Cách nào 'giải độc' môi trường chăn nuôi? - Khổ vì chất thải dư thừa
Ở Bắc Giang, rất nhiều trang trại đang bế tắc trước bài toán môi trường. Những công trình xử lý chất thải “tí hon” không thể phát huy hiệu quả khi cõng trên mình số lượng vật nuôi “khổng lồ”.
|
Chỉ mất điện chừng 2 giờ, khu chuồng nuôi lợn của gia đình ông Hinh đã bốc mùi hôi thối |
Ô nhiễm phát sinh, và đã có không ít trang trại bị xử phạt vi phạm hành chính.
Mất 118 triệu đồng/năm gom phân thải
Với 250 trang trại chăn nuôi lợn, quy mô 300 - 400 con lợn thịt/lứa; hàng trăm gia trại, hộ chăn nuôi lợn từ 50 - 100 con/lứa (tập trung chủ yếu tại các xã Ngọc Châu, An Dương, Việt Lập, Việt Ngọc) huyện Tân Yên là lá cờ đầu trong phong trào nuôi lợn của tỉnh Bắc Giang. Tuy nhiên, địa phương này cũng đang phải đối mặt với vấn đề ô nhiễm môi trường.
Nhờ có diện tích đất rộng, mô hình trang trại phổ biến ở xã Ngọc Châu là kết hợp giữa nuôi lợn và đào ao thả cá. Thời điểm này, giá lợn đang rất cao (50.000 đồng/kg lợn hơi), người chăn nuôi lãi lớn nên rất muốn xây thêm chuồng trại, tăng đàn. Tuy nhiên, nếu không xử lý tốt vấn đề môi trường, họ có thể bị cán bộ môi trường xử phạt bất cứ lúc nào.
Với quy mô 40 lợn nái sinh sản, toàn bộ con giống đều được ông Phạm Thanh Hinh (56 tuổi, thôn Ngọc Linh, xã Ngọc Châu) giữ lại nuôi toàn bộ. Bởi thế, trong chuồng luôn ổn định từ 250 – 300 con lợn. 15 năm qua, gia đình ông đã đầu tư 3 hầm biogas để xử lý phân và nước thải, trong đó có 1 hầm dung tích 9 m3 và 2 hầm dung tích 7 m3.
Theo lý thuyết, công năng của 3 chiếc hầm trên chỉ đủ để xử lý khoảng 1/10 lượng chất thải chăn nuôi của trang trại. Bên cạnh đó, sự tuân thủ tỷ lệ pha loãng nguyên liệu đầu vào (1 - 2 lít nước/1 kg chất thải) cũng không được thực thi. Bởi số lượng lợn/chuồng nuôi khá lớn, nguồn nước dùng để tắm rửa lợn, vệ sinh chuồng trại cũng theo đường thoát nước đổ xuống hầm khí sinh học. Như vậy, một lượng phân tươi lớn dư thừa vẫn được vô tư đổ ra môi trường.
Tại xã Ngọc Châu, trang trại chăn nuôi lợn của ông Nguyễn Văn Báu, Nguyễn Văn Duyên và Nguyễn Văn Thái có quy mô gần tương đương với trang trại của ông Hinh, nhưng cũng chỉ đầu tư xây dựng hầm biogas cỡ nhỏ (khoảng 30 m3). Lực lượng chức năng đã từng ra quyết định xử phạt những trang trại này vì gây ô nhiễm môi trường. |
Để hạn chế ô nhiễm, ông Hinh sử dụng một phần lượng phân thải đổ xuống 3 ao cá của gia đình (trong đó 1 ao rộng 1 mẫu, 2 ao rộng 10 sào). 70 – 80% lượng phân thải còn lại được thu dọn bằng thủ công, đóng vào bao tải và chở bằng ô tô cho các hộ nuôi cá, trang trại trồng trọt.
Vị chủ trại than thở, để thu gom được toàn bộ số phân thừa của trang trại hàng ngày phải mất 2 lao động làm việc cật lực mới xong. Tôi làm một phép tính đơn giản: Giả sử một ngày công lao động là 150.000 đồng, vậy mỗi tháng khâu vệ sinh chuồng trại mất 60 công; 1 năm mất 720 công, tương đương 118 triệu đồng. Một số tiền khá lớn.
Tốn công, tốn của đã đành, trang trại của ông Hinh còn luôn trong tình cảnh nơm nớp lo sợ bị lực lượng chức năng “sờ gáy”.
“Hiện tôi đang xây thêm một khu chuồng nuôi lợn thịt nữa để phát triển số lượng đàn. Tuy nhiên, trang trại của tôi đã bị thanh tra môi trường đến kiểm tra và “dọa” xử phạt nhiều lần rồi. Tranh thủ nguồn hỗ trợ dự án hỗ trợ nông nghiệp các bon thấp, tôi chuẩn bị đăng ký xây chiếc hầm biogas có dung tích lớn nhất (theo thiết kế hầm biogas đã được dự án phê duyệt) là 48 m3”.
Tuy nhiên trong thâm tâm vị chủ trại lợn vẫn mong muốn dự án thiết kế một công trình khí sinh học có dung tích chứa lớn hơn, từ 100 – 150 m3 để xử lý được lượng phân thải cho toàn bộ trang trại. Vì chiếc hầm biogas cỡ nhỏ 48 m3 chỉ phù hợp khi xử lý chất thải của khoảng 90 con lợn.