Xuất khẩu gạo khởi sắc nhờ giá... rẻ nhất thế giới ?
22:22 - 28/07/2015
Cho đến thời điểm này, gạo xuất khẩu của Việt Nam đang ở mức giá thấp nhất thế giới với giá chào bán loại gạo 5% tấm khoảng 350 USD/tấn. Thậm chí có doanh nghiệp phá giá, bán gạo 5% tấm chỉ 340USD/tấn trong khi gạo Ấn Độ, Pakistan thấp nhất cũng từ 370 – 380 USD/tấn trở lên.
 

Bỏ thầu giá thấp… để giành thị trường

Còn nhớ, trong phiên mở thầu cung cấp 100.000 tấn gạo loại 25% tấm ngày 16.6 cho Philippines, mặc dù Việt Nam là nước bỏ thầu thấp nhất trong số 3 nước tham gia dự thầu nhưng vẫn... trượt thầu. Cụ thể, trong phiên mở thầu đó, mức giá được doanh nghiệp đại diện Việt Nam bỏ thầu là 417 USD/tấn, còn Thái Lan và Campuchia lần lượt đưa ra mức giá 418 và 464 USD/tấn. Tuy nhiên, cả 3 mức giá này đều cao hơn khá nhiều so với mức dự kiến của Philippines.

Được biết, từ đầu năm đến nay, Philippines đã nhập khẩu tổng cộng 650.000 tấn gạo theo thỏa thuận liên Chính phủ (G2G) để ổn định giá trong nước và gia tăng nguồn dự trữ quốc gia, trong đó nhập khẩu từ Việt Nam là 450.000 tấn - đây là số lượng thấp hơn nhiều so với những năm trước đây.

Ảnh hưởng của thị trường Philippines đã khiến tình hình xuất khẩu gạo trong nửa đầu năm nay của nước ta suy giảm nghiêm trọng. Theo thông tin từ Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), hoạt động xuất khẩu gạo 6 tháng đầu năm 2015 đạt con số thấp nhất kể từ 2009 đến nay. Theo đó, lũy kế từ đầu năm đến cuối tháng 6, Việt Nam xuất khẩu được số lượng hơn 2,7 triệu tấn gạo các loại, trị giá FOB hơn 1,13 tỷ USD, giảm 12,7% so với cùng kỳ năm trước.

VFA đánh giá, xuất khẩu gạo 6 tháng đầu năm thấp do số lượng xuất khẩu trong quý I đạt thấp, thiếu hợp đồng gối đầu từ năm 2014, ngoài ra việc ký hợp đồng mới cũng rất hạn chế khi nhu cầu thị trường châu Á giảm mạnh. Hơn nữa, sang quý II, xuất khẩu dù có tăng nhẹ nhưng không đủ bù vào phần giảm sút trong quý I. Không chỉ giảm sút về số lượng, giá xuất khẩu gạo 6 tháng đầu năm cũng đã giảm khá sâu khi giá bình quân xuất khẩu chỉ đạt 417,19 USD/tấn, giao hàng tại mạn tàu, cảng xuất khẩu, bình quân giảm 14,9USD/tấn so với cùng kỳ 2014.

Cụ thể, từ tháng 1 đến giữa tháng 2, giá gạo loại 5% tấm giao dịch trên thị trường giảm dần từ 390 USD/tấn xuống còn 355 USD/tấn. Đến cuối tháng 2, giá gạo xuất khẩu tăng trở lại và giữ ở mức khoảng 375 USD/tấn do tác động đấu thầu mua gạo của Philippines và triển khai mua tạm trữ lúa gạo vụ đông xuân. Từ tháng 3 đến nay, giá gạo liên tục giảm và hiện chỉ còn dao động quanh mức 350 - 355 USD/tấn đối với gạo loại 5% tấm.

Ông Lâm Anh Tuấn– Giám đốc Công ty Lương thực Thịnh Phát (Bến Tre) nhận định, giá gạo Việt Nam thấp do xã hội kỳ vọng quá cao vào việc tạm trữ trong vụ đông xuân vừa qua. Do đó, khi có thông tin tạm trữ là ngay lập tức, thị trường nội địa tự đẩy giá lên. Trong khi đó, doanh nghiệp vẫn phải giao dịch xuất khẩu theo giá đã ký trước đó nên sau khi chương trình tạm trữ chấm dứt, giá gạo tự động tụt xuống.

