Cần tăng cường chế biến sâu hàng nông sản
18:06 - 25/01/2016
(TNNN)-  Hai mươi năm qua Việt Nam đã là nước xuất khẩu nguyên liệu hàng đầu thế giới, như: cà phê, gạo, hạt tiêu… Tuy nhiên, chúng ta lại rất thiếu các sản phẩm thành phẩm. Có rất nhiều thứ chúng ta nhập khẩu. Đồng thời cũng có rất nhiều nhà đầu tư nước ngoài đến Việt Nam tổ chức sản xuất và bán những sản phẩm đó với nguyên liệu xuất xứ từ Việt Nam cho chính người Việt. 
Ảnh minh họa

Điển hình như ngành cà phê, cả nước hiện có trên 641.700ha. Trong đó, có hơn 580.000ha cà phê cho thu hoạch, sản lượng gần 1,4 triệu tấn cà phê nhân/năm. Các tỉnh Tây Nguyên có 573.000ha cà phê, diện tích cho thu hoạch gần 532.500ha, sản lượng trên 1,3 triệu tấn nhân.
 
Hàng năm, 90% sản lượng cà phê của Việt Nam được xuất khẩu, nhưng chủ yếu vẫn là cà phê nhân xô, với đa phần là chế biến thô, chất lượng không đồng đều, tỷ lệ hạt vỡ cao nên giá bán thấp hơn sản phẩm cùng loại của các nước khác. Niên vụ 2013- 2014, cả nước xuất khẩu 1,395 triệu tấn cà phê nhân, thu về 3,55 tỷ USD.
 
Theo ông Lương Văn Tự, Chủ tịch Hiệp hội Cà phê - Ca cao Việt Nam, khi bán 1kg cà phê với giá thành như hiện nay, các nông hộ, doanh nghiệp thu được gần 2 USD, tương đương với giá trung bình của 1 ly cà phê (đã được pha chế) ở các nước nhập khẩu cà phê, trong khi đó, 1kg cà phê thì pha chế được 50 ly cà phê.
 
Theo đánh giá của ông Võ Thành Đô, Phó cục trưởng Cục Chế biến nông, lâm, thủy sản và nghề muối (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn), công nghiệp chế biến cà phê lâu nay chủ yếu vẫn là chế biến cà phê nhân xuất khẩu, mang lại giá trị gia tăng thấp, còn chế biến sâu ra các sản phẩm cà phê bột, cà phê hòa tan, cà phê hòa tan phối trộn (cà phê “3 trong 1,” “2 trong 1”…) chỉ mới chiếm tỷ lệ từ 4,1-6% trong tổng sản lượng cà phê.
 
Ở Việt Nam đã có nhiều nhà máy chế biến cà phê, từ chế biến thô đến chế biến sâu, nhưng chưa được khai thác hết công suất. Cụ thể, cả nước có 97 cơ sở chế biến cà phê nhân, với công suất thiết kế 1,503 triệu tấn/năm, 160 cơ sở chế biến cà phê bột (cà phê rang xay), với tổng công suất thiết kế trên 51.660 tấn sản phẩm/năm nhưng công suất thực tế chỉ có trên 26.000 tấn/năm; 8 nhà máy chế biến cà phê hòa tan nguyên chất, với tổng công suất thiết kế 36.480 tấn sản phẩm/năm,  vẫn chưa hoạt động hết công suất. Các sản phẩm chế biến gồm: cà phê nhân, cà phê bột, cà phê hòa tan.
 
Trong khi đó, các sản phẩm cà phê được chế biến sâu tuy có sản lượng thấp nhưng mang về giá trị gia tăng cao hơn gấp nhiều lần so với xuất khẩu cà phê nhân. Mỗi năm Việt Nam vẫn phải nhập khẩu rất nhiều cà phê rang xay của nước ngoài. Các nước đó mua cà phê của Việt Nam, sản xuất và đóng gói đã mất 6 tháng, lại vận chuyển rồi tồn kho cho đến người tiêu dùng là mất từ 12 đến 18 tháng.
 
