Giúp nông dân chọn và sử dụng nông dược tốt - Sao lại không bình thường?
10:37 - 21/09/2015
Trong những ngày gần đây, một số chương trình của Đài Truyền hình Việt Nam đã gây xôn xao dư luận về “làm rõ việc hướng dẫn sử dụng thuốc BVTV không bình thường ở Phú Thọ" và một số tỉnh khác.
Trên thị trường có rất nhiều loại thuốc hóa học cực độc cần tránh sử dụng

Thực hư như thế nào? Thông tin trên đã thôi thúc tôi, người học chuyên ngành BVTV, từng trên 40 năm lăn lộn hoạt động BVTV ở địa phương, tìm hiểu, nghiên cứu với mong muốn có ý kiến thực sự khách quan và khoa học về vấn đề này. 

Từ yêu cầu của sản xuất và nông dân

Ngay trước và sau khi VTV phát chuyên đề trên, chúng tôi cũng đã nghiên cứu một số bài báo, trao đổi với một số PV, làm việc với Chi cục BVTV Phú Thọ, tiếp xúc và nghe ý kiến của một số chuyên gia, Chi cục BVTV, đại lý thuốc BVTV, cán bộ kỹ thuật và nông dân.

Điều chúng tôi ngạc nhiên, là nhiều báo lớn và có uy tín như TTXVN, Nhân Dân, Nông nghiệp VN…, nhiều tổ chức và cá nhân, lãnh đạo, cán bộ kỹ thuật, chuyên gia, đại lý nông dược và nhất là bà con nông dân lại có ý kiến khác VTV, hầu hết đều đánh giá cao cách làm của Phú Thọ, một cách làm hay, hiệu quả, nông dân đang cần vì giúp nông dân thoát khỏi “ma hồn trận thuốc BVTV" hiện nay, với Danh mục chính thức gồm hơn 4.000 tên thuốc thương phẩm (tên thương mại) mà rất nhiều tên “tiếng tây lằng nhằng khó đọc khó nhớ, dễ nhầm lẫn”.

Thí dụ riêng trên cây chè đã có 371 tên thuốc thương phẩm, riêng 1 tên hoạt chất trừ sâu là Fipronil có tới 167 tên thuốc thương phẩm, hoạt chất trừ sâu Abamectin có 188 tên thương phẩm, hoạt chất trừ bệnh carbendazim có 75 tên thương phẩm, hoạt chất trừ cỏ Butachlor có 36 tên thương phẩm...

Nếu không được cơ quan chuyên môn và cán bộ kỹ thuật hướng dẫn cụ thể việc chọn và sử dụng một số loại tên thuốc tốt, phổ biến của một số thương hiệu có uy tín thì “đến thánh cũng chịu thua" và bà con rất dễ bị người bán thiếu lương tâm lừa gạt, đọc sai tên thuốc toàn chữ tây, chọn sai loại thuốc, sử dụng sai kỹ thuật dẫn đến tiền mất tật mang. Việc thời gian gần đây hàng trăm tấn chè XK của Thái Nguyên, Yên Bái, Phú Thọ, Lâm Đồng... bị phía Đài Loan trả về vì có dư lượng hóa chất BVTV là bài học nhãn tiền!

Chính vì vậy các PV của TTXVN, báo Nhân Dân và NNVN đi tìm hiểu thực tế, nghe ý kiến thật ở tỉnh Phú Thọ bao gồm 3 huyện, 4 xã, 5 nông dân, 1 chủ tịch xã, 1 PCT huyện, 1 lãnh đạo phòng NN huyện, 2 đại lý bán thuốc BVTV, 2 Cty SX và XK chè nội địa và quốc tế đều được các ý kiến trả lời rất hoan nghênh việc Chi cục BVTV, Sở NN-PTNT ban hành Danh mục thuốc BVTV khuyến cáo sử dụng với 108 tên thuốc thương phẩm được lựa chọn theo 5 tiêu chí vừa khoa học, vừa thực tiễn, giúp nông dân và cả cán bộ kỹ thuật chọn và sử dụng thuốc BVTV hiệu quả và an toàn.

