Thực phẩm sạch, ai làm, bán ở đâu? - Rau an toàn gắn tem nhãn Đại Lan
Được TP Hà Nội hỗ trợ trên 18 tỷ đồng cơ sở vật chất, trang thiết bị để sơ chế rau an toàn (RAT), đến nay HTX Đại Lan thuộc xã Duyên Hà, huyện Thanh Trì vươn lên trở thành một trong những vùng cung cấp RAT có uy tín và thương hiệu của Thủ đô.
|
Sơ chế, dán tem nhãn RAT tại HTX Đại Lan trước khi đem tiêu thụ |
Dẫn chúng tôi thăm cánh đồng RAT xanh ngút tầm mắt bên cạnh dòng sông Hồng, Chủ nhiệm HTX Đại Lan Đặng Bá Thắng hồ hởi cho biết từ năm 2008, Chi cục BVTV Hà Nội đã đầu tư và hỗ trợ, chỉ đạo trực tiếp phát triển vùng RAT ở đây, cử cán bộ chuyên môn hướng dẫn, tập huấn cho nông dân SX RAT theo quy trình.
Đến năm 2010, vùng rau Duyên Hà chính thức được cấp giấy chứng nhận RAT và được đầu tư xây dựng nhà sơ chế. Hiện, vùng SX RAT của HTX tập trung toàn bộ ở thôn Đại Lan với diện tích trên 50 ha, chiếm già nửa vùng rau của toàn xã Duyên Hà, trong đó có khoảng 20 ha SX theo quy trình VietGAP.
Hàng tháng, Ban Chủ nhiệm HTX Đại Lan thường xuyên tập huấn phổ biến quy trình SX 30 loại rau theo quy định ban hành của Sở NN-PTNT Hà Nội tới tất cả hộ nông dân từ khâu giống, làm đất, tưới nước, chăm sóc, bón phân, phòng trừ sâu bệnh, thu hoạch.
Vì vậy chất lượng RAT của Đại Lan luôn đảm bảo đáp ứng các tiêu chí về vệ sinh ATTP và dư lượng thuốc BVTV.
“Đặc biệt, nhờ có trạm xử lý nước ngầm và hệ thống tưới được đầu tư đồng bộ, hiện đại đã giúp giảm công lao động và chủ động nguồn nước của bà con xã viên Đại Lan.
Mỗi ngày chúng tôi bơm nước 3 tiếng vào hệ thống thanh lọc lúc sáng và chiều, đảm bảo đáp ứng đủ nước để bà con tưới rau cũng như sơ chế.
Bên cạnh đó, phân bón cũng được sử dụng hợp lý, cân đối giữa các loại phân hữu cơ đã ủ hoại mục, phân vi sinh và phân vô cơ nên chất lượng RAT của Đại Lan luôn được đánh giá cao”, Chủ nhiệm HTX Đặng Bá Thắng chia sẻ.
Nhưng theo Chủ nhiệm Đặng Bá Thắng, bên cạnh những thuận lợi, hiện người trồng RAT tại Đại Lan vẫn còn gặp rất nhiều khó khăn.
Đó là việc toàn bộ sản phẩm RAT do HTX thu mua, sơ chế đã được gắn tem nhận diện nhưng việc tiêu thụ ổn định qua siêu thị và các DN hiện nay chưa được nhiều như kỳ vọng.
Một khó khăn nữa là giá bán RAT tại các siêu thị, cửa hàng vẫn cao do chịu nhiều chi phí trung gian nên sức hấp dẫn người mua bị ảnh hưởng khá lớn.
Vì vậy, bà con trồng RAT tại HTX Đại Lan chủ yếu vẫn phải tự bươn chải tìm đầu ra cho sản phẩm, trong đó giải pháp bán RAT cho các bếp ăn tập thể được đại đa số người trồng rau ở Đại Lan chọn lựa, bởi số lượng đơn hàng lớn lại bớt được nhiều khâu trung gian so với bán tại cửa hàng, siêu thị.
Theo ông Thắng, để giải quyết được triệt để bài toán cho khâu sơ chế, tiêu thụ RAT nhất thiết phải có sự vào cuộc của chính quyền TP Hà Nội.
Cần có cơ chế hỗ trợ trực tiếp, mạnh mẽ cho những người SX, sơ chế, kinh doanh RAT. Đặc biệt, cần quy hoạch khu vực bán RAT tách biệt hẳn với khu bán rau không có quy trình và chưa được kiểm soát để người tiêu dùng dễ dàng phân biệt, các cơ quan quản lí dễ bề kiểm soát.
Khi đó, chắc chắn sẽ tạo ra một bước chuyển biến mạnh mẽ trong việc thúc đẩy nhu cầu tiêu thụ RAT đang khá chậm chạp tại Thủ đô hiện nay.
Chủ nhiệm HTX Đại Lan Đặng Bá Thắng:
Hiện nay, sản lượng RAT bán buôn qua thương lái chiếm khoảng 60% tổng sản lượng rau của xã, lượng RAT còn lại được nông dân bán buôn tại chợ đầu mối, bán lẻ tại các chợ dân sinh và tiêu thụ tại các cửa hàng, siêu thụ và bếp ăn tập thể.
Trong đó, sản phẩm RAT được HTX thu mua, sơ chế dán nhãn, mã vạch với khối lượng tiêu thụ trung bình 1- 1,5 tấn/ngày lúc chính vụ.
|