Một kỷ nguyên hỗn loạn và ít lực đỡ cho nông nghiệp
12:59 - 29/09/2015
Trong hội thảo: “Thương mại nông nghiệp Việt Nam trong biến động của kinh tế toàn cầu do Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn (Ipsard) tổ chức, nhiều ý kiến cho rằng, ngành nông nghiệp, xuất khẩu nông sản đang đứng trước một kỷ nguyên hỗn loạn hơn và ít lực đỡ hơn.
Điều là một trong những mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu tăng. Ảnh: socongthuong.phuyen.gov.vn

Hai mặt sáng – tối của thị trường

Theo ông Nguyễn Trung Kiên, quyền Trưởng bộ môn Thị trường và ngành hàng (Ipsard), trong 8 tháng của năm 2015 ghi nhận cả hai mặt sáng – tối của thị trường xuất khẩu nông sản, một số mặt hàng vẫn giữ được đà tăng trưởng trong khi đó nhiều mặt hàng chủ lực lại có dấu hiệu xuống dốc.

Cụ thể, 8 tháng đầu năm 2015, xuất khẩu (XK) hạt tiêu tăng 4% về giá trị so với cùng kỳ năm 2014 dù giảm 18% về lượng nhờ giá cao. Kim ngạch XK gỗ và sản phẩm từ gỗ cũng tăng 10,4%; Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc tiếp tục là các thị trường dẫn đầu, trong đó Mỹ đóng góp chủ yếu vào tăng XK gỗ và sản phẩm từ gỗ. XK hạt điều tăng 13% về lượng, 26% về giá trị; thị trường Mỹ, EU tiếp tục là lực đỡ khi XK sang Trung Quốc suy giảm. XK rau quả tăng 11,2% sau những nỗ lực khơi thông thị trường. Tuy nhiên, Trung Quốc vẫn là thị trường XK rau quả lớn nhất của Việt Nam trong khi XK sang các thị trường cao cấp còn ít. XK sắn và sản phẩm từ sắn tăng 42% về lượng, 36% về giá trị trong cùng kỳ, chủ yếu nhờ tăng xuất khẩu sang Trung Quốc…

Trong khi đó, XK gạo giảm 8% về lượng, 13% về giá trị, chủ yếu do Trung Quốc giảm nhập khẩu (6% về lượng, 11% về giá trị). XK càphê giảm 14% về lượng, 16% về giá trị; các thị trường nhập khẩu chính của Việt Nam đều giảm nhập khẩu: Đức giảm 22% về lượng trong 7 tháng đầu 2015 so với cùng kỳ 2014, Mỹ (-18%), Ý (-9%),… XK cao su tăng 16% về lượng nhưng giảm 6% về giá trị. XK thủy sản giảm 16% về giá trị, tôm Việt Nam đang bị cạnh tranh mạnh về giá.

Cho đến thời điểm này, Trung Quốc vẫn là thị trường XK lớn nhất của nông sản Việt Nam khi trong 7 tháng đầu năm 2015, thị trường này chiếm 36,7% tổng giá trị xuất khẩu gạo; 47% tổng giá trị xuất khẩu cao su; 36,2% tổng giá trị xuất khẩu rau quả; 13,5% tổng giá trị xuất khẩu gỗ và sản phẩm từ gỗ; 12,7% tổng giá trị xuất khẩu hạt điều; gần 7% tổng giá trị xuất khẩu thủy sản.

Những thách thức lớn

Cũng theo ông Kiên, xuất nhập khẩu nông, lâm, thủy sản (NLTS) Việt Nam sẽ gặp những thách thức trong thời gian tới, đó là: Suy giảm năng lực cạnh tranh về giá đối với các mặt hàng XK do các đối thủ cạnh tranh lớn phá giá; suy giảm cầu thế giới đối với hàng NLTS do suy thoái kinh tế Trung Quốc và dư cung; cạnh tranh gay gắt trên thị trường nội địa đối với sản phẩm chăn nuôi và chính sách tỷ giá của Trung Quốc mang tính thị trường nhiều hơn sẽ tạo ra nhiều bất ổn hơn.

Việc Trung Quốc phá giá đồng Nhân dân tệ và sự giảm giá mạnh của đồng tiền các nước đang phát triển (từ 1/2013-8/2015: Real Brazil giảm 72%, Peso Colombia giảm 52%, Rupiah Indonesia giảm 42%, Ringgit Malaysia giảm 33%, Rupee Ấn Độ giảm 20%, Bath Thái giảm 18% so với đồng USD…) đang khiến XK nông sản gặp khó khăn, bởi đây là các đối thủ cạnh tranh của Việt Nam trên thị trường XK NLTS toàn cầu. Hiện, giá gạo Việt Nam đang xấp xỉ giá gạo Thái Lan, Ấn Độ ở vùng giá thấp. Và điều này đã thấy ngay hậu quả khi năm 2012 – 2013, Việt Nam chiếm trên 65% thị phần nhập khẩu gạo của Trung Quốc thì năm 2014 giảm xuống 53% và còn 47% trong 4 tháng đầu 2015. Đối thủ thế chân Việt Nam là Thái Lan, Campuchia và Pakistan.

