BHNN: Đừng chỉ coi là nhiệm vụ chính trị
10:02 - 03/12/2015
Đến thời điểm này, việc triển khai bảo hiểm nông nghiệp (BHNN) vẫn được các doanh nghiệp coi là nhiệm vụ chính trị hơn là tuân theo nguyên tắc thị trường.
Cho đến nay, BHNN mới dừng lại ở các chương trình thí điểm

Trong Hội thảo công bố Báo cáo Hỗ trợ xây dựng quản lý rủi ro nông nghiệp thông qua liên kết công - tư ở Việt Nam do Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn (IPSARD) thực hiện từ tháng 07/2013 - 11/2015, khi được hỏi bản thân doanh nghiệp có sẵn sàng tham gia BHNN với tinh thần thoải mái nhất không, ông Hoàng Xuân Điều, Trưởng ban BHNN, Tổng công ty Bảo hiểm Bảo Việt, khẳng định: Triển khai BHNN luôn được coi là một nhiệm vụ chính trị của doanh nghiệp, góp phần giúp nông nghiệp, nông thôn phát triển, giúp nông dân giảm thiểu rủi ro do những tác động của thiên tai, dịch bệnh mang lại. Bởi, Bảo Việt cũng như nhiều doanh nghiệp khác, luôn phải chịu lỗ khi tham gia “nhiệm vụ chính trị” này (Bảo Việt phải bồi thường gần gấp đôi so với con số thu vào - thu được 260 tỷ đồng tiền mua bảo hiểm, phải bồi thường 470 tỷ đồng). Đây có lẽ là một trong những nguyên nhân khiến cho đến nay, BHNN vẫn dừng lại ở... thí điểm.

Thực tế, BHNN tại Việt Nam được Công ty Bảo hiểm Bảo Việt triển khai lần đầu tiên năm 1982 tại tỉnh Nam Định cho cây lúa nhưng tính đến cuối năm 2010, kết quả triển khai BHNN tại Việt Nam cũng chưa đáng kể: chỉ có 1% giá trị trồng trọt được bảo hiểm, 0,24% số gia súc, 0,04% số gia cầm được bảo hiểm và doanh thu phí BHNN chỉ đạt gần 2,5 tỷ đồng, chiếm 0,05% tổng doanh thu phí của ngành bảo hiểm phi nhân thọ.

 Sau đó, bảo hiểm cây cao su, càphê cũng được triển khai thực hiện. Trong đó, bảo hiểm cây cao su triển khai từ năm 1996 và kéo dài đến năm 2011. Tại thời điểm triển khai, diện tích trồng cao su được bảo hiểm chiếm 10% tổng diện tích cao su của cả nước. Theo thông tin gần đây nhất, năm 2011, Bảo Việt Bình Phước đã nhận bảo hiểm cho 9.500 ha cao su tại Bình Phước. Bảo hiểm cây càphê cũng được Công ty Bảo hiểm Bảo Minh triển khai từ năm 2010, nhưng chỉ được 2 năm thì dừng lại.

Năm 2013, chương trình thí điểm BHNN được triển khai rầm rộ trên cây lúa, vật nuôi, thủy sản ở 20 tỉnh, thành trên cả nước. Kết quả sơ bộ cho thấy, bảo hiểm vật nuôi được thực hiện trên địa bàn rộng nhất với 9 tỉnh. Số hộ tham gia bảo hiểm lúa là lớn nhất với trên 200.000 hộ, chủ yếu là hộ nghèo.

Theo ông Trần Công Thắng, Phó viện trưởng IPSARD, nguyên nhân khiến phần lớn các chương trình BHNN thất bại là do các sản phẩm bảo hiểm được thiết kế chưa thực sự phù hợp với nguyện vọng của người nông dân, chưa có những sản phẩm bảo hiểm cho những ngành có rủi ro cao; nông dân hiểu biết rất hạn chế về bảo hiểm, đồng thời cũng chưa có thói quen tham gia bảo hiểm; sản xuất manh mún, chưa có quy trình chuẩn nên việc kiểm soát, đánh giá thiệt hại khó khăn. Sự chậm trễ trong ban hành các văn bản hướng dẫn triển khai BHNN là hạn chế lớn nhất trong công tác hoạch định chính sách có liên quan đến BHNN. Hệ thống chính sách còn nhiều bất cập, chồng chéo nên mặc dù được điều chỉnh thường xuyên song không tránh khỏi việc gây nhiều khó khăn cho công tác triển khai tại địa phương. Thủ tục xác nhận thiệt hại và bồi thường phức tạp, gây khó khăn cho người tham gia bảo hiểm. Quy trình bồi thường bảo hiểm kéo dài, đặc biệt là trong thủy sản, khiến nông dân không mặn mà.

Ông Nguyễn Duy Linh (Học viện Nông nghiệp Việt Nam) cho rằng, đừng coi BHNN là “chìa khóa vạn năng” để giảm rủi ro cho nông dân mà chỉ là một công cụ giúp họ chống đỡ với bất lợi của thiên tai, dịch bệnh. “Nhưng ở Việt Nam, BHNN không được vận hành theo quy luật cung – cầu thị trường mà vẫn được coi là một nhiệm vụ, huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc. Chính vì vậy, để BHNN triển khai hiệu quả, Nhà nước đừng can thiệp quá sâu vào quá trình triển khai, thay vào đó là nâng  cao năng lực thiết kế sản phẩm bảo hiểm cho các đơn vị tham gia. Thực tế hiện nay, nhân sự về BHNN vừa thiếu vừa yếu, người làm trong lĩnh vực BHNN ít biết về nông nghiệp, những rủi ro, sự cố thường gặp phải; còn người làm nông nghiệp lại không hiểu nhiều kiến thức tài chính”, ông Linh nói.

Theo ông Trần Công Thắng, cần có một khung thể chế và pháp lý hoàn thiện cho quản lý hệ thống BHNN Việt Nam. Trên thực tế, sau chương trình thí điểm BHNN giai đoạn 2011-2013, chính sách BHNN chỉ được lồng ghép vào các quyết định, đề án, chương trình khác mà chưa có riêng luật BHNN. Để đảm bảo cho hệ thống BHNH hoạt động ổn định và lâu dài, Chính phủ cần có kế hoạch phân bổ ngân sách trong dài hạn để hỗ trợ cho các công ty bảo hiểm, hỗ trợ cho nông dân và các hoạt động tái bảo hiểm. Cần xây dựng lại quy trình thiết kế sản phẩm bảo hiểm nhằm có các sản phẩm phù hợp với nhu cầu của người nông dân, và có tính khả thi cao, phù hợp với đặc thù của từng vùng và từng điều kiện sản xuất. Cần xây dựng và hoàn thiện thủ tục đánh giá thiệt hại cho từng loại hình sản xuất nông nghiệp, và các thủ tục cần được công khai, dễ dàng tiếp cận. Các quy trình giám sát và đánh giá nên tập trung vào việc nâng cao tiêu chuẩn kỹ thuật và đánh giá thiệt hại theo tiêu chuẩn quốc tế. Ngoài ra, cần có cơ quan giám sát và các chuyên gia độc lập trong lĩnh vực này để đảm bảo tính minh bạch, khách quan.

Nguồn: KTNT
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

ĐBSCL: Mua tạm trữ 760.000 tấn gạo