Vụ lúa HT ở ĐBSCL thường bắt đầu từ tháng 4, song do nắng hạn kéo dài, đến nay nhiều địa phương mới rục rịch chuẩn bị gieo sạ. Trên thị trường đã xuất hiện giống lúa xác nhận giả nhãn hiệu, không kết quả kiểm nghiệm...
|
Giống lúa xác nhận tập kết tại kho đại lý ở thị trấn Cần Đước chuẩn bị cung cấp cho vụ HT 2015 |
Biết kiện ai?
Ông Hồ Văn Mánh, chủ đại lý cấp 2 ở ấp Trí Đô, xã Bình Đông, TX Gò Công, Tiền Giang đang tiếp nhận xe ba gác chở 10 bao lúa giống OM 4900 của Trung tâm Nghiên cứu & SX giống An Giang do một đại lý cấp 1 đưa xuống. Ông nhăn mặt nói: “Vụ này tui chỉ nhận OM 4900 do Trung tâm SX chứ không dám nhận giống của mấy Cty khác nữa”.
Khi được hỏi tại sao thì ông Mánh cho biết, vụ HT 2014 ông có nhận 5 tấn lúa giống của Cty TNHH A (TX Long Xuyên, An Giang) do bên đại lý Minh Tâm (thị trấn Cần Đước, Long An) phân phối lại. Sau khi mang về bán một ít cho nông dân thì nghe phản ánh không đạt, ông thử lại tỷ lệ nẩy mầm phát hiện chỉ đạt 50:50.
Sau đó ông thông báo cho đại lý Minh Tâm và Cty biết về tình trạng của giống, đồng thời yêu cầu được đổi hàng khác. Ngày 20/12/2014, đích thân người của Cty A đưa xe lên chở 4,1 tấn lúa giống không đạt mang về, tuy nhiên đến nay đã 5 tháng chẳng thấy tăm hơi.
“Tui điện thoại Cty nhiều lần chỉ nghe họ hứa mà không thực hiện. Giả sử tui tham lợi bán 4,1 tấn giống lúa này ra ngoài thu về 53 triệu đ (13.000 đ/kg), sẽ có ít nhất 30 ha lúa (mật độ sạ 120 kg/ha) bị hư hại thất thu, lúc đó ai chịu trách nhiệm, có phải tui là người bị nông dân mắng trước không?”, ông Mánh bức xúc nói.
Để làm rõ thêm thông tin, chúng tôi tìm đến đại lý Minh Tâm ở thị trấn Cần Đước, tuy khác địa giới hành chính nhưng chỉ nằm xa đại lý của ông Mánh khoảng 15 km. Bà Phạm Thị Khâu, chủ đại lý này còn bức xúc hơn, bởi bà đang giữ 520 kg giống lúa xác nhận ST20 cũng của Cty A "không đạt chất lượng".
Theo bà Khâu, vào tháng 8/2014, cùng với 20 tấn lúa giống OM 4900 với tổng trị giá 220 triệu đ, đại lý còn nhận 520 kg giống ST20 giá 14.000 đ/kg, tổng cộng là 7,2 triệu đ của Cty A, nhưng khi mang về thử tỷ lệ nẩy mầm giống ST20 thấy không đạt.
Bà Khâu báo Cty này yêu cầu đổi hàng hoặc trả lại tiền nhưng đến nay họ lờ luôn. “Ban đầu họ hứa trả, sau tui gọi điện thoại không bắt máy. Ức quá, tui cho người đi An Giang tìm hiểu thì được biết địa chỉ văn phòng Cty ghi trên bao bì không còn nữa, họ chuyển đi đâu không rõ. Đó là chưa nói họ SX giống ST20 có dấu hiệu giả nhãn hiệu, bởi thực chất giống này đang thuộc bản quyền của ông Chín Táo ở Sóc Trăng”.
