Lộn xộn quy hoạch nông thôn: Suy nghĩ từ một lá đơn lạ
10:29 - 14/07/2015
Nhà cửa bây giờ vô cùng nhức mắt. Nhà ngói trộn nhà bê tông. Nhà tây tiến sát, bức hiếp nhà ta...
Ông Vinh bên nghĩa trang làng

Cắt trụi những hàng rào cây xanh, cạo trọc những rặng cổ thụ, san bằng những ao hồ, trùm bê tông lên những con đường lát gạch nghiêng, xé toang nét kiến trúc làng với lộn xộn mái bằng, mái ngói đủ loại Tây, Tàu, cao thấp. Quy hoạch làng quê giờ thua cả quy hoạch nghĩa địa…

Nhà cửa bây giờ vô cùng nhức mắt. Nhà ngói trộn nhà bê tông. Nhà tây tiến sát, bức hiếp nhà ta...

Lá đơn rất lạ

“Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Độc lập - Tự do - Hạnh phúc. Đơn xin xây mộ. Kính gửi chính quyền thôn Hoàng Xá, đồng kính gửi ông Trưởng thôn. Tôi là Cao Ngọc Sơn, cháu ruột ông Cao Ngọc Trạc. Nay ông Cao Ngọc Trạc đã chết, tôi làm đơn này đề nghị được địa phương cho phép xây vào chỗ đất tôi đã mua trước đây. Khi xây tôi xin chấp hành mọi quy định của địa phương…”.

Dưới lá đơn là bút phê của lãnh đạo thôn: “Kính chuyển ông Vinh. Nhất trí cho gia đình ông bà Cao Ngọc Trạc xây phần mộ gia đình đã mua, diện tích dài 1,4m, rộng 0,9m cao 1,2m”.

Ông Đặng Văn Vinh, quản trang thôn Hoàng Xá (Vân Đình, Ứng Hòa, Hà Nội) là “kiến trúc sư trưởng” của nghĩa trang làng đã 20 năm nay.

Ông bảo: “Từ ông to, bà lớn hay họ đông trong làng đi chăng nữa khi muốn xây mộ đều phải làm đơn, xây đúng quy định dài, rộng, cao, đúng hướng lối. Là người làng thì không phải đóng phí còn người nơi khác nhưng hộ khẩu vẫn thuộc làng thì phải nộp tiền. Chồng chết trước vợ muốn kèm theo sau này vẫn phải có đơn để xí phần được hợp pháp”.

Nghĩa trang làng ông ít nơi nào bì được không phải vì độ hoành tráng mà bởi nếp quy củ. Hàng hàng, lối lối, chiều dài, rộng, cao của mỗi ngôi mộ đều tăm tắp. Tất cả đều có đường đi, không phải trèo qua đầu người chết như ở nhiều nơi.

Trước đây, nghĩa trang làng như bị bỏ hoang, ai muốn xây mộ to hay nhỏ, cao hay thấp ở đâu tùy ý nên lô xô, lộn nhộn. Từ hồi nhận chức quản trang ông Vinh tư vấn cho chính quyền địa phương để thảo ra một quy định chung buộc tất cả mọi người phải theo.

Mộ cũ tất nhiên vẫn giữ nguyên nhưng mộ mới phải xây theo đúng hàng, đúng lối, đúng mật độ, đúng cách thức. Không phải có nhiều tiền mà được xây to, không phải có họ lớn trong làng mà được bề thế.

Cái khuôn phép lúc đầu khiến cho nhiều người nóng mắt sừng sộ với ông rằng: “Đất của nhà mày đâu mà mày giữ?”. Không chỉ to tiếng suông. Đám ruộng nhà quản trang bị người ta đêm hôm lén ra rắc đầy mảnh thủy tinh, đám nhãn ông mới trồng cũng bị nhổ bỏ tận gốc. Thế nhưng vẫn không thể lay chuyển được ý chí của ông. Thấy cứng rắn không xong, có kẻ lại xoay sang dùng biện pháp mềm, đến tận nhà lễ lạt.

Ở đâu quản trang hầu như đều có “màu mỡ”, lắm kẻ còn phất lên nhờ nghề kinh doanh địa ốc cho người cõi âm nhưng ông Vinh không thế. Làm được việc gì cho dân là ông dốc sức, dốc lòng. Mấy chục năm người cựu chiến binh già vẫn ở trong ngôi nhà cấp bốn lụp xụp, ngay cả 30.000đ/trợ cấp hàng tháng làm quản trang ông cũng khước từ.

Để đến hôm nay nghĩa trang làng đàng hoàng, sạch đẹp với nhà mồ, bia công đức, khu thắp hương, các dãy mộ đều được quy hoạch ngăn nắp. Rặng nhãn, rặng trứng cá ông trồng bên cạnh những cây xà cừ, bạch đàn cũ đã kết thành một rừng cây nho nhỏ ngoài an ủi cho người đã khuất còn che bóng mát cho nông dân hay đám học trò những buổi trưa hè.

Nhưng trong làng tình hình không được như thế. Dãy ao từ đình Tràng đến chùa Chè nay đã lấp gần hết. Hàng cây xanh bao quanh làng bị chặt hạ tự lúc nào. Nhà cửa xây loạn lên. Cái sau bao giờ cũng cố cao hơn cái trước. Kèn cựa nhau từng phân, từng li chứ không bao giờ chấp nhận bằng.

Nhà nhà đua ra đường, bươn ra ngõ. Những nếp nhà ba gian, năm gian đặc trưng đồng bằng Bắc bộ bị thay thế bằng mái bằng, chia lô, biệt thự chỉ còn sót lại nhà thờ họ Đỗ, họ Cao, họ Đặng Đình… là giữ được chút hồn cốt.

