Trộm cắp hoành hành nông thôn: Trộm cắp vây bủa xứ hoa
10:02 - 18/08/2015
Trộm lớn, trộm nhỏ, từ trộm hoa đến trộm nông sản, tài sản... khiến nông dân bất an và bị thiệt hại nặng nề, an ninh vùng quê bị đe dọa. Để tìm hiểu về thực trạng nhức nhối này, PV NNVN đã có chuyến đi thực tế đến nhiều vùng sản xuất nông nghiệp tại Tây Nguyên và Đông Nam bộ.
Kẻ trộm cắt lưới B40 để đột nhập vào trộm nông sản

Những chiếc bóng điện, những bét phun nước, máy bơm, những vườn hoa sắp cho thu hoạch… bỗng dưng biến mất chỉ trong một đêm. Trộm cắp đang diễn ra liên tục, trở thành nỗi lo lắng thường trực, đặc biệt tại các vườn sản xuất công nghệ cao có nhiều thiết bị hiện đại, trị giá lớn…

Sơ hở là… biến mất!

Thái Phiên là làng nghề trồng hoa nổi tiếng của thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng với rất nhiều vườn hoa được trồng theo quy trình công nghệ cao. Mỗi vườn được đầu tư trang thiết bị hiện đại như hệ thống phun nước, hệ thống ánh sáng… với số tiền rất lớn, từ vài trăm triệu cho đến vài tỷ đồng. Cũng chính vì thế, cùng với hoa và nông sản thương phẩm, nạn trộm cắp nông cụ, phụ kiện phục vụ cho công việc sản xuất nông nghiệp cũng diễn ra thường xuyên ở đây.

Chị Nguyễn Thị Hòa, chủ hiệu hoa Kim Cương ở Thái Phiên cho biết: Gia đình chị trồng gần 2 ha hoa cúc. Số vốn đầu tư mua sắm trang thiết bị chiếu sáng, tưới tiêu, thiết bị hỗ trợ lên đến vài trăm triệu đồng. Hầu như năm nào nhà chị cũng xảy ra tình trạng mất cắp.

“Năm nay tôi đã mất đến ba chiếc máy bơm trong vòng một đêm, giá trị trên 15 triệu đồng. Còn bóng đèn điện, dây điện thì là chuyện cơm bữa rồi. Đến những cái bét tưới giá chưa đến mười ngàn mà chúng còn lấy nữa là…! Riêng hệ thống bóng đèn, dây điện ở đây thường xuyên biến mất nên phải thay, sửa liên tục.

Mất bóng mua lại đã đành, còn tốn thêm khoản thuê người sửa. Nhiều khi đến thời kì phun thuốc cho hoa nhưng phải gác lại để chờ lắp mới những thứ bị lấy đi. Đó là chưa nói đến việc nhiều cành hoa bị gãy đổ khi kẻ cắp vào lấy đồ đạc trong vườn”– chị Hòa ngao ngán kể.

Còn với cơ sở sản xuất hoa cúc giống của ông Nguyễn Đình Phất, chuyện mất cắp cũng xảy ra thường xuyên như cơm bữa. Ông Phất cho biết, tùy vào thời điểm mà vườn nhà ông mất cắp từng loại. Thường thì những cây giống ươm cho vụ tết bị mất nhiều nhất. Cứ đến những ngày này, cơ sở của ông phải cử người canh giữ, nhưng chỉ cần sơ sểnh một chút là lô ươm cây giống lập tức bị trộm lấy đi mất.

“Hàng rào B40 kiên cố là vậy nhưng cũng bị bọn chúng cắt để chui vào lấy trộm. Bó tay với nạn trộm cắp nông nghiệp này rồi”, ông Phất thở dài.

Cách đó không xa, chị Lê Thị Phụng, một nông dân sản xuất hoa ở Thái Thịnh, Thái Phiên, bức xúc kể: Không những bọn trộm lẻn vào ăn trộm ban đêm mà ngay cả những bó hoa đã được chủ vựa đóng thùng, tập kết chờ vận chuyển xuống TP.HCM tiêu thụ cũng bị chúng táo tợn khiêng đi mất.

11-56-39_bi-1-hinh1
Một đối tượng trộm hoa lily ở làng hoa Vạn Thành bị công phường 5, TP Đà Lạt bắt tại chỗ (Ảnh công an phường 5 cung cấp)

Đơn cử, cách đây hơn một tháng, 3 thùng xốp đựng hoa, mỗi thùng hơn 1.000 bông hoa hồng của nhà chị bị kẻ gian dùng xe máy, ngang nhiên chở đi giữa ban ngày. “Cứ tưởng đã nắm chắc đồng tiền trong tay nhưng đến phút chót thì bị kẻ gian hớt mất”, chị Phụng ấm ức.

