Phí, lệ phí thú y: Bỏ hay giữ?
10:47 - 13/07/2015
Phí và lệ phí trong lĩnh vực thú y đang là vấn đề được dư luận hết sức quan tâm. 
Theo Bộ trưởng Cao Đức Phát, không thể có kiểu cán bộ thú y mở xe trứng ra, ngó ngó rồi thu tiền phí!

Nhiều quan điểm cho rằng nên bãi bỏ hết phí và lệ phí thú y bởi gây phiền hà, tốn kém cho người chăn nuôi, lại có ý kiến cho rằng không thể bỏ.

Vậy nên bỏ hay giữ? Nếu bỏ thì bỏ khoản nào, vì sao nên bỏ? Nếu giữ thì giữ khoản nào, vì sao phải giữ? Chúng tôi xin nêu một số ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học xung quanh vấn đề này.

Ông Đậu Ngọc Hào, Chủ tịch Hội Thú y Việt Nam: "Không nên bỏ hết, nhưng phải điều chỉnh"

Vừa qua, Bộ Tài chính đã có ý kiến về việc bãi bỏ Thông tư số 04/2012/TT-BTC (Thông tư 04), đồng nghĩa với việc bỏ hoàn toàn việc thu phí và lệ phí trong lĩnh vực thú y.

Quan điểm của tôi là không nên bãi bỏ hoàn toàn. Bởi như đã biết, lực lượng cán bộ biên chế hưởng lương trong ngành thú y hiện nay chỉ chiếm tỉ lệ nhỏ, còn lại đa số đều phải dựa vào đội ngũ cán bộ hợp đồng, nhận lương nhờ vào việc thu phí và lệ phí.

Trong bối cảnh chúng ta chưa thể tăng thêm nguồn nhân lực cho ngành thú y vốn còn rất mỏng, chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn, thì cũng không nên giảm đi nguồn nhân lực hiện có.

Nhiều ý kiến cho rằng nếu bỏ thu phí và lệ phí thì sẽ có cấp bù kinh phí để duy trì bộ máy ngành thú y? Tuy nhiên theo tôi, trong bối cảnh Chính phủ đang cắt giảm chi tiêu công, việc Nhà nước phải bỏ kinh phí để nuôi bộ máy thú y sẽ là gánh nặng, vì vậy phương án xã hội hóa, duy trì bộ máy thú y bằng việc thu phí và lệ phí sẽ là cách làm hiệu quả hơn.

Vấn đề ở đây là phải làm sao điều chỉnh lại nội dung Thông tư 04 sao cho hợp lí, tránh gây phiền hà thủ tục hành chính, gây tốn kém cho người chăn nuôi cũng như DN trong ngành. Cụ thể:

Về phần lệ phí: Thời gian qua, nhiều ý kiến cho rằng nên bỏ hoàn toàn 17 loại lệ phí tại Thông tư 04, nhưng nhiều ý kiến, đặc biệt là trong ngành thú y các tỉnh lại cho rằng không nên bỏ. Ở đây cần phải phân biệt rạch ròi giữa việc “cấp giấy” và việc “thu tiền cấp giấy”.

Về việc cấp giấy, trong đó có nhiều loại giấy như giấy chứng nhận kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật; giấy chứng nhận vùng, cơ sở an toàn dịch bệnh (ATDB); giấy chứng nhận vệ sinh thú y; giấy khảo nghiệm, thử nghiệm thuốc thú y…

Thời gian qua, ngành thú y đã kiểm soát rất tốt tình hình dịch bệnh, khâu vệ sinh thú y cũng được cải thiện rất tốt. Điều này là nhờ vào nỗ lực tăng cường kiểm soát của ngành thú y nói riêng.

Trong đó, việc cấp các loại giấy kiểm dịch trong quá trình lưu thông, vận chuyển gia súc, gia cầm và sản phẩm gia súc, gia cầm nhằm kiểm soát dịch bệnh lây lan giữa nơi này và nơi kia là hết sức quan trọng.

Giấy chứng nhận kiểm dịch giống như “giấy thông hành” vậy. Anh đã được cấp giấy nghĩa là không có dịch bệnh. Thử hỏi nếu không có các loại giấy này, làm sao cơ quan chức năng có thể xác định lô sản phẩm nào có dịch, lô nào không có dịch để mà kiểm soát ngăn chặn?

Tóm lại, việc cấp các loại giấy trong Phụ lục I của Thông tư 04 là cần phải tiếp tục duy trì. Tuy nhiên, khi cấp các loại giấy này, giấy nào cần phải thu tiền, giấy nào không nên thu tiền thì cần phải rà soát, sửa đổi lại Thông tư 04 cho gọn, để tránh tình trạng có quá nhiều khoản phải thu lệ phí khi cấp giấy.

