Thương lái, cơ sở giết mổ, hệ thống bán buôn, bán lẻ… “ngoạm” hơn 90% tổng số lợi nhuận ròng thu được trong chuỗi từ SX trang trại đến tay người tiêu dùng.
|
Liên kết tiêu thụ từ trang trại đến người tiêu dùng là vấn đề sống còn của chăn nuôi gia cầm Việt Nam |
Chăn nuôi gia cầm nông hộ vẫn chiếm gần 70% tại Việt Nam, trong đó có tới 95% lượng sản phẩm gia cầm nông hộ phải tiêu thụ qua tay thương lái.
Từ trang trại đến người tiêu dùng đội giá 50 – 80%!
Trong khi đó, dù là đối tượng đầu tư lớn nhất, trực tiếp tạo ra sản phẩm nhưng người chăn nuôi lại chỉ nhận được từ 4 – 9% tổng số lợi nhuận ròng trong chuỗi tiêu thụ từ trang trại tới người tiêu dùng.
Nghịch lý này đã được TS Dương Xuân Tuyển, GĐ Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Chăn nuôi gia cầm VIGOVA (Viện Chăn nuôi) công bố tại hội thảo có chủ đề "Tăng cường năng lực cạnh tranh cho ngành chăn nuôi gia cầm Việt Nam trước thềm hội nhập TPP" diễn ra hôm qua (24/9) do Cục Chăn nuôi, Viện Chăn nuôi và Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Việt Nam tổ chức.
Theo TS Tuyển, một công trình nghiên cứu về chuỗi phân phối lợi nhuận từ trang trại tới người tiêu dùng, do Trung tâm của ông thực hiện mới đây tại các vùng chăn nuôi gia cầm lớn ở Đông Nam bộ như Đồng Nai, Tây Ninh, Bình Phước… cho thấy, mặc dù là khu vực chăn nuôi quy mô lớn nhất cả nước, nhưng chăn nuôi nông hộ vẫn chiếm tỷ lệ khoảng 70%.
Trong số này, có tới 95% lượng sản phẩm phải tiêu thụ thông qua hệ thống thương lái. Trong các hình thức tổ chức tiêu thụ sản phẩm gia cầm, hiện có hai kênh tiêu thụ cơ bản, phải qua tay tới 3 – 4 công đoạn bao gồm: Hình thức thứ nhất là trang trại -> lái buôn -> cơ sở giết mổ -> người bán sỉ -> người bán lẻ ở chợ - > người tiêu dùng; và hình thức thứ hai là trang trại -> cơ sở giết mổ -> người bán sỉ (gia công) -> người bán lẻ ở chợ -> người tiêu dùng.
Theo nhóm nghiên cứu của TS Tuyển, ở hình thức tiêu thụ thứ nhất, người chăn nuôi chỉ nhận được trung bình từ 4,5 – 8,5 % tổng lợi nhuận ròng sinh ra trong cả quá trình. Trong khi đó, thương lái nhận được từ 19 - 21% lợi nhuận; cơ sở giết mổ nhận từ 5,8 – 6,3%; người bán sỉ hưởng tới 37 – 40% và người bán lẻ “ẵm” từ 26 – 30% lợi nhuận.
Ở hình thức tiêu thụ thứ hai, người giết mổ đồng thời cũng là thương lái thu mua, trong khi đó người bán sỉ đồng thời nhận tiêu thụ gia công cho cơ sở giết mổ. Nghiên cứu cho thấy đối với hình thức này, người chăn nuôi chỉ nhận được trung bình từ 5,2 – 8,5% lợi nhuận ròng; cơ sở giết mổ hưởng tới 52 – 56% lợi nhuận ròng; người bán lẻ hưởng từ 24 – 30% và người bán sỉ lĩnh từ 6,4 – 6,7% tổng lợi nhuận.
Nhìn vào cả hai hình thức phân phối phổ biến trên, có thể thấy mặc dù không phải là đối tượng phải đầu tư hạ tầng, đầu tư vốn lưu động lớn và thường xuyên, nhưng các lực lượng như lò mổ, bán sỉ, và đặc biệt là lực lượng bán lẻ lại đang được hưởng lợi nhất, gấp đôi so với người chăn nuôi.
Chẳng hạn tại thời điểm điều tra của Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Chăn nuôi gia cầm VIGOVA, để SX ra một con gà xuất chuồng, nếu không có rủi ro thì chỉ có mức lãi 2.000 – 3.000 đ/con, còn lại hầu như lỗ khiến hàng loạt trang trại gia cầm vùng Đông Nam bộ đóng cửa. Trong khi đó, qua 3 – 4 khâu trung gian, giá thịt gà công nghiệp đến tay người tiêu dùng thường phải 60.000 – 7.000 đ/kg, đội lên từ 50 – 80% so với giá bán ở trang trại.
