Ứng dụng KH&CN thúc đẩy phát triển kinh tế cho nông thôn miền núi
17:05 - 25/06/2015
(Cổng ĐT HND) -  Phát triển nông nghiệp, nông thôn là một trong những trọng tâm trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của nước ta, được Đảng và Nhà nước hết sức quan tâm. Hàng loạt các chương trình khoa học và công nghệ (KH&CN) được triển khai tại địa bàn nông thôn miền núi trên cả nước mang lại hiệu quả cao, góp phần thay đổi bộ mặt nông thôn theo chiều hướng tích cực. Tuy nhiên, để KH&CN ngày càng phát huy vai trò hơn nữa rất cần sự chung tay của các cấp, ban, ngành.
Ảnh minh họa

Từ năm 1998 đến nay Chương trình Nông thôn miền núi đã được triển khai qua 3 giai đoạn nối tiếp nhau: Giai đoạn từ năm 1998-2002; 2004-2010; 2011-2015. Qua 15 năm, Chương trình đã triển khai thực hiện 845 dự án tại 62 tỉnh, thành phố. Thông qua Chương trình đã huy động lực lượng cán bộ KH&CN của trên 80 cơ quan KH&CN Trung ương và lực lượng cán bộ KH&CN của các địa phương làm công tác chuyển giao công nghệ và đã chuyển giao được 4.761 lượt công nghệ vào sản xuất, đào tạo 11.063 kỹ thuật viên cơ sở, đào tạo ngắn hạn cho trên 1.725 cán bộ quản lý KHCN ở địa phương, tập huấn cho 236.264 lượt nông dân. Đã sử dụng khoảng 128.643 lao động tại chỗ giúp các địa phương góp phần giải quyết được tình trạng lao động dôi dư và tăng thu nhập cho nông dân.

 
Từ 845 dự án của Chương trình được thực hiện đã xây dựng được 2.501 mô hình sản xuất. Các mô hình này chính là những mẫu hình về chuyển giao, ứng dụng tiến bộ KH&CN có tính đại diện cho địa bàn triển khai, do chính người dân sau khi được tập huấn kỹ thuật trực tiếp thực hiện, từ đó tạo được sức lan tỏa nhân rộng cho các tổ chức và cá nhân khác đầu tư vốn để tổ chức sản xuất nhân rộng kết quả của mô hình.
 

Một số kết quả nổi bật của Chương trình có thể kể đến như: Dự án “Ứng dụng tiến bộ KH&CN cao sản xuất rau trái vụ đạt tiêu chuẩn VietGap và hoa chất lượng cao tại Sơn La” do Công ty cổ phần Hoa Nhiệt đới chủ trì thực hiện từ năm 2012. Dự án đã hình thành nghề trồng hoa và rau chất lượng cao tại địa phương, tạo việc làm ổn định, thu nhập cao cho hơn 150 lao động (bình quân là4.500.000đ/người/tháng).


Trước khi có dự án, doanh thu của Công ty chỉ đạt 88 tỷ đồng/năm (năm 2011), sau khi triển khai thực hiện dự án đã tăng lên 131 tỷ đồng (năm 2012, 2013), đến năm 2014 đạt 219 tỷ đồng. Sau khi dự án kết thúc, Công ty tiếp tục đầu tư mở rộng quy mô trồng hoa (tổng đầu tư tăng thêm đến nay là 15 tỷ đồng; diện tích nhà trồng lan Hồ điệp vào năm 2011 là 3.000 m2 đến nay đã đạt 18.000 m2) đồng thời tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương. Hay Dự án “Xây dựng mô hình ứng dụng công nghệ sản xuất giống nhân tạo và nuôi thương phẩm Tu hài” do Công ty TNHH Đỗ Tờ chủ trì thực hiện. Dự án đã tiếp nhận thành công quy trình công nghệ sản xuất giống nhân tạo và nuôi thương phẩm tu hài tại Vân Đồn. Dự án đã hình thành nghề nuôi tu hài chất lượng cao, tạo việc làm ổn định, thu nhập khá cho hơn 120 lao động; doanh thu tăng từ 2 tỷ đồng/năm lên 10 tỷ đồng/năm. Sau khi dự án kết thúc, Công ty tiếp tục mở rộng quy mô sản xuất giống và nuôi thương phẩm, đồng thời cung cấp giống cho từ 300 đến 500 hộ ngư dân địa phương nuôi tu hài ổn định.
 

Việc áp dụng KH&CN không chỉ giúp nông dân xóa đói giảm nghèo mà còn mang đến cho người nông dân cơ hội làm giàu. Tuy nhiên thực tế cho thấy, dù được thực hiện cả ở 3 vùng, miền nhưng việc chuyển giao các kết quả nghiên cứu vào sản xuất chưa đạt kết quả như mong muốn. Một trong những nguyên nhân là do trình độ dân trí cũng như nguồn nhân lực trong lĩnh vực KH&CN nhiều vùng còn chưa cao và thiếu đồng đều. Theo thống kê, nguồn nhân lực có trình độ cao thường sống và làm việc tại các thành phố lớn, cán bộ chuyên trách về KH&CN thường chỉ có đến cấp tỉnh, rất ít nơi có cấp huyện và cấp xã hầu như chưa nơi nào có.