Đau lòng trước cảnh đó, ông Vinh từng kiến nghị với thôn, với hội nghị xã viên phải giữ lại bằng được ba hồ điều hòa là hồ Quán, hồ vườn Giấy và hồ cụ Tự Đức để vừa đẹp cảnh quan vừa ích cho việc thủy lợi nhưng người ta cũng lờ đi.

Làng của cụ Dương Khuê

Tôi về làng Vân Đình trong những ngày nóng nhất. Nóng từ trên trời trùm xuống. Nóng từ dưới mặt bê tông hắt lên. Cả hai cộng hưởng lại khiến không khí trên mặt đường làng rần rật như trong một đám cháy, bóp méo mọi hình ảnh xuyên qua.

13-54-18_dsc_0006
Cảnh kiến trúc lộn xộn ở làng Vân Đình

Anh Nguyễn Ngọc Anh ở xóm 8 đang nhăn nhó trong căn nhà mái bằng bức bối nóng. Tiếng là nhà quê mà chẳng có nổi một mét vườn. Sân bê tông. Ngõ bê tông. Bốn bức tường, mái nhà cũng bê tông nốt khiến người bên trong ngộp thở luôn miệng ngáp như cá tát ao. Cái nền nhà mới vẩy đẫm nước mà một chốc đã khô roong, không còn nằm bẹp được nữa. Một đống người phải sơ tán vào căn gác xép phía trong.

Ngôi nhà mái bằng của anh Lê Văn Giang ở xóm 1 nằm ngay áp đê làng. Thằng con anh từ hồi mắc bệnh, đầu óc chẳng được thật người cho lắm, cứ ngây ngây, dại dại. Đợt nóng nửa tháng liên tiếp 39-40 độ C vừa rồi, nó đau đầu như búa bổ.

Sợ con mình phát điên anh Giang đành bấm bụng bỏ ra 4,7 triệu (trong đó vay 3 triệu) mua cái điều hòa cũ về lắp. Thóc của mấy sào ruộng đang phơi ngoài kia cũng là để trả nợ cho cái điều hòa. Hạt thóc rẻ mạt, anh Giang muốn trả hết nợ cái điều hòa cũ chắc cũng phải mất mấy mùa mướt mồ hôi.

Làng Vân Đình có 4.650 khẩu, 14 xóm. 4 h chiều mà còn nắng gay, nắng gắt nên nhà nào nhà nấy trong làng vẫn buông rèm ngủ. Làm nghề buôn thúng, bán mẹt, dậy từ 2-3 h sáng nên từ lâu cả làng vẫn giữ nếp ngủ trưa muộn như thế. Nhưng hừng hực như trong chảo lửa thế này ai mà ngủ nổi?

Trước, trong làng hầu như nhà ai cũng có một mảnh vườn trồng chuối, trồng xoan nhưng giờ đã triệt hạ gần như mất dấu để xây nhà hay lát sân.

13-54-18_dsc_0007

Trước, mỗi buổi trưa hè người làng hay ra sông hóng mát hay tắm táp giờ dòng sông Đáy “sông trăng hay sông lụa” đang chết dần. Đầu tiên chết là tôm cá, trai ốc dưới nước rồi đến rặng tre trên bờ. Bí bách quá, mỗi buổi nực trời dân làng phải bươn ra đồng cho đỡ ngộp thở.

Có lẽ trong làng chỉ duy nhất nhà cụ Dương Khuê người nổi tiếng trong bài khóc của Nguyễn Khuyến “Bác Dương thôi đã thôi rồi” là còn giữ được nét nhà cửa, vườn tược xưa cũ. Nào có cao sang gì nhà một vị quan thượng thư nhà Nguyễn? Một nếp nhà chính xây bằng gạch đá ong, cửa bức bàn, mái lợp ngói, chim sẻ riu ríu dưới mấy vì kèo tre, gỗ. Một nếp nhà ngang xây bằng mảnh sành, mảnh nồi niêu giống như mọi nhà dân Vân Đình thủa ấy thường tận dụng phế phẩm làng nghề.

Hai ngôi nhà nhỏ nhắn đặt giữa một khu vườn rộng quanh năm trắng hoa sứ, đỏ hoa chuối trở thành duyên dáng lạ đến nỗi được cấp chứng chỉ di tích.

Vân Đình xưa nổi tiếng phú quý nhất vùng giờ thành tụt hậu, nghèo nàn. Cái nghèo âu cũng là một sự may khi 70-80% dân trong làng còn giữ được nếp nhà ngói cổ truyền so với làng Ngọ ngay sát bên - nơi xuất khẩu món cháo vịt khắp nước có đến 2/3 là nhà tầng, nhà gác.

Tuy nhiên, cảnh quan làng giờ đã thay đổi rất nhiều theo chiều hướng bê tông hóa và triệt hạ vườn tược, cây cối. Cả làng giờ duy nhất sót lại cây gạo lớn ngự ngoài quán.

13-54-18_dsc_0005
Ngôi nhà cụ Dương Khuê

Nhà cửa vô cùng nhức mắt. Nhà ngói trộn nhà bê tông. Nhà tây tiến sát, bức hiếp nhà ta. To nhất trong làng giờ là nhà của ông Dương Văn Ba sừng sừng như một cái biệt phủ với kiến trúc kiểu tây hóa. Gần đó, lớn không kém là ngôi nhà ba tầng của anh thợ mộc Dương Văn Việt với lối kiến trúc kiểu “bánh ga tô” tô điểm, trang trí, vẽ vời rất rườm rà.

DƯƠNG ĐÌNH TƯỜNG
Nguồn: NNVN
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

ĐBSCL: Mua tạm trữ 760.000 tấn gạo