Đó là Dự án Tổ hợp sản xuất tinh dầu, dược liệu, thực phẩm chức năng công nghệ cao tại xã Thanh Thủy (Thanh Chương, Nghệ An).
|
Khu Tổ hợp công nghệ cao không khác gì bãi đất hoang |
Dự án có quy mô đầu tư gần trăm tỷ này gần 1 năm nay vẫn chỉ là bãi đất hoang.
Dự án hoành tráng
Được biết, ngày 7/12/2013, UBND tỉnh Nghệ An đã ký Quyết định số 5860/QĐ.UBND-CNTM phê duyệt quy hoạch chi tiết xây dựng Dự án Tổ hợp sản xuất tinh dầu, dược liệu, thực phẩm chức năng công nghệ cao trên địa bàn xã Thanh Thủy, huyện Thanh Chương với diện tích 34 ha, tổng mức đầu tư lên đến 217 tỷ đồng. Dự án do Công ty TNHH VN Nam Đàn Vạn An (Cụm công nghiệp công nghệ cao, xã Nam Giang, Nam Đàn) làm chủ đầu tư.
Dự án có công suất khoảng 250 ngàn tấn nguyên liệu lá/năm, tất cả nguyên liệu đầu vào sẽ do người dân tự trồng và bán lại cho nhà máy. Phía nhà đầu tư cam kết thu mua sản phẩm với mức giá mang lại thu nhập cho người dân cao hơn từ 200 - 300% so với trồng lúa hay hoa màu khác.
Liên quan đến dự án này, UBND tỉnh Nghệ An đã yêu cầu Cty TNHH VN Nam Đàn Vạn An thực hiện đúng tiến độ cam kết, đưa dự án vào hoạt động ngay trong quý I/2015. Trong trường hợp chậm tiến độ sẽ tiến hành thu hồi đất.
Sau khi có quyết định phê duyệt quy hoạch chi tiết của UBND tỉnh, huyện Thanh Chương đã phối hợp với công ty tiến hành đền bù giải phóng mặt bằng (GPMB) trên phần đất của dự án với số tiền 44,5 tỷ đồng.
Trao đổi với PV, ông Hà Văn Thái, Phó Chủ tịch xã Thanh Thủy cho biết: “Dự án triển khai trên địa bàn xóm 8, xã Thanh Thủy, hàng trăm hộ dân bị ảnh hưởng, trong đó có 19 hộ phải tiến hành di dời Tái định cư (TĐC) sang địa điểm mới.
Gần một năm nay, dự án vẫn chỉ là bãi đất hoang
Thực tế người dân chịu nhiều thiệt thòi nhưng nhận thấy đây là công trình thiết thực nên bà con chấp thuận làm theo, họ tạo điều kiện tốt nhất cho chủ đầu tư thực hiện dự án. Công ty TNHH VN Nam Đàn Vạn An cam kết khởi công xây dựng ngay trong tháng 8/2014, nhưng từ đó đến nay dự án vẫn án binh bất động”.
Theo quan sát của PV, Tổ hợp sản xuất tinh dầu, dược liệu, thực phẩm chức năng công nghệ cao lúc này chẳng khác gì bãi đất hoang, cả một vùng đất rộng lớn nhìn đâu cũng chỉ thấy cây dại mọc um tùm chắn hết cả lối đi, cảnh tượng trông thật xót xa.
Lý giải nguyên nhân dẫn đến tiến độ thi công bị đình trệ, phía Công ty TNHH VN Nam Đàn Vạn An đã có công văn gửi UBND tỉnh Nghệ An trình bày: Cơ sở hạ tầng không thuận lợi và thổ nhưỡng không phù hợp để phát triển cây tinh dầu và dược liệu, công ty xin được giãn tiến độ thực hiện dự án đến tháng 6/2017.
Có thể thấy, lý do phía chủ đầu tư đưa ra không đủ sức thuyết phục, bởi đây là dự án trọng điểm với kinh phí đầu tư, xây dựng tiêu tốn hàng trăm tỷ đồng. Do đó trước khi triển khai, đơn vị chức năng phải tiến hành rà soát kỹ càng các tiêu chí để tránh tình trạng “ném tiền qua cửa sổ”.
