Làn sóng rót vốn vào nông nghiệp: Ẩn số đại gia Thống Nhất
14:39 - 10/03/2016
Có thể nói chăn nuôi đang là ngành mà các nhà đầu tư dốc tiền của vào nhiều nhất hiện nay. Có 2 lý do để các đại gia móc hầu bao ném vào ngành này.
Ngành sữa đang phát triển nóng thu hút khá nhiều vốn đầu tư

Cơ hội không thể bỏ qua

Thứ nhất, chăn nuôi nội địa hiện nay đang khó khăn nhưng có nhiều cơ hội sẽ bứt phá mạnh mẽ. Người ta tính, chăn nuôi Việt Nam đi chậm hơn trồng trọt chừng 15 năm, và đi chậm hơn công cuộc đổi mới của đất nước gấp đôi thời gian đó- tức 30 năm.

Có nghĩa là, nếu ngược trở lại năm 1986 khi Đảng và Nhà nước tiến hành công cuộc đổi mới, các ngành kinh tế khác của đất nước đã phát triển nhanh chóng và tiệm cận đến trình độ khu vực thì chăn nuôi bây giờ mới như người ngủ dậy.

Sự chậm trễ này nếu nhìn dưới con mắt nhà đầu tư lại chính là cơ hội. Bởi nếu ngành trồng trọt đã sử dụng những giống, những tiến bộ khoa học tốt nhất, cho ra năng suất cao nhất thì có nghĩa là trồng trọt còn gì để mà khai phá.

Nhưng chăn nuôi khác, với một thị trường 90 triệu dân mà lượng sữa SX ra mới đáp ứng 1/3, trứng gia cầm đạt chưa quá 100 quả/người/năm, thịt bò mới đáp ứng 20% nhu cầu... Vì vậy, ngành chăn nuôi hiện nay như một cánh đồng màu mỡ mà các DN và người nông dân mới chỉ cày những đường cày đầu tiên. Đó là một cơ hội lớn.

Lý do thứ hai, khi nền kinh tế nước ta gia nhập Hiệp định Xuyên Thái Bình Dương (TPP), chăn nuôi đứng trước một thời điểm lịch sử. Hoặc là chăn nuôi nội địa bị đè bẹp, hoặc là sẽ bứt phá vươn lên. Cả 2 thái cực này đều có thể xảy ra nhưng kịch bản cũng có thể không hoàn toàn đúng như vậy.

Cục trưởng Cục Chăn nuôi Hoàng Thanh Vân cho rằng, chăn nuôi nước ta sau khi TPP có hiệu lực không hẳn tối đen như mực, nhưng cũng đừng quá kỳ vọng sẽ sáng tỏ như trăng rằm.

Mà với các nhà đầu tư khôn ngoan thì rót vốn vào một ngành mà các nhà đầu tư khác chưa nhìn thấy khả năng thắng lợi mới là sự lựa chọn tốt. Bởi cái gì đã sáng tỏ như ban ngày thì đâu còn chỗ cho “cơ hội”?

Từ những phân tích đó có thể cắt nghĩa tại sao chăn nuôi đang nóng, và hút vào nó rất nhiều dòng tiền, là miếng thịt nạc hấp dẫn với các đại gia.

Vị đại gia kín tiếng

Thời gian gần đây, có một cái tên mà nhiều người làm chăn nuôi tò mò, đoán già đoán non là Công ty CP Đầu tư và Sản xuất Thống Nhất (mã chứng khoán GTN), bởi cùng lúc Thống Nhất nhảy vào ôm cả 2 tổng công ty nông nghiệp của Bộ NN- PTNT đang cổ phần hóa. Đó là Tổng Công ty Chăn nuôi Việt Nam (Vilico) và Tổng Công ty Chè Việt Nam (Vinatea).

Vilico có vốn điều lệ 765 tỷ đồng. Thực ra mấy năm trước, Vilico đã cổ phần nhưng không hấp dẫn khi mà nhà nước vẫn giữ cổ phần chi phối. Sau cổ phần, Vilico cứ “tà tà” hoạt động với doanh thu và lợi nhuận không quá đột biến. Năm 2014, doanh thu thuần và lợi nhuận sau thuế hợp nhất của Vilico lần lượt chỉ có 2.678 tỷ đồng và 66,3 tỷ đồng. Thu nhập trên cổ phiếu cả năm đạt có 1.050 đồng/cổ phiếu.

Sau cổ phần hóa, tỷ lệ sở hữu của Nhà nước đã 3 năm không thay đổi – vẫn 77,6%. Tính chất hoạt động là một doanh nghiệp nhà nước. Bỗng dưng, Vilico “nóng” lên trong thời gian gần đây, khi Thống Nhất lên tiếng sẽ mua vào 12,12% cổ phần của Vilico – tương đương 7,65 triệu cổ phần. Đó cũng chính xác là số lượng cổ phần mà một công ty quản lý quỹ là SSIAM đang nắm giữ tại Vilico.

