Ông Nguyễn Đức Quyền, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa:
Chủ trương đúng nhưng tuyên truyền chậm
10:57 - 09/03/2016
Để làm rõ căn nguyên dẫn tới việc người dân TX Sầm Sơn kéo lên tỉnh đòi đối thoại, Báo NNVN đã có buổi trao đổi với ông Nguyễn Đức Quyền, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa về chính sách an sinh xã hội, đảm bảo sinh kế của các hộ dân trong vùng dự án.
Ông Nguyễn Đức Quyền, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa

Ưu đãi riêng

Thưa ông, mặc dù tỉnh Thanh Hóa đã ban hành chính sách hỗ trợ ngư dân TX Sầm Sơn giải bản nhưng dường như người dân hoàn toàn không quan tâm đến chính sách này. Phải chăng là chính sách chưa phù hợp với đời sống thực tế của ngư dân?

Để di dời các bãi ngang trên vùng biển dự án, tỉnh dự kiến dành ra khoảng 100 tỉ đồng hỗ trợ ngư dân chuyển đổi nghề hoặc nâng cấp tàu thuyền và đã ban hành chính sách cụ thể.

Theo đó tỉnh có mấy hướng: Hộ nào chuyển nghề thì hỗ trợ chuyển nghề, hộ nào còn tiếp tục nghề biển thì có chính sách hỗ trợ nâng cấp tàu lên công suất lớn. Tàu lớn vào cảng cá Quảng Tiến còn tàu nhỏ tìm một bãi khác.

Định hướng rất rõ ràng. Nếu nâng cấp tàu thuyền lên công suất từ 30 CV - dưới 400 CV thì được tỉnh hỗ trợ 35% giá trị (nhưng không quá 250 triệu đồng). Hỗ trợ lãi suất khi vay vốn ngân hàng với mức 7% trong 5 năm. 

Nếu muốn chuyển nghề cũng được hỗ trợ tiền giải bản thuyền mủng, bè, ngư cụ tới 50-70 triệu đồng, hỗ trợ gạo trong vòng 6 tháng, hỗ trợ đào tạo nghề… Còn lại những người không đủ khả năng nâng cấp tàu thuyền, không chuyển đổi nghề khác thì vẫn có thể tiếp tục duy trì nghề lưới nhưng sẽ chuyển sang một bãi tập kết khác. Không tập kết ở bãi tắm nữa.

Việc chuyển đổi nghề, thay đổi sinh kế đối với người dân là một bài toán khó hoàn toàn không đơn giản. Vậy trong 705 phương tiện thuyền mủng có bao nhiêu chủ thuyền đồng ý nâng cấp thành thuyền lớn để đi khơi, bao nhiêu người đồng ý giải bản chuyển nghề?

Khi ban hành chính sách, tỉnh có giao cho TX Sầm Sơn tổ chức đăng kí bao nhiều người chuyển đổi, bao nhiều người nâng cấp, bao nhiêu người có nguyện vọng giữ nghề đi mủng và đề xuất cả bãi tập kết cho các hộ chưa thể chuyển đổi nhưng TX Sầm Sơn lúng túng không biết tập kết ở chỗ nào, làm chậm quá. Dự án phấn đấu đưa vào phục vụ trước hè, khi chọn được nhà đầu tư rồi, họ phải khởi công. Trong khi TX Sầm Sơn vẫn chưa triển khai được chính sách đến các hộ dân.

Như vậy tức là công tác tuyên truyền làm chậm hơn tiến độ dự án?

Cũng có chuyện đấy. Ngoài phổ biến chính sách thì việc tuyên truyền giải thích cho bà con chưa sâu, chưa đầy đủ dẫn tới bà con hiểu sai lệch vấn đề rằng tỉnh giao biển cho Tập đoàn FLC.

Tôi đã trực tiếp đối thoại với dân, nói rõ đây là chính sách riêng cho những ngư dân của xã Quảng Cư và 3 phường của Sầm Sơn ảnh hưởng của dự án này, không áp dụng cho cả tỉnh vì không đủ tiền. Mục tiêu là để phát triển, cải thiện môi trường du lịch cho Sầm Sơn.