"Vậy đại lý với Cty A có ký hợp đồng mua bán giống lúa xác nhận không?", tôi hỏi. “Lâu nay, các DN SXKD phân bón, thuốc trừ sâu, hạt giống “sống” dựa vào đại lý, lấy chữ tín là chính nên làm gì có hợp đồng”, bà Khâu thừa nhận
Rối rắm
Theo quy định thì việc mua bán hạt giống được Nhà nước quản lý khá chặt. Cụ thể, cơ sở kinh doanh giống phải có giấy phép của Sở NN-PTNT cho phép SX cung ứng giống, đủ điều kiện kinh doanh theo Pháp lệnh Giống cây trồng. Giống đưa ra thị trường là giống xác nhận, đảm bảo 5 chỉ tiêu gồm độ ẩm, tỷ lệ lẫn tạp, nẩy mầm, độ thuần…
Giống lúa xác nhận ST20 của Cty A bán cho đại lý Minh Tâm có dấu hiệu vi phạm bản quyền và không đạt chất lượng
“Bao bì của Cty Hoa Tiên ghi đầy đủ là Nàng hoa 9, song nhân viên này làm "hàng nhái" lại ghi tắt "NH9" bán giá chỉ 9.000 - 10.000 đ/kg mà thực chất đây là giống lúa thịt “dòng 2” mua về đóng bao trắng, không chỉ vi phạm bản quyền mà còn vi phạm luật giống cây trồng. Theo tôi biết, giám đốc DN này yêu cầu cơ quan chức năng giải quyết rất nhiều lần về vấn đề này nhưng vẫn không có kết quả”, ông Chí nói. |
Trên địa bàn tỉnh Long An, hiện nay các Trạm Khuyến nông, BVTV là nơi cung cấp phân phối chính các loại giống lúa xác nhận cho bà con nông dân. Tuy nhiên trên thực tế hầu như các đại lý mua bán phân bón, thuốc BVTV đều có kinh doanh giống lúa xác nhận.
Không những thế, ngay cả những hộ kinh doanh xay xát gạo, thu mua lúa, kinh doanh thức ăn chăn nuôi cũng nhảy vào mua bán giống. Đặc biệt có không ít cơ sở, hộ nông dân mua lúa giống xác nhận ngoài đồng ruộng từ khu vực Đồng Tháp Mười về đóng bao bán lại cho bà con xung quanh để SX mà không hề biết lý lịch giống tên gì, nguồn gốc xuất xứ ở đâu?
Theo ông Hồ Minh Chí, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Cần Đước, diện tích SX lúa hàng năm của địa phương gần 9.500 ha. Vụ HT 2015, nhu cầu giống lúa xác nhận cần hơn 1.200 tấn giống, trong khi có hàng chục cơ sở đại lý phân bón, thuốc BVTV cùng tham gia phân phối, cung ứng nên rất khó kiểm tra, kiểm soát.
Cứ vào tháng 5 là huyện thành lập đoàn kiểm tra về điều kiện SXKD giống; danh mục giống được phép SX, kinh doanh và sử dụng tại VN; bản công bố hợp quy và lấy mẫu kiểm tra chất lượng lúa giống...
Qua đó đã phát hiện một số đại lý bán giống vi phạm như giấy kết quả kiểm nghiệm không khớp với nội dung ghi trên bao bì hạt giống; không có giấy kết quả kiểm nghiệm; không có bảng hợp quy. Thậm chí, có những giống lúa trôi nổi lấy lúa thịt làm lúa giống, không rõ nguồn gốc, lúc biết đoàn kiểm tra đến họ đem cất giấu. "Chúng tôi phát hiện và yêu cầu chuyển sang bán lúa thịt, có thời điểm lên cả tấn. Tuy nhiên do mức xử phạt cao lắm chỉ có 3 triệu đ nên không đủ sức răn đe. Hơn nữa, 1 năm kiểm tra có 1 lần, còn thời vụ SX lúa thì 2 - 3 vụ", ông Chí nói.
Vẫn theo ông Chí, đặc biệt có trường hợp nhân viên của Trạm KN nhiều năm qua cũng nhảy vào SXKD giống lúa xác nhận, trong đó chủ yếu là giống Nàng hoa 9 thuộc bản quyền của Cty TNHH Hạt giống Hoa Tiên (quận Gò Vấp, TP.HCM). Nàng hoa đang rất “hot” bởi giá trị thương phẩm cao. Trong khi các loại giống lúa cao sản khác thương lái mua 4.000 - 5.000 đ/kg, nhưng Nàng hoa 9 được mua giá 5.500 - 6.000 đ/kg.
Chính vì điều này mà 1 kg giống lúa Nàng hoa 9 xác nhận trên thị trường lên tới 16.000 đ, cao hơn nhiều so với các dòng lúa OM như 6976, 4900, 5451, 4218, 7347… giá chỉ 12.000 - 12.500 đ/kg. (Còn nữa)