Cánh đồng lớn vướng gì? - Thiếu cơ chế ràng buộc
10:21 - 13/11/2015
Làm cánh đồng lớn (CĐL) là nhằm đẩy mạnh mối liên kết 4 nhà, trong đó liên kết giữa DN và nông dân được thể hiện bằng hợp đồng cung cấp vật tư đầu vào và bao tiêu nông sản hàng hóa đầu ra.
CĐL rau màu cũng gặp trục trặc do nông dân và DN chưa giữ chữ tín với nhau

Thế nhưng, dù có trong tay hợp đồng với đầy đủ chữ ký, dấu đỏ… DN và nông dân vẫn dễ dàng trở mặt lẫn nhau do thiếu cơ chế ràng buộc. Điều này không chỉ xảy ra với CĐL trồng lúa mà cả cây ăn trái, mía, rau màu…
 

Có lợi là bán

Niên vụ mía đường 2014 - 2015, Cty CP Mía đường Cần Thơ (CASUCO) ký hợp đồng bao tiêu vùng mía nguyên liệu được 14.000 ha, trong đó riêng địa bàn tỉnh Hậu Giang là 7.000 ha. Với vùng mía nguyên liệu này, đủ cho 2 nhà máy của công ty chạy liên tục trong khoảng thời gian 6 tháng. Một số diện tích vùng nguyên liệu thời gian qua đã được công ty hỗ trợ xây dựng đê bao, máy bơm công suất lớn để rút nước ra khi có mưa lũ kéo dài.
 

Thế nhưng, trước khi nhà máy vào vụ, rất nhiều nông dân trồng mía ở huyện Phụng Hiệp, vùng nguyên liệu chính của công ty, đã bán mía chục (ép nước mía giải khát) cho thương lái bên ngoài.

Ông Nguyễn Hoàng Ngoan, Phó Tổng Giám đốc CASUCO cho biết, những năm trước nông dân đã bán mía chục nhưng diện tích không nhiều. Riêng năm nay diện tích này khá lớn, lên đến vài trăm ha.
 

“Nông dân thấy có lợi là họ bán. Vì bán mía chục bao giờ giá cũng cao hơn hoặc bằng giá bán cho nhà máy nhưng nông dân được lợi là không tốn tiền công thu hoạch, thương lái họ tự đốn. Trong khi đó, hợp đồng chỉ mang tính bảo hiểm giá sàn cho cây mía, đảm bảo cho nông dân không bị lỗ, chứ không có cơ chế ràng buộc phải bán mía cho nhà máy”, ông Ngoan chia sẻ.
 

Ông Nguyễn Thế Tự, Phó trưởng phòng NN-PTNT Phụng Hiệp cho biết, từ đầu vụ cho đến nay, nông dân trong huyện đã bán mía chục với diện tích 313 ha và hiện nay vẫn tiếp tục bán. Mỗi chục mía (12 cây) giá bán từ 35.000 - 37.000 đ/chục, tính ra tương đương 1.500 đ/kg, lợi nhuận cao hơn bán cho nhà máy. Hơn nữa, khi bán mía chục, nông dân có thêm thời gian làm thêm vụ màu, tăng thu nhập.
 

Với năng suất mía trung bình của huyện Phụng Hiệp niên vụ này là 110 tấn/ha, thì sản lượng mía nguyên liệu đã bán ra ngoài hợp đồng mất gần 35.000 tấn. Hiện nay, dù mới vào vụ được khoảng 2 tháng nhưng nhà máy của CASUCO đã xảy ra tình trạng đứt mía tại cầu cảng (không đủ mía ép).
 

Như vậy, dù đã có hợp đồng vùng mía nguyên liệu nhưng nhà máy cũng chưa thể yên tâm khi nông dân vẫn vô tư bán mía ra bên ngoài nhưng lại không có bất kỳ cơ chế gì để ràng buộc.
 

Đánh mất chữ tín

Hầu như bất kỳ mô hình CĐL nào ở ĐBSCL hiện nay cũng xảy ra tình trạng nông dân và DN bội tín lẫn nhau, từ liên kết trồng lúa, đến cây mía, rau màu, cây ăn trái.

