Phí, lệ phí thú y: 'Trảm' phí kiểm dịch càng sớm càng tốt
10:41 - 15/07/2015
Kiểm dịch của ngành thú y là biện pháp rất quan trọng để kiểm soát dịch bệnh, song vấn đề là hình thức kiểm dịch hiện nay không ổn chút nào.
Ảnh minh họa

Trong khi ngành thú y cho rằng nhất thiết phải thu phí kiểm dịch thì ông Trần Duy Khanh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm VN phản bác: Việc kiểm dịch theo kiểu cấp giấy thu tiền về bản chất không giải quyết được gì trong kiểm soát dịch bệnh. Dĩ nhiên, phí kiểm dịch là khoản phải “trảm” càng sớm càng tốt.

Kiểm dịch của ngành thú y là biện pháp rất quan trọng để kiểm soát dịch bệnh, song vấn đề là hình thức kiểm dịch hiện nay không ổn chút nào.

Bởi nếu nói đúng bản chất thì đây là hình thức ngồi cấp giấy để thu phí và lệ phí chứ hoàn toàn không có tác dụng gì để kiểm soát dịch bệnh.

Hiện nay, hình thức kiểm dịch là trước khi xuất chuồng, DN, cơ sở chăn nuôi thông báo cho cơ quan thú y xuống nơi kiểm tra.

 Nói là kiểm tra nhưng cùng lắm cán bộ thú y chỉ đánh xe tới đó ngó nghiêng cho có lệ xem có con nào có dấu hiệu bệnh tật gì hay không, rồi đếm số lượng đầu con, biên phiếu thu tiền kiểm dịch.

 Nói thật, kiểm dịch như thế chẳng có ý nghĩa gì cả. Bởi anh cán bộ kiểm dịch nghe chủ cơ sở chăn nuôi nói gì thì nghe thế ấy, chứ làm gì biết là lô gia súc, gia cầm ấy đã được tiêm phòng hay chưa, có đang mang mầm bệnh gì hay không, vì anh có nắm được chứng cứ về việc ông chủ trang trại ấy tiêm phòng trước đây đâu?

Muốn kiểm soát được dịch bệnh, kiểm dịch phải là kiểm dịch tận gốc. Nghĩa là cơ quan thú y chỉ cần giám sát thôi, chứ việc triển khai phòng chống dịch bệnh là việc bắt buộc người chăn nuôi phải làm, điều này cũng đã được quy định trong Pháp lệnh Thú y trước đây và nay đã xây dựng thành luật.

Nghĩa là việc tiêm phòng ra sao, tiêu độc khử trùng thế nào là việc của anh trang trại.

Đến kỳ tiêm phòng, người chăn nuôi có trách nhiệm thông báo cho cơ quan thú y biết, cán bộ thú y chỉ cần đánh xe tới kiểm tra giám sát xem ông trang trại ấy có tiêm thật hay không, có tiêm đúng quy trình hay không.

Đến kỳ tiêu độc khử trùng, chỉ cần một ông cán bộ thú y tới giám sát xem cơ sở chăn nuôi ấy có phun thuốc thật không, phun loại thuốc gì, có đạt tiêu chuẩn hay không… Sau đó, cán bộ thú y chỉ việc ghi vào nhật ký giám sát cơ sở chăn nuôi ấy.

"Anh đi kiểm dịch gà giống ở sân bay, chỉ ngồi xe của DN rước lên nhìn ngó, đếm số lượng rồi thu phí kiểm dịch. Nếu là kiểm dịch để ngăn chặn dịch bệnh thật sự thì tại sao anh không bắt lô hàng ấy phải đưa về khu cách li để theo dõi, kiểm tra, bao giờ đạt yêu cầu thì mới cho thông quan?" - (Ông Trần Duy Khanh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm VN)

Đến kỳ xuất chuồng lô gia súc, gia cầm nào đó, cơ sở chăn nuôi có trách nhiệm thông báo cho cán bộ thú y xuống chứng kiến, xác nhận lại toàn bộ nhật kỳ giám sát, kiểm tra lâm sàng một lần nữa.

Nếu nhật ký giám sát đạt yêu cầu thì cấp giấy kiểm dịch cho họ vận chuyển đi, không đạt thì không cấp giấy, ông vận chuyển trên đường không có giấy thì bị bắt, vậy là xong!

Chăn nuôi bây giờ đa phần là trang trại lớn hết rồi, nói thật mấy việc phun khử trùng tiêu độc hay tiêm phòng, nhân viên kỹ thuật ở trang trại họ làm tốt hơn cán bộ thú y nhiều.

Tôi đã nghe nhiều DN chăn nuôi than phiền rằng, cán bộ thú y tới phun khử trùng tiêu độc xong, phun rất qua quýt rồi biên giấy thu phí. Thế nhưng cán bộ y vừa rút đi thì DN ấy lại phải phun lại như thường, bởi họ chẳng thể yên tâm!

Chủ trương kiểm dịch tận gốc trong ngành thú y đã thực hiện từ thập niên 80, và đã thành công. Lúc ấy, ngành thú y làm gì có nhiều biên chế, nhiều cán bộ đông như bây giờ?

Ngành thú y hiện nay kêu thiếu cán bộ, kêu phải thu phí, lệ phí để trang trải cho hệ thống. Sở dĩ như vậy bởi cán bộ thú y ôm nhiều việc quá, nào tiêm phòng, nào phun khử trùng tiêu độc, nào chốt kiểm dịch, nào kiểm tra thực phẩm ngoài chợ…

Anh là cơ quan chức năng nhà nước thì đã có cây gập pháp luật, chỉ lấy cái gậy ấy ra để mà giám sát người chăn nuôi, giám sát DN thực hiện pháp luật thôi, chứ ai bắt anh phải tuyển người đi tiêm phòng, đi phun thuốc, đi kiểm tra thịt…?

Như thế mấy trăm nghìn cán bộ thú y cũng chẳng thể nào làm hết việc.

LÊ BỀN (GHI)
Nguồn: NNVN
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

ĐBSCL: Mua tạm trữ 760.000 tấn gạo