Chờ được vạ thì má đã sưng
10:28 - 25/12/2015
Tập thể 9 hộ dân ở ấp 1, xã Quê Mỹ Thạnh, huyện Tân Trụ (Long An) đã và đang phải làm đơn cầu cứu nhiều nơi...
Đường mương dẫn nước đã bị lấp

Lý do các hộ dân cầu cứu vì đường mương dẫn nước tưới tiêu công cộng Vàm Xã Vịt, dài gần 98 m, bà con sử dụng nhiều năm qua bị một hộ dân lấp lại,  ảnh hưởng liên tiếp 3 vụ lúa.

Ông Nguyễn Văn Hy, một trong 9 hộ dân bức xúc: "Đang cao điểm vụ lúa đông xuân, nhưng đồng ruộng thì khô khốc do không có đường mương dẫn nước vào để gieo sạ. Đây là vụ thứ 3 liên tiếp mà 9 hộ dân ở ấp 1, xã Quê Mỹ Thạnh, huyện Tân Trụ chịu ảnh hưởng nặng nề. Cuộc sống của bà con khổ cực quá rồi!".

Ông Hy trình bày thêm: Từ trước năm 1975 đến nay, bà con chúng tôi làm ruộng đều sử dụng đường mương dẫn nước công cộng Vàm Xã Vịt. Đường mương dẫn nước tưới tiêu này đã có từ rất lâu đời, 9 chủ ruộng chúng tôi sử dụng phục vụ canh tác gần 6 ha.

Bỗng dưng, không biết vì lý do nào mà đường mương dẫn nước công cộng này lại được cấp giấy chứng nhận QSDĐ cho ông Lê Văn Bồi. Rồi từ ngày 2/5/2015 đến nay, ông Bồi đã lấp đường mương lại, chúng tôi không thể gieo sạ được lúa đành phải bỏ ruộng hoang từ vụ hè thu, đến vụ thu đông và đông xuân này.

Ông Nguyễn Văn Thành, một trong 9 hộ dân bị ảnh hưởng cho biết thêm: Thu nhập của chúng tôi chủ yếu SX lúa, đề nghị cơ quan có thẩm quyền sớm thu hồi đường mương dẫn nước công cộng trả lại cho bà con sử dụng để làm lúa cứu đói.

Theo tìm hiểu của PV NNVN, vùng đất này SX được 3 vụ lúa/năm, năng suất đạt khoảng 7-8 tấn/ha/vụ nên bà con không SX được sẽ thiệt hại rất lớn.

Tại sao ông Lê Văn Bồi lấp đường mương dẫn nước công cộng? Theo tìm hiểu của chúng tôi, đường mương dẫn nước này có trước năm 1975 và nay người dân vẫn lấy nước từ đây để SX.

Năm 1990, huyện Tân Trụ mới cấp giấy chứng nhận tạm thời phần đất này cho ông Bồi, năm 1996 mới cấp số đỏ. Nhưng trong các giấy tờ, bản đồ thửa đất cấp không hề tồn tại đường mương nước này. Trước việc giấy tờ một đằng, thực tế một nẻo nên huyện Tân Trụ lúng túng không biết giải quyết thế nào nên ruộng của nông dân bị bỏ hoang.

Bức xúc, ngày 7/7/2015, các hộ dân ở đây đã làm đơn khởi kiện ông Lê Văn Bồi ra Tòa án Nhân dân huyện Tân Trụ đòi bồi thường thiệt hại. Đồng thời, đề nghị ông Bồi khai thông trả lại đường mương nước cho nhân dân sử dụng để SX lúa.

Theo đơn khởi kiện, tổng diện tích bị thiệt hại do ông Bồi gây ra là 48.273,4 m2, mỗi ha thiệt hại là 10.000.000đ. Tổng cộng, ông Bồi phải bồi thường 10.000.000đ x 48.273,4 m2 = 48.273.400đ trong vụ hè thu. Nếu như vụ lúa thu đông mà ông Bồi không khai thông đường mương dẫn nước, không gieo sạ được thì ông này phải chịu trách nhiệm bồi thường tiếp.

Tòa án huyện Tân Trụ đã thụ lý đơn và xử buộc ông Bồi phải để lại đường nước ngang 1,2m, sâu đáy 8 tấc, dài 98m. Tuy nhiên, ông Bồi không chịu và đề nghị Tòa án tỉnh xử, cuối cùng Tòa án tỉnh xử ông Bồi không phải để lại đường mương dẫn nước.

Quá bức xúc, ngày 14/12/2015 tập thể 9 hộ dân này đã làm đơn tố cáo ông Trần Công Thành, nguyên chủ tịch UBND huyện Tân Trụ (thời điểm năm 1996) về việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trên đường mương dẫn nước công cộng cho ông Lê Văn Bồi là sai.

Theo đơn tố cáo, có 3 việc sai trái trong cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trên đường mương dẫn nước này là: 1/ Từ lâu bà con không được thông báo về việc ông Lê Văn Bồi đã đứng tên trên đường mương dẫn nước công cộng. 2/ Không họp hộ liền ranh đất để thông báo. 3/ Không công khai tại xã cho nhân dân biết để có ý kiến, dẫn đến ngày 2/5/2015, ông Lê Văn Bồi ngang nhiên chở đất lấp hết đường mương dẫn nước này thì mọi việc đã rồi.

Trước vụ việc này, theo quan điểm của Phòng TN&MT huyện Tân Trụ cho biết, việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho ông Bồi là đúng luật định. Tuy nhiên, đây là những diện tích đất canh tác lúa nhờ vào đường mương dẫn nước công cộng từ lâu nay. Nhưng huyện Tân Trụ đã lỡ cấp sổ đỏ cho ông Bồi, làm thiệt hại quá lớn cho những người xung quanh thì cũng cần phải có hướng giải quyết hợp lý cho 9 hộ dân.

PHƯƠNG GIANG
Nguồn: NNVN
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

ĐBSCL: Mua tạm trữ 760.000 tấn gạo