Tận dụng thói quen ưa... "thịt nóng"
22:52 - 28/06/2015
Thói quen tiêu dùng thịt tươi sống (hay “thịt nóng”) từ các chợ truyền thống là một cơ hội trong ngắn hạn cho ngành chăn nuôi Việt Nam khi gia nhập TPP với nhiều thách thức. Liệu lợi thế này có được triệt để tận dụng?
Việt Nam có thể đưa ra hạn ngạch các loại thịt được nhập vào nước ta mỗi năm để bảo vệ sản xuất trong nước. Ảnh minh họa: Chế biến thịt lợn tại Công ty Đức Việt (Hưng Yên). Ảnh: Nhật Anh

Lợi thế ngắn hạn

Phân tích về thói quen tiêu dùng thịt tươi, GS-TS Vũ Chí Cương – Phó Viện trưởng Viện Chăn nuôi (Bộ NNPTNT) cho biết: “Thói quen này chí ít vẫn là “hàng rào bảo hộ tự nhiên’’ hay “lá chắn” cho các nhà sản xuất trong nước. Hiện đa số người Việt Nam vẫn ưa thích thịt tươi, trong khi thịt nhập khẩu chủ yếu là thịt đông lạnh. Thói quen tiêu dùng này sẽ giúp Việt Nam còn đủ thời gian để tái cơ cấu nhanh ngành chăn nuôi. Thay đổi thói quen tiêu dùng của người Việt trong một sớm một chiều là không dễ. Rất nhiều gia đình Việt Nam vẫn ưa dùng gà nuôi, gà thả đồi hơn gà công nghiệp. Với thịt lợn cũng vậy, người Việt chưa quen sử dụng thịt đông lạnh”.Nhưng không nên quá vui mừng, vì đây hoàn toàn không phải là lợi thế tuyệt đối cho người chăn nuôi trong nước. TS Đặng Kim Khôi - Phó Giám đốc Trung tâm Tư vấn chính sách nông nghiệp (IPSARD, Bộ NNPTNT) phân tích: “Nếu vào TPP, chúng ta sẽ chịu sự cạnh tranh khốc liệt của hai nước đó là Mỹ và Thái Lan. Hiện nay các nước nhập khẩu gia súc gia cầm vào Việt Nam đang phải chịu thuế suất, ví dụ đối với thịt gà mức thuế suất nhập khẩu mà Việt Nam áp cho thịt từ Mỹ là 20%, từ Thái Lan là 5%. Dù đang chịu thuế suất cao, nhưng sản phẩm của họ bán ở thị trường Việt Nam vẫn còn rẻ hơn sản phẩm cùng loại của chúng ta”.

TS Đặng Kim Khôi dẫn chứng: Giá thịt lợn của Việt Nam ở mức 45.000- 50.000 đồng/kg, trong lúc đó giá thịt lợn ngoại nhập về bán trên thị trường Việt Nam chỉ 36.000 đồng/kg. Đến năm 2016, khi vào TPP, thuế suất sẽ là 0%, sự cạnh tranh sẽ rất khốc liệt. Bên cạnh đó, gần đây Thái Lan đã mua được hệ thống siêu thị Metro, và một loạt chuỗi siêu thị bán lẻ khác của Việt Nam. “Đây là những kênh tiêu thụ rất tốt cho họ, và khi thuế suất bằng 0%, việc nhập khẩu thịt nguyên con (lợn, bò, gà…) trở nên rất rẻ, cộng với việc có hệ thống chế biến, phân phối hoàn chỉnh ở Việt Nam, thì thói quen ăn thịt tươi của người Việt Nam cũng trở thành một lợi thế vượt trội của họ, không riêng gì của các hộ chăn nuôi trong nước”.

