Kiểm soát kháng sinh trong chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản bằng cách nào?
14:39 - 10/03/2016
Ngay sau khi “dẹp loạn” chất cấm trong chăn nuôi, Bộ NN-PTNT đang đặt mục tiêu trong 4 tháng tới, phải kiểm soát căn bản vấn nạn tồn dư kháng sinh trong chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản. Vậy làm thế nào để kiểm soát được vấn nạn này?
Việt Nam đang nằm ở “vùng trũng” thế giới về nạn sử dụng kháng sinh vô tội vạ trong chăn nuôi

Theo Cục Chăn nuôi (Bộ NN-PTNT), từ những năm 1940, kháng sinh (KS) đã được biết đến như là chất kích thích sinh trưởng vật nuôi khi bổ sung vào thức ăn chăn nuôi (TĂCN) với hàm lượng từ 2,5 - 50 ppm và đã được sử dụng phổ biến trên toàn thế giới trong khoảng 50 năm sau đó.

Cơ chế kích thích tăng trưởng vật nuôi của KS cho đến nay vẫn chưa được biết hết, nhưng hiển nhiên KS đã giúp vật nuôi phát huy được tiềm năng sinh trưởng, ngăn chặn được một số bệnh, tăng hiệu quả kinh tế trong chăn nuôi.

Các kết quả nghiên cứu cho thấy sử dụng KS kích thích sinh trưởng đúng cách, có thể giúp vật nuôi giảm tiêu tốn thức ăn/kg tăng trọng; tăng tỉ lệ thịt xẻ và thịt nạc; tăng năng suất sinh sản ở lợn nái; tăng tỉ lệ sống và tăng trưởng ở lợn con cai sữa; kiểm soát được một số bệnh về đường ruột…

Thực tiễn ở Thụy Điển cho thấy từ năm 1986, khi nước này đưa ra các quy định thắt chặt việc sử dụng KS trong chăn nuôi, đã có ảnh hưởng khá rõ đến năng suất chăn nuôi, tăng tỉ lệ tiêu chảy ở lợn cai sữa. Năm 1998, có 85% đàn lợn con tại Thụy Điển được nuôi đến khi xuất chuồng mà không cần sử dụng KS, tuy nhiên điều này cũng làm tăng giá thành sản phẩm chăn nuôi thêm từ 4-10%...

Mặc dù vậy trong những năm sau này, nhiều nghiên cứu đã cho thấy việc sử dụng KS một cách phổ biến trong chăn nuôi đã dẫn tới hiệu quả của nhiều loại KS ngày càng kém và thu hẹp lại khi vi khuẩn ngày càng phát triển để kháng lại KS.

Đặc biệt, KS tồn dư trong sản phẩm chăn nuôi, khi con người ăn phải cũng có nguy cơ làm tăng sức kháng thuốc của vi khuẩn gây bệnh, gây hiện tượng “nhờn thuốc” khiến bệnh nhân mắc bệnh khó khăn hơn trong chữa trị. Vì vậy đến nay, nhiều quốc gia tiên tiến đã và đang tiến tới loại bỏ hoàn toàn các loại KS kích thích tăng trưởng.

Cụ thể, Liên minh châu Âu (EU) đã đưa ra các quy định hạn chế và kiểm soát dần KS trong chăn nuôi từ năm 1999 và đã cấm hoàn toàn việc sử dụng KS để kích thích sinh trưởng vật nuôi từ năm 2006.

Tại Mỹ, hàng năm Ủy ban An toàn thực phẩm Mỹ (FDA) đều ban hành bổ sung danh mục hướng dẫn sử dụng KS trong TĂCN. Danh mục này quy định rõ hàm lượng cho phép của từng loại KS kích thích sinh trưởng, phòng bệnh và trị bệnh cho từng đối tượng vật nuôi và các cảnh báo khi sử dụng. Hiện tại, Mỹ đang trong quá trình nghiên cứu để đưa ra lộ trình hạn chế, tiến tới cấm hoàn toàn việc sử dụng KS với mục đích kích thích sinh trưởng vật nuôi kể từ năm 2017.

