Nghệ An là địa bàn thường xuyên phải đối mặt với thiên tai, lũ lụt, đây là nguyên nhân hàng đầu khiến nguồn nước ngày càng ô nhiễm, suy thoái và cạn kiệt.
|
Nhiều nhà máy nước sạch quy mô đã được xây dựng trong giai đoạn 2011-2015 |
Thế nhưng, bằng nỗ lực của các cấp, ngành cùng sự thay đổi rõ rệt về nhận thức, trách nhiệm của bà con nhân dân, mọi việc đang tiến triển tương đối thuận lợi.
Đến nay, Chương trình MTQG NS-VSMTNT giai đoạn 2011-2015 được đánh giá là thành công khi đã hoàn thành 5/6 mục tiêu kế hoạch đặt ra. Trong đó, tỷ lệ dân nông thôn được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh (HVS) không ngừng tăng lên (từ 70% năm 2013 lên 73% năm 2014), mục tiêu đến hết năm là 75%...
Ông Phan Bùi Mỹ, Giám đốc Trung tâm NS-VSMTNT, khẳng định: Nghệ An có diện tích rất rộng nhưng nguồn nước mặt và nước ngầm phân bố không đồng đều, do đó chủ đầu tư phải tiến hành khảo sát thật kỹ điều kiện địa hình trước khi triển khai, vừa đảm bảo nhu cầu thực tế vừa tránh thất thoát, gây lãng phí ngân sách Nhà nước.
Bên cạnh đó, Trung tâm đã cố gắng khâu nối với địa phương, các tổ chức đoàn thể, xã hội... triển khai nhiều hình thức tuyên truyền đến các hộ dân về tầm quan trọng, giá trị của nước sạch, nhờ đó mà ý thức trách nhiệm của bà con không ngừng tăng lên, tư tưởng “cha chung không ai khóc” dần được xóa bỏ.
Lấy trường hợp của người dân bản Lè, xã Châu Hội (huyện Quỳ Châu) làm ví dụ. 5 năm trước đây, nước không về nổi bản, mọi sinh hoạt thường ngày đều rất khó khăn. Thấy bất cập, 20 hộ dân ở đội 1 đã bàn bạc nhau góp tiền mua nguyên vật liệu xây bể, làm đường ống dẫn nước từ dưới khe suối về tận bản, đời sống của bà con nhờ đó mà khấm khá thấy rõ.
Hiện ở bản Lè có tổng cộng 4 bể nước, 2 bể ở đội 1 và 2 bể ở đội 3, đủ cung cấp nước sinh hoạt cho gần 80 hộ dân với 340 nhân khẩu.
Giai đoạn 2016-2020, tỉnh Nghệ An dự kiến đưa dân số vùng nông thôn được sử dụng nước sinh hoạt HVS đạt tỷ lệ 85% vào năm 2020. |
Xác định của bền tại người, nên định kỳ hằng tháng, các đội có trách nhiệm phân công người phát dọn, vệ sinh khu vực bể chứa, nhờ thế công trình luôn đảm bảo đủ nguồn nước ngay cả trong mùa khô.
Trao đổi với PV, chị Lang Thị Xuân trú tại đội 3 hồ hởi: “Dân bản chúng tôi bây giờ sướng rồi, cứ vặn vòi là có nước thôi, không còn phải cuốc bộ hàng cây số để gánh nước như trước nữa”.
Từ 2011-2015, Nghệ An đã thực hiện 35 dự án cấp nước sạch tập trung, bao gồm cả số dự án chuyển tiếp của giai đoạn 2006-2010. Tổng số vốn hỗ trợ theo chính sách là 458.776 triệu đồng, trong đó đã cấp hết 278.207 triệu đồng (hết năm 2014).
Theo thống kê, trên địa bàn tỉnh hiện có 442 công trình cấp nước tập trung, trong đó có 391 công trình tự chảy tại các huyện miền núi và trung du, 51 công trình bơm dẫn quy mô ở khu vực đồng bằng. Tiêu biểu là nhà máy nước sạch xã Diễn Yên (huyện Diễn Châu), thuộc Dự án cấp nước sạch và vệ sinh vùng miền Trung, được xây dựng từ vốn vay của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), nhà máy có công suất 1.700m3/ngày/đêm, đáp ứng nước sạch cho hơn 3.500 hộ dân và các cơ quan, trường học đóng trên địa bàn xã.
Tương tự là nhà máy nước sạch đạt tiêu chuẩn 02 của Bộ Y tế được xây dựng trên địa bàn xã Hồng Thành (huyện Yên Thành) với công suất thiết kế 320m3/ngày đêm. Được biết, tổng kinh phí xây dựng nhà máy là 15,3 tỷ đồng, trong đó ngân sách chương trình là 60%, còn lại 40% là vốn đóng góp của người dân và ngân sách địa phương. Kể từ khi đi vào hoạt động (12/2011), nhà máy đã giải quyết được nỗi lo thiếu nước sạch cho 1.250 hộ dân...