Bón phân cân đối, hợp lý; dùng trụ sống thay cho trụ bê-tông hay gạch; sử dụng chế phẩm sinh học hay không áp dụng biện pháp làm sạch cỏ là những biện pháp làm hạn chế bệnh chết nhanh chết chậm trên cây tiêu.
|
Áp dụng quy trình sản xuất bền vững là giải pháp khắc phục bệnh chết nhanh chết chậm trên cây tiêu |
Cây “hái ra vàng”
Từ quê hương Thái Bình vào lập nghiệp ở thị trấn Chư Sê (Chư Sê – Gia Lai) từ năm 1999, đến năm 2003, ông Đào Tiến Tình mạnh dạn trồng mới 700 trụ tiêu và không ngừng mở rộng diện tích nhờ tiêu luôn được giá, cho lợi nhuận cao. Đến nay, gia đình ông có 25ha tiêu, trong đó có 10ha tiêu kinh doanh và 15ha đang trong giai đoạn kiến thiết cơ bản. Riêng năm 2015, dù tình hình thời tiết không thuận lợi nhưng ông vẫn thu được 40 tấn tiêu, đạt lợi nhuận 7 tỷ đồng, tạo việc làm cho 60 lao động địa phương.
Theo ông Tình, sản xuất hồ tiêu theo hướng sinh học, hữu cơ bền vững là xu hướng tất yếu và là giải pháp để nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm. Muốn vậy nên hạn chế sử dụng thuốc bảo vệ thực vật (BVTV), phân bón hóa học, tăng cường sử dụng phân hữu cơ vi sinh, phân chuồng hoai mục, có trồng cây che bóng, chắn gió để tạo vùng tiểu khí hậu tương đối phù hợp với đặc điểm sinh lý, sinh thái của cây tiêu.
Chia sẻ về kinh nghiệm trồng tiêu của mình, ông Nguyễn Đăng Sơn ở phường Tây Sơn (TP.Pleiku - Gia Lai) cho biết: Gốc hồ tiêu được vun cao, không làm cỏ nhưng nên cắt cỏ để có lớp thảm thực vật nhằm chống xói mòn vào mùa mưa và giữ ẩm vào mùa khô. Kết hợp các phân bón kèm theo sử dụng thuốc BVTV hợp lý kết hợp điều chỉnh lượng nước tưới để giúp cây tiêu phát triển bền vững. Cụ thể như sau: Trộn 2kg phân vi sinh hữu cơ hàm lượng đạm thấp với 1kg phân lân Văn Điển bón gốc cho 1 trụ tiêu, bón 1 lần vào đầu mùa mưa và 1 lần cuối mùa mưa cho toàn vườn; sử dụng sản phẩm RIC 10WP có tác dụng tốt trong việc hạn chế sự rụng trái, cây ra hoa, trái đều, tập trung và sau đó liên tục sử dụng thuốc trong khi chăm sóc vườn hồ tiêu sau này; bón thuốc RIC 10WP 1 lần vào mùa mưa và 1 lần vào mùa khô, liều lượng 10g/trụ, bón cách gốc 30cm. Sau khi bón, tiến hành tưới gốc. Kết hợp bón gốc phân NPK 16 -16 - 8 vào cuối mùa mưa với liều lượng 100g/trụ.
Để phòng trừ nấm và tuyến trùng, sử dụng Antil; sau 7 ngày dùng thuốc “Đại bàng lửa” để trừ rệp sáp. “Trong suốt 8 năm sử dụng thuốc điều hòa sinh trưởng RIC 10WP, tôi nhận thấy hồ tiêu trong vườn ít bị bệnh chết nhanh, chết chậm, vàng lá, đồng thời cây ra hoa đồng loạt và đặc biệt là chùm trái không bị rụng, luôn khỏe mạnh. Hầu như trong suốt quá trình phòng ngừa nấm bệnh, tôi thấy nấm bệnh rất ít khi xuất hiện trong vườn. Các bệnh giảm hẳn trong vườn, tỷ lệ chết cây con 1 - 2%. Với cách chăm sóc, bón phân như trên, năng suất hồ tiêu đạt trên 7 tấn/ha”, ông Sơn nói.