Điều này cũng phù hợp với ý kiến đề xuất của Hội nghị về sản xuất chè an toàn toàn quốc năm 2015 là cần hướng dẫn sử dụng một số tên thuốc BVTV tốt, hiệu quả, an toàn trên cây chè thay vì để nông dân tự lựa chọn trong số 371 tên trong Danh mục hiện nay. Một số Cty XK chè nước ngoài còn đề nghị nghiên cứu áp dụng kinh nghiệm của một số nước thực hiện chủ trương “Kê đơn cấp thuốc BVTV" cho chè.

Về Danh mục thuốc BVTV khuyến cáo sử dụng của Phú Thọ, theo chúng tôi, đáng lẽ cơ quan chuyên ngành Phú Thọ có thể làm tốt hơn như chú ý xin ý kiến các cơ quan Trung ương, các chuyên gia, hay có 1 cuộc điều tra nông dân về chủ đề liên quan. Cũng cần công khai, minh bạch, tăng cường tuyên truyền về sự đổi mới này, tranh thủ hơn sự hiểu biết và hợp tác của các cơ quan truyền thông tỉnh và Trung ương. Những điều này có thể rút kinh nghiệm trong quá trình hoàn chỉnh và bổ sung chủ trương kỹ thuật này.

Kết quả điều tra sử dụng thuốc BVTV của 1.000 hộ nông dân SX lúa và rau ở 4 tỉnh, TP Hải Phòng, Vĩnh Phúc, TP.HCM, Tiền Giang của Hội KHKT bảo vệ thực vật VN trong khuôn khổ 1 đề án nghiên cứu phản biện về sử dụng thuốc BVTV của Liên hiệp Hội KHKT Việt Nam cho thấy trên 96% nông dân trả lời có yêu cầu được ngành BVTV tập huấn và hướng dẫn chọn và sử dụng thuốc BVTV hiệu quả và an toàn. Vì hiện chỉ có khoảng 45-50% nông dân biết cách sử dụng thuốc BVTV.

Trên thực tế nông dân ở vùng trồng lúa, rau chỉ dùng thường xuyên trong năm từ 15-35 tên thuốc thương phẩm và trong 1 tỉnh cũng thường chỉ sử dụng từ 80-170 tên thuốc thương phẩm trong khi Danh mục thuốc BVTV được phép kinh doanh là trên 4.000 tên thương phẩm!

Rõ ràng cách làm của ngành BVTV Phú Thọ là hoàn toàn xuất phát từ yêu cầu của thực tế sản xuất, của người sản xuất, có đảm bảo các tiêu chí, có tính khoa học và thực tiễn cao, cần được hoan nghênh và mở rộng.

Tính pháp lý và khoa học

Loạt tin bài của VTV lên án Phú Thọ ban hành Danh mục thuốc BVTV khuyến cáo sử dụng là “vi phạm luật, ngăn sông cấm chợ gây hại cho tự do cạnh tranh buôn bán” của nhiều doanh nghiệp BVTV.

Vậy thực hư, đúng sai thế nào? Qua tiếp nhận nhiều ý kiến của nhiều chuyên gia, doanh nhân, nông dân, cán bộ quản lý trong ngành cũng như nghiên cứu của bản thân, chúng tôi có mấy ý kiến sau:

Thứ nhất, việc ra các văn bản hướng dẫn sử dụng thuốc BVTV của Chi cục BVTV Phú Thọ và nhiều chi cục khác hoàn toàn đúng chức năng và nhiệm vụ của chi cục. Điều này thể hiện rõ ràng và rất cụ thể trong Luật Bảo vệ và KDTV năm 2013 của nước ta, trong Thông tư liên ngành số 14/2015/TTLN-BNNPTNT-BNV ngày 25/3/2014 của Bộ NN-PTNT và Bộ Nội vụ về chức năng nhiệm vụ, tổ chức các cơ quan chuyên môn nông nghiệp thuộc UBND tỉnh; Thông tư số 15/2015/TT-BNNPTNT hướng dẫn chức năng nhiệm vụ, tổ chức của các chi cục thuộc Sở NN-PTNT (trong đó có chi cục BVTV); Thông tư số 21/2015/TT-BNNPTNT ngày 8/6/2015 về quản lý sử dụng thuốc BVTV.

