Chương trình tái canh cà phê: DN, nông dân đều gặp khó
Tái canh cà phê ở doanh nghiệp: Thuyền to, sóng cả
12:41 - 21/05/2015
Tổng diện tích cà phê già cỗi, cần phải trồng thay thế và chuyển đổi trong 5 năm tới khoảng 140-160 ngàn ha. Đây là một thách thức lớn cho ngành cà phê Việt Nam.
Doang nghiệp gặp nhiều khó khăn tái canh cà phê do thiếu vốn

Thống kê từ Bộ NN-PTNT, đến nay, cả nước có gần 650 ngàn ha cà phê. Trong số diện tích trên có khoảng 86 ngàn ha cà phê trên 20 năm tuổi (chiếm 15%), khoảng 140 ngàn ha từ 15-20 năm tuổi (chiếm 25%).

Tổng diện tích cà phê già cỗi, cần phải trồng thay thế và chuyển đổi trong 5 năm tới khoảng 140-160 ngàn ha. Đây là một thách thức lớn cho ngành cà phê Việt Nam.

Đến nay, hầu hết các doanh nghiệp trồng cà phê ở Việt Nam (chủ yếu là doanh nghiệp Nhà nước) đều có nhu cầu tái canh vườn cà phê, bởi cây cà phê ở các doanh nghiệp này chủ yếu được trồng từ thập kỷ 80-90 của thế kỷ trước. Tuy nhiên cái khó là... lấy đâu ra một lúc lượng tiền lớn để thực hiện tái canh!

Vốn quá lớn

Khoảng 140-160 ngàn ha cà phê cả nước có tuổi thọ từ trên 20 năm đến 30 năm. Đây là những vườn cà phê già cỗi, kém năng suất và chất lượng, nhất thiết cần phải thay thế để đảm bảo định hướng phát triển ngành cà phê bền vững đến năm 2020. Trong số đó, doanh nghiệp Nhà nước chiếm một diện tích không nhỏ, chủ yếu ở các tỉnh Tây Nguyên.

Cty Cà phê 706 hiện quản lý trên 700 ha cà phê. Theo Giám đốc Cty - ông Lê Trung Nguyên: "Đến hết năm 2020, gần như toàn bộ vườn cây của Cty đều phải thay thế".

Trong những năm qua, Cty đã thực hiện tái canh được gần 300 ha. Theo quy định của Bộ NN-PTNT, còn 5 năm nữa (đến 2020), mỗi năm Cty dự kiến thực hiện tái canh khoảng 50 ha. Cũng theo ông Nguyên, 1 ha cà phê tái canh cần khoảng 200 triệu đồng, 4 năm sau cây cà phê mới cho thu hoạch trở lại.

Năm 2014, Cty thực hiện tái canh được 50 ha, nhân với 200 triệu đồng/ha, Cty phải bỏ ra 10 tỷ đồng để thực hiện cho riêng chương trình tái canh này. "Vốn có hạn nên Cty chỉ làm được ngần ấy" - ông Nguyên thổ lộ.

Còn tại Cty TNHH MTV Cà phê Ia Grai, đang quản lý 1.020 ha cà phê (820 ha đã đi vào kinh doanh). Đây là một trong những đơn vị dẫn đầu về chương trình tái canh cà phê của Tổng Công ty.

Từ năm 2007 đến nay, Cty đã thực hiện tái canh được 200 ha. Còn khoảng 100 ha già cỗi, kém chất lượng cần phải tái canh đến năm 2020.

Theo Giám đốc Cty - ông Nguyễn Đại Ngọc: Tùy từng vùng đất khác nhau mà nhu cầu vốn cho mỗi ha cà phê tái canh khác nhau.

Tại Cty của ông, mỗi ha cà phê tái canh cần từ 230-250 triệu đồng, làm bài bản, đúng quy trình thì sau 4 năm cà phê mới cho thu bói (1 năm cải tạo đất, 1 năm trồng mới, 2 năm chăm sóc).