Trong ngành ca cao, điển hình như tại tỉnh Đắk Lắk hiện có hơn 2.000 ha ca cao được trồng rải rác tại 14/15 huyện, thị xã, thành phố, trong đó, gần 1.500 ha đã cho thu hoạch, năng suất bình quân đạt gần 1,3 tấn/ha. Với sản lượng hằng năm khá cao (khoảng 1.900 tấn hạt khô), hạt có kích thước lớn, chất lượng tốt, nhưng khả năng chế biến còn rất hạn chế, chủ yếu dừng lại ở việc sơ chế, lên men. Phần lớn ca cao khô đều được các doanh nghiệp ngoại tỉnh đến thu mua để xuất khẩu hoặc chở đi nơi khác chế biến như Công ty TNHH Cargill Việt Nam (TP. Hồ Chí Minh), Công ty TNHH Armajaro Việt Nam và Công ty TNHH Olam Việt Nam (Đồng Nai)…
 
Theo Sở Công Thương, trên địa bàn tỉnh chỉ có Công ty TNHH ca cao Nam Trường Sơn (xã Ea Na, huyện Krông Ana) có khả năng chế biến ca cao hạt khô thành các loại sản phẩm: bột ca cao, sôcôla, bơ theo quy mô công nghiệp. Với công suất chế biến 2-3 tấn sản phẩm/tháng, sản phẩm của công ty không những được tiêu thụ ở thị trường trong nước mà từ đầu năm 2015 còn xuất khẩu sang Nhật Bản và Canada.
 
TS Nguyễn Đỗ Anh Tuấn- Viện trưởng Viện Chính sách và chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn cho rằng, nếu cứ chạy theo khai thác về diện tích và sản lượng, chỉ XK chủ yếu là sản phẩm thô, theo mùa vụ, thì khi rộ lên lại bị ép giá. Muốn bán được theo quyền của mình, dự trữ lâu hơn, có giá trị cao hơn chắc chắn phải qua chế biến sâu. Mặt khác, nếu không đầu tư cho chế biến thì không rút được lao động ra khỏi khu vực nông nghiệp, quy mô sản xuất sẽ vẫn nhỏ lẻ, kém chất lượng; không chế biến cũng khó tiếp tục cạnh tranh được với mặt hàng của các nước, bởi trước đây cạnh tranh bằng lao động giá rẻ nhưng hiện giá lao động cũng tăng lên do mức sống cao hơn, cần có giá trị cao hơn để trả cho người lao động.
 
Với ngành hồ tiêu, Việt Nam hiện có khoảng 200 doanh nghiệp chế biến, kinh doanh, trong đó có 15 doanh nghiệp hàng đầu, chiếm 70% lượng xuất khẩu cả nước. Đặc biệt, có 5 doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, chiếm gần 30% thị phần xuất khẩu.
 
 
 
Hiện nay, 95% tổng lượng sản xuất hồ tiêu để phục vụ xuất khẩu. Công nghệ chế biến hồ tiêu Việt Nam đã đạt được mặt bằng phổ thông chung, đáp ứng được nhu cầu tiêu dùng khắp thế giới. Hiện nay, dù sản lượng từ các doanh nghiệp có nhà máy chế biến công nghệ cao theo tiêu chuẩn ASTA, ESA, JSSA và xu hướng tạo sản phẩm đa dạng: tiêu đen, trắng nguyên hạt, tiêu nghiền bột, đóng gói nhỏ… tăng lên nhưng hồ tiêu Việt Nam chủ yếu vẫn xuất thô, đạt mức giá xuất khẩu 7.738 USD/1 tấn, thấp hơn giá bán của nhiều nước. Nếu ngành hàng hồ tiêu Việt Nam được tổ chức chế biến tốt hơn sẽ gia tăng giá trị sản phẩm xuất khẩu, giá hồ tiêu Việt Nam sẽ tương đương và có thể cao hơn giá của một số nước trên thế giới.
 
