Đừng lấy “cơm nguội” làm thương hiệu quốc gia
16:51 - 15/10/2015
Mấy ngày nay dư luận xôn xao với ý tưởng chọn Jasmine làm thương hiệu gạo thơm Việt Nam của Hiệp hội Lương thực (VFA).

Thực tế cho thấy đây không chỉ là giống lúa khó trồng, mà còn khó bán vì nhiều quốc gia đã xem đó như thứ… “cơm nguội”.
 

Trồng khó, bán càng khó

Thực tế thời gian qua, vài doanh nghiệp (DN) xuất khẩu gạo đã “thử sức” với lúa Jasmine thông qua hợp đồng (HĐ) liên kết với nông dân, nhưng kết quả cho thấy hầu hết đều thất bại. Vụ đông xuân 2014-2015, HTX dịch vụ nông nghiệp Tân Cường - huyện Tam Nông, Đồng Tháp (HTX Tân Cường) HĐ trồng 1.000ha lúa Jasmien 85 với chi nhánh đầu tư và phát triển vùng nguyên liệu ĐBSCL (TCty Lương thực miền Bắc - VNF1) theo liên kết: DN đầu tư giống, sau đó thu mua trên cơ sở giá thị trường.
 

Tuy nhiên, đến thời điểm thu hoạch, HTX phải tự bán bên ngoài và “thanh lý sớm” HĐ với VNF1. Nguyên nhân cơ bản là do gạo của HTX Tân Cường không đạt chất lượng như HĐ. Cụ thể, theo HĐ, tỉ lệ thuần phải lớn hơn 90%, nhưng kiểm tra thực tế chỉ đạt khoảng 70%. Thậm chí sau đó Giám đốc HTX Tân Cường Nguyễn Văn Trãi lấy cả lúa nguyên chủng rồi siêu nguyên chủng ra thử cũng đều không đạt yêu cầu.
 

“Không phải do HTX trồng dở và cũng không hẳn do DN “làm mình, làm mẩy”, chủ yếu là do đây là giống lúa rất khó trồng đối với nền đất phèn” - ThS Nguyễn Phước Tuyên - Trưởng phòng Nghiên cứu khoa học và thông tin (Sở NNPTNT Đồng Tháp) cho biết.

Thương hiệu lúa Jasmine (đựng trong thúng) chỉ được đề với hàng chữ nhỏ bên dưới thúng lúa thô kệch giữa các loại gạo được mặc áo đủ màu sắc tại hội chợ.

Cũng theo ThS Tuyên, ngoài những tác động về thời tiết, nền nhiệt độ, chế độ phân bón… yếu tố nền đất cũng chiếm quan trọng. Cùng một giống lúa, nếu trồng ở đất bị nhiễm mặn sẽ cho chất lượng tốt nhất, kế đến là đất phù sa và đất phèn cho chất lượng thấp nhất.
 

Hơn nữa, mỗi giống lúa, nhất là giống lúa chất lượng cao, thơm chỉ thích nghi với vùng thổ nhưỡng nhất định như lúa thơm Basmati của Ấn Độ chỉ trồng ở bang Punjab, còn Hom Mali của Thái Lan trồng ở cao nguyên Thung Kula. Vì vậy nếu triển khai Jasmine một cách đại trà sẽ rất khó… có gạo như ý.
 

Không thể biến cơm nguội thành đặc sản

Tuy nhiên điều khiến các chuyên gia lo hơn là đầu ra của gạo Jasmine đang hẹp dần. Sau khi được lai tạo tại Viện Lúa quốc tế (IRRI), Jasmine nhanh chóng được nhiều quốc gia xem như “cơm nguội” bởi sự thiếu ổn định chất lượng.
 

GS-TS Võ Tòng Xuân - Hiệu trưởng Đại học Nam Cần Thơ - cho biết: “Thậm chí, với cả hạt giống nguyên chủng Jasmine 85 được lưu giữ tại Ngân hàng Giống của Đại học Texas A&M (Mỹ), khi được các nhà khoa học Cộng hòa Ghana (Tây Phi) đem về trồng đại trà và tuyển được 7 dòng, không dòng nào có cùng đặc tính nguyên thủy”. Chính vì thế mà người tiêu dùng nhiều quốc gia không mặn mà, thậm chí còn “tẩy chay” Jasmine 85.
 

“Tại Mỹ, giống lúa thơm Jasmine 85 được nhận chuyển giao từ (IRRI) vào năm 1989, nhưng sau đó, hằng năm quốc gia này phải nhập 700.000 tấn giống gạo thơm của Thái Lan, vì người tiêu dùng chê mùi thơm và hương vị của Jasmine kém” - ThS Nguyễn Phước Tuyên - giải thích thêm: “Giống lúa Jasmine có chứa gene liệt tạo mùi thơm nên khi trồng xen với những giống lúa không thơm khác, nó rất dễ mất mùi thơm”. Do đó, nhiều quốc gia tiến hành “xóa sổ” giống lúa này. Tại Mỹ, từ năm 1999, Bộ Nông nghiệp thực hiện việc “cải thiện giống lúa Jasmine” thành Jazzman, Jazzman 2 có hương vị tương tự và hơn giống Hom mali của Thái Lan.
 

