Lươn nuôi bằng thuốc tránh thai là tin thêu dệt
16:58 - 29/10/2015
Việc đưa tin sử dụng thuốc tránh thai để vỗ béo lươn chỉ là thông tin thêu dệt từ trí tưởng tượng của một số kẻ có động cơ xấu.
Bể nuôi lươn của ông Trần Ngọc Duyên

Thời gian qua, dư luận cả nước bàng hoàng khi một thông tin khá giật gân cho rằng có hộ nuôi lươn tại huyện Hưng Nguyên (Nghệ An) đã vỗ béo lươn bằng thuốc tránh thai... 

Mới đây, UBND huyện Hưng Nguyên đã có công văn phản bác, đề nghị Sở NN-PTNT, Chi cục Nuôi trồng thủy sản Nghệ An có văn bản gửi cho các cơ quan chức năng yêu cầu tờ báo này phải đăng cải chính. Bởi việc đưa tin sử dụng thuốc tránh thai để vỗ béo lươn chỉ là thông tin thêu dệt từ trí tưởng tượng của một số kẻ có động cơ xấu.

Sau khi một số tờ báo đưa tin về việc người nuôi lươn ở Nghệ An sử dụng thuốc tránh thai để vỗ béo lươn, thực khách đến với món đặc sản lươn xứ Nghệ giảm hẳn.

Chủ một cửa hàng cháo lươn tại TP Vinh cho biết: “Người tiêu dùng có quyền và có lý để ngừng ăn món đặc sản lươn khi sự việc chưa được làm rõ. Đó là tâm lý dễ hiểu.

Chỉ có điều, nếu không có việc sử dụng thuốc tránh thai trong nuôi lươn thì ai đơm đặt? Họ tung tin vì động cơ gì cần phải được làm rõ và xử lý. Nói thật là sau sự việc này, cả người nuôi lươn lẫn món đặc sản lươn xứ Nghệ được xây dựng trong lòng thực khách lâu nay đã bị kẻ xấu giáng một đòn chí mạng”.

Theo chủ nhà hàng bán đặc sản này, sở dĩ món lươn xứ Nghệ nổi tiếng lâu nay, ngoài các bí quyết chế biến, phải khẳng định là nhờ hệ thống ao hồ, kênh mương đất chi chít nên sản lượng lươn đồng đánh bắt được tại địa bàn Nghệ An rất lớn.

Địa phương nào cũng có các tổ bạn chuyên đi thả trúm lươn, sản phẩm thu được thường xuyên đổ về Vinh nhập cho các đầu mối. Lươn đồng lúc đánh bắt được thường nhỏ khi đưa về họ nuôi bằng các loại thức ăn có trong tự nhiên nên vẫn ngon không kém gì lươn to đánh được từ các cánh đồng sâu trũng quanh năm.

Một thợ trúm lươn tại xã Hưng Thắng (Hưng Nguyên) cho biết: Việc thành lập các tổ đánh trúm lươn tự phát không chỉ để thu gom lươn lớn, ổn định để đưa đi bán cho các đầu mối mà còn tương trợ nhau trong quá trình đánh trúm.

Mồi đánh nhử lươn chủ yếu là giun, cua đồng đã được băm nhỏ, xay nhuyễn. Sau khi đánh trúm về, họ phân loại, lươn lớn đem bán cho các đầu mối thu mua thương phẩm, lươn nhỏ bán cho các chủ hộ nuôi lươn để họ nuôi thêm một thời gian trước khi bán.

Theo kinh nghiệm, lươn cái động dục vào khoảng đầu năm đến cuối tháng 2 âm lịch thì kết thúc. Vào thời điểm này các hộ nuôi lươn rất ít khi mua lươn nhỏ về nuôi. Lươn nuôi thường phải mất khoảng 2-3 tháng làm quen với môi trường không có bùn và các loại thức ăn cố định, đồng thời không bị “sốc” trước những tiếng động bất thường.

Chọn loại thức ăn và môi trường sống cho lươn nuôi có vòng đời gần 1 năm thường phải cố định và phải sục rửa bằng nước sạch thường xuyên mỗi ngày nếu không lươn nuôi sẽ phát triển kém hoặc nhiễm bệnh mà chết.