Từ chỗ quán xá, hàng hóa bán linh tinh ngoài bãi biển, các quầy tắm tạm phải quy hoạch lại hệ thống nhà hàng, quầy ki ốt, các nơi phục vụ tắm cho khách đảm bảo tiêu chuẩn. Để như trước thì không thể có khách nước ngoài đến du lịch được. Phải thấy cái đại cục Sầm Sơn sẽ phát triển theo hướng ấy. Khi khách về nhiều hơn, nhu cầu dịch vụ sẽ nhiều hơn, người dân Sầm Sơn làm dịch vụ ăn ở, bán hàng chứ còn ai vào đây nữa?

Tỉnh có định hướng như thế nào đối với các hộ dân đồng ý giải bản, chuyển đổi sang nghề khác?

Có nhiều nghề để chuyển lắm như làm phục vụ cho du lịch, thủ công mỹ nghệ, chế biến thủy sản. Những việc này là của Cấp ủy, chính quyền Sầm Sơn. Riêng giai đoạn 1 của dự án FLC đã tạo công ăn việc làm cho 1.300 lao động trong đó Thanh Hóa là 820 người và mình Sầm Sơn là 350 người. Nói chung, phải đào tạo nghề để đáp ứng cho doanh nghiệp. Nhưng người dân hầu như không quan tâm đến việc chuyển nghề họ chỉ nghe một chiều là bãi biển bị thu hồi và khăng khăng đòi lại biển.

Ý kiến cực đoan của ngư dân ở trong vùng dự án là vẫn cứ đánh bắt cá ở đây, không được thu hồi biển, không chuyển nghề. Nhưng nhân dân hiểu thế là không đúng. Dự án này đáng lẽ Nhà nước phải bỏ tiền ra nhưng do không có tiền nên làm theo hình thức BOT giống như làm đường cao tốc, xe đi trên đường phải nộp phí còn đường vẫn là của Nhà nước.

Trong trường hợp này, chỉ các ki ốt mới do doanh nghiệp quản lý kinh doanh còn bãi tắm, các khu vui chơi công cộng vẫn do Nhà nước quản lý. Tin đồn bán biển là xuyên tạc chủ trương, chính sách của tỉnh, kích động nhân dân để phản đối.

Nhận khuyết điểm vì chậm chứ chủ trương không sai

Khi mà xuyên tạc như thế tại sao Bí thư Tỉnh ủy lại phải nhận khuyết điểm trước dân?

Nhận khuyết điểm trước dân là để cho dân kéo lên tỉnh dài ngày mà không giải quyết kịp thời chứ không phải là làm sai. Chủ trương là hoàn toàn đúng, và tỉnh vẫn đang dành nguồn lực cho Sầm Sơn để thực hiện dự án.

Vậy tại sao tỉnh không tổ chức đối thoại với dân sớm mà lại để sự việc diễn biến phức tạp khó kiểm soát?

Không phải thế. UBND tỉnh ngày nào cũng tiếp dân và đối thoại với dân. Hiện nay Chủ tịch tỉnh đi vắng, ở nhà 3 Phó Chủ tịch đều có nhiệm vụ tiếp dân gồm các đồng chí Lê Anh Tuấn, Ngô Văn Tuấn và tôi. Tỉnh cũng đã ra quyết định thành lập tổ tiếp dân tại TX Sầm Sơn để cho dân không mất công lên tỉnh, giải đáp tại chỗ nhưng dân vẫn không nghe.


Ngư dân Sầm Sơn phấn khởi ra khơi sau nhiều ngày "gác thuyền" đi khiếu nại

Để nâng cao chất lượng du lịch Sầm Sơn đồng thời với việc cải thiện nghề cá của Sầm Sơn bằng cách chuyển từ đánh bắt ven bờ sang xa bờ tỉnh đã ban hành chính sách riêng cho các hộ dân bị ảnh hưởng nhưng dân chưa hiểu được chủ trương và chính sách của tỉnh. Đó là trách nhiệm của các ngành của tỉnh và TX Sầm Sơn.

