HTX kiểu cũ trong cơn 'teo cơ': 'Ly hôn' rồi lại sáp nhập
10:34 - 12/01/2016
Từ các tổ đội sản xuất rồi gom lại lập ra HTX thôn. Từ các HTX thôn nhập lại thành HTX toàn xã. Từ HTX toàn xã lại tách ra thành các HTX thôn. Để giờ đây lại chuẩn bị sáp nhập.
Chủ nhiệm HTX kiểu cũ có vai trò rất nhạt nhòa

Xoay như đèn cù

Mọi thứ cứ xoay hệt như đèn cù khiến người ngoài cuộc thấy mà chóng mặt, người trong cuộc thấy mà rối bời.

Có lẽ Ứng Hòa (Hà Nội) là huyện đang giữ kỷ lục về số lượng HTX nông nghiệp kiểu cũ (tức HTX thôn hay HTX toàn xã chứ không phải HTX kiểu chuyên ngành như cây ăn quả, thủy sản, hoa, chè… thành lập về sau này ở các nơi do nhu cầu của cuộc sống). Điều này có tính lịch sử của nó.

Non nửa thế kỷ về trước, huyện sáp nhập mô hình HTX thôn thành HTX toàn xã. Quãng những năm 1988-1991, do phương thức quản lý không phù hợp nên HTX toàn xã bị rạn nứt, phá vỡ từng mảng lại thành các HTX quy mô thôn. Cuộc chuyển động ầm ào, sau thấy HTX quy mô thôn cũng không thực sự hợp lý, huyện “phanh” lại nên mới tạm dừng ở 106 HTX trong đó 9 HTX quy mô toàn xã còn lại 97 HTX quy mô thôn.

Trên cơ sở Luật HTX mới năm 2012, Ứng Hòa cũng có kế hoạch tổ chức lại HTX và chỉ đạo hợp nhất các HTX quy mô thôn thành quy mô xã. Thực tế, địa phương đã chuyển đổi được 6 HTX trong đó có Đoàn Xá của xã Đồng Tiến từng là điểm nóng khi 15 năm chưa thể thực hiện đại hội xã viên.

Một trong những hòn đá tảng chắn lối cho việc chuyển đổi, sáp nhập HTX là chuyện xử lý tài sản. Tài sản mỗi HTX thôn rất khác nhau khi góp vào thành HTX lớn sẽ theo cơ chế như thế nào, công nợ sẽ phải giải quyết ra sao?

Trước đây, tài sản của HTX ngoài ruộng đất còn là sân kho, là máy cày, máy kéo, là con trâu, con bò. Lịch sử đã chứng minh mỗi cuộc “đục nước” sáp nhập hoặc tách ra, mớ tài sản đó lại thêm phần mất mát khiến cho không ít HTX hiện nay chẳng khác gì bộ xương khô, không xác thịt, không máu da.

Trong 6 HTX của Ứng Hòa đã tổ chức lại hoạt động theo Luật mới chỉ có 2 HTX Trung Tú và Hòa Phú làm tốt công tác xử lý tài sản từ HTX cũ; tổ chức phát đơn đăng ký lại thành viên, thông qua điều lệ mới, có góp vốn mức từ 50.000-100.000 đồng/thành viên. Còn lại đều đang ngổn ngang cả.

Ông Nguyễn Chí Viễn - Phó Chủ tịch UBND huyện cho hay, kế hoạch của Ứng Hòa đến 30/6/2016 sẽ kết thúc toàn bộ quá trình tổ chức lại HTX cũng như hợp nhất HTX. Tuy nhiên, tốc độ đến nay phải khẳng định là chậm. “Nhưng không thể làm cho xong, làm cho có con dấu mới mà phải sao cho hiệu quả”, ông Viễn khẳng định.

Phân tích những lý do khiến HTX hiện nay còn yếu kém, theo ông thứ nhất là do vai trò quản lý Nhà nước đối với kinh tế tập thể còn hạn chế. Thời của HTX toàn xã trước đây huyện chỉ quản lý 29 HTX thì dễ nhưng giờ Phòng Kinh tế phải quản tới 106 HTX trong khi đó không có cán bộ chuyên phụ trách kinh tế tập thể. Đại hội thường niên của 106 HTX cũng không thể đi dự được bởi nếu thế sẽ hết cả năm. Ở những HTX toàn xã, lãnh đạo Phòng Kinh tế bố trí xuống dự đại hội được thì lãnh đạo Ủy ban xã mới xuống dự, còn không thì địa phương cũng lờ đi. Đó là một xu thế.

14-57-28_dsc_1098
Ông Nguyễn Chí Viễn-Phó Chủ tịch UBND huyện Ứng Hòa

Thứ nữa, những vấn đề đã ăn sâu vào tiềm thức từ cán bộ đảng viên đến xã viên về HTX kiểu cũ rất khó để “tẩy” đi, rất khó để họ hiểu HTX kiểu mới hoạt động phải mang tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm, tự hưởng theo kết quả kinh doanh còn xã viên phải mang tính tự nguyện.

“Thay đổi để tổ chức lại HTX đã là việc khó, hợp nhất các HTX thôn thành toàn xã lại thêm một việc khó. Khác với các địa phương Ứng Hòa phải thực hiện cả hai điều đó đồng thời. Cũng không phải là đội ngũ lãnh đạo HTX cũ không phải họ muốn “ôm” việc nhưng tổ chức lại như thế nào thì phải có mô hình chuẩn để mà học.