“Không chỉ vậy, khách hàng nhập khẩu gạo của Việt Nam là các tập đoàn thương mại và chính phủ các nước, nhưng chính phủ các nước như Malaysia, Indonesia, Philippines... thời gian gần đây cũng đã chuyển từ cơ chế đàm phán sang cơ chế đấu thầu. Nghĩa là, họ cũng muốn mua được gạo với giá rẻ nhất cho dân họ, doanh nghiệp buộc phải hạ giá bán” - ông Tuấn giải thích thêm.

Sẽ khởi sắc nhờ… giá rẻ?

Rớt xuống đáy về mặt thành tích trong thời gian qua, tuy nhiên vẫn có một số tín hiệu khả quan dự báo việc xuất khẩu gạo sẽ khởi sắc trong 2 quý cuối năm 2015.

Theo dự báo của Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) và Tổ chức Nông lương thế giới (FAO), qua tháng 7, nguồn cung cấp mới mặt hàng gạo ở hầu hết các nước châu Á sẽ bị hạn chế do qua vụ thu hoạch. Đối với các nước xuất khẩu, Thái Lan đã kết thúc thu hoạch vụ 2 với sản lượng đạt thấp, thiếu nguồn cung cấp mới, trong khi khô hạn, thiếu nước làm trì hoãn thời vụ gieo sạ và thu hoạch vụ chính, khiến sản lượng gạo nước này dự kiến giảm đến 2 triệu tấn.

Cũng theo tổ chức này, hiện chỉ có Việt Nam đang vào thu hoạch mới vụ hè thu, nguồn cung cấp dồi dào, mặc dù chất lượng gạo thấp. Việt Nam cũng có cơ hội để tăng xuất khẩu khi đang giữ mức giá rẻ nhất trong các nguồn cung cấp hiện nay, có thể cạnh tranh với cả gạo cũ của Thái Lan tại châu Phi.

Đối với các nước nhập khẩu, Philippines bắt đầu 3 tháng không có thu hoạch, thiếu nguồn cung cấp nên phải tăng cường dự trữ lương thực trong thời gian này. Mới đây, Philippines thông báo chương trình nhập khẩu gạo tư nhân MAV theo cam kết WTO cho năm 2015 với số lượng 805.200 tấn, trong đó hạn ngạch gạo nhập khẩu từ Việt Nam là 293.100 tấn. Ngoài ra Philippines cũng đang chuẩn bị mua tiếp 250.000 tấn gạo theo chương trình chính phủ, song đây vẫn là mức thấp hơn nhiều so với số lượng nhập khẩu hàng triệu tấn gạo như các năm trước đây.

Tổng Thư ký VFA Huỳnh Minh Huệ cho biết, dù gặp nhiều khó khăn, cản trở, Trung Quốc hiện vẫn là thị trường nhập khẩu gạo chính ngạch lớn nhất của Việt Nam trong 6 tháng đầu năm với khoảng 37% thị phần, ước khoảng 1 triệu tấn, góp phần tích cực vào việc giữ ổn định giá lúa trong nước.

Còn ông Lâm Anh Tuấn thì đánh giá, thời gian tới, Trung Quốc chắc chắn sẽ tìm đến gạo Việt Nam do đang có nhu cầu nhập khẩu, trong khi gạo Việt Nam đang có giá tốt. “Chỉ có điều, Trung Quốc thay đổi chính sách nhập khẩu, trì hoãn, gây khó khăn cho các hoạt động giao dịch khiến doanh nghiệp trong nước lo lắng” - ông Tuấn nhấn mạnh.

Theo cân đối cung cầu 6 tháng cuối năm, VFA dự báo Việt Nam còn khoảng 5,3 triệu tấn gạo hàng hóa phải tiêu thụ, kế hoạch xuất khẩu 6 tháng cuối năm ở mức 3,2 triệu tấn. Như vậy, tổng cộng năm 2015, cả năm 2015,   cả nước sẽ xuất khẩu xấp xỉ 6 triệu tấn gạo các loại. 
 
Nguồn: Dân Việt
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

ĐBSCL: Mua tạm trữ 760.000 tấn gạo