Đã có trường hợp doanh nghiệp sau khi được giao bãi biển đã dựng bờ rào ngăn cách thành một khu riêng. Phải chăng ngư dân ở TX Sầm Sơn đang e ngại việc này?

Có thể họ lo sợ tình trạng như một số nơi. Họ không biết rằng nhà đầu tư chỉ được khai thác trên những công trình mà FLC được phép kinh doanh dịch vụ còn toàn bộ công trình công cộng, tuy rằng FLC bỏ tiền ra đầu tư nhưng trách nhiệm quản lý là Nhà nước, mọi người được hưởng lợi chung từ các công trình đấy.

Chủ trương đúng nhưng tuyên truyền chưa tốt có thể nói rằng chính quyền và các cơ quan chức năng không gần dân có đúng không?

Không gần dân thì chưa có cơ sở để khẳng định nhưng cách tuyên truyền đến dân như thế nào, dân chưa hiểu đấy là cái yếu kém của mình.

Có quan điểm cho rằng để một làng chài tồn tại cũng có thể là điểm nhấn cho khu du lịch, ông đánh giá thế nào về ý tưởng này?

Vấn đề này các nhà quy hoạch đã nghiên cứu, giữa Sầm Sơn có nên để lại một bến thuyền phục vụ cho ngư dân hay không. Nhưng trong quy hoạch nếu mà như thế sẽ không đạt mục tiêu, yêu cầu thu hút khách quốc tế.

Từ xưa đến nay Sầm Sơn làm gì có khách quốc tế đến tắm đâu là vì ngư dân vẫn cứ lẫn lộn tập kết thuyền bè ngay trên bãi biển. Đợt này tỉnh quyết tâm cải thiện bãi biển Sầm Sơn theo hướng văn minh, chuyên nghiệp, khắc phục tình trạng từ du lịch tắm biển chủ yếu vào mùa hè sang du lịch biển cả bốn mùa.

Như thế có nghĩa là để thu hút khách quốc tế và đạt chuẩn sẽ không để cho ngư dân cập thuyền vào bãi nữa?

Định hướng là toàn bộ bãi biển sẽ không có tập kết thuyền bè cùng với khách tắm mà sẽ bố trí sang khu vực khác. Tàu trên 30 CV đã có cảng cá, có âu tránh trú tàu thuyền, có dịch vụ nghề cá, được tổ chức thành tổ đội, có các thiết bị an toàn, đảm bảo khi ra biển, bão gió vào tàu thuyền có nơi tập kết.

Đây là bãi ngang, còn đánh bắt ven bờ thì còn tập kết ở đấy. Nếu đánh bắt xa bờ rồi muốn tập kết vào cũng không thể đậu được mà tàu lớn là phải vào cảng. Người dân chưa nhận thức được vấn đề đó thì mình phải chấp nhận tình trạng đánh bắt ven bờ cứ tập kết ở đấy.

Để chuyển đổi dần dần, khi nào sắm được tàu lớn thì lại vào cảng chứ không phải là Thanh Hóa sẽ xóa bỏ hết thuyền, mủng nhỏ, không cho dân tập kết như đang có tin tuyên truyền. Chúng tôi cho dân đóng tàu mới công suất 30 CV trở lên đến dưới 400 CV. Từ 400 CV trở lên là theo Nghị định 67. Phải kiên trì vận động để dân chuyển đổi. Chính phủ đã đề ra chuyện chuyển đổi nghề, hạn chế rồi tiến đến chấm dứt không khai thác tàu công suất nhỏ ven bờ từ năm 2005. Tất nhiên phải làm từng bước, có lộ trình.

Xin cảm ơn ông!

KIÊN CƯỜNG - DƯƠNG TƯỜNG (THỰC HIỆN)
Nguồn: NNVN
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

ĐBSCL: Mua tạm trữ 760.000 tấn gạo