Giúp nông hộ hiểu rõ hơn về TPP

Theo nghiên cứu của Trung tâm Tư vấn chính sách nông nghiệp (IPSARD), nhu cầu sử dụng thịt trong thời gian qua đang tăng lên, mỗi người dân tiêu thụ khoảng 25 kg thịt lợn/năm. Mức độ sử dụng thịt đông lạnh có tăng lên, tuy nhiên chưa đáng kể, mới chỉ chiếm tỷ lệ nhỏ. Vì vậy để tận dụng lợi thế ngắn hạn, trước mắt từ thói quen sử dụng hàng tươi sống của người Việt, các nông hộ nhỏ cần điều chỉnh, cải tổ lại kế hoạch sản xuất. Tuy nhiên để làm được điều này các nông hộ nhỏ cần phải có thông tin và hiểu biết về TPP. “Hiện nay các đối tượng này gần như không biết gì về việc nước ta sắp gia nhập TPP, họ không hề biết những khó khăn thách thức đang rất cận kề với họ. Vì vậy, một trong những vấn đề trước mắt là các cơ quan chức năng cần nâng cao năng lực kiến thức hiểu biết của các chủ trang trại, nông hộ nhỏ, đặc biệt là những cơ sở sản xuất giống để họ nắm bắt được các thông tin về TTP cũng như những cơ hội thách thức đi kèm để họ điều chỉnh, cải tổ lại kế hoạch sản xuất” - TS Đặng Kim Khôi kiến nghị.

Vấn đề thứ hai mà các cơ quan chức năng cần làm ngay đó là siết chặt mạng lưới kiểm soát, kiểm dịch gia cầm nhập khẩu từ Trung Quốc qua đường tiểu ngạch. Bởi giá gà thịt cũng như gà giống của Trung Quốc bán rất rẻ và cũng có thể bị bán phá giá nhưng cơ quan chức năng Việt Nam không kiểm soát được.

Cũng theo GS-TS Vũ Chí Cương – Phó Viện trưởng Viện Chăn nuôi (Bộ NNPTNT): “Một cơ hội nữa ít được nói đến, và vô cùng quan trọng trong cạnh tranh chăn nuôi chính là sự đa dạng của các giống vật nuôi bản địa. Chúng ta cần rà soát lại đồng thời thúc đẩy chăn nuôi sản xuất những mặt hàng đặc sản của địa phương vùng miền”.

Theo GS Cương, muốn làm được điều đó cần kết hợp với nhau thành tổ hợp tác, hợp tác xã, xây dựng chuỗi giá trị từ người sản xuất đến người tiêu dùng, và cần có các doanh nghiệp lớn tham gia để xây dựng chuỗi giá trị đưa sản phẩm vào siêu thị. “Theo xu hướng, một thời gian ngắn nữa, thị hiếu người tiêu dùng sẽ chuyển sang sử dụng hàng đông lạnh đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, kể cả người tiêu dùng thịt ăn thịt tươi sống, nhưng nếu không đảm bảo kiểm dịch, trong khi sản phẩm nước ngoài làm tốt thì họ sẽ ăn sản phẩm nhập ngoại, vừa an toàn mà giá cả cũng phù hợp”, ông Cương nhận định.

TS Hoàng Thanh Vân - Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NNPTNT): “Nông hộ dứt khoát phải vào tổ hợp tác”

Trong tương lai, các nông hộ phải chăn nuôi phải có kế hoạch, người nông dân phải tính toán được mỗi vụ mình nuôi bao nhiêu con, chủ động giống, thức ăn, chủ động cả thị trường, từ đó vạch ra kế hoạch chăn nuôi. Như vậy tư duy của người nông dân cần đảo chiều, từ thụ động đón nhận sang chủ động ở tất cả các khâu, thậm chí cả chủ động tiếp cận cơ quan quản lý nhà nước để phản ánh, để góp ý cho các chính sách nhằm tạo ra môi trường tốt cho chăn nuôi.

Để làm được như vậy, các nông hộ dứt khoát phải vào tổ hợp tác, sản xuất bài bản theo chuỗi và chủ động tất cả các khâu, ở đó họ được tự do bàn bạc quyết định các vấn đề lớn về chăn nuôi của mình. Ở các nước châu Âu, các trại lớn đều tự sản xuất thức ăn, tự sản xuất giống, và chủ động bán ra thị trường, họ chủ động tất cả các khâu nên chi phí sản xuất được giảm xuống đến mức tối thiểu nhất, giá bán có sức cạnh tranh. Nếu các nông hộ vào tổ hợp tác và tổ chức sản xuất bài bản như vậy, họ sẽ sống khỏe khi  hội nhập.
Nguồn: Dân Việt
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

ĐBSCL: Mua tạm trữ 760.000 tấn gạo