vẫn giữ vị trí thứ 2 về xuất khẩu cà phê nhưng sản lượng giảm hơn 29% và giá trị giảm 31% so với năm ngoái.  
Ảnh minh họa

Tại huyện Hướng Hóa (Quảng Trị), vụ cà phê năm 2015 huyện có 4.900ha, trong đó 4.200ha đang thu hoạch còn lại là diện tích tái canh. Theo hiệp hội cà phê Khe Sanh, năm nay sản lượng cà phê ước đạt 12 tấn/1ha, cao hơn 2 tấn so với năm 2014, nhưng do nắng hạn nên cà phê năm nay chất lượng không được tốt, gây khó khăn cho các nhà máy khi thu mua.
 
Đầu tháng 10/2015, bước vào vụ thu hoạch cà phê năm 2015, giá xuống quá thấp, chỉ còn 2800đồng /1kg quả tươi khiến bà con lỗ nặng. Các doanh nghiệp kinh doanh cà phê do bị thua lỗ, nên đến thời điểm này chưa có doanh nghiệp nào mở cửa thu mua cho bà con. Nếu nông dân không thu hoạch thì cà phê sẽ hỏng, nếu thu hoạch lại không biết bán cho ai, khiến người dân gặp vô vàn khó khăn.
 
Theo Hiệp hội Cà phê Ca cao Việt Nam (Vicofa), đến nay niên vụ cà phê 2014/2015 đã thu hoạch xong. Tuy nhiên, năm nay thời tiết thay đổi, hạn hán nghiêm trọng trong thời kỳ cà phê phát triển, mưa đến sớm khi thu hoạch, cà phê ra hoa không tập trung dẫn đến sản lượng giảm.
 
Mặc dù Việt Nam cũng đã có chương trình tái canh cho các vườn cà phê già cỗi trên 20 năm tuổi để nâng cao năng suất, tuy nhiên quá trình tái canh diễn ra khá chậm và rất không đồng đều khiến diện tích cà phê năng suất xuống thấp càng tăng. Trong khi tỉnh Lâm Đồng tái canh đạt 96% kế hoạch thì các tỉnh còn lại của Tây Nguyên chỉ 4%.  
 
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT), diện tích cà phê già cỗi cần phải thay thế trong 5 đến 10 năm tới của cả nước khoảng từ 140 - 160 nghìn ha, chiếm 25% tổng diện tích cà phê trên toàn quốc, trong đó có khoảng 120 nghìn ha cà phê cần tái canh gấp tại khu vực Tây Nguyên. Tuy nhiên, để tái canh cây cà phê già cỗi, chi phí mà nông dân bỏ ra rất tốn kém (bình quân 150 triệu đồng/ha) và lại mất nguồn thu nhập từ 5 - 6 năm. Do vậy, người trồng cà phê buộc phải “gắn bó” với vườn cà phê già cỗi, chưa thể phá bỏ để tái canh.
 
Trong khi đó, giá cà phê biến động liên tục. Đầu vụ, giá ở mức cao, sau đó đi xuống nhanh chóng. Từ tháng 3 mức giá cà phê nội địa trung bình chỉ khoảng 38 triệu đồng/tấn. Sang tháng 7 giá cà phê nội địa trung bình chỉ còn 36,6 triệu đồng/tấn. Tháng 9 cũng là tháng cuối nhưng giá không đi lên mà còn rớt thảm hại, chỉ còn 35,4 triệu đồng/tấn. Nguyên nhân do nhu cầu nhập khẩu ở các nước như Mỹ, Nga giảm, dẫn đến giá giảm. Thêm vào đó, khoảng cách giá cà phê xuất khẩu của Việt Nam so với giá giao dịch tại sàn London ngày càng tăng, trung bình 30-50 USD.
 
Ngoài ra, giá cà phê trong nước lại cao hơn giá các doanh nghiệp xuất khẩu ra nước ngoài. Theo thống kê, lượng thu mua giảm 7%, xuất khẩu giảm 20%, giá xuất khẩu giảm 10%.
 
Các doanh nghiệp cho rằng, giá cà phê nhân giảm liên tiếp do biến động của thời tiết, kinh tế thế giới tăng trưởng chậm lại, đồng USD mạnh lên, các nước xuất khẩu cà phê phá giá đồng tiền và nhiều thông tin bất lợi làm giá cả thị trường lên xưống thất thường. Giá xuất khẩu hiện nay chỉ còn 1.800 USD/tấn so với thời điểm cao 2.100 -2.220 USD/tấn của vụ trước, như vậy giảm 300-400 USD/tấn. Giá nội địa biến động chậm nên một số doanh nghiệp xuất khẩu bị thua lỗ do không có đủ nguồn hàng trong kho và do thị trường biến động quá nhanh không theo kịp.
 
Để khôi phục lại thị trường cà phê, thời gian tới cần đẩy mạnh tiêu thụ trong nước. Theo tính toán, lượng cà phê nhân tiêu dùng trong nước đã tăng từ 5-7% năm 2010, lên trên 10% trong năm 2015, như vậy mục tiêu 15% vào năm 2020 có thể sẽ đạt được.
 
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cần gắn kết chặt chẽ hơn nữa với người sản xuất và kinh doanh cà phê, tạo sự gắn kết lợi ích giữa người trồng cà phê với người xuất khẩu, gắn với thị trường trong và ngoài nước, tiếp cận vốn vay của ngân hàng cho sản xuất kinh doanh, tái canh cây cà phê theo Chương trình Tái canh cà phê năm 2016 của Bộ NNPTNT.
 
Theo dự đoán, năm 2016 diện tích cà phê Việt Nam đang thu hoạch giảm khoảng 30.000ha, sản lượng tăng 26.000 tấn. Giá trong thời gian tới sẽ không có đột biến nhiều nhưng niên vụ tới ngành cà phê sẽ phải đứng trước những khó khăn lớn. Đặc biệt là biến đổi khí hậu El Nino khiến sản lượng niên vụ này không cao, chất lượng cà phê giảm.
 
Cùng với đó, giá tiêu cao khiến người dân đổ dồn sang trồng tiêu, dẫn đến không tăng hoặc giảm diện tích cà phê. Nếu từ khâu sản xuất, chế biến, xuất khẩu, khoa học kỹ thuật, giống mới không cải thiện được điều kiện cho người nông dân sản xuất theo quy trình thì chắc chắn giá thành không hạ.

Võ Tấn
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

ĐBSCL: Mua tạm trữ 760.000 tấn gạo