Hiện có hai HTX đang xung phong làm trước là Kim Đường và Liên Bạt để xem trong quá trình hợp nhất sẽ nảy sinh những cái gì. Hay như ở Minh Đức người ta mới cho ra đời một HTX mới tinh không liên quan gì với các HTX thôn để nay mai HTX nào vỡ thì “chui” hết vào. Năm 2016 là thời điểm các HTX kiểu cũ khó mà tồn tại nỗi vì con dấu không còn đủ tư cách pháp nhân, không còn giao dịch được nữa, đương nhiên sẽ giải thể. Chủ động giải thể sẽ tốt hơn là bắt buộc phải giải thể”, ông Viễn khẳng định.

Những câu hỏi khó

Tôi đặt vấn đề với ông Viễn rằng, hiện một số người cho rằng không có HTX nông nghiệp cũng được bởi nó đang đóng vai trò rất mờ nhạt, thậm chí là không nhìn thấy. Ông bảo HTX nông nghiệp có đặc thù riêng, ngay bản thân chuyện tách HTX thôn ra khỏi HTX toàn xã, bình thường không vấn đề gì nhưng gặp những năm thời tiết không thuận lợi sẽ bộc lộ hết. Tỉ như HTX toàn xã có thể điều tiết nước trên diện tích cả xã, lấy từ cao đến thấp, từ khó đến dễ đảm bảo điều hòa.

Không cần đến sự can thiệp của nhà nước ông Chủ nhiệm cũng làm được điều ấy. Với HTX thôn, gặp những năm khó như thế thì khi nước vào tất cả cùng bơm, như lên xe ô tô không có người tổ chức xếp hàng, cuối cùng tất cả đều bám ở cửa mà không ai vào trong được. Quay lại với hộ xã viên, khi gặp khó khăn như thế xã viên sẽ không tự điều tiết được mà phải có tập thể. HTX nông nghiệp ở những thời điểm gian khó ấy mới thể hiện rõ vai trò. Bên cạnh đó HTX nông nghiệp còn mang tính dân sinh, mang tính cộng đồng, thiếu nó thì không ổn nhưng cơ chế hỗ trợ cho nó lại không có mà vẫn phải sòng phẳng như các doanh nghiệp khác nên cũng đang bị thiệt thòi.

Tôi đặt vấn đề, chuyện xã viên cả làng, cả xã như hiện nay không đúng theo tinh thần Luật HTX kiểu mới là tự ngyện, ngay cả chuyện góp vốn mỗi người 50-100 ngàn cũng rất hình thức. Ông Viễn bảo chuyện vào HTX phải hoàn toàn tự nguyện, đã vào thì phải góp vốn để thực hiện dịch vụ, còn đã sử dụng dịch vụ của HTX thì phải trả tiền.

Tôi bắt ngay vào cái ý tồn tại bằng dịch vụ công ích là bản chất của HTX hiện nay để phản ánh với ông chuyện nhiều HTX hiện không có sống bằng dịch vụ mà hoàn toàn sống nhờ vào chuyện cho đấu thầu quỹ đất công. Cắt khoản này coi như đã cầm búa đóng đinh cho chiếc quan tài HTX kiểu cũ.

Ông Viễn cắt nghĩa: Trước đây Ban quản trị HTX tổ chức các dịch vụ của mình theo cách mua của đại lý bán sỉ rồi đem bán lẻ cho dân sau khi đã cộng các chi phí quản lý, kinh doanh của mình, đương nhiên giá đắt nên xã viên sẽ ngày càng tránh. Tại sao anh có xã viên của anh, có người sử dụng dịch vụ của anh mà không đăng ký làm đại lý cho các công ty để phân phối hàng đến tay người tiêu dùng? Từ mua lẻ thành mua buôn, lấy chiết khấu hoa hồng làm công thì tất nhiên giá sẽ rẻ và cạnh tranh được. HTX kiểu mới là phải ký dịch vụ với từng hộ xã viên từ chuyện cơ giới hóa, làm mạ đến cấy máy, thu hoạch thì mới tồn tại được.

HTX nông nghiệp càng gặp khó khăn vì hiện nay, số lượng dịch vụ quá ít, hầu hết là không hiệu quả. Tất cả các dịch vụ thực hiện đều không cạnh tranh được với tư nhân, duy nhất có dịch vụ thủy lợi nội đồng là chẳng tư nhân nào vào được thì HTX phải thực hiện.

Nếu rà soát theo luật hiện nay, rất nhiều HTX thừa sức phải giải thể nhưng cũng khó có thể giải thể được vì việc ký HTX dịch vụ phải qua HTX, giải thể cũng chẳng biết giao cho ai thực hiện để đảm bảo nước tưới tiêu cho một bộ phận tham gia sản xuất nông nghiệp.

Không ai muốn vào HTX vì rất ít HTX thể hiện được vai trò đem lại lợi ích cho các thành viên nên HTX nông nghiệp của Việt Nam phần đa gò ép, khác hẳn với hình thức HTX trên thế giới, nhất là mô hình HTX của Nhật.

Ở đó HTX là các thành viên cùng được hưởng lợi chung, cùng sử dụng chung một số tư liệu sản xuất để giảm giá thành, giảm chi phí sản xuất. HTX có quyền đem sản phẩm của mình đi đấu giá, bán sản phẩm trực tiếp... Còn của ta hễ ai có ruộng đều thành xã viên. Cần phải “bắt bệnh” một cách trung thực thực trạng các HTX nông nghiệp hiện nay mới mong có liều thuốc chữa trị tận gốc.

(Lời một cán bộ ngành nông nghiệp)

 

DƯƠNG ĐÌNH TƯỜNG
Nguồn: NNVN
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

ĐBSCL: Mua tạm trữ 760.000 tấn gạo