Ngoài EU và Mỹ, Hàn Quốc và Nhật Bản hiện cũng đã cấm sử dụng KS sinh trưởng vật nuôi, còn Thái Lan cấm sử dụng KS sinh trưởng kể từ tháng 7/2015. Một số quốc gia châu Á khác như Malaysia đã ban hành Danh mục KS được phép sử dụng trong chăn nuôi và quy định rõ mức tồn dư tối đa cho phép (MRL) trong các sản phẩm chăn nuôi. Trung Quốc cũng là nước đã ban hành Danh mục các loại KS được phép sử dụng trong TĂCN…

Tại Việt Nam, năm 2014, Bộ NN-PTNT đã ban hành Thông tư số 28/2014/TT-BNNPTNT về Danh mục hóa chất, KS cấm nhập khẩu, sản xuất, kinh doanh và sử dụng trong TĂCN gia súc, gia cầm tại Việt Nam. Theo đó, đã có tổng cộng 22  loại KS, hóa chất cấm sử dụng trong chăn nuôi.

14-11-10_dscf1574

"Xu hướng chung của thế giới là ngày càng thắt chặt và hạn chế sử dụng KS trong chăn nuôi. Hiện nay Bộ NN-PTNT cũng đã đặt mục tiêu tới năm 2020, sẽ cấm hoàn toàn việc sử dụng các loại KS kích thích sinh trưởng trong chăn nuôi. Để thực hiện được mục tiêu này, sẽ phải cần tới nhiều yếu tố, nhất là đẩy mạnh chăn nuôi an toàn dịch bệnh.
Trước mắt, công tác thanh kiểm tra, xử lý các hành vi sử dụng KS kích thích sinh trưởng vượt mức cho phép, KS cấm sử dụng, KS ngoài danh mục sẽ phải tập trung quyết liệt. Hiện năng lực phân tích, xét nghiệm dư lượng của chúng ta hoàn toàn có thể đáp ứng yêu cầu này", ông Nguyễn Xuân Dương.

Bên cạnh danh mục 22 loại hóa chất, KS cấm sử dụng, kể từ năm 2001 đến nay, khi TĂCN nhập khẩu được quản lý bằng danh mục, đã có khoảng hơn 40 loại KS dưới dạng Premix được phép đăng ký NK vào Danh mục hóa chất, KS được phép lưu hành tại Việt Nam. Các loại KS này được dùng để làm thức ăn bổ sung cho gia súc, gia cầm nhằm kích thích sinh trưởng.

Năm 2009, Bộ NN-PTNT đã ban hành 4 Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia trong lĩnh vực TĂCN theo Thông tư 81/2009/TT-BNNPTNT. Bộ quy chuẩn này đã quy định rõ hàm lượng tối đa cho phép sử dụng của 18 loại KS (trong tổng số 43 loại KS được phép lưu hành.

Kiểm soát tồn dư kháng sinh khó hơn chất cấm

Đến nay, Việt Nam đã có một số khung pháp lý để quản lý việc sử dụng KS trong lĩnh vực chăn nuôi, tuy nhiên việc sử dụng KS trong chăn nuôi hiện nay đang được đánh giá hết sức bừa bãi, vô tội vạ, dẫn tới việc tồn dư KS trong sản phẩm chăn nuôi rất đáng lo ngại.

Theo ông Nguyễn Xuân Dương, Phó cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN-PTNT), qua công tác thanh tra giám sát cho thấy, hàm lượng của nhiều loại KS được phép sử dụng trong TĂCN cao hơn mức cho phép rất nhiều lần.

Bên cạnh đó, hiện tượng người chăn nuôi sử dụng KS không đúng thời gian cách ly, việc đưa các loại KS ngoài danh mục cho phép, thậm chí KS cấm sử dụng vào TĂCN đang vô cùng nhức nhối. Ông Dương đánh giá, kiểm soát tồn dư KS trong chăn nuôi thậm chí sẽ khó khăn hơn nhiều so với chất cấm.

NNVN đã có cuộc trao đổi thêm với ông Nguyễn Xuân Dương về những khó khăn này.

Vì sao ông đánh giá kiểm soát KS còn khó khăn hơn cả chất cấm?

KS hiện nay vô cùng đa dạng, thuộc nhiều Bộ, ngành quản lí chứ không phải chỉ có số lượng nhỏ như chất cấm. Xét về mục tiêu sử dụng, KS gồm có KS kích thích sinh trưởng; KS phòng bệnh và KS trị bệnh. KS kích thích sinh trưởng hiện nay do Cục Chăn nuôi quản lý, và đã có danh mục cấm sử dụng cũng như danh mục được phép sử dụng.

