Đại biểu Huỳnh Ngọc Đáng (Bình Dương), phân tích thực trạng ngành nông nghiệp Việt Nam hiện nay:
Hạn chế của nông nghiệp nước ta đã bộc lộ khá rõ từ nhiều năm qua, đó không chỉ là vấn nạn được mùa mất giá, thực ra hạn chế lớn nhất là năng suất, chất lượng hiệu quả và sức cạnh tranh của sản xuất nông nghiệp Việt Nam rất yếu kém.
Nguyên nhân của tình hình có thể là do chúng ta đã duy trì lâu và quá nhấn mạnh vai trò hộ gia đình nông dân như một chủ thể của sản xuất nông nghiệp. Thực ra, chính hộ dân đã đưa nước ta từ thiếu đói thành quốc gia xuất khẩu lương thực hàng đầu nhưng mọi thứ đã thay đổi đòi hỏi cần có sự chuyển đổi phù hợp. Ai cũng thấy ngày nay nếu các "mẫu nông chỉ có truy điền" thì chưa đủ, người sản xuất nông nghiệp ngày nay còn phải có hiểu biết về thị trường có năng lực để áp dụng các thành tựu công nghệ kỹ thuật cao, nông sản phải đạt tiêu chuẩn thực hành nông nghiệp toàn cầu để đứng vững trên thị trường thế giới, quan trọng nhất là phải biết chọn lựa khâu sản xuất kinh doanh nào có lợi nhất trong toàn bộ các chuỗi giá trị sản xuất và kinh doanh nông nghiệp toàn cầu. Hộ gia đình nông dân có quy mô nhỏ bé hiện nay chưa thể vươn lên đạt được trình độ đó, xu thế tất yếu của kinh tế nông nghiệp Việt Nam đòi hỏi cần có thêm những hình thức tổ chức sản xuất mới.
Trong thời gian qua ở nước ta những công ty nông nghiệp kỹ thuật cao đã lần lượt xuất hiện ở nhiều nơi, nhiều đơn vị đã phát triển khá tốt cả về sản xuất và kinh doanh với năng xuất cao hơn chất lượng nông sản sạch cạnh tranh hơn tiêu thụ ổn định cả trong và ngoài nước, những công ty nông nghiệp đó đã sử dụng ít nhiều lao động nông nghiệp có hợp đồng như là những công nhân nông nghiệp ngay tại nông thôn, có nghĩa là những lao động này hưởng lương, đóng bảo hiểm và sẽ có chế độ hưu. Nếu những mô hình này xuất hiện ngày càng nhiều, đều khách thì nông nghiệp và nông thôn nước ta chắc chắn sẽ có sự chuyển đổi căn bản, điều này đòi hỏi cần có những thay đổi cả tư duy và chính sách.
Tại sao ta chủ trương dồn điền đổi thửa để có những cánh đồng lớn mà không cho phép tích tụ ruộng đất ở mức độ phù hợp để thúc đẩy sự hình thành những công ty nông nghiệp lớn và vừa, trước đây ta chủ trương không tích tụ đất đai là để không tái sinh giai cấp địa chủ nhưng đến giờ ai cũng biết chỉ gạo là địa chủ khi nó gắn liền với phát canh thu tô, không thu địa thu thì đó không phải là địa chủ. Pháp luật Việt Nam hiện nay đủ sức để vĩnh viễn xóa bỏ phương thức phát canh thu tô và địa tô. Do vậy, ngày nay cho dù có tích tụ đất đai vẫn không làm giai cấp địa chủ đội mồ sống lại. Đó là một sự thật hiển nhiên.
Cũng cần thấy rằng những người nào đó có số lượng diện tích đất đai tích tụ lớn nhưng lại đầu tư vốn khoa học công nghệ và trực tiếp tổ chức sản xuất nông nghiệp thì người đó đương nhiên đã không phải là địa chủ, mà chắc chắn được chúng ta gọi là nhà đầu tư nông nghiệp như hàng trăm hàng ngàn nhà đầu tư công nghiệp. Nông nghiệp Việt Nam rõ ràng đang cần nhiều nhà đầu tư nông nghiệp như vậy. Tại sao ta không trải thảm đỏ thu hút các nhà đầu tư cả trong và ngoài nước vào phát triển nông nghiệp như đã từng làm khá thành công trong kêu gọi đầu tư vào công nghiệp. Tư duy này muốn thành hiện thực trước hết cần có đột phá trong chính sách đất đai, nhất là vấn đề hạn điền.
