Nông sản Việt: Nghịch lý vị trí, danh tiếng và thương hiệu
23:18 - 31/08/2015
Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, xuất khẩu nông sản của ta thuộc top 20 quốc gia hàng đầu thế giới. Trong đó nhiều nông sản xuất khẩu đứng hàng đầu thế giới về số lượng, như: càphê, hồ tiêu, gạo, điều, tôm, cá tra,… Như vậy có thể nói, về vị trí, chúng ta có thứ hạng cao trên thị trường nông sản thế giới và danh tiếng quốc gia “kho nông sản” của thế giới đã được Tổ chức Nông Lương của Liên Hợp quốc khẳng định. Để có được vị trí và danh tiếng đó là sự nỗ lực không ngừng nghỉ của cả Nhà nước, nhà nông, nhà khoa học, doanh nghiệp và những chủ trương, chính sách phù hợp của Đảng và Nhà nước.
Ảnh minh họa

Tuy vậy nhưng vị trí hàng đầu và danh tiếng chưa mang lại cho chúng ta giá trị gia tăng và lợi nhuận cao khiến thu nhập, nhất là của những người nông dân, chủ thể tạo ra nông sản rất thấp, cuộc sống còn nhiều khó khăn và luôn trong trạng thái bị động với thị trường. Đó là một nghịch lý.

Nguyên nhân của nghịch lý này đã được nhiều chuyên gia, nhà quản lý, các cơ quan báo chí mổ xẻ, chỉ rõ. Qua tổng hợp thấy việc có vị trí cao, có danh tiếng thông qua vị trí nhưng giá trị gia tăng xuất khẩu hàng nông sản thấp bởi hàng của ta chưa có thương hiệu, chủ yếu xuất thô, sản phẩm chế biến để trực tiếp người tiêu dùng tiếp cận rất ít; nông sản của ta chất lượng không đồng đều do sản xuất nhỏ lẻ; quá trình sản xuất của nhà nông chưa tuân thủ quy trình an toàn vệ sinh thực phẩm và chưa thân thiện với môi trường…

Vì chưa có thương hiệu nên danh tiếng của nhiều nông sản Việt bị “mượn” ở nhiều quốc gia (nước mắm Phú Quốc, kẹo dừa Bến Tre, càphê Buôn Ma Thuột,…) khiến các doanh nghiệp phải tốn không ít tiền bạc và công sức để đòi lại.

Để nâng cao giá trị nông sản Việt, nâng cao kim ngạch xuất khẩu nông sản, nâng cao lợi nhuận cho doanh nghiệp và thu nhập cho nhà nông có rất nhiều việc phải làm, từ quy trình sản xuất an toàn, tổ chức sản xuất theo cánh đồng mẫu,… đến đăng ký chứng nhận chỉ dẫn địa lý cho từng sản phẩm. Nhưng điều quan trọng nhất là phát triển công nghiệp chế biến theo gu ẩm thực của người tiêu dùng từng khu vực của từng quốc gia, đăng ký và quảng bá thương hiệu của từng sản phẩm. Có thể lấy một ví dụ về sản phẩm càphê. Hiện chúng ta chủ yếu xuất càphê thô. Việc tẩm ướp theo gu các khu vực, các quốc gia do nhà nhập khẩu làm và xuất bán ra thị trường tiêu dùng dưới tên họ nên người tiêu dùng chỉ biết tên nhà xuất khẩu. Còn càphê chế biến của ta không hợp với gu với số đông người tiêu dùng châu Âu, Hoa Kỳ. Bởi thế nên một đại gia càphê Việt cho rằng, Starbucks không phải là càphê trong khi thương hiệu càphê Starbucks đã có mặt ở 49 quốc gia.

Cũng có ý kiến cho rằng, chúng ta “quên” mất việc xây dựng và quảng bá thương hiệu. Nhưng cũng có ý kiến cho rằng, do chúng ta mới tiếp cận nền kinh tế thị trường nên kiến thức về thị trường, về thương hiệu, về marketing,… còn thiếu và yếu. Việc tiếp cận nó phải ở tất cả các cấp độ, từ người sản xuất, doanh nghiệp đến Nhà nước và phải tiếp cận trên tư duy “khách hàng là thượng đế”…

Hy vọng trong tương lai không xa, thương hiệu của nông sản Việt được người tiêu dùng nhiều quốc gia săn tìm.

Hiền Anh
Nguồn: KTNT
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

ĐBSCL: Mua tạm trữ 760.000 tấn gạo