Tại Vĩnh Linh (Quảng Trị), đất ruộng lúa màu mỡ còn trơ cuống rạ của vụ ĐX, do năm nay đại hạn lịch sử không gieo cấy được vụ HT, thế là nông dân đào đất mặt ruộng và đất sét đáy bán cho làm gạch và san lấp mặt bằng công trình.
|
Đất ruộng lúa ở xã Vĩnh Lâm bị múc mặt và đáy sâu hơn 0,5m |
* Đồng ruộng bị hủy hoại nghiêm trọng!
Tính ra, bài toán kinh tế này có đáp số: lợi bất cập hại.
Xảy ra ở nhiều xã
Những ngày này, trên các cánh đồng của các xã Vĩnh Thủy, Vĩnh Lâm, Vĩnh Nam... của huyện Vĩnh Linh có hàng trăm ô tô nối tiếp nhau chở đất mặt ruộng lúa, sét đáy ruộng về bán cho lò gạch làm nguyên liệu sản xuất gạch hoặc phục vụ các công trình san lấp mặt bằng trên địa bàn.
Tại cánh đồng của HTX Nam Phú, xã Vĩnh Nam, khi chúng tôi chụp ảnh hiện trường xe máy đang múc đất mặt ruộng và đoàn xe chở đất nối đuôi nhau, thì chiếc ô tô 4 chỗ của một doanh nghiệp đang có mặt cùng nhóm xe múc đất vội vàng bỏ chạy.
Không khó để chúng tôi xác định đó là ô tô của Cty TNHH MTV Tiên Tiến ở xã Vĩnh Long.
Ông Lê Viết Cao, Chủ tịch xã Vĩnh Nam, thừa nhận đất mặt ruộng trồng lúa được múc lên đều bán cho lò gạch Trung Đơn. Tình trạng bán đất mặt ruộng và sét đáy ruộng lúa đã xảy ra nhiều mùa tại địa bàn của xã.
Khi chúng tôi vừa lên đến thôn Tiên Mỹ 2 của xã Vĩnh Lâm, giữa đồng ruộng thấy xe đang múc đất ruộng lúa và nhiều ô tô đến chở đất. Hỏi được biết các xe này chở đất ruộng lúa về bán cho nhà máy sản xuất gạch Linh Đơn với giá 60 ngàn đồng/m3.
Điều tra của chúng tôi, ở các xã Vĩnh Nam, Vĩnh Thủy, Vĩnh Lâm của huyện Vĩnh Linh đang có hiện tượng các doanh nghiệp móc nối với nông dân để bán đất mặt, đất sét đáy ruộng lúa cho lò gạch.
Quy trình cụ thể như sau, một vài người dân làm đơn gửi các cấp xin phép cải tạo, hạ độ cao đối với đất nông nghiệp và sử dụng đất làm vật liệu san lấp công trình. Đơn được gửi lên phòng Tài nguyên - Môi trường huyện.
Trên cơ sở đơn này, phòng TN-MT có báo cáo thẩm định về việc kiểm tra thực tế của hồ sơ. Sau đó, làm tờ trình gửi lên UBND huyện Vĩnh Linh đề nghị cấp phép cho các hộ. Các hộ dân sau khi được cấp phép thì bán lại cho các doanh nghiệp khai thác đất hoặc tự tổ chức khai thác rồi bán lại cho các “cò”.
Chúng tôi tìm đến gặp ông Lê Văn Năm, Trưởng phòng TN-MT huyện Vĩnh Linh. Ông Năm xua tay từ chối không cung cấp thông tin cho báo chí. Ông Năm biện lý do phải có chỉ đạo của lãnh đạo huyện thì ông mới cung cấp thông tin.
Khi chúng tôi hỏi vì sao để dân bán đất mặt, đất sét đáy ruộng lúa, ông Nam nói việc làm này không sai. Các điểm được cấp để cải tạo hạ độ cao mặt ruộng hôm nào cũng có người của phòng TN-MT đến giám sát, họ chỉ múc đất đúng quy định.
Nghe ông Năm nói vậy, tôi đưa video clip vừa quay ra cho ông xem, hỏi trong vụ múc đất này người của phòng TN-MT đứng đâu giám sát. Không xem video clip, ông Năm bảo anh thông cảm, nhà nước biên chế quá ít người, phòng không có người đi theo kiểm tra (?).