Công ty TNHH VN Nam Đàn Vạn An đã được cấp giấy phép đầu tư 3 Dự án công nghệ cao trên địa bàn tỉnh Nghệ An với tổng kinh phí gần 3.000 tỷ đồng. Ngoài dự án trên còn có Dự án Tổ hợp sản xuất khép kín nguyên liệu, phụ kiện và thành phẩm giày, dép công nghệ cao tại Nghi Lộc (thuộc KKT Đông Nam, kinh phí 525 tỷ đồng) và Dự án Tổ hợp sản xuất công nghiệp công nghệ cao tại Khu công nghiệp Nam Giang (Nam Đàn, kinh phí 2.200 tỷ đồng). |
Thẳng thắn nhìn nhận, thời gian đầu triển khai, chủ đầu tư rất tích cực và có trách nhiệm trong việc thực hiện đền bù GPMB, bên cạnh đó còn “hào phóng” hỗ trợ thêm cho các đối tượng chính sách, hộ nghèo trong vùng hưởng lợi nên tạo dựng được niềm tin đối với chính quyền địa phương và nhân dân. Nhưng càng về sau, chủ đầu tư càng thất hứa với dân.
Thất hứa với dân
Ông Dương Quốc Quán (67 tuổi, trú tại xóm Thị Tứ, xã Thanh Thủy) đại diện cho 19 hộ dân TĐC bức xúc: “Để nhường đất cho dự án công nghệ cao, chúng tôi đành phải chuyển đến nơi ở mới dù trong lòng không hề muốn.
Ngoài khoản đền bù theo quy định thì Cty TNHH VN Nam Đàn Vạn An hứa sẽ hỗ trợ thêm cho những người trên 50 tuổi mức 3 triệu đồng/tháng và 80 tuổi mức 5 triệu đồng/tháng đến hết đời, nhưng mấy tháng nay họ tự ý cắt chế độ.
Ở chỗ cũ đất đai sản xuất bạt ngàn nên trồng cây gì, nuôi con gì cũng sinh lãi, nay chuyển về đây nguồn đất không đủ, trâu bò, lợn gà đành phải bán sạch.
Công ty cũng hứa sẽ làm đường phục vụ dân sinh, hỗ trợ kinh phí xây dựng giếng nước, lắp công điện nhưng không làm”.
Ông Dương Quốc Quán trao đổi với PV
Không riêng gì ông Quán mà 18 hộ còn lại cũng đang lâm vào tình cảnh điêu đứng vì thiếu quỹ đất sản xuất. Cho rằng bị “bội ước”, ngày 14/8/2015, các hộ dân đã kéo xuống trụ sở Cty TNHH VN Nam Đàn Vạn An để đòi tiền hỗ trợ mà doanh nghiệp nay hứa hẹn. Như lường trước được sự việc, lãnh đạo nhà máy đồng loạt cáo vắng đột xuất và ủy nhiệm lại cho cán bộ phòng hành chính tiếp dân, sau đó không có ý kiến vì quyền hạn không cho phép (?!)
Nhận thấy sự phản ứng của dân ngày càng cao nên vào các ngày 26/8 và 1/9/2015, đại diện Cty TNHH VN Nam Đàn Vạn An đã có buổi làm việc trực tiếp với UBND xã Thanh Thủy để bàn về các nội dung liên quan.
Tại đây, công ty khẳng định sẽ thiết kế và điều chỉnh lại quy hoạch 1/500 của dự án cho phù hợp với quy mô, công năng thực tế dựa trên định hướng trồng và chế biến cây tinh dầu, dược liệu. Tiến độ thực hiện trồng thí điểm có thể tái khởi động trong 6 tháng tới, kế đó sẽ khởi công toàn bộ dự án.
Đối với việc chi trả tiền hỗ trợ hàng tháng cho người cao tuổi, do khó khăn chung về kinh tế, công ty không thể tiếp tục chi trả (?!).