Quy trình canh tác an toàn
TS.Đỗ Trung Bình, Trưởng phòng Nghiên cứu khoa học đất (Viện Khoa học Kỹ thuật Nông nghiệp miền Nam), đánh giá, thực tế, diện tích, năng suất và sản lượng tiêu hiện nay tăng không tương xứng với tăng diện tích canh tác do tiêu chết, năng suất tiêu giảm dần. Nguyên nhân chính là do phần lớn nông dân canh tác cây tiêu theo kinh nghiệm, thâm canh tiêu chưa hợp lý, quá lạm dụng phân hóa học dẫn đến sâu bệnh hoành hành mà đến nay bệnh chết nhanh, chết chậm vẫn là bài toán khó giải.
Để giúp nông dân canh tác bền vững, từ cuối năm 2001, Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp miền Nam chủ trì và phối hợp với các cơ quan nghiên cứu, trường đại học thực hiện các nghiên cứu ứng dụng khoa học cụ thể trong trồng tiêu, nhiều sáng kiến đã và đang được áp dụng rộng rãi trong sản xuất.
Đơn cử như giải pháp trồng tiêu trên cây trụ sống giúp giữ cân bằng sinh thái trong vườn tiêu, giảm tỷ lệ tiêu chết do dịch bệnh, giảm chi phí đầu tư 40-50% khi trồng mới vườn tiêu so với trụ gỗ, trụ bê-tông hoặc bồn gạch xây, nhất là giảm nạn phá rừng để lấy trụ gỗ trồng tiêu. Cây trụ sống thích hợp cho vùng Đông Nam Bộ, Tây Nguyên và Phú Quốc (Kiên Giang) bao gồm cây bình linh, đỗ quyên, lồng mức, muồng cườm…
Tiêu trồng bằng hom thân cần cắt ba lần cách ngọn khoảng 20-30cm, lần đầu 5-6 tháng sau khi trồng, lần hai khi tiêu được 13-14 tháng và lần ba khi tiêu được 21-22 tháng. Việc tạo tán giúp cây tiêu cho nhiều dây thân (6-10 dây/trụ), tiêu phủ đều trụ và cho nhiều cành ác, tăng năng suất ngay những vụ đầu.
Thường xuyên tỉa cành treo và cành lươn giúp cây tiêu có đủ dinh dưỡng để nuôi quả. Sau mỗi vụ thu hoạch cắt bỏ các cành tiêu có biểu hiện sâu bệnh, cành già cỗi, cành có lá chạm mặt đất giúp cây tiêu sinh trưởng khoẻ hơn và ít nhiễm nấm bệnh phát sinh từ đất. Tuỳ theo mức sinh trưởng của cây trụ sống, việc cắt tỉa cành cây trụ sống 3-4 lần trong mùa mưa giúp vườn tiêu thông thoáng, giảm thiệt hại do sâu bệnh, tăng ánh sáng cho cây tiêu quang hợp, từ đó tăng năng suất vườn tiêu.
Bón phân cho hồ tiêu là một giải pháp quan trọng để giúp tiêu phát triển tốt, đảm bảo năng suất. Đối với phân vô cơ, lượng phân bón thời kỳ kinh doanh dành cho cây tiêu trên đất xám và đất đỏ là 300kg NPK/ha. Năm thứ 2-3, bón ba lần: Lần 1 bón 1/3 đạm + 1/3 kali và tất cả lượng phân lân, bón vào đầu mùa mưa; lần 2 bón 1/3 đạm + 1/3 kali, bón vào giữa mùa mưa; lần 3 bón lượng phân còn lại, bón vào cuối mùa mưa.
Từ năm thứ tư trở đi, bón bốn lần: Lần 1 bón 30% đạm + 20% kali và tất cả lượng phân lân kết hợp với phân hữu cơ, bón sau khi kết thúc thu hoạch khoảng 15-20 ngày; lần 2 bón 30% đạm + 30% kali, bón vào đầu mùa mưa; lần 3 bón 25% đạm + 30% kali, bón vào giữa mùa mưa; lần 4 bón 15% đạm + 20% kali còn lại vào cuối mùa mưa. Cách bón: đào rãnh quanh mép tán, sâu 7-10cm, rải phân và lấp đất.
Ngoài ra, bà con có thể sử dụng phân bón lá (phun lên lá 4 lần/năm, định kỳ 03 tháng/lần). Trong giai đoạn kiến thiết cơ bản (năm thứ 2 và 3), sử dụng một số phân bón lá có hàm lượng đạm cao như công thức 30-10-10+TE (giúp cây ra cành và ra lá mạnh) với chu kỳ phun định kỳ 3 tháng/lần. Trong giai đoạn kinh doanh (năm thứ 4 trở đi), sử dụng một số loại phân bón lá phù hợp với từng giai đoạn sinh trưởng phát triển của cây tiêu: sau thu hoạch phun 01 lần 30-10-10 + TE giúp phát triển cành lá và phun từ 2-3 lần vào giai đoạn ra hoa, tăng kích thước và độ đồng đều của hạt.