Cuối cùng, lãnh đạo huyện Vĩnh Linh đã chỉ đạo phòng TN-MT cung cấp hồ sơ cho chúng tôi. Riêng xã Vĩnh Thủy, danh sách ông Năm đề xuất lên UBND huyện tạo điều kiện cấp phép cho nông dân cải tạo, hạ độ cao đất đến 12 người với diện tích gần 6.500 m2, độ sâu được hạ 0,25 m.
Thực tế, những diện tích đất ruộng lúa tại các xã Vĩnh Nam, Vĩnh Thủy, Vĩnh Lâm mà phòng TN-MT đề xuất cho cải tạo đất là đất ruộng lúa bằng phẳng, màu mỡ, ruộng còn trơ cuống rạ của vụ ĐX vừa qua, chứ không có độ cao, gây khó khăn cho quá trình dẫn nước vào ruộng.
Ông Trần Thanh Hiền, PGĐ Sở NN-PTNT Quảng Trị cho biết, việc khai thác đất mặt ruộng và tầng đất sét ruộng lúa chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến SXNN. Riêng tầng đất sét phía dưới bị khai thác sẽ gây xáo trộn cấu trúc đất, đất dễ sụt lún, khó cơ giới hóa được, lúa dễ đổ ngã, thu hoạch khó, công lao động gia tăng và phải sử dụng phân bón nhiều hơn. |
Bà con nông dân mỗi năm trồng lúa hai vụ ĐX và HT trên đất này. Tuy nhiên, do năm nay đại hạn, ruộng thiếu nước tưới nên bà con nông dân không gieo cấy lúa.
Lợi dụng thời tiết đó, một số người đã nghĩ ra chiêu trò dụ nông dân bán đất mặt, đáy ruộng lúa để có thu nhập.
Tại các điểm ruộng bị múc đất bán, ruộng bị hạ xuống sâu hơn 0,5 m, thậm chí sâu hơn rất nhiều, chứ không phải 0,25 m như văn bản ông Năm đề xuất.
Ruộng đất bị hủy hoại
Nhận định về việc khai thác đất mặt ruộng và sét trên ruộng để phục vụ sản xuất gạch, san lấp công trường đang xảy ra tại một số địa phương, Trường Đại học Cần Thơ cảnh báo việc làm này là có hại, sự sinh trưởng và năng suất lúa giảm rất nhiều khi đất bị mất đi tầng đất mặt và đáy sét.
Cụ thể, năng suất lúa vụ sau sẽ sụt giảm từ 20 đến 40%, từ đó ảnh hưởng trực tiếp lợi nhuận của bà con và an ninh lương thực.
Cả ô tô con của doanh nghiệp ra ruộng chỉ đạo múc đất ruộng lúa ở xã Vĩnh Nam
Dù bà con bón phân rất nhiều thì cũng phải mất 5 đến 6 năm sau mới có thể phục hồi lại được năng suất, lợi nhuận như trước.
Theo khảo sát, phải bón ít nhất 20 tấn phân hữu cơ/ha mới có thể khôi phục được dinh dưỡng cho đất. Như vậy, kinh phí phục hồi còn lớn hơn cả tiền bán đất.
Thạc sĩ Trần Văn Do, Hiệu trưởng Trường Trung học Nông nghiệp Quảng Trị phân tích, tầng đất mặt ruộng thông thường chỉ từ 20 đến 30 cm, nếu bị múc lấy đi thì sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất nông nghiệp.
Đất ruộng đã bị múc mặt và đáy sét, khi trở lại sản xuất nông dân bón phân vào sẽ không giữ được dinh dưỡng trong đất và nước cho cây, vì bị ngấm xuống sâu (giống như khai thác ti tan đã phá địa tầng). Phải mất nhiều năm sau lớp địa tầng của ruộng lúa bị phá đi mới tạo lại được.
Theo ông Do, không nên hạ mặt đất trồng lúa đang có chất lượng tốt, chỉ cải tạo, hạ độ sâu ở đất đồi hoặc ruộng lúa đã nhiều năm không sản xuất được vì ruộng cằn cỗi. Cho cải tạo đất mặt ruộng và đáy sét ruộng lúa ở Vĩnh Linh đang làm là lợi bất cập hại.