Đối với KS phòng bệnh và KS trị bệnh, hiện do Cục Thú y quản lý, và cũng có danh mục cấm sử dụng và được phép sử dụng trong phòng và trị bệnh cho vật nuôi. Dĩ nhiên, KS bị cấm trong phòng và trị bệnh vật nuôi thì cũng sẽ cấm sử dụng trong TĂCN. Tuy nhiên, làm thế nào để quản lí được việc sử dụng KS trong phòng và trị bệnh cũng là vấn đề hết sức phức tạp, rất khó kiểm soát.

14-11-10_kt
Tồn dư kháng sinh đã khiến một số sản phẩm chăn nuôi có lợi thế của nước ta chưa thể XK

Đối với KS kích thích sinh trưởng, bản thân nó không có tội nếu dùng đúng liều lượng, đúng kỹ thuật cách ly. Tuy nhiên, hiện nay việc sử dụng KS kích thích sinh trưởng trong TĂCN rất bừa bãi, thường cao hơn mức cho phép. Đó là chưa kể các loại KS ngoài danh mục, thậm chí KS cấm cũng đang được trà trộn đưa vào TĂCN. Bên cạnh đó, việc quản lý KS của ngành y tế và nông nghiệp hiện nay vẫn còn chưa thực sự tách bạch, rõ ràng.

Ông có nói tới KS của ngành y tế và nông nghiệp. Vậy KS y tế cũng được sử dụng cho vật nuôi nữa sao?

Để quản lý KS, nhiều nước hiện nay đã rà soát và phân thành 3 danh mục thuộc 3 nhóm KS gồm: Một là nhóm KS chỉ sử dụng cho người; hai là nhóm KS chỉ sử dụng cho vật nuôi và ba là nhóm KS được sử dụng cho cả người và vật nuôi.

Theo đó để tránh tác hại gây “nhờn thuốc” đối với con người, xu hướng thế giới hiện nay là cấm sử dụng nhóm KS thứ nhất; hạn chế sử dụng nhóm KS thứ hai và chỉ ưu tiên nhóm thứ 3 trong chăn nuôi.

Tuy nhiên hiện nay, Việt Nam lại chưa ban hành được danh mục nhóm KS như vậy nên trong quản lí KS giữa ngành y tế và nông nghiệp cũng còn rất lung túng. Tới đây, có thể giữa ngành y tế và nông nghiệp sẽ phải phối hợp để rà soát lại vấn đề này.

Hiện nay, trong số 43 loại KS kích thích sinh trưởng được phép sử dụng tại Việt Nam, cũng mới chỉ có 9 loại được Bộ Y tế quy định về mức tồn dư tối đa cho phép (MRL) trong thực phẩm. Vừa qua, Bộ NN-PTNT cũng đã đề nghị Bộ Y tế sớm ban hành mức MRL đối với các KS khác để ngành nông nghiệp có cơ sở trong việc quản lí dư lượng KS trong chăn nuôi.

Vậy theo ông, cần làm gì trước mắt để quản lý vấn nạn tồn dư KS trong chăn nuôi?

Thực hiện chỉ đạo của Bộ NN-PTNT về công tác trọng tâm quản lý tồn dư KS trong chăn nuôi trong năm 2016, hiện Cục Chăn nuôi đang khẩn trương rà soát, lên kế hoạch hành động.

Theo đó trước mắt, chúng tôi cho rằng sẽ phải rút bớt số lượng KS kích thích sinh trưởng trong Danh mục KS được phép sử dụng trong TĂCN. Theo đó, sẽ ưu tiên giữ lại số lượng khoảng dưới 20 loại KS hiện đã có trong Quy chuẩn Quốc gia và quy định rõ hàm lượng tối đa cho phép sử dụng theo Thông tư 81/2009/TT-BNNPTNT.

Danh mục này khoảng 5 năm một lần, sẽ được rà soát để điều chỉnh, rút bớt loại này hoặc bổ sung loại KS khác nếu nó có tính ưu việt và an toàn hơn. Hướng chung là ngày càng giảm dần số lượng KS; hàm lượng tối đa được phép sử dụng và giảm về đối tượng vật nuôi được sử dụng, tiến tới loại bỏ hoàn toàn KS kích thích sinh trưởng trong chăn nuôi.

LÊ BỀN
Nguồn: NNVN
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

ĐBSCL: Mua tạm trữ 760.000 tấn gạo