14-02-22_1
Trong "ma trận" hơn 4.000 tên thuốc BVTV trong Danh mục, nông dân rất cần được cơ quan chuyên ngành khuyến cáo, hướng dẫn sử dụng đúng thuốc

Thứ hai, cần khẳng định đây là Danh mục thuốc BVTV khuyến cáo sử dụng chứ không phải là Danh mục được phép sử dụng như một số người vô tình hay cố ý hiểu sai. Do vậy nó không trái với Danh mục thuốc được phép sử dụng ở Việt Nam do Bộ NN-PTNT ban hành hàng năm.

Danh mục của Bộ có tính bắt buộc còn danh mục của tỉnh có tính khuyến cáo sử dụng mang tính tuyên truyền hướng dẫn, nông dân có thể sử dụng hay không sử dụng, các loại thuốc khác ngoài danh mục này vẫn được tự do lưu thông, kinh doanh và sử dụng. 108 loại thuốc của Danh mục khuyến cáo của tỉnh Phú Thọ đều được lựa chọn từ trên 4.000 loại của Danh mục được phép sử dụng theo những tiêu chí nhất định nhằm nâng cao hiệu quả và an toàn trong việc chọn và sử dụng thuốc BVTV của nông dân. Như vậy không thể suy diễn là việc làm của ngành BVTV Phú Thọ là “ngăn sông cấm chợ", hơn nữa nó còn kích thích nhiều doanh nghiệp tạo ra các loại thuốc tốt để được chọn vào danh mục khuyến cáo sử dụng của tỉnh.

Thứ ba, một số ý kiến cho rằng nên ghi trong danh mục khuyến cáo tên hoạt chất thay vì tên thương phẩm. Điều này vừa không phù hợp luật vừa phi thực tiễn. Trong Danh mục thuốc BVTV được phép sử dụng, trong hoạt động khảo nghiệm, đăng ký, buôn bán, kiểm tra chất lượng thuốc, định giá, ghi nhãn... thuốc BVTV đều theo tên thương phẩm theo quy định của pháp luật. Chính vì vậy mới có chuyện 1 tên hoạt chất có hàng trăm tên thương phẩm với xuất xứ nhập khẩu, dung môi, quy trình gia công, chất lượng, giá cả có thể rất khác nhau.

Do vậy nếu ghi theo tên hoạt chất thì không phân biệt sự khác nhau về chất lượng và hiệu quả kỹ thuật, môi trường và kinh tế khi sử dụng. Hơn nữa trong thực tế các cán bộ kỹ thuật không thể kê đơn cấp thuốc bằng tên hoạt chất được, nó sẽ không có ý nghĩa vì sau đó nông dân làm sao chọn được 1 trong hơn 100 loại thương phẩm? Không nông dân nào chấp nhận sự tư vấn khuyến cáo kỹ thuật nửa vời thế.

Hướng dẫn sử dụng thuốc bằng tên hoạt chất có thể chấp nhận đối với các cơ quan Trung ương cho các tỉnh, còn tỉnh đối với huyện, cơ sở và nông dân phải hướng dẫn theo tên thương phẩm mới có ý nghĩa và lợi ích.

Thứ tư, trong Luật Bảo vệ và Kiểm dịch thực vật năm 2013 và các Nghị định, Thông tư của Chính phủ và Bộ NN-PTNT đều quy định việc hướng dẫn kỹ thuật, quản lý và sử dụng thuốc BVTV phải theo nguyên tắc “4 đúng” mà nguyên tắc đầu tiên là “Sử dụng đúng loại thuốc". Có nghĩa phải lựa chọn loại thuốc có hiệu quả kỹ thuật, kinh tế và môi trường phù hợp cây trồng, sâu bệnh và điều kiện sinh thái địa phương.