Bên cạnh khó khăn về trình độ, nguồn nhân lực thì việc chuyển giao công nghệ cao (CNC) tại địa bàn nông thôn miền núi còn gặp phải một số khó khăn như hiện nay, ở nước ta còn thiếu một quy hoạch tổng thể toàn quốc cũng như ở từng địa phương dẫn đến có lúc bộ, ngành, địa phương đều muốn phát triển ứng dụng CNC trong nông nghiệp nhưng không biết bắt đầu từ đâu, phát triển như thế nào, dẫn đến tình trạng ứng dụng CNC mà lại “không cao”.


Thêm vào đó, mặc dù được Nhà nước quan tâm nhưng nguồn tài chính đầu tư cho nghiên cứu phát triển CNC trong nông nghiệp còn chưa thỏa đáng lại thiếu tập trung, manh mún, xảy ra tình trạng mạnh ai nấy làm. Thí dụ, cũng là nhân giống cây trồng bằng công nghệ nuôi cấy mô nhưng rất nhiều nơi viện, trường tiến hành nghiên cứu. Điều này dẫn đến một thực tế là nhiều nơi có sản phẩm nghiên cứu nhưng ít nơi có kết quả nghiên cứu vượt trội.


Một nguyên nhân khác nữa đó là việc nghiên cứu ứng dụng CNC trong nông nghiệp vốn đã không nhiều lại chỉ chủ yếu tập trung ở các tổ chức KH&CN trong ngành nông nghiệp, còn các nhà khoa học ở các lĩnh vực khác như vật liệu, cơ khí, tự động hóa, công nghệ thông tin, công nghệ nano…, còn chưa quan tâm nên chúng ta chưa có nhiều CNC, đồng bộ trong nông nghiệp phù hợp với điều kiện Việt Nam. Đặc biệt, sự thiếu vắng các doanh nghiệp trong việc chuyển giao CNC trong nông nghiệp tại địa bàn nông thôn miền núi cũng là một rào cản không nhỏ.


Hiện nay, các đề tài nghiên cứu khoa học chỉ được cấp nguồn kinh phí đến khi nghiệm thu chứ chưa được cấp cho việc chuyển giao và thương mại hóa ra thị trường. Đây chính là lý do khiến các doanh nghiệp trở thành một mắt xích không thể thiếu trong quá trình đưa CNC đến với sản xuất. Thực tế trên cho thấy, ứng dụng CNC trong nông nghiệp ở nước ta rất cần một cơ chế phối hợp đồng bộ, một chính sách có tính hệ thống mang tính chiến lược lâu dài.


Về vấn đề ứng dụng CNC trong nông nghiệp trên địa bàn nông thôn miền núi, để ứng dụng CNC phát triển mạnh trên địa bàn nông thôn miền núi cần tập trung phát triển ứng dụng CNC trong nông nghiệp theo các hướng chủ yếu như: Ứng dụng những công nghệ có hàm lượng tri thức cao đến địa bàn nông thôn miền núi. Những công nghệ ứng dụng vào địa bàn nông thôn miền núi phải có tính năng công nghệ vượt trội so với công nghệ thông thường và những công nghệ này tạo nên sự đột phá chất lượng, hiệu quả và tạo nên giá trị gia tăng lớn, tạo ra sức cạnh tranh cho sản phẩm, góp phần thay đổi kinh tế của địa phương.


Với những công nghệ chuyển giao đến những địa bàn này cần chú ý yếu tố phù hợp, dễ tiếp thu, ứng dụng cho từng vùng, từng địa phương. Đặc biệt, cần chú ý đến việc tăng cường hơn nữa sự kết hợp giữa “4 nhà” để việc ứng dụng CNC trong nông nghiệp trên địa bàn nông thôn miền núi thực sự có kết quả tốt, góp phần phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn nông thôn miền núi.

 
Để việc chuyển giao và ứng dụng KH&CN thành công thì không thể thiếu đội ngũ các nhà khoa học. Vì vậy, Chính phủ cũng cần có cơ chế, chính sách khuyến khích các cán bộ khoa học trẻ, tình nguyện về “nằm vùng”, “cắm bản” để hướng dẫn, chuyển giao KH&CN tại các vùng nông thôn, đặc biệt là vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số. Phần lớn các đại biểu đều mong muốn Chương trình NTMN sẽ tiếp tục được thực hiện một cách dài hơi và có chiều sâu hơn; hình thành thị trường công nghệ tại nông thôn.
 
 
Hải Nam
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

ĐBSCL: Mua tạm trữ 760.000 tấn gạo