Theo tính toán trên thì 100 ha cà phê cần tái canh còn lại của Cty, cần phải có khoảng 14 tỷ đồng để thực hiện. Con số này là không nhỏ, đặc biệt là trong điều kiện ngành cà phê Việt Nam đang gặp không ít khó khăn. Cũng chính vì vậy mà năm 2015, kế hoạch của Cty, theo Giám đốc Ngọc, "chỉ cố gắng làm được 15 ha thôi!".

Lãi ngân hàng quá cao

Cty Cà phê 706 quan hệ với Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (Chi nhánh tỉnh Gia Lai). Theo Giám đốc Cty - ông Lê Trung Nguyên: Ngân hàng rất "thích" cho doanh nghiệp vay vốn, sẵn sàng tạo mọi điều kiện thuận lợi trong việc giải ngân để doanh nghiệp thực hiện chương tình tái canh cà phê bởi đây là doanh nghiệp Nhà nước nên dễ thu hồi vốn.

Ông Nguyễn Đại Ngọc: "So với các ngân hàng thương mại khác thì Ngân hàng NN-PTNT thực hiện giải ngân rất chậm. Nếu quá khó khăn, doanh nghiệp sẽ "bán nợ" cho ngân hàng khác để sớm thực hiện tốt chương trình này".

Cái khó là lãi suất ngân hàng quá cao, trong khi thời gian thu hồi vốn lại ngắn: Với mức lãi suất 11,5% (đã được giảm đối với vốn vay trung hạn), mỗi năm Cty thực hiện tái canh 50 ha (200 triệu đồng/ha), chỉ riêng tiền lãi, Cty phải trả cho ngân hàng 1,2 tỷ đồng.

Trong khi đó chu kỳ 4 năm sau, cây cà phê tái canh mới cho thu bói, còn vốn vay trung hạn thì 7 năm thu hồi vốn, cây cà phê không thể "đẻ" nhanh như vậy để trả nợ ngân hàng đúng thời hạn.

Cty TNHH MTV Cà phê Ia Grai quan hệ mật thiết với Ngân hàng NN-PTNT Việt Nam (Chi nhánh tỉnh Gia Lai). Theo Giám đốc Cty - ông Nguyễn Đại Ngọc: Thủ tục cho vay cũng không có gì khó khăn, chỉ cần thực hiện đúng quy định là ngân hàng sẵn sàng giải ngân. Tuy nhiên lãi suất cao quá, doanh nghiệp không kham nổi.

Hiện Cty đang chịu mức lãi suất 10,5% (đã có giảm), với định suất 230-250 triệu đồng cho 1 ha cà phê tái canh thì mức trả lãi ngân hàng mà Cty phải gánh là quá lớn. Thêm vào đó, cũng theo ông Ngọc, ngân hàng chỉ áp dụng chương trình cho vay trung hạn (5 năm hoàn vốn), vậy nên nếu cứ áp dụng lãi suất như trên thì "chương trình tái canh khó mà thực hiện được!".

Tái canh cà phê là một chương trình lớn, có ý nghĩa sống còn với ngành cà phê, nhất là đối với vùng cà phê trọng điểm như ở Tây Nguyên.

Để thực hiện tốt chương trình này, theo ông Nguyễn Đại Ngọc, Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ hợp lý, cụ thể mức lãi suất phù hợp nhất áp dụng riêng cho chương trình tái canh chỉ nên từ 6%-7%, thời gian thu hồi vốn là 10 năm (bắt đầu từ khi vườn cà phê tái canh đi vào kinh doanh).

Vốn lớn, lãi suất cao là rào cản lớn nhất đối với một chương trình lớn như chương trình tái canh cây cà phê. Bài toán này nhất thiết phải có lời giải sớm.

TRẦN ĐĂNG LÂM
Nguồn: NNVN
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

ĐBSCL: Mua tạm trữ 760.000 tấn gạo