Hợp tác xã - cứu cánh hộ SX nông nghiệp?
10:10 - 19/06/2015
Cả nước hiện chỉ có gần 1.000 HTX nông nghiệp hoạt động với thu nhập trên dưới 1 triệu/tháng/xã viên, đóng góp của loại hình kinh tế này đang nằm dưới con số 5%. 
Cơ giới hóa, một khâu quan trọng mà người nông dân cần ở các HTXNN

Tuy nhiên, theo đúng quy luật thì HTX sẽ là cứu cánh cho nền SXNN nhỏ lẻ, lạc hậu đang tỏ ra bất cập, yếu ớt trong cơn xoáy hội nhập sâu rộng toàn cầu.

Khi nông dân "tự bơi"

Không phải đợi đến bây giờ, khi 10 kg hành tím không đổi được bát phở, khi hàng nghìn tấn dưa hấu được làm thức giải khát cho trâu bò… thì mọi người mới thấy sự khó khăn, bất cập của nền SXNN mà thực ra đã hiển hiện nhiều năm trước.

Biểu hiện rõ nhất là điệp khúc “được mùa mất giá” của lúa gạo, là “ùn ứ cửa khẩu” với Trung Quốc, là “bán phá giá” tôm cá ở thị trường Mỹ, là câu hỏi “trồng cây gì, nuôi con gì” từng thắc thỏm nhiều vị lãnh đạo.

Từ năm 1988, bằng Nghị quyết 10 của Bộ Chính trị, hộ gia đình nông dân được coi là đơn vị sản xuất tự chủ và đã tạo nên động lực to lớn tạo sự bứt phá ngoạn mục trong sản xuất lúa gạo và một số cây trồng chủ lực, đời sống nông dân được cải thiện.

Cùng với nỗ lực của nông dân, sự hỗ trợ to lớn từ nhà nước về thủy lợi, giống mới, khuyến nông… đã tạo nên bước nhảy thần kỳ với nhiều thành tựu cả trong trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản.

Tuy nhiên sau 25 năm, động lực đó đang dần hết đà, năng suất cây trồng vật nuôi vẫn tiếp tục tăng nhưng chất lượng và thu nhập của nông dân lại giảm dần. Nghị quyết “cởi trói” đã mang về nhiều thành tựu hết sức to lớn nhưng cũng gây nên tác dụng phụ đấy là tạo nên một nền SXNN nhỏ bé, manh mún.

Theo thống kê, cả nước có 11,9 triệu hộ sản xuất nông nghiệp, trong đó có 35% diện tích canh tác chỉ dưới 0,2 ha, 10,36 triệu hộ trồng cây hàng năm bình quân chỉ 0,62 ha canh tác/hộ, 4 triệu hộ nuôi lợn thì 77% nuôi dưới 5 con, 7,9 triệu hộ nuôi gà thì 90% nuôi dưới 49 con...

Mới nổi lên sau gia nhập WTO, nhưng “cổ chai” trong tiêu thụ nông sản nhanh chóng gây nên nhiều bức xúc cho xã hội.

Trước 1989, chúng ta triền miên thiếu đói, quen lo đi tìm cái ăn để bơm vào cái dạ dày của chính mình nên bây giờ lớ rớ trong chuyện buôn bán cũng không phải là ngạc nhiên lắm. Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp từng đưa ra triết lý thấu đáo - Mẹ tôi là nông dân, còn tôi sinh ra ở nông thôn.

“Sản xuất theo hợp đồng”, “Liên kết 4 nhà” được các nhà kỹ trị đưa thành phương châm vận động của ngành kinh tế nông nghiệp và hy vọng sẽ tạo nên một không khí tươi mới cho sản xuất, hạn chế được tiêu cực của sản xuất nhỏ manh mún.

Năm 2008, tại Cần Thơ, phương châm liên kết 4 nhà được cụ thể hơn bằng chương trình “Cánh đồng mẫu lớn” trong sản xuất lúa. Chương trình được nhiều địa phương và doanh nghiệp cung ứng đầu vào phân bón và thuốc BVTV hưởng ứng.

Nhờ có điều kiện làm tốt công tác giống, phân bón, thuốc BVTV nên năng suất ở các cánh đồng mẫu lớn được tăng lên, tuy nhiên nông dân lại không được hưởng thành quả của sự tăng lên đấy vì thông thường giá lúa lại giảm 300 – 400 đ/kg.

Cánh đồng mẫu lớn mang lại nhiều thuận lợi và cả lợi nhuận cho các công ty xuất khẩu gạo nhưng không hiểu sao ngoài một số công ty tư nhân, TNHH thì các công ty lớn của nhà nước cũng chỉ là người đứng vỗ tay mà không tham gia.