Để nâng cao giá trị gia tăng cho các sản phẩm cà phê, ca cao, hồ tiêu… không còn cách nào khác chúng ta phải đầu tư nghiên cứu thay đổi cơ cấu mặt hàng theo hướng tăng sản phẩm chế biến sâu, chất lượng tốt, mở rộng thị trường tiêu thụ. Đồng thời, tăng cường liên kết giữa người trồng và doanh nghiệp chế biến nhằm tạo ra sự phát triển bền vững. Theo các chuyên gia, công nghiệp chế biến sâu cà phê sẽ nâng giá trị gia tăng lên ít nhất 3 lần so với cà phê nhân xuất khẩu thô.
 
Ngày 19/5/2015, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải trong cuộc họp đầu tiên của Ban chỉ đạo liên ngành về tái cơ cấu nông nghiệp đã chỉ đạo: “Cần đẩy mạnh chế biến sâu trong sản xuất nông nghiệp, nên tập trung vào những sản phẩm có lợi thế để tăng tỷ lệ chế biến. Chỉ có thể chế biến sâu, quy mô lớn thì chúng ta mới thực sự làm chủ các sản phẩm nông sản được”.
 
Ông Võ Thành Đô cho biết, từ nay đến năm 2020 và định hướng 2030, cả nước chưa cần xây dựng thêm các cơ sở chế biến mới cà phê, hồ tiêu…, chỉ chú trọng đầu tư bổ sung, đổi mới công nghệ, thiết bị để tăng năng suất lao động và nâng cao chất lượng sản phẩm.
 
Đối với ngành cà phê, đến năm 2020, tỷ lệ cà phê tiêu dùng (cà phê chế biến sâu: cà phê rang xay, cà phê hòa tan) đạt từ 25% trong tổng sản lượng cà phê nhân trở lên; trong đó, sản lượng cà phê rang xay đạt 50.000 tấn sản phẩm/năm, cà phê hòa tan các loại đạt 255.000 tấn/ năm; trong đó, cà phê hòa tan nguyên chất chiếm trên 20%. Cà phê rang xay chủ yếu dành cho thị trường nội địa, cà phê hòa tan phục vụ cho xuất khẩu và một phần tiêu thụ nội địa. Định hướng đến năm 2030, ngành này tăng sản lượng cà phê rang xay lên trên 50.000 tấn/năm, sản lượng cà phê hòa tan đạt trên 350.000 tấn/năm.
 
Với ngành hồ tiêu, bà Nguyễn Mai Oanh- Phó Chủ tịch Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam, trong giai đoạn 2016-2020, mục tiêu của ngành hàng hồ tiêu là không tăng diện tích mà tập trung vào thâm canh theo hướng bền vững trên những diện tích có điều kiện tự nhiên, đất đai phù hợp, thuận lợi về nguồn nước tưới. Song song với đó sẽ đẩy mạnh phát triển ngành công nghiệp hồ tiêu theo hướng bền vững, đảm bảo vệ sinh ATTP, phấn đấu sản lượng tiêu sạch, tiêu qua xử lý chế biến đạt khoảng 90% sản lượng tiêu hàng năm. Trong đó, tiêu đen chiếm 70% (15% là tiêu nghiền bột) và tiêu trắng chiếm 30% (25% là tiêu nghiền bột). Căn cứ vào sản lượng và nhu cầu thị trường, ngành hồ tiêu phấn đấu duy trì kim ngạch xuất khẩu 1,2-1,3 tỷ USD/năm từ nay đến 2020.
 
Về phát triển ngành ca cao, các chuyên gia cho rằng nên đi theo hướng nâng cao chất lượng, tạo thương hiệu cho sản phẩm ca cao Việt Nam và từng bước chiếm lĩnh thị trường nội địa mà không cần tăng diện tích hay đẩy mạnh xuất khẩu. Đồng thời, xác định lại cây ca cao là loại cây trồng cần có sự đầu tư chứ không thể là cây trồng xen và thuần để đảm bảo năng suất. 

Trung Kiên
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

ĐBSCL: Mua tạm trữ 760.000 tấn gạo