Với "ma trận" 4.000 loại thuốc BVTV, với 1 loại hoạt chất có hàng chục thậm chí hàng trăm tên thương phẩm khác nhau của các doanh nghiệp khác nhau, với tên thuốc toàn tiếng tây khó đọc khó nhớ... thì nông dân khó chọn được đúng loại thuốc. Công việc này phải là trách nhiệm của cán bộ kỹ thuật và đúng hơn, tốt hơn của tổ chức BVTV tỉnh đó là chi cục BVTV. Việc ban hành danh mục thuốc BVTV khuyến cáo sử dụng của Phú Thọ chính là đáp ứng yêu cầu cấp thiết đó.

Thứ năm, việc lựa chọn các loại thuốc đưa vào danh mục khuyến cáo sử dụng của tỉnh không phải “thiếu khách quan, không có cơ sở khoa học". Thực tế theo các văn bản giải trình về cách lập danh mục của Sở NN-PTNT và Chi cục BVTV Phú Thọ đều là 1 quá trình chọn lọc có cơ sở khoa học và thực tiễn bao gồm: 5 tiêu chí lựa chọn chủ yếu gồm: phải trong danh mục của Bộ NN-PTNT; có hiệu quả kỹ thuật và kinh tế cao; ít độc hại với con người và môi trường với thời gian cách ly ngắn; đang được nông dân tin dùng phổ biến trong tỉnh; là các thương hiệu thuốc BVTV có uy tín và Cty cam kết cung ứng đủ cho sản xuất và chống dịch của tỉnh.

Danh mục dự thảo được xin ý kiến lãnh đạo Sở NN-PTNT, các đơn vị trong Sở, các trạm BVTV và phòng kinh tế huyện, một số doanh nghiệp, đại lý thuốc BVTV và chuyên gia. Sau đó tỉnh đã tổ chức hội thảo khoa học với nhiều thành phần tham gia, đóng góp ý kiến trước khi ban hành chính thức.

Rõ ràng cách làm của Chi cục BVTV và Sở NN-PTNT Phú Thọ là nghiêm túc, khoa học, thực tế và minh bạch.

Việc bình thường đâu phải của riêng ngành BVTV Phú Thọ

Nếu xem xét một cách thật khách quan thì việc khuyến cáo sử dụng vật tư – sản phẩm kỹ thuật trong cuộc sống và sản xuất hiện nay ở quanh ta rất bình thường. Từ khám chữa bệnh trong y tế, BHXH, sử dụng vật tư nông nghiệp như giống, phân bón, thuốc BVTV... đều cần có hướng dẫn ở cả Trung ương lẫn cấp tỉnh và cơ sở.

Ví dụ: Thông tư 17/2010/TT-BNNPTNT ngày 26/3/2010 của Bộ NN-PTNT ban hành Danh mục thuốc BVTV sử dụng trừ rầy hại lúa, tại điểm 14 có chỉ định 27 tên thương phẩm thuốc BVTV.

Quyết định công nhận TBKT “Quy trình quản lý tổng hợp sâu đục quả vải trong SX vải an toàn" số 2329/QĐ-BVTV ngày 21/11/2012 của Cục trưởng Cục BVTV cũng chỉ định sử dụng 17 tên thuốc thương phẩm BVTV.

Hay ở các địa phương, hầu hết các quy trình sản xuất cây con, các kế hoạch sản xuất nông nghiệp hàng vụ, hàng năm đều chỉ định cụ thể tên một số giống cây, giống con, tên một số thuốc BVTV và thú y nên sử dụng.

Chẳng lẽ các văn bản, chủ trương và hướng dẫn kỹ thuật trên đều là “vi phạm luật, ngăn sông cấm chợ và không bình thường” hay sao?!

 

TRƯƠNG QUỐC TÙNG - Phó Chủ tịch Hội KHKT bảo vệ thực vật Việt Nam
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

ĐBSCL: Mua tạm trữ 760.000 tấn gạo