(TNNN) - Với sản lượng trên 1,6 triệu tấn cà phê nhân/năm, Việt Nam đang là nước xuất khẩu cà phê đứng thứ hai thế giới, và là quốc gia dẫn đầu về sản xuất cà phê Robusta, chiếm gần 1/5 tổng sản lượng cà phê toàn cầu. Cà phê nước ta đã xuất khẩu đến hơn 60 nước và vùng lãnh thổ với kim ngạch đạt 3,4 tỷ USD.
|
Cần áp dụng tổng hợp nhiều phương pháp để tái canh hiệu quả cây cà phê |
Hàng năm, ngành cà phê không những đóng góp vào sự tăng trưởng kinh tế của đất nước (chiếm khoảng 2% GDP) mà còn là nguồn thu chủ yếu của 540.000 hộ gia đình nông dân trồng cà phê, với trên 1,6 triệu lao động; góp phần quan trọng vào việc ổn định chính trị, xã hội, nhất là các tỉnh Tây Nguyên.
Bên cạnh thành tựu đạt được, hiện ngành cà phê Việt Nam đang đối mặt với nhiều thách thức. Trong đó, sản xuất cà phê vùng Tây Nguyên nói riêng và cả nước nói chung vẫn đang còn bộc lộ không ít tồn tại, hạn chế như: Công tác quản lý chất lượng cà phê còn hạn chế. Chưa hình thành các tổ chức liên kết trong sản xuất cà phê, thiếu sự điều phối giữa các tác nhân trong ngành. Diện tích cà phê già cỗi cần cải tạo chiếm tỷ lệ khá lớn. Cà phê phát triển khá nhanh, một số diện tích chưa theo quy hoạch, cơ cấu giống chưa hợp lý và chất lượng thấp, chi phí vật tư đầu vào, công lao động và tưới nước lớn, giá thành cà phê còn cao. Thu hái lẫn quả xanh và chế biến cà phê còn bất cập, chưa phân loại cà phê trước khi xuất khẩu, vì vậy chất lượng chưa cao. Khả năng cạnh tranh của cà phê Việt Nam còn thấp, mặc dù có sản lượng lớn nhưng không chủ động được thị trường…
Hiện nay, cà phê Tây Nguyên đang đứng trước những thách thức lớn trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế. Sự tăng nhanh không theo quy hoạch về diện tích dẫn đến rừng bị tàn phá, đất đai thoái hoá; năng suất, sản lượng tăng nhưng chất lượng sản phẩm chưa cao, sức cạnh tranh trên thị trường thế giới thấp, hiệu quả kinh doanh mang lại còn ở mức thấp. Mặc dù có sản lượng cà phê Robusta đứng đầu thế giới nhưng Việt Nam vẫn chưa chủ động được thị trường tiêu thụ. Mặt khác, môi trường sinh thái trong vùng trồng và chế biến cà phê ngày càng bị ô nhiễm và mất tính ổn định, bền vững. Bên cạnh đó, diện tích cà phê già cỗi năng suất thấp tăng nhanh, song việc tái canh đang gặp khó khăn, là vấn đề nan giải của các tỉnh Tây Nguyên nói chung và của ngành cà phê nói riêng; việc giải quyết tái canh cà phê đang là vấn đề cấp bách và rất cần có sự tham gia của nhiều bên liên quan để cùng nhau thúc đẩy ngành càphê phát triển theo hướng sản xuất và kinh doanh bền vững.
Để góp phần vào sự phát triển bền vững và ngang tầm thế giới cho cà phê Việt Nam, cần thực hiện một số giải pháp:
Việt Nam đã là cường quốc cà phê của thế giới nên phải giữ được vị trí này. Đó là nguyên tắc đầu tiên cho tái canh cây cà phê. Tức là tái canh nhưng không giảm sản lượng cà phê toàn quốc, không giảm tổng sản lượng cà phê xuất khẩu và phải bảo đảm tối thiểu kim ngạch trên 3 tỷ đô la/năm. Tái canh phải áp dụng tổng hợp nhiều phương pháp, được tích hợp từ các nghiên cứu nhiều năm của các nhà khoa học Việt Nam và thế giới, kinh nghiệm của nông dân làm cà phê, và áp dụng công nghệ mới vào tái canh. Trong quá trình thực hiện tái canh cây cà phê, nên điều chỉnh quy hoạch trồng cà phê Việt Nam ở mức 500.000 đến 600.000 ha ở nơi có đủ điều kiện, không nên chuyển đổi các diện tích thích hợp cho cà phê sang cây trồng khác.
Vấn đề thu hoạch và chế biến cà phê nhân xuất khẩu và nguyên liệu cho chế biến sâu theo tiêu chuẩn. Cứ 100 ha cà phê phải có 1 ha sân phơi đảm bảo tiêu chuẩn. Phải mạnh dạn đầu tư chế biến ướt, tức là xây dựng các nhà máy chế biến ướt với công nghệ Brazil. Đã có một số nông trường tại Đắk Lắk, Lâm Đồng, Kon Tum, Gia Lai áp dụng nhưng quá ít, hiệu quả kinh tế môi trường thấp.
Cần xây dựng, quảng bá thương hiệu cà phê Việt Nam thành sản phẩm quốc gia trên toàn cầu; Xây dựng chỉ dẫn địa lý cà phê Việt Nam và quản lý phát triển chỉ dẫn này; Bộ Khoa học và Công nghệ nên phối hợp với Bộ Nông nghiệp - PTNT trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Dự án xây dựng Cà phê Việt Nam là sản phẩm quốc gia và sau đó lựa chọn doanh nghiệp để triển khai thực hiện; Khuyến khích phát triển các thương hiệu tư nhân về cà phê để đưa ra thị trường thế giới.
Đồng thời, kêu gọi khuyến khích xin đầu tư FDI vào cà phê Việt Nam có ràng buộc mang thương hiệu của Việt Nam hoặc chỉ dẫn địa lý của Việt Nam; Khuyến cáo mở rộng thị trường nội địa. Song song với phát triển tiêu thụ trong nước là kiểm soát giá thành chế biến sản phẩm cà phê tiêu thụ trong nước để người tiêu dùng được dùng cà phê sạch, nguyên chất, hương vị Việt Nam và bằng công nghệ Việt Nam; Tiếp tục đổi mới và tổ chức festival cà phê Buôn Ma Thuột 2 năm/lần theo phương châm: Thiết thực, tự nguyện của người làm cà phê, tránh hình thức, hành chính hóa lễ hội; Xây dựng Buôn Ma Thuột thành thủ phủ cà phê vối Robusta – Đà Lạt, Điện Biên thành các trung tâm cà phê chè Arabica của Việt Nam; Nên thành lập lại Viện nghiên cứu cà phê Việt Nam trên cơ sở Viện Khoa học kỹ thuật nông lâm nghiệp Tây Nguyên.