Trung tá Lê Văn Thuật, Trưởng Công an phường 12, TP Đà Lạt:

Để hạn chế thấp nhất nạn trộm cắp trong lĩnh vực nông nghiệp xảy ra, ngoài việc kiểm soát an ninh của lực lượng công an thì mỗi người dân, mỗi gia đình cần có biện pháp tự bảo vệ tài sản của mình. Các gia đình có vườn gần nhau nên liên kết lại, luân phiên thay đổi hỗ trợ sản xuất, canh gác nhằm hỗ trợ bảo vệ tài sản lẫn nhau.

Vụ ăn cắp lớn nhất từ đầu năm 2015 đến giờ trên địa bàn TP Đà Lạt xảy ra với công ty trà Ngọc Duy (phường 12, TP Đà Lạt) khi 3.000 cây atisô giống bị khoắng sạch trong vòng một đêm. Mặc dù, người chăm sóc khu vườn, anh Nguyễn Văn Dự đã làm việc tại đây đến tận tối của ngày hôm trước nhưng kẻ trộm vẫn thực hiện thành công “phi vụ” táo tợn này.

Tương tự, mới đây nhất, ngày 4/8, khoảng 600 cành hoa lily của gia đình ông Nguyễn Hoàng Vỹ (số 81A1 Vạn Thành, P5, Đà Lạt) bị cắt trộm sạch. Trước đó, ngày 2/8, gia đình anh Nguyễn Quang Tuất (số 70 Vạn Thành, P5, Đà Lạt) cũng bị mất trộm 600 cành lily mà không tìm ra thủ phạm.

Xử lý không dễ

Chị Trần Thị Mỹ, một hộ nông dân sản xuất hoa chia sẻ: “Hai năm trước, chồng tôi đau nằm viện, để sản xuất được thuận tiện, tôi bỏ ra 10 triệu đồng sắm chiếc máy bơm loại tốt chăm sóc cho khu vườn. Nhưng xài chưa đến nửa tháng thì bị trộm lấy mất. Đến giờ, tôi vẫn không dám mua lại. Mất nữa thì xót của lắm”.

Việc mất cắp nông sản, nông cụ của bà con nông dân xảy ra liên tục, nhưng số vụ được báo cáo lên công an phường, thành phố thì khá ít.

Theo thống kê 6 tháng đầu năm 2015 của Công an thành phố Đà Lạt, trên địa bàn thành phố diễn ra 28 vụ mất cắp nói chung, còn mất cắp trong nông nghiệp chỉ là 3 vụ. Còn số liệu thống kê 6 tháng đầu năm của Công an phường 12, vùng sản xuất nông nghiệp trọng điểm của thành phố cho thấy, chỉ có 2 vụ trộm vật tư sản xuất xảy ra. Số lượng vụ trộm này quá ít so với thực tế những gì đang diễn ra hàng ngày của bà con.

11-56-39_bi-1-hinh2
Cơ quan công an xác minh, điều tra làm rõ vụ mất 3.000 cây atisô của công ty trà Ngọc Duy

Lý giải điều này, trung tá Lê Văn Thuật, Trưởng công an phường 12 cho biết: “Chúng tôi biết việc trộm cắp xảy ra thường xuyên đối với bà con nhưng những vụ được báo cáo, làm rõ thì rất ít. Có lúc 5 - 6 ngày bà con vào lại vườn lúc đó mới phát hiện ra việc mất cắp.

Như thế, báo lên chính quyền để làm rõ, điều tra ra hung thủ bồi thường thiệt hại rất khó khăn. Cũng có khi giá trị tài sản mất cắp không nhiều nên bà con im lặng cho qua”.

Ông Hồ Ngọc Dinh, Chủ tịch Hội Nông dân phường 12 chia sẻ: “Những vụ ăn cắp vật liệu sản xuất thường có giá trị không cao, nhưng vẫn ảnh hưởng rất lớn đến việc sản xuất của bà con.

Nhiều hộ nông dân mang tâm lý hoang mang, thay vì chờ đến thời điểm chính vụ mới thu hoạch nông sản thì họ chủ động thu hoạch sớm, thậm chí sớm đến vài tuần. Điều này đã khiến cho sản lượng, chất lượng nhiều loại nông sản không đảm bảo, giá bán ra thị trường vì thế cũng thấp đi nhiều”.

THANH SA
Nguồn: NNVN
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

ĐBSCL: Mua tạm trữ 760.000 tấn gạo