Sôi sùng sục thị trường giống mắc ca
16:24 - 22/05/2015
Để phát triển vùng nguyên liệu mắc ca với diện tích 22.000 ha trong giai đoạn 2015-2020, tỉnh Lâm Đồng sẽ cần khoảng 3,9 triệu cây giống, với tổng vốn đầu tư lên đến hơn 234 tỷ đồng.
Nhiều cơ sở sản xuất, kinh doanh cà phê, cây ăn quả “lấn sân” sản xuất cây giống mắc ca thực sinh

* Tràn ngập giống chui!

Nhận thấy thị trường cây giống mắc ca rất béo bở, nhiều vườn ươm, cơ sở kinh doanh giống trên địa bàn tỉnh đã hăm hở vào cuộc dù không hề được cấp phép...

Nhan nhản cơ sở làm chui!

Chúng tôi đến tỉnh Lâm Đồng, nơi trong tương lai sẽ là thủ phủ của cả nước về cây mắc ca với diện tích quy hoạch phát triển năm 2020 lên đến 22.025 ha.

Những ngày này, đi đâu cũng nghe bà con kháo nhau về dự án phát triển cây mắc ca mà UBND tỉnh vừa phê duyệt. Sôi động nhất ở huyện Lâm Hà, nơi sẽ phát triển mắc ca lớn nhất tỉnh với tổng diện tích 4.400 ha.

Trong vai một nông dân đi mua giống mắc ca về trồng xen với cà phê, chúng tôi đến cơ sở cung cấp cây giống Lực Ngoan, thôn Từ Liêm, xã Nam Ban, huyện Lâm Hà.

Dẫn chúng tôi đi tham quan vườn cây giống rộng chừng 2.500 m2, ông Lực hăm hở giới thiệu về hiệu quả của cây mắc ca và số cây giống có trong vườn mà vợ chồng ông tự ươm hạt.

Theo ông Lực, ông bắt đầu mua hạt mắc ca giống và tự ươm cây từ hơn 2 năm nay và đã bán ra thị trường cách đây 1 năm. Hiện tại, cơ sở của ông có hơn 4.000 cây giống mắc ca thực sinh tại vườn với đủ các dòng như OC, 695, 246, 816, 849.

“Nếu anh muốn mua giống thực sinh thì tôi có 2 loại, loại thực sinh 1 năm tuổi có giá 22.000 đồng/cây, còn loại 1,5 năm giá 35.000 đồng/cây. Còn nếu anh có nhu cầu mua giống ghép thì giá 75.000 đồng/cây, cứ đặt cọc trước 1/3 số tiền giống là trong vòng 10 ngày sau tôi sẽ cung cấp đủ số lượng, anh mua nhiều tôi sẽ bớt giá”, ông Lực mời chào.

Cách đó không xa, cơ sở kinh doanh giống cà phê và cây ăn quả của anh Nguyễn Văn Trào (thôn Vân Khánh, xã Hoài Đức, huyện Lâm Hà) cũng giới thiệu bán sản phẩm cây giống mắc ca tự ươm.

Được biết, dù chỉ mới học hỏi kĩ thuật và tự ươm cây mắc ca giống được gần 2 năm, nhưng cơ sở của anh Trào đã bán ra thị trường được hơn 3.000 cây giống. “Hiện tại tui chỉ còn hơn 3.000 cây giống thực sinh, nếu anh muốn mua thì nhanh tay chứ đợi ít hôm nữa đến lúc trời mưa, người ta tranh nhau mua, anh muốn cũng không còn đâu”, Trào nói.

Mối lo từ giống thực sinh

Hiện hầu hết các cơ sở bán giống trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng đều ra sức thu mua đủ các loại hạt giống mắc ca, sau đó về tự ươm giống và bán ra thị trường.

Khi chúng tôi nhờ tư vấn chọn giống giữa cây thực sinh và cây ghép, các chủ vườn ươm không ngần ngại giới thiệu chọn cây thực sinh để làm giống. Theo lời người bán thì cây giống thực sinh có giá thấp hơn nhiều, nhưng chu kì sinh trưởng và phát triển không... thua kém gì cây ghép!  

“Nếu anh muốn mua, tôi khuyên anh nên mua cây thực sinh trồng cho đỡ tiền. Anh cứ mua về trồng cho tôi, đến năm thứ 4 anh quay lại đây tôi đưa thuốc cho về phun, đảm bảo đúng 1 tháng sau cây sẽ đồng loạt ra hoa, đậu trái. Anh không phải mua cây ghép làm gì”, chủ vườn ươm Lực Ngoan nói.

Ông Hoàng Tùng, Giám đốc Cty Vinamacca cho rằng, việc thị trường tràn ngập cây giống mắc ca thực sinh là do các chủ vườn ươm chạy theo cái lợi trước mắt mà bỏ qua mối nguy hại tiềm tàng cho người mua. Khi chọn cây giống người mua nên biết rằng, cây mắc ca thực sinh sẽ bị phân ly, tỷ lệ cây không có quả hay quả ít rất cao và phải trồng rất lâu năm cây mới cho quả.

Bà Nguyễn Thị Phương Loan, Trưởng phòng Trồng trọt (Sở NN-PTNT Lâm Đồng) cũng cho biết: Cây giống thực sinh sẽ rất lâu cho quả, năng suất rất kém, không đồng đều. Khi trồng mắc ca, bà con phải hết sức thận trọng trong chọn mua giống, tốt nhất nên chọn giống ghép và phải biết rõ lý lịch giống.

THANH SA
Nguồn: NNVN
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

ĐBSCL: Mua tạm trữ 760.000 tấn gạo