Giá cà phê Arabica của Brazil và Colombia giảm mạnh nhờ phá giá đồng tiền gây sức ép đối với XK cà phê Robusta của Việt Nam. Tôm Việt Nam đang có mức giá cao hơn các đối thủ cạnh tranh và đang mất thị phần vào tay Ấn Độ, Indonesia trên các thị trường lớn như Mỹ,…

Theo dự báo của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), giá gạo bình quân năm 2016 giảm 13% so với năm 2015, giá cà phê Robusta giảm 10%, giá tôm giảm 3%,… và rất nhiều mặt hàng đang có dấu hiệu đi xuống. Điều này đang đặt ra cho ngành XK NLTS muôn vàn khó khăn. “Một kỷ nguyên hỗn loạn hơn và ít lực đỡ hơn đã xuất hiện, khi các thị trường tài chính – tiền tệ và hàng hóa tại các thị trường mới nổi biến động mạnh hơn; hệ thống quản lý chưa đủ khả năng điều tiết thị trường theo luật chơi của thị trường; rào cản chính trị, thương mại và đầu tư càng nhiều, luồng luân chuyển nhân lực, vốn và hàng hóa càng khó khăn, tình hình càng hỗn loạn (lệnh cấm vận với Nga; chính sách nông nghiệp tốn kém, trợ cấp khổng lồ của châu Âu; tắc nghẽn trong các làn sóng di cư). Lực đỡ cũng ít hơn bởi tăng trưởng kinh tế Trung Quốc và các thị trường mới nổi giảm dẫn đến thế giới thiếu đi một đối trọng với các thị trường phát triển về lực đỡ cầu trên các thị trường tài chính – tiền tệ và hàng hóa”, ông Kiên nói.

Từ thực trạng này, Ipsard đề xuất, trong ngắn hạn, chúng ta cần tận dụng thị trường Mỹ do đồng USD còn có mức giá cao; khơi thông thị trường, đẩy mạnh xuất khẩu các mặt hàng Việt Nam có lợi thế vào thị trường này: thủy sản, cà phê, hạt tiêu, hạt điều, gỗ và sản phẩm từ gỗ. Nối kết nhanh chóng để có thể có được các hợp đồng xuất khẩu gạo sang Indonesia, Philippines, Malaysia vì các nước này có thể thiếu hụt cung trong năm nay. Đẩy mạnh xúc tiến thương mại, phát triển thị trường chính ngạch Trung Quốc đối với các mặt hàng có thể xuất khẩu như sắn, rau quả, cao su, điều, gỗ và sản phẩm gỗ, tôm. Xem xét cảnh báo việc doanh nghiệp và người dân dự trữ quá nhiều cà phê, tiêu để chờ được giá vì các mặt hàng này có hiện tượng dư cung và giá có thể giảm trong những năm tới. Theo dõi chặt chẽ tình hình thị trường, tài chính của các doanh nghiệp xuất khẩu, chuẩn bị gói hỗ trợ tín dụng (khoanh nợ, dãn nợ) khi có biến động xấu. Đơn giản hóa thủ tục thông quan, ưu đãi thuế cho các doanh nghiệp có thành tích xuất khẩu tốt.

Trong trung và dài hạn, cần điều chỉnh cơ cấu đầu tư, đẩy mạnh đầu tư vào chế biến, công nghiệp và dịch vụ hỗ trợ, khoa học công nghệ nông nghiệp. Hình thành các hội đồng ngành hàng cho các ngành hàng chiến lược, phân cấp trao quyền trong quản lý thị trường, xây dựng chính sách, quản lý quỹ phát triển ngành hàng. Hỗ trợ doanh nghiệp đa dạng hóa thị trường xuất khẩu. Xây dựng bộ phận nghiên cứu và phát triển thị trường chuyên nghiệp. Đám phán với Trung Quốc nhằm chính thức hóa thương mại nông sản, tiến đến xây dựng đối tác tin cậy phân phối nông sản tại thị trường này. Điều chỉnh cơ cấu lúa, tăng diện tích lúa chất lượng cao, giảm diện tích lúa chất lượng thấp. Đẩy mạnh tái canh cà phê theo tiến độ hợp lý, bắt kịp với mức độ tái canh của các nước xuất khẩu lớn. Kiểm soát diện tích tiêu, đảm bảo chất lượng, bền vững. Xây dựng chương trình phát triển điều bền vững, kiểm soát chất lượng, phát triển thương hiệu. Kiểm soát diện tích cao su, đảm bảo nằm trong phạm vi sản xuất tối ưu và vững bền. Xây dựng vùng chuyên canh rau quả gắn kết với hệ thống phân phối hiện đại, áp dụng tiêu chuẩn bền vững, đảm bảo chất lượng, VSATTP. Hiện đại hóa ngành chăn nuôi: giống, quy mô, quy trình sản xuất, giết mổ, phân phối. Hiện đại hóa chuỗi giá trị rừng trồng, chấm dứt XK dăm, tăng chế biến thành phẩm, có chứng chỉ bền vững. Kiểm soát cung và đảm bảo chất lượng cá tra, đẩy mạnh phát triển cá rô phi. Xây dựng chuỗi giá trị hoàn thiện, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất và chế biến tôm…

Nguồn: KTNT
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

ĐBSCL: Mua tạm trữ 760.000 tấn gạo