“Hiện Jazzmen 2 được bán tại Mỹ với giá 3,77USD/kg so với giá gạo Jasmine nhập khẩu từ Thái Lan giá 2,64-3,08USD/kg. Hướng tới Mỹ dự định xuất khẩu giống gạo thơm này” - ThS Tuyên nhấn mạnh.
 

Sẽ rất khó nếu VN chọn Jasmine làm thương hiệu gạo xuất khẩu khi mà trong mắt người tiêu dùng nước ngoài đó là thứ “cơm nguội” - GS-TS Võ Tòng Xuân nhấn mạnh thêm: “Có rất nhiều việc để tiến tới xây dựng thương hiệu gạo quốc gia như tổ chức vùng nguyên liệu lớn theo phương pháp canh tác an toàn nhưng trên hết và quan trọng nhất là phải khẩn cấp bình tuyển và pháp lệnh hóa các tiêu chuẩn giống lúa gạo trước khi chọn giống lúa làm thương hiệu cho quốc gia”.
 

Thực tế từ 4 cuộc thi “Gạo ngon nhất thế giới” (World’s Best Tasting Rice) gần đây cho thấy, Myanmar và Campuchia qua mặt nhiều cường quốc lúa gạo để đăng quang là nhờ có giống gạo thơm đặc thù. Đó cũng là “tấm gương” để những người có trách nhiệm soi rọi trước khi đưa ra quyết định chọn loại gạo làm thương hiệu quốc gia.

TS Nguyễn Trọng Khanh - Phó Viện trưởng Viện Cây lương thực và cây thực phẩm: Công bằng mà nói, Jasmine là thương hiệu gạo khá tốt. Nhưng chưa phải là thương hiệu gạo tốt nhất ở Việt Nam. Nước ta còn nhiều giống gạo tốt hơn nhiều, như gạo Sóc Trăng là một ví dụ. Tuy nhiên, để có được thương hiệu gạo mang tầm quốc gia, ngoài chất lượng, còn phải tính đến thể phân bố của giống gạo đó.

Chúng tôi cho rằng xây dựng thương hiệu gạo đã khó, nhưng để giữ được thương hiệu đó, giữ được tầm ảnh hưởng của thương hiệu còn khó hơn nhiều. Cho nên chúng ta không thể nóng vội, mà cần tiếp tục nghiên cứu, lựa chọn, đầu tư để nâng cao hơn nữa chất lượng gạo. “Tôi cho rằng, tại thời điểm này, chưa nên xây dựng ngay thương hiệu, mà nên chọn lựa kỹ càng, thận trọng, bởi thương hiệu gạo quốc gia không thể thực hiện nóng vội”.

Cùng thống nhất ý kiến với TS Nguyễn Trọng Khanh, đại diện Cục Trồng trọt (Bộ NNPTNT) cũng cho rằng vấn đề xây dựng thương hiệu gạo quốc gia là hết sức cần thiết, nhưng cần xem xét, cân nhắc thận trọng. Thương hiệu quốc gia phải mang tính đại diện, vượt trội và bền vững.

TS Trần Ngọc Thạch - Phó Viện trưởng Viện Lúa ĐBSCL: Hiện nay chưa có loại gạo nào của Việt Nam “vượt” được Jasmine về số lượng xuất khẩu. Mỗi năm chúng ta xuất gạo Jasmine ra thị trường quốc tế lên tới cả triệu tấn. Vậy thì, vấn đề đặt ra là chúng ta phải lựa chọn nguồn cung để ổn định chất lượng, chuẩn hóa chất lượng phục vụ cho công tác xây dựng thương hiệu gạo quốc gia.

Còn về dư luận cho rằng Jasmine chưa phải là thương hiệu gạo tốt nhất của Việt Nam, không nên coi đây là thương hiệu quốc gia, tôi cho rằng xây dựng thương hiệu quốc gia không nhất thiết phải chọn loại tốt nhất, vì mỗi thương hiệu đều phân thành “dòng” cao cấp hay bình dân.

Jasmine có thể coi là thương hiệu gạo bình dân, nhưng đạt hiệu quả cao vì đây là giống có số lượng xuất khẩu cao nhất, mang lại lợi nhuận cho nông dân nhiều nhất. Chúng tôi cũng biết đến việc tranh chấp thương hiệu Jasmine tại một số quốc gia. Tuy nhiên, ta có thể “lách” vấn đề này bằng tên gọi, có thể gọi thương hiệu gạo của Việt Nam là “Jasmine Việt”.

KHÁNH VŨ ghi


Theo KTNT
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

ĐBSCL: Mua tạm trữ 760.000 tấn gạo