Ví dụ: Để một cơ sở chăn nuôi (tư nhân) đủ điều kiện được cấp giấy chứng nhận ATDB, cơ quan thú y trước đó đã phải tiến hành rất nhiều thời gian thẩm định. Chi phí cho việc thẩm định này đã có ở phần phí.

Cụ thể là tại mục 2, Phụ lục 2 về phí phòng chống dịch bệnh cho động vật, trong đó đã quy định phí thẩm định đối với cơ sở chăn nuôi tư nhân (do xã, huyện quản lí, có hạn 6 tháng đến 2 năm) là 300.000 đ/lần.

Thế nhưng đến khi cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện ATDB cho cơ sở đó, tại phần lệ phí (khoản 1, Phụ lục I, Thông tư 04) lại vẫn quy định thu thêm 70.000 đ/lần cấp.

Điều này có nghĩa, chỉ một việc xác định cơ sở chăn nuôi đạt yêu cầu ATDB, nhưng “anh” thu tới 2 lần tiền, trong đó, việc thu 70 nghìn đồng/lần chỉ cho mỗi việc cấp một tờ giấy là cần xem xét lại.

Nên chăng, có thể gộp 2 lần thu tiền này thành một khoản , có thể gọi chung là “Phí chứng nhận cơ sở ATDB” (đã bao gồm cả phí thẩm định và lệ phí cấp giấy) để đỡ rối rắm.

Ví dụ thứ 2: Trước khi cấp Giấy chứng nhận kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật vận chuyển từ tỉnh này sang tỉnh khác, cán bộ thú y sẽ đến kiểm tra lô hàng. Việc kiểm tra này đã được thu phí theo quy định tại Phụ lục 4 của Thông tư 04. Chẳng hạn, phí kiểm dịch đối với gia cầm trưởng thành là 100 đ/con; lợn (trên 15 kg) là 1.000 đ/con; trứng gia cầm thương phẩm các loại là 4,5 đ/quả; trứng cút là 1 đ/quả…

Thế nhưng khi cấp Giấy chứng nhận kiểm dịch cho lô hàng đó, lại thu thêm một khoản lệ phí là 30.000 đ/lần. Nghĩa là chỉ cùng một việc xác định lô hàng đó có bị nhiễm dịch bệnh gì hay không, nhưng cơ quan thú y lại có tới 2 khoản thu. Nên chăng, có thể bỏ bớt khoản thu khi cấp giấy chứng nhận kiểm dịch…

Chung quy lại, tại Thông tư 04 có quá nhiều khoản phí, lệ phí còn chồng chéo nhau, hoàn toàn có thể rà soát để lược bỏ bớt, đặc biệt là một số khoản lệ phí cấp giấy tại Phụ lục I, không cần thiết có tới gần 30 trang giấy với hàng trăm khoản phí, lệ phí như hiện nay.

Dĩ nhiên, không phải việc cấp giấy nào cũng nên bỏ thu lệ phí. Ví dụ: Việc cấp giấy phép thử nghiệm, khảo nghiệm thuốc thú y, thuốc thú y thủy sản là cần phải duy trì. Bởi trước khi cấp giấy, bộ phận hành chính tiếp nhận, thẩm định những hồ sơ kiểm nghiệm, khảo nghiệm này sẽ rất mất thời gian công sức rà soát, thậm chí phải nhờ cả chuyên gia thẩm định xem những số liệu, chi tiết, thủ tục trong hồ sơ của đơn vị, DN gửi lên có đúng chưa, cần bổ sung gì…

Vì vậy, việc thu lệ phí (180.000 đ/lần) là hoàn toàn hợp lí.

Trước nhiều ý kiến phản ánh về việc phí, lệ phí thú y rườm rà, gây phiền tốn kém và phiền nhiễu cho DN, người chăn nuôi, tại Hội nghị đánh giá tình hình tái cơ cấu chăn nuôi diễn ra ngày 9/7, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát đã yêu cầu Cục Thú y cùng các cơ quan liên quan khẩn trương rà soát, chấn chỉnh nhằm tạo điều kiện thông thoáng, giảm chi phí cho nông dân, DN.

Theo Bộ trưởng, ngành nông nghiệp không thể vì thiếu kinh phí duy trì hoạt động của hệ thống thú y đến nỗi phải đi thu nhiều loại phí, lệ phí, mà phải nhất định phải thu theo đúng nguyên tắc.

“Cán bộ thú y không thể cứ mở một xe chở trứng ra, ngó ngó gọi là kiểm tra cảm quan rồi đếm, nhân số lượng lên để thu tiền phí được. Thu phí tới từng quả trứng chim cút nữa thì càng không thể hiểu nổi”, Bộ trưởng chấn chỉnh.

 

LÊ BỀN
Nguồn: NNVN
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

ĐBSCL: Mua tạm trữ 760.000 tấn gạo