Chúng ta vui mừng khi thấy văn kiện dự thảo trình Đại hội Đảng toàn quốc sắp tới đang khẳng định sẽ có chính sách phù hợp để tích tụ tập trung ruộng đất, thu hút mạnh các nguồn lực đầu tư phát triển nông nghiệp. Từng bước hình thành các tổ hợp nông nghiệp, công nghiệp dịch vụ công nghệ cao. Đây là luồng gió mới làm thay đổi căn bản cơ cấu nông nghiệp Việt Nam theo hướng sản xuất lớn. Vì thế, trước tiên, chúng ta nên xem xét lại chính sách hạn điền. Hiện nay, để tham gia canh tác và kinh doanh nông nghiệp một doanh nhân sẽ bỏ tiền mua đất đai và quyền sử dụng đất. Nhưng nếu số lượng vượt quá hạn điền thì phải tiếp tục bỏ tiền ra thuê lại diện tích chính mình đã mua. Tình trạng này làm ngao ngán và nản lòng những ai muốn canh tác và kinh doanh nông nghiệp theo hướng sản xuất lớn.
Một trong những thành quả cách mạng lớn là chúng ta đã phân chia công bằng ruộng đất cho nông dân. Mặt tích cực ở đây là sự đổi đời của dân cày, từ người cày thuê cho địa chủ trở thành người chủ ruộng đất mà mình canh tác. Nhưng qua nhiều lần tách hộ đến nay bình quân mỗi hộ gia đình canh tác chỉ mấy sào ruộng thuộc vào loại thấp nhất thế giới. Có diện tích canh tác nhỏ lẻ như vậy, sự đổi đời của người nông dân chưa chọn vẹn. Nghèo khó vẫn đeo bám theo bà con, dù trong tay mỗi hộ còn có mấy sào đất. Thực tế này ai cũng thấy, rõ ràng hiện nay ở nông thôn không phải hễ là nông dân thì phải được giao một ít đất. Đối với nhiều bà con nông dân nên giúp cho họ việc làm có lương, có bảo hiểm, có chế độ hưu hơn là giao một sẻo ruộng manh mún để rồi canh tác bấp bênh thua lỗ, nợ nần.
Ở bất cứ nước nào trên thế giới, số lượng nông dân và nông hộ chiếm số đông, tỷ trọng nông nghiệp trong cơ cấu kinh tế cao, thì chắc chắn đó sẽ là nước nghèo, nông thôn chưa phồn vinh hạnh phúc và nông nghiệp chắc chắn còn lạc hậu. Do vậy, cho nên nguyên lý công bằng trong phân chia ruộng đất cần được thay thế bằng nguyên lý giao đất cho người có sử dụng hiệu quả cao nhất.
Trong lịch sử, có lúc chúng ta đã định thay thế kinh tế hộ tiểu nông bằng hợp tác hóa nông nghiệp, nhưng đã thất bại, vì nhiều lý do. Trong hoàn cảnh lịch sử cụ thể lúc đó kinh tế tiểu nông vẫn còn thích hợp, hộ gia đình vẫn là đơn vị sản xuất hiệu quả hơn hợp tác xã. Đến nay, nhiều mô hình hợp tác xã kiểu mới đã hình thành, vấn đề là các hợp tác xã đó đã hiệu quả hơn hộ gia đình nông dân chưa?
Chúng ta không tẩy chay kinh tế hộ, ở một số nơi như vùng núi cao, hải đảo cần duy trì và tích cực hỗ trợ kinh tế hộ, dần dần xây dựng được những hộ nông dân làm ăn giỏi, bản lĩnh cạnh tranh cao. Ở những vùng nông nghiệp trọng điểm cần nhanh chóng mở ra nhiều cơ hội để kinh tế hộ tự sàng lọc và phát triển. Hộ nào yếu kém sẽ tự đào thải, còn lại là những đơn vị sản xuất có bản lĩnh cạnh tranh cao. Những hộ kinh tế nông nghiệp mới đó cùng các hợp tác xã kiểu mới và các công ty nông nghiệp kỹ thuật cao sẽ là những thành phần chính trong cơ cấu nền nông nghiệp phi tiểu nông Việt Nam tương lai.