Có thể nói Thống Nhất không giấu diếm tham vọng thâu tóm các doanh nghiệp Nhà nước cổ phần hóa, thuộc lĩnh vực nông nghiệp. Với Vilico, khó có thể nói Thống Nhất sẽ dừng lại ở mức 12,12% cổ phần mua được từ SSIAM (nếu có) vì với tỷ lệ đó, ở một doanh nghiệp mới mẻ, họ sẽ chẳng làm nên điều gì.

Đích đến: Sữa Mộc Châu

Vậy tiềm năng của Vilico nằm ở đâu? Trong các công ty con và công ty liên kết của Vilico thì Công ty CP Giống Bò sữa Mộc Châu “ăn nên làm ra” hơn cả. Lợi nhuận của doanh nghiệp SX sữa lớn nhất vùng Tây Bắc này chiếm tới gần 2/3 lợi nhuận của Vilico.

Có người nói vui, nếu Vilico bán hết các công ty con và công ty liên kết đi, chỉ giữ lại một mình Mộc Châu có khi lại … nhàn thân hơn. Bởi giữ lại cũng đâu có nhiều công ty đóng góp được lợi nhuận về Vilico, mà còn thua lỗ, mất vốn, níu chân Vilico.

Cho tới nay, theo những thông tin ban đầu thì Thống Nhất và các công ty khác mà Thống Nhất chi phối hoặc có liên quan đang chờ đến ngày Vilico “bật đèn xanh” để đấu giá phần vốn Nhà nước tại Vilico. Nhưng với lượng cổ phần đã mua của SSIAM, cộng với việc được phê duyệt làm nhà đầu tư chiến lược (đương nhiên được mua 35- 40% vốn điều lệ), thì Thống Nhất gần như đã chắc chắn đặt được 1 chân vào Vilico.

Vilico sở hữu trên 50% vốn điều lệ của sữa Mộc Châu. Như vậy, nắm được Vilico đồng nghĩa với việc kiểm soát được sữa Mộc Châu. Theo số liệu mà Vilico công bố, năm 2014, sữa Mộc Châu đạt 2.300 tỷ đồng doanh thu và 148 tỷ đồng lợi nhuận.

Năm 2015, doanh số và lợi nhuận có xê dịch, đặc biệt là lợi nhuận theo chiều hướng giảm nhẹ (rõ rệt trong vài năm gần đây) vì sữa Mộc Châu phải cạnh tranh dữ dội với sữa của Vinamilk, TH true milk nhưng công ty này vẫn mang về cho Vilico một nguồn tiền không nhỏ.

Một chuyên gia trong ngành cho biết, với ngành sản xuất sữa, chi phí môi trường là một gánh nặng thực sự, do yêu cầu cực kỳ khắt khe, cũng như đặc điểm nuôi bò sữa vô cùng phức tạp, khó xử lý về mặt môi trường.

Tuy nhiên, với Mộc Châu và một vài công ty sữa khác, đàn bò sữa chủ yếu được nuôi ở các hộ dân, thông qua hợp đồng bao tiêu với doanh nghiệp. Với phương thức này, chi phí môi trường được tiết giảm đáng kể.

Hơn nữa Mộc Châu có truyền thông nuôi bò sữa, đất đai phì nhiêu, cả người dân và công nhân Công ty CP Giống bò sữa Mộc Châu đều chỉ biết bán sữa cho công ty, chứ không có công ty nào dưới đồng bằng lên tận cao nguyên cạnh tranh mua sữa nên nguồn nguyên liệu của Nhà máy Chế biến sữa Mộc Châu cực kỳ ổn định.

Một ưu thế không thể chối cãi là địa hình vùng sâu vùng xa khiến chi phí vận chuyển trở nên đắt đỏ nên vô tình yếu tố địa hình đã ngăn chặn tình trạng sữa tươi của các hộ dân bị bán ra cho DN ngoài, từ đó tạo nên lợi thế cạnh tranh tương đối lớn cho sữa Mộc Châu. Trong khi các doanh nghiêp sữa khác tìm đủ mọi cách để tăng lượng sữa thu mua/sản xuất, thì sữa Mộc Châu có vẻ “ung dung” hơn trong vấn đề nguyên liệu.

Lợi nhuận của ngành sữa vẫn là nỗi thèm thuồng với các ngành khác. Được biết, biên lợi nhuận ròng của ngành sữa “không thể dưới 10%”.

Vì thế nếu không mở rộng quy mô sản xuất, lợi nhuận hàng năm của Công ty CP Giống bò sữa Mộc Châu vẫn không dưới 200 tỷ đồng. Lợi nhuận từ sữa Mộc Châu, có thể chính là điều Thống Nhất muốn với tới. Điều này có thể đạt được nếu Thống Nhất có quyền kiểm soát đối với Vilico.

Thống Nhất cũng đã mua xong Tổng công ty Chè Việt Nam (Vinatea) với việc nắm giữ 75% vốn điều lệ. Vinatea đã đấu giá cổ phần lần đầu ra công chúng vào ngày 16/9/2015 với vốn điều lệ sau cổ phần hóa là 370 tỷ đồng. 

 

ĐS
Nguồn: NNVN
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

ĐBSCL: Mua tạm trữ 760.000 tấn gạo