Bất lực trước gỗ lậu?
15:49 - 14/01/2016
Người dân xã Ia Krái (huyện Ia Grai, Gia Lai) tố cáo, trên địa bàn có nhiều bãi gỗ khủng được vận chuyển từ biên giới về. Dù lâm tặc chở gỗ đi ngang qua UBND xã và một chốt kiểm tra lâm sản nhưng chẳng ai… nhìn thấy.
Gỗ lậu vừa được cơ quan chức năng huyện Ia Grai phát hiện, thu giữ

Gỗ lậu vượt chốt dễ dàng

Để làm rõ vấn đề, chúng tôi làm có buổi làm việc với ông Dương Mah Tiệp- Chủ tịch UBND huyện Ia Grai được biết, Ia Grai là huyện biên giới giáp ranh với Vương quốc Campuchia và huyện Ia H’Đrai, huyện Sa Thầy (Kon Tum) bằng một bờ sông dài có nhiều bến, bãi.

Trong năm 2014, 2015, huyện có các doanh nghiệp được UBND tỉnh cho phép nhập khẩu gỗ qua đường tiểu ngạch từ Campuchia về bằng các lối mở cửa khẩu phụ là Phà 6 (xã Ia O) và Phà 8 (xã Ia Chía) nên không tránh khỏi việc các đối tượng nhập khẩu gỗ để trà trộn mua bán, vận chuyển lâm sản trái phép.

 Theo ông Tiệp, Ia Grai không thể là nơi tập kết với “những bãi gỗ lậu khủng” bởi nhu cầu tiêu thụ gỗ trên địa bàn rất ít, đây chỉ là nơi trung chuyển gỗ đi những nơi khác tiêu thụ. Vậy thì, câu hỏi đặt ra ở đây là việc trung chuyển, vận chuyển gỗ lậu có khó không?

“Tôi khẳng định là việc vận chuyển gỗ lậu không hề khó dù có nhiều lực lượng cùng quản lý vấn đề này như công an, kiểm lâm, quản lý thị trường, lâm trường, UBND các xã và thậm chí có cả một chốt kiểm tra lâm sản do tỉnh thành lập đặt ngay dốc cầu Ia Dom (xã Ia Krái)”, ông Tiệp thẳng thắn.

Theo lời kể, khoảng 0 giờ ngày 23/12/2015, trên một chiếc taxi, đoàn 4 người do ông Tiệp dẫn đầu đã phục gần chốt kiểm tra lâm sản Ia Krái (theo hướng từ biên giới về phố). Tại đây, đoàn đã phát hiện và ghi lại có tổng cộng 6 xe bán tải đời mới và xe chở khách từ 12 đến 16 chỗ ngồi đời cũ đang lặc lè, gầm rú leo dốc.

09-59-20_go-lu-o-i-gri-2

Tuy vậy, ông Tiệp cho rằng tình hình vẫn chưa ổn. “Hàng ngày, đứng trước cổng UBND huyện, tôi vẫn thấy xe bán tải, xe vận tải khách cũ ùn ùn kéo lên biên giới nhưng chẳng biết về lúc nào. Chúng tôi sẽ tiếp tục cải trang điều tra, không thể để tình trạng gỗ lậu đổ về như cái chợ được”, ông Chủ tịch huyện kiên quyết.

Quan sát bằng mắt thường cũng thấy rõ nhiều xe có những lóng gỗ lòi ra đến nửa mét. Ngay lập tức, đoàn vào chốt kiểm tra lâm sản yêu cầu những người trực ca ra bắt những chiếc xe trên, tuy nhiên không ai chấp hành lời của vị Chủ tịch huyện.

“Lúc đoàn ập vào thì chốt có tổng cộng 4 người đều không mặc trang phục ngành, trong đó 1 người thức, 3 người khác đang ngủ. Khi chúng tôi yêu cầu bắt giữ số xe chở gỗ lậu vừa qua chốt thì tất cả chỉ kịp mặc quần áo ngành rồi đứng ngẩn người ra, miệng ú ớ. 

Mặc dù họ đều biết vị trí công tác của từng người trong đoàn chúng tôi nhưng tất cả đều không có hành động gì, thế mới lạ. Để xảy ra sự việc trên, theo tôi cơ bản là do thiếu ý thức trách nhiệm đối với công việc cũng như thái độ làm việc kém của cán bộ”, ông Tiệp bực mình.

Hôm sau, sự việc trên đã được đưa ra họp Ban Chấp hành, báo cáo Ban Thường vụ Huyện ủy.

Mỗi ngành mỗi kiểu làm

Mới đây, Chủ tịch UBND huyện Ia H’Đrai đã gọi điện thoại thông báo cho ông Tiệp về việc tỉnh Kon Tum đang tiến hành truy quét lâm tặc cũng như tình trạng khai thác gỗ lậu trên địa bàn. Theo “quy luật”, lâm tặc sẽ dồn sức “đẩy” gỗ về huyện Ia Grai.

09-59-20_go-lu-o-i-gri-3

Nhận thấy tình hình phức tạp, UBND huyện Ia Grai đã chỉ đạo kiên quyết đấu tranh phòng, chống các hành vi vi phạm Luật Bảo vệ và phát triển rừng. Cụ thể, từ đầu tháng 12/2015 đến nay, tăng cường gấp đôi quân số so với thời gian trước, thường xuyên tuần tra kiểm soát các khu vực trọng điểm, các bến bãi mà đối tượng vi phạm thường tập kết gỗ trái phép. Tuy nhiên, kết quả đạt được là… tình hình gỗ lậu thời gian này ở huyện Ia Grai được đánh giá là “nóng” hơn thời điểm trước.

“Có một sự thật là lực lượng chức năng đều nắm rõ gỗ lậu sẽ được tập trung ở đâu, đối tượng nào sẽ làm việc này… nhưng rồi kết quả chẳng đi đến đâu, thậm chí tình hình còn “nóng” hơn thời điểm trước”, ông Tiệp bức xúc.

Qua chuyến công tác vừa rồi, lãnh đạo huyện Ia Grai phát hiện ra được nguyên nhân dẫn đến việc tồn tại thực trạng trên. Đó là, trong công tác quản lý và bảo vệ rừng, có nhiều cơ quan cùng làm việc này nhưng không chịu phối hợp. Đơn cử, Kiểm lâm là đơn vị chủ trì nhưng chỉ muốn tự làm riêng lẻ, không thông báo với ai do đó không ai kiểm soát được. Kiểm lâm viên địa bàn chẳng bao giờ có chương trình, kế hoạch làm việc, muốn làm gì thì làm, xã không nắm được. Lực lượng của tỉnh xuống địa bàn cũng không thông báo cho huyện biết.

Bắt đúng "bệnh", UBND huyện Ia Grai đã ban hành giải pháp, yêu cầu tăng cường công tác quản lý đối với các cơ quan chuyên trách. Nếu để xảy ra sai phạm, người đầu tiên phải chịu trách nhiệm là lãnh đạo đơn vị. Và nhờ vậy, tình hình đã có chuyển biến khá rõ nét. Đơn cử, mới đây, lực lượng dân quân xã Ia Krái, xã Ia Khai phát hiện hai xe chở gỗ lậu và đã báo cho cơ quan chức năng thu giữ.

NGỌC LINH
Nguồn: NNVN
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

ĐBSCL: Mua tạm trữ 760.000 tấn gạo