Hàng năm cần bón thêm từ 500-1000kg vôi bột hoặc Dolomite để ổn định pH đất, cung cấp thêm trung lượng Ca, Mg và hỗ trợ nâng cao hiệu suất sử dụng phân bón. Bón 01 lần/năm, bón trước khi trồng hoặc sau thu hoạch vụ trước; bón trước khi bón phân hữu cơ và phân khoáng từ 5-7 ngày.
Các chế phẩm Trichoderma sp. và Bacillus sp. có hiệu lực tốt góp phần hạn chế sự phát triển của nấm bệnh hại trên cây tiêu dẫn đến giảm tỷ lệ bệnh xuất hiện. Mức bón 80kg/ha/năm (tương đương 40g/trụ/năm hoặc có thể sử dụng các loại phân hữu cơ vi sinh có chứa nấm Trichoderma sp. và vi khuẩn Bacillus sp.) Có thể phối trộn với phân hữu cơ để bón hoặc bón riêng vào đầu mùa mưa. Không bón cùng với phân khoáng.
Cần khuyến cáo mở rộng đầu tư áp dụng biện pháp tưới nhỏ giọt hoặc tưới phun mưa dưới tán sẽ giảm được 30-40% lượng nước tưới, 20-30% công bơm tưới và 15-20% năng lượng dùng cho bơm tưới so với kỹ thuật tưới bồn truyền thống của nông dân trồng tiêu vùng Đông Nam Bộ và Tây Nguyên.
Làm cỏ quanh gốc tiêu ba lần: sau khi vào mùa mưa một tháng, giữa mùa mưa và một tháng trước cuối mùa mưa; chỉ làm sạch cỏ trong vòng bán kính 30-50cm quanh gốc tiêu tùy theo tuổi của vườn tiêu, không làm sạch cỏ giữa các trụ tiêu nhằm hạn chế nước chảy tràn trong mùa mưa phát tán nấm bệnh gây hại. Việc trồng cây che phủ đất như cây lạc dại, cỏ stylo, ngoài tác dụng như không làm sạch cỏ còn tổng hợp một lượng đạm đáng kể cho đất hoặc có thể cắt định kỳ cỏ stylo làm thức ăn cho trâu, bò. Vào mùa khô, dùng rơm rạ hoặc cỏ khô tủ quanh gốc tiêu giúp giữ ẩm, giãn chu kỳ và giảm lượng nước tưới.
Quy trình phòng trừ bệnh chết nhanh, chết chậm trên cây tiêu bằng biện pháp thiết kế mương/rãnh thoát nước cho vườn tiêu, xử lý đất trong hố trước khi trồng, dọn sạch thân lá cây bị bệnh đem chôn hoặc đốt, tăng cường phân hữu cơ có trộn nấm đối kháng Trichoderma harzianum, bón phân vô cơ với tỉ lệ N-P-K hợp lý cho từng giai đoạn sinh trưởng và phát triển của cây tiêu, tưới gốc/phun trên thân lá các hoá chất BVTV gốc đồng và gốc phosphonate vào đầu và giữa mùa mưa, giúp hạn chế mức độ thiệt hại do bệnh.
Khử trùng dụng cụ cắt hom tiêu và tạo tán, tỉa cành cây tiêu bằng các dung dịch sát khuẩn như Cloramine nhằm hạn chế sự lây lan của bệnh virus từng bước được nông dân chấp nhận và đưa vào thực hiện.
Kỹ thuật không làm sạch cỏ trong lô hoặc trồng cây che phủ đất giữa các trụ tiêu cần được phổ biến rộng rãi và cần thực hiện nhiều mô hình, tổ chức nhiều hội thảo đầu bờ và tham quan để thuyết phục người nông dân bỏ dần tập quán làm sạch cỏ trong vườn tiêu.
Cũng theo ông Bình, cần nghiên cứu áp dụng và mở rộng quy chuẩn GAP cho cây hồ tiêu. Trước mắt tổ chức xây dựng quy chuẩn VietGAP cho cây tiêu, xây dựng chương trình nghiên cứu, trình diễn và tập huấn để sản phẩm hồ tiêu đáp ứng được tiêu chuẩn của các nước nhập khẩu, từ đó tạo uy tín, thương hiệu của hồ tiêu Việt Nam.