Mấy bài học đắt giá trong xuất khẩu nông sản
17:00 - 06/01/2016
Luật sư Châu Việt Bắc, Phó Tổng thư ký Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) đã nêu lên mấy bài học trong xuất khẩu nông sản, qua một số vụ kiện gần đây.
Luật sư Châu Việt Bắc. (Ảnh: Huỳnh Biển)

Bán dứa mất tiền

Vụ tranh chấp hợp đồng mua bán dứa (khóm) đông lạnh, doanh nghiệp Việt Nam kiện đòi tiền doanh nghiệp Bỉ. Từ cuối năm 2013 đến đầu 2014, doanh nghiệp Việt Nam ký 4 hợp đồng bán khóm cho doanh nghiệp Bỉ. Giao xong hàng, không nhận được tiền nên doanh nghiệp Việt Nam khởi kiện đến VIAC để đòi tiền và đầu năm 2015, VIAC giải quyết.

Quan điểm của doanh nghiệp Việt Nam: căn cứ hợp đồng, doanh nghiệp Bỉ phải chuyển tiền trả vào tài khoản ngân hàng của doanh nghiệp Việt Nam, sau khi nhận được hàng. Thế nhưng, doanh nghiệp Việt Nam đã chuyển hàng và gửi bản gốc các chứng từ vận chuyển hàng hóa đến cho doanh nghiệp Bỉ (để nhận hàng), nhưng doanh nghiệp Bỉ không thanh toán tiền.

Còn doanh nghiệp Bỉ cho rằng đã thanh toán cho một bên thứ ba tại Trung Quốc. Doanh nghiệp Việt Nam còn cho rằng, 35 email trao đổi thông tin liên quan đến 4 hợp đồng mà doanh nghiệp Bỉ cung cấp tại phiên xử, chỉ có 3 email hợp lệ, còn lại chỉ nhằm che giấu việc trả tiền sai địa chỉ để “lừa đảo”. Vừa đòi tiền bán hàng, doanh nghiệp Việt Nam còn đòi tiền lãi của khoản tiền chậm trả này.

Quan điểm của doanh nghiệp Bỉ, đây là hợp đồng ký qua mạng. Quy trình ký: phía Việt Nam gửi dự thảo hoàn thiện của hợp đồng (chưa ký tên, đóng dấu); phía Bỉ in ra, ký tên và đóng dấu bằng mực xanh, ký tắt vào từng trang của hợp đồng, gửi bản scan cho phía Việt Nam; phía Việt Nam in bản scan hợp đồng ra để ký và đóng dấu, gửi bản scan hợp đồng đã ký và đóng dấu của hai bên đến phía Bỉ.

Doanh nghiệp Bỉ cũng cung cấp đĩa CD chứa 4 hợp đồng, trong đó không tồn tại quy định về thông tin tài khoản ngân hàng để thanh toán tiền hàng hóa của doanh nghiệp Việt Nam; điều này hoàn toàn khác với nội dung hợp đồng tranh chấp do doanh nghiệp Việt Nam đưa ra là có tài khoản ngân hàng để thanh toán.

Như thông lệ, phía Bỉ đã gửi email trao đổi thông tin đến email của doanh nghiệp Việt Nam. Qua trao đổi, hai bên thống nhất chuyển sang ký hợp đồng ở một tài khoản email mới và trong này, yêu cầu doanh nghiệp Bỉ thanh toán đến một bên thứ ba tại Trung Quốc.

Sau lần thanh toán hợp đồng đầu tiên vào tài khoản ở Trung Quốc thì bản chính các chứng từ vận chuyển hàng hóa những hợp đồng sau vẫn được gửi đến doanh nghiệp Bỉ, rõ ràng phía Việt Nam đã đồng ý. Cho nên, doanh nghiệp Bỉ yêu cầu Hội đồng Trọng tài bác toàn bộ yêu cầu của doanh nghiệp Việt Nam, đồng thời yêu cầu doanh nghiệp Việt Nam bồi thường chi phí luật sư là 20.000 USD.

Kết luận của Hội đồng Trọng tài: bác toàn bộ yêu cầu trả tiền hàng 4 hợp đồng và tiền lãi của doanh nghiệp Việt Nam; đồng thời bác yêu cầu của doanh nghiệp Bỉ đòi doanh nghiệp Việt Nam thanh toán phí luật sư. Còn chi phí trọng tài, doanh nghiệp Việt Nam thua kiện nên phải trả toàn bộ.