Người chăn nuôi chỉ nhận được trung bình từ 4,5 – 8,5 % tổng lợi nhuận ròng sinh ra trong cả quá trình SX
Ngược lại với tình cảnh thê thảm của đại đa số các trang trại chăn nuôi gia cầm thời gian qua, kết quả điều tra cũng cho thấy đối với các cơ sở tự thu mua gia cầm từ trang trại về trực tiếp giết mổ, đồng thời bán ngay tại các hệ thống cửa hàng do họ tự đầu tư, mức lợi nhuận mà họ thu được lên tới 10.000 – 15.000 đ/kg.
“Tương tự, trong khi người chăn người chăn nuôi phải cần tới từ 42 – 70 ngày để nuôi một con gà xuất chuồng và chỉ thu được bình quân từ 2 – 3 nghìn đồng/con, thì người bán lẻ thịt gia cầm chỉ cần từ 6 – 10 tiếng đồng hồ là có thể thu lãi từ 8 – 14 nghìn đồng/con. Đây là thực tế buồn đòi hỏi chúng ta phải có ngay giải pháp cho việc liên kết SX tới tiêu thụ.
“Theo thống kê, sản lượng thịt gia cầm Việt Nam hiện khoảng 880 nghìn tấn/năm, tuy nhiên đây là con số thống kê sai phương pháp. Trên thực tế, sản lượng gia cầm nước ta hiện có thể đã lên tới trên 2 triệu tấn/năm, đứng trong tốp 10 quốc gia SX gia cầm lớn nhất thế giới.
Vì vậy, cần phải xác định lại chiến lược xem chúng ta nên tăng trưởng SX giai đoạn tới bao nhiêu là vừa, có tiếp tục tăng đàn không, nếu không, tình hình sẽ còn gay go” – ông Sơn cảnh báo. |
Giải quyết được vấn đề này, chúng ta sẽ giải quyết được cơ bản cho việc hạ giá sản phẩm gia cầm khi đến tay người tiêu dùng để giữ được thị trường trong nước, tăng lợi nhuận, tăng cạnh tranh cho nông dân, nhất là trong bối cảnh chăn nuôi gia cầm đang đứng trước bài toán cạnh tranh trước ngưỡng gia nhập TPP” – TS Dương Xuân Tuyển hiến kế.
Có nên tiếp tục tăng đàn?
Theo TS Nguyễn Thanh Sơn, Viện trưởng Viện Chăn nuôi, sự chênh lệch, đội giá quá lớn giữa trang trại và thị trường bán lẻ sản phẩm gia cầm cũng đang là nguyên nhân lớn khiến tốc độ tiêu thụ sản phẩm gia cầm bị hạn chế.
Điều này thể hiện ở nghịch lý: Trong khi giá sản phẩm gia cầm nhiều năm qua liên tục tụt mạnh, có thời điểm… rẻ như khoai, nhiều trang trại đóng cửa, tuy nhiên tốc độ gia tăng sử dụng sản phẩm gia cầm của Việt Nam vẫn rất chậm và đang nằm ở mức rất thấp so với các nước trong khu vực.
Cụ thể theo TS Nguyễn Thanh Sơn, lượng tiêu thụ thịt gia cầm của Việt Nam tính đến năm 2015 ước tính chỉ trung bình 4,2 kg/người/năm (so với Thái Lan là 13.4 kg/người/năm; Philippines 8,5 kg/người/năm; Trung Quốc 10,4 kg/người/năm…; Mỹ 45 kg/người/năm, Brazil 39 kg/người/năm…).
Trong 5 năm 2010 – 2015, mức tiêu thụ thịt gà bình quân/người của Việt Nam chỉ tăng 0,4 kg/người (từ 3,8 kg/người năm 2010 lên 4,2 kg/người năm 2015). Với đà tăng trung bình như thời gian qua thì dự báo đến năm 2019, tiêu thụ thịt gà trung bình của Việt Nam sẽ chỉ nằm ở mức 6,3 kg/người/năm, trong khi dự báo Trung Quốc sẽ lên tới 11 kg/người; Thái Lan 14 kg/người…
Cũng theo TS Sơn, trong khi tốc độ tăng trưởng của SX, tiêu thụ, XK thịt gia cầm trên thế giới những năm qua liên tục giảm, thì gia cầm Việt Nam lại đang tăng chóng mặt, dẫn tới sức ép tiêu thụ ngày càng dồn dập.
Cụ thể tính chung giai đoạn 2003 đến 2012, tốc độ tăng trưởng sản lượng thịt gia cầm của cả thế giới khoảng 3,7%/năm, dự báo sẽ giảm xuống chỉ còn 1,9%/năm trong giai đoạn từ 2013 - 2020; XK thịt gia cầm sẽ giảm từ 6,7%/năm của giai đoạn 2003 – 2012 xuống còn 2,1% giai đoạn 2013 – 2020; tiêu thụ thịt gia cầm dự báo giảm từ 2,5%/năm giai đoạn 2003-2012 xuống còn 0,9% giai đoạn 2013-2020.