Ông Trần Ngọc Duyên, hộ nuôi lươn tại xã Hưng Thắng, cho biết: “Tôi nói thật, ăn lươn nuôi là sạch nhất đấy! Nuôi lươn không dễ, từ khi thuần hóa trong môi trường không bùn đến lúc xuất bể, nó chỉ ăn một loại thức ăn, nếu sử dụng thức ăn khác hoặc bị “sốc” bởi tiếng động lạ, nó sẽ bỏ ăn ngay.

Việc sử dụng thức ăn công nghiệp là có nhưng tỷ lệ chỉ khoảng 3-5%, chủ yếu là để tạo độ kết dính, vê tròn thức ăn cho lươn nhằm tránh hao hụt chứ không phải để kích thích lươn tăng trưởng. Việc dùng kháng sinh khi lươn bị bệnh là có. Vấn đề là sử dụng kháng sinh gì, liều lượng thế nào, thời gian cách ly bao nhiêu trước khi xuất bán?”.

Ông Duyên tỏ ra hết sức bức xúc khi một tờ báo nói rằng ông và người nuôi lươn tại Nghệ An sử dụng thuốc tránh thai trong quá trình nuôi lươn: “Có người hỏi tôi về việc có hay không việc sử dụng thuốc tránh thai trong quá trình nuôi lươn. Tôi nói tôi không tin và cũng chưa thấy bao giờ. Bản thân tôi lại càng không sử dụng. Thế mà người này lại dẫn lời tôi và nói rằng mô hình của tôi có dùng thuốc tránh thai để vỗ béo lươn, lươn được tẩm kháng sinh, nghe rùng rợn quá!

Tôi khẳng định lại lần nữa, ăn con lươn là sạch nhất! Ngày nào nhà tôi chẳng ăn những con lươn ốm yếu, loại thải do chậm lớn khi đang thuần hóa. Tôi đề nghị các cơ quan chức năng phải vào cuộc, làm rõ thực hư, nếu có sử dụng thuốc tránh thai khi thuần hóa và nuôi lươn, tôi sẽ chấp nhận đi tù!”.

Sau khi có tờ báo đăng tải thông tin về việc lươn được vỗ béo bằng thuốc tránh thai, Sở NN-PTNT Nghệ An đã lập tức chỉ đạo Chi cục Nuôi trồng thủy sản vào cuộc tìm hiểu thực hư.

21-41-20_2
Công văn yêu cầu làm rõ vấn đề của UBND huyện Hưng Nguyên

Ông Trần Xuân Học, Chi cục trưởng Chi cục Nuôi trồng thủy sản tỉnh cho biết, đoàn công tác của Chi cục đã về các cơ sở nuôi lươn để tìm hiểu. Qua kiểm tra thì các hộ nuôi lươn đều thực hiện đúng quy trình, chỉ sử dụng các loại thuốc kháng sinh nằm trong danh mục cho phép và không hề có việc sử dụng thuốc tránh thai trong quá trình nuôi lươn tại bất cứ hộ nào...”.

Ngày 13/10/2015, UBND huyện Hưng Nguyên đã có công văn gửi Sở NN-PTNT, Chi cục NTTS, khẳng định tại địa phương không phát hiện thấy dấu hiệu việc sử dụng thuốc tránh thai để vỗ béo lươn. Công văn cũng đề nghị Sở NN-PTNT, Chi cục Nuôi trồng thủy sản có văn bản yêu cầu tờ báo đã đăng thông tin sai sự thật nói trên phải cải chính.

Bà Bá Thị Dung, Phó phòng NN-PTNT huyện Hưng Nguyên cho biết: “Chúng tôi đã kiểm tra các hộ nuôi lươn trên địa bàn huyện và khẳng định chắc chắn rằng không có chuyện vỗ béo lươn bằng thuốc tránh thai. Nói dùng thuốc tránh thai để ức chế quá trình lươn sinh sản để con lươn mau lớn nghe có vẻ có lý nhưng chuyện này là không có thật tại địa bàn huyện Hưng Nguyên. Nhà báo không được nhào nặn sự việc bằng trí tưởng tượng để đưa lên báo rồi im lặng theo kiểu “đánh trống bỏ dùi” khiến người chăn nuôi chịu thiệt thòi như thế là không thể chấp nhận được”.

VÕ VĂN DŨNG
Nguồn: NNVN
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

ĐBSCL: Mua tạm trữ 760.000 tấn gạo