Năm 2013, “Liên kết 4 nhà” còn được gia cố thêm bởi Quyết định 62 của Chính phủ. Sau 10 năm thực hiện, các địa phương đều nhìn nhận liên kết đã mang đến nhiều điểm tích cực, nhất là trong những nghề đã có sẵn “đầu ra” như là bò sữa thì nhìn chung mối liên kết giữa doanh nghiệp và nông dân, nông dân với doanh nghiệp vẫn khá lỏng lẻo, không gắn kết được lợi ích và trách nhiệm của các bên với nhau (nhận định của Tuyên Quang).

Các công ty phân bón, thuốc BVTV thì đã có lợi khi bán sản phẩm nên việc bao tiêu đầu ra cho các cánh đồng mẫu lớn cũng chẳng mặn mà. Tuy nhiên có một trường hợp ngoại lệ – Cty CP BVTV An Giang.

Theo ông Nguyễn Quân, Bộ trưởng Bộ Khoa học- Công nghệ, các lợi thế về tài nguyên đã được khai thác cạn kiệt và động lực sắp tới của SXNN phải là kỹ nghệ, là công nghệ.

Vâng. Tuy nhiên việc chuyển giao kỹ nghệ cho 10 triệu hộ, trong đó có 97% chưa được đào tạo không phải là đơn giản, chưa kể liệu các nhà khoa học có nhiều tiến bộ không để chuyển giao.

HTX được kỳ vọng

Trở lại câu chuyện của Cty CP BVTV An Giang.

Với tham vọng xuất khẩu 800.000 tấn gạo mỗi năm có thương hiệu, nên song song với đầu tư lớn cho thiết bị chế biến, công ty còn chuẩn bị khá kỹ vùng nguyên liệu bằng cách ký kết với hàng vạn hộ nông dân khu vực ĐBSCL trong các cánh đồng mẫu lớn cung ứng giống, thuốc BVTV, phân bón, đảm bảo kỹ thuật và bao tiêu sản phẩm.

Để làm được việc này công ty phải tuyển hơn 1.200 cán bộ FF (bạn của nông dân) và đến nay quỹ lương của công ty cũng không thể phình thêm. Họ mong muốn có một tổ chức nào đấy như là HTX để giảm số đầu mối xuống.

Lịch sử HTX đã có 150 năm và hiện là loại hình kinh tế không thể thiếu của 3 tỷ người ở 180 quốc gia. Ở Việt Nam, HTX đã có truyền thống 60 năm thăng trầm, 30 năm đầu truất hữu hết các tư liệu sản xuất, 30 năm sau thì chẳng khác mấy so với công ty TNHH.

Năm 1986, cả nước có 73.470 HTX (trong đó có 17.022 HTX NN) nhưng đến năm 2003 chỉ còn 14.000, việc ban hành các bộ luật HTX năm 1997, năm 2003 chỉ có tác dụng như tiệm cận dần đến bản chất của loại hình kinh tế này, trong tổng số 10.339 HTX NN đang tồn tại trên danh nghĩa hiện chỉ có khoảng 1.000 HTX hoạt động.

Tôn trọng hoàn toàn kinh tế hộ, Luật HTX sửa đổi năm 2012 được coi là đã hợp với quy luật.

Về lý thuyết, HTX có được nhiều lợi thế hơn hẳn hộ gia đình nhờ vào việc giảm số đầu mối xuống 100-300 lần (nếu quy mô 1 HTX có 100-300 xã viên) nên rất thuận lợi cho đầu tư hạ tầng, quản lý quy trình sản xuất, chuyển giao TBKT, vay vốn tín dụng, quản lý chứng chỉ, chất lượng sản phẩm, xây dựng thương hiệu, giảm chi phí đầu vào, tăng giá bán sản phẩm…

Ngoài cái lợi nhìn thấy được, HTX còn có nhiều cái lợi tưởng như vô hình nhưng mang lại giá trị rất lớn, nhất là trên lĩnh vực sử dụng phân bón và thuốc BVTV.

Chỉ riêng việc sử dụng phân đơn thay cho NPK thì đã giảm giá được 20-25%, mà hiện nay mỗi năm cả nước sử dụng khoảng 3,8 triệu tấn phân NPK, giá bình quân 10 triệu đồng/tấn, thì con số tiết kiệm được lên đến 7.600 tỷ đồng/năm.

Có nhiều ưu việt như vậy nhưng tại sao phong trào HTX vẫn im ắng? Sự không minh bạch đang cản trở sự lớn mạnh của HTX. Nhiều cán bộ HTX hội đủ đức tài nhưng vẫn băn khoăn, làm việc cầm chừng – Hiện nay để được việc buộc phải chi nhiều khoản không chứng từ, sự dị nghị của xã viên gần như thường trực nên càng khó tạo nên đồng thuận.

QUANG NGỌC
Nguồn: NNVN
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

ĐBSCL: Mua tạm trữ 760.000 tấn gạo