Luật sư Bắc nêu bài học, hợp đồng nên quy định đầu mối liên lạc, trao đổi thông tin và tuyệt đối tuân thủ theo quy định này. Bất kỳ thay đổi nào liên quan đến nội dung hợp đồng, nên được lập thành văn bản, được ký bởi người đại diện có thẩm quyền và đóng dấu công ty của bên thay đổi; và ít nhất gửi fax cho bên còn lại. Các bên phải cẩn trọng trong suốt quá trình thực hiện hợp đồng; đặc biệt quan tâm đến vấn đề bảo mật hệ thống dữ liệu.

Các bộ phận quản lý giao hàng và bộ phận tiếp nhận thông tin thanh toán trong cùng một công ty cần nắm bắt thông tin, trao đổi kịp thời cho nhau để tránh trường hợp thanh toán nhiều lần cho một lô hàng hoặc chưa thanh toán theo qui định đã tiến hành chuyển giao bộ chứng từ.

Bán gạo mất khách hàng

Vụ tranh chấp hợp đồng mua bán gạo, doanh nghiệp Philippine kiện doanh nghiệp Việt Nam. Đầu năm 2013, doanh nghiệp Philippine ký hợp đồng mua gạo và đã cho doanh nghiệp Việt Nam tạm ứng 20% giá trị hợp đồng, nhưng không nhận được gạo nên cuối năm 2014, khởi kiện ra VIAC.

Quan điểm của doanh nghiệp Philippine, sau nhiều lần bị trì hoãn giao gạo với nhiều lý do, ngày 17/6/2014, đã gửi văn bản tuyên bố hủy bỏ việc thực hiện hợp đồng. Kiện ra VIAC yêu cầu doanh nghiệp Việt Nam hoàn trả khoản tạm ứng 20% giá trị hợp đồng; trả tiền lãi trên số tiền tạm ứng, và thanh toán toàn bộ phí trọng tài.

Quan điểm của doanh nghiệp Việt Nam, việc hoãn giao gạo được doanh nghiệp Philippine đồng ý và hủy hợp đồng cũng do phía Philippine. Doanh nghiệp Việt Nam đã thực hiện các công tác nhằm chuẩn bị cho việc giao hàng như: kế hoạch mua và đóng gói, đăng ký khử trùng container, dán giấy, cung cấp chất hút ẩm; đăng ký giám định chất lượng lô hàng, ký hợp đồng đặt mua bao bì, đăng ký kiểm dịch thực vật. Nên đồng ý trả lại tiền tạm ứng nhưng doanh nghiệp Philippine phải bồi thường thiệt hại các chi phí.

Lập luận của Hội đồng Trọng tài: theo các chứng cứ, doanh nghiệp Việt Nam phải trả lại tiền tạm ứng và lãi cho doanh nghiệp Philippine. Tuy nhiên, doanh nghiệp Philippine đồng ý cho hoãn giao hàng, nên phải chia sẻ những chi phí chuẩn bị hàng. Trong tất cả các công việc chuẩn bị hàng mà doanh nghiệp Việt Nam liệt kê, chỉ chứng minh được chi phí bao bì (căn cứ hợp đồng đặt mua bao bì, hóa đơn GTGT và ủy nhiệm chi). Hội đồng Trọng tài kết luận: doanh nghiệp Việt Nam phải hoàn trả khoản tiền tạm ứng và tiền lãi suất, sau khi trừ chi phí bao bì. Phí trọng tài hai bên cùng chịu theo tỷ lệ phần thắng kiện.

Luật sư Bắc nêu bài học: trong quá trình trao đổi thông tin để thực hiện hợp đồng, các bên nên thông qua email, fax hoặc bất kỳ hình thức lưu trữ nào khác để tránh việc thực hiện theo một chỉ thị nào đó không chứng minh được sau này. Khi liệt kê các chi phí, phải có chứng cứ rõ ràng. Đặc biệt, “thiện chí thực hiện nghĩa vụ của mình theo quy định hợp đồng là một trong những lợi thế của các bên được xem xét đến trong xét xử tranh chấp", luật sư Bắc nhấn mạnh.

SÁU NGHỆ
Nguồn: NNVN
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

ĐBSCL: Mua tạm trữ 760.000 tấn gạo