Lực lượng chức năng đã phát hiện 2 cơ sở giết mổ gia súc trên địa bàn tỉnh Bình Dương có sử dụng chất cấm Salbutamol.
Lực lượng chức năng vừa phát hiện 1 công ty buôn bán chất cấm Sabutamol và 2 cơ sở giết mổ lợn sử dụng chất cấm trên địa bàn tỉnh Bình Dương. Đây là thông tin được ông Phạm Tiến Dũng, Trưởng phòng Thanh tra chuyên ngành Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trao đổi ngày hôm nay (19/12) với phóng viên VOV.
Ông Phạm Tiến Dũng cho biết, nhận được tin báo của dân qua đường dây nóng, ngày 16/12 vừa qua, kiểm tra đột xuất 2 cơ sở giết mổ gia súc là Út Hảo và Tân Bình trên địa bàn tỉnh Bình Dương, lực lượng chức năng phát hiện lợn đưa vào giết mổ có sử dụng chất cấm Salbutamol.
|
Ông Phạm Tiến Dũng, Trưởng phòng Thanh tra chuyên ngành Bộ Nông nghiệp và PTNT |
Tại các cơ sở này, hàng trăm con lợn đang chuẩn bị được đưa đi giết mổ. Sau khi lấy mẫu xét nghiệm, lực lượng thanh tra chuyên ngành phát hiện 5 trong tổng số 10 mẫu dương tính với chất cấm Salbutamol, đặc biệt là có trường hợp lợn vừa được sử dụng salbutamol xong đã đưa ngay vào giết mổ, khiến tỉ lệ salbutamol có trong sản phẩm vượt hơn 171 lần ngưỡng cho phép.
Qua đấu tranh khai thác, nguồn lợn giết mổ từ 2 cơ sở này được thu mua từ các trang trại chăn nuôi trên địa bàn tỉnh Bình Dương và Đồng Nai. Trung bình mỗi ngày mỗi cơ sở giết từ 130 đến gần 400 con.
Đáng lưu ý là trước đó 1 tuần, cũng từ nguồn báo của quần chúng, Thanh tra Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với các cơ quan chuyên ngành phát hiện công ty Minh Anh trụ sở địa bàn tỉnh Bình Dương sử dụng Salbutamol đậm đặc tới 98% bán cho cơ sở chế biến thức ăn chăn nuôi.
Chủ cơ sở Minh Anh khai trong 2 năm 2014 - 2015 đã nhập tới hơn 3 tấn Sanlbutamol, nguồn nhập từ Ấn Độ, sau đó bán chất cấm cho một số công ty khác.
Ông Phạm Tiến Dũng, Trưởng phòng Thanh tra chuyên ngành Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho rằng, điều này cho thấy việc quản lý nhà nước trong lĩnh vực hóa, dược còn bị buông lỏng.
“Ngày 7/12, đoàn thanh tra đã phát hiện công ty Minh Anh bán Sabutamol cho công ty Sea Bird, chuyên kinh doanh thức ăn chăn nuôi mà không có chức năng về kinh doanh hóa dược. Qua kiểm tra cơ quan chức năng phát hiện 1 thùng chứa Salbutamol 98% dạng nguyên chất ở công ty Sea Bird, trọng lượng 25kg đang dùng dở, trong đó có 7,5kg đã được sử dụng, nguồn cung cấp, nhập khẩu phân phối của công ty Minh Anh. Như vậy, một trong nguồn cung cấp Sabutamol ra thị trường hiện nay là do bên dược, y tế cho nhập khẩu, xuất bán ra ngoài nhưng chưa quản lý được”, ông Dũng nói.
Ông Phạm Tiến Dũng cũng cho biết thêm, qua thực tiễn đấu tranh và ý kiến của nhiều cơ sở chăn nuôi, các thương lái trong quá trình thu mua còn nói thẳng với người chăn nuôi, nếu lợn có chất tạo nạc, sẽ mua với giá 45.000 – 46.000 đồng/kg và có bao nhiêu sẽ được thương lái mua hết.
Ngược lại nếu nuôi lợn không có chất tạo nạc, giá thu mua chỉ từ 42.000 – 43.000 đồng/kg nhưng vẫn bị thương lái từ chối không mua, hoặc nếu mua sẽ ép giá xuống rất thấp./.