Ông Huỳnh Văn Tồn, Phó phòng NN-PTNT huyện Lai Vung (Đồng Tháp) cho biết: Sau khi huyện xây dựng CĐL trên cây lúa mất mấy năm trầy trật, giờ mới dần dần đi vào ổn định thì tiếp tục đến CĐL trên rau màu gặp khó khăn do giữa nông dân và DN chưa gặp nhau.
 

Nguyên nhân chính do nội dung hợp đồng khi ký còn rời rạc, chưa có sự ràng buộc chặt chẽ giữa hai phía nên giờ cuối bể hợp đồng, người thiệt thòi cuối cùng là nông dân. Huyện đang xây dựng CĐL rau màu như trồng đậu bắp Nhật, dưa lê… ký hợp đồng với một DN xuất khẩu quả trên TP.HCM.
 

Cụ thể vụ ĐX vừa qua, DN xuống huyện ký hợp đồng với hơn 200 nông dân bao tiêu SX 70 ha trồng đậu bắp Nhật để xuất khẩu, phía huyện làm người nối kết để cho DN và nông dân đến với nhau để ký hợp đồng.
 

Thực hiện CĐL rau màu này DN ban đầu đứng ra hỗ trợ 100% giống, kỹ thuật và giá bao tiêu. Khi nông dân thấy giá bán đậu bắp Nhật tốt hơn so với thị trường vài ngàn đồng/kg nên đã tự ý tăng sản lượng bằng cách đưa các giống đậu bắp khác vào trồng để bán cho DN. Đến ngày thu hoạch, DN phát hiện nông dân cung cấp đậu bắp giống khác nên ngừng thu mua, nông dân điêu đứng vì không có nơi tiêu thụ.
 

Còn tại vụ xuân hè vừa qua, nông dân ở xã Tân Hòa được Cty Hồng Quế ở TP.HCM xuống ký hợp đồng liên kết SX dưa lê 150 ha. Vụ đầu thực hiện làm ăn theo kiểu mới, có hợp đồng bao tiêu, nông dân không đáp ứng được theo yêu cầu của DN đưa ra như chất lượng sản phẩm, mẫu mã.
 

Vì vậy, DN lựa chọn và thu mua được khoảng 60% sản lượng, còn lại nông dân không có nơi tiêu thụ đành phải bán tháo, bán rẻ.

Ông Tồn cho biết thêm, nguyên nhân chính là nông dân chưa làm quen được cách SX cho sản phẩm đạt chất lượng cao, chưa giữ uy tín giữa hai bên khi ký hợp đồng làm ăn lớn, cho nên thường xảy ra tình trạng bẻ kèo, gây thiệt hại cho nhau.
 

Còn tại An Giang, địa phương có diện tích SX rau màu theo CĐL nhiều, thời gian qua cũng gặp không ít khó khăn trong liên kết. Ông Nguyễn Sỹ Lâm, Phó GĐ Sở NN-PTNT An Giang cho biết: Năm 2015, An Giang phấn đấu tăng sản lượng rau màu đạt 90.000 tấn. Để đạt được mục tiêu tăng trưởng trên cần ưu tiên thực hiện quy hoạch phát triển vùng sản xuất rau, màu ứng dụng công nghệ cao. Theo đó, tỉnh sẽ phát triển vùng trồng rau màu tập trung khoảng 4.000 ha, gắn với thị trường tiêu thụ sản phẩm.
 

Theo ông Lâm, trước mắt cách làm ăn theo kiểu liên kết có hợp đồng bao tiêu thì đa phần nông dân thường không đủ khả năng đáp ứng theo mẫu mã và chất lượng phía DN đưa ra. Cũng có khi trồng rồi nông dân lại bẻ kèo bán sản phẩm cho người khác khi thấy giá ngoài thị trường cao hơn so với ký hợp đồng. Cơ chế ràng buộc không chặt chẽ, cộng với cách làm ăn không giữ chữ tín với nhau, thường dẫn đến trục trặc giữa hai bên, khó có thể phát triển bền vững.

Theo NNVN
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

ĐBSCL: Mua tạm trữ 760.000 tấn gạo