Cần xây dựng thương hiệu lúa gạo và nâng cao giá trị gia tăng
08:57 - 29/05/2015
(TNNN)- Năm 2014, Việt Nam được mùa nhờ khí hậu điều hòa, sản lượng đạt đến 45 triệu tấn lúa (tăng 2,3% so với 2013), năng suất bình quân 5,77 tấn/ha và xuất khẩu 6,2 triệu tấn gạo trị giá 2,7 tỉ đô la Mỹ, so với mục tiêu đầu năm 6,5 triệu tấn và 6,7 triệu tấn của 2013, đứng vị trí thứ ba xuất khẩu gạo thế giới, sau Thái Lan và Ấn Độ. 
Ảnh minh họa


Tuy nhiên, ngành lúa gạo vẫn đang tồn tại những vấn đề về chất lượng, giá trị gia tăng xuất khẩu và năng lực cạnh tranh còn khá thấp, cơ sở hạ tầng phục vụ chế biến bảo quản và quy mô công nghệ chế biến còn nhỏ, thiết bị lạc hậu... Điều này dẫn tới giá trị mặt hàng lúa gạo Việt Nam trên thị trường thường thấp hơn từ 15%- 50% so với sản phẩm cùng loại của nước khác.
 
Nước ta đã tạo ra hàng trăm giống lúa (con số được công bố chính thức là 102), nhưng không giống nào tạo ra được sự cạnh tranh hay có thương hiệu trên thị trường gạo thế giới. Nhiều giống lúa mới chậm được đưa vào sản xuất. Hiện ở vựa lúa Đồng bằng sông Cửu Long mới chỉ có khoảng 30 – 40% giống lúa xác nhận được đưa vào sử dụng. Trong khi đó, Thái Lan trong nhiều năm chỉ tập trung vào việc cải tiến các giống tiềm năng là Khao Dawk Mali,  Khao Hom Klong Luang và Khao Hom Suphanburi và Jasmine (giống nhập nội từ Hoa Kỳ); còn Ấn Độ thì nhiều năm liên tục tập trung cải tiến các tính trạng của giống Basmati 370; ngay như Mỹ trong nhiều năm cũng chỉ tập trung nghiên cứu trên 3 giống lúa thơm đặc sản là Dellrose, Della và Jasmine 85. Nhờ thế mà Mỹ, Thái Lan và Ấn Độ đã có mặt hàng gạo xuất khẩu có sức cạnh tranh cao, giá cao, nhờ mang thương hiệu nổi trội.
 
Hiện tổn thất sau thu hoạch lúa cả về số lượng và chất lượng còn rất lớn. Năm 2014, diện tích trồng lúa của vùng ĐBSCL đạt gần 4,3 triệu lượt ha; sản lượng lúa toàn vùng đạt 25,2 triệu tấn, tăng 708.000 tấn so năm 2013, chiếm 56% sản lượng lúa cả nước, đóng góp quyết định vào thành tích xuất khẩu gạo của cả nước. Tuy nhiên, theo thống kê, tổn thất sau thu hoạch lúa hiện rất cao, khoảng từ 11- 13%, trong đó, tổn thất từ khâu phơi sấy chiếm trên 4%. Những tổn thất này khiến nhà nông thất thu hàng nghìn tỷ đồng mỗi năm. Ngoài ra, các doanh nghiệp thu mua lúa gạo của nông dân với độ ẩm cao (từ 18% đến 20%), nên khi đưa vào xay xát tỷ lệ gạo vỡ rất cao; khi xuất khẩu các DN phải mất thêm công đoạn đánh bóng, chi phí sản xuất đội lên 30%, dẫn tới khó cạnh tranh được về chất lượng và giá cả của các nước xuất khẩu cùng mặt hàng này như Thái Lan, Ấn Độ.
 
Trong điều kiện đất nước hội nhập sâu vào nền kinh tế thế giới, ngành lúa gạo đang đứng trước sức ép cạnh tranh ngày càng gay gắt do năng lực cạnh tranh thấp so với thế giới trên nhiều mặt cả về trình độ sản xuất, công nghiệp chế biến, chất lượng, giá cả… Năm 2015, các sản phẩm nông nghiệp, nhất là lúa gạo sẽ được tiến hành tự do hóa thương mại trong khu vực ASEAN. Điều đó đặt ra Việt Nam cần xây dựng thương hiệu và nâng cao giá trị gia tăng ngành lúa gạo để từ đó có sức cạnh tranh trên thị trường lúa gạo thế giới.
 
Việc xây dựng thương hiệu không khó, cái khó là làm sao phát triển và giữ vững được thương hiệu sau khi đã xây dựng. Muốn vậy, điều quan trọng nhất là phải bảo đảm chất lượng sản phẩm đúng theo yêu cầu của người tiêu dùng và của thị trường.
 
Hiện ở Đồng Tháp có DN tư nhân Cỏ May đã nghĩ đến việc tạo ra nhãn hiệu, hình ảnh đặc trưng riêng cho từng sản phẩm. Được biết, DN này đã đầu tư 5 triệu USD cho dự án này bao gồm xây dựng nhà máy chế biến mới được xem là hiện đại nhất hiện nay với quy trình đạt chuẩn HACCP. Trong nhà máy này có hệ thống máy tách màu để loại bỏ những hạt gạo không đủ tiêu chuẩn trước khi đóng gói. Đồng thời, đầu tư chi phí cũng như hỗ trợ nông dân sử dụng bộ giống thuần chủng để canh tác trên những cánh đồng lớn, áp dụng biện pháp kỹ thuật canh tác tiên tiến để cải thiện năng suất và nâng cao chất lượng sản phẩm. Nhờ đó mà hiện tại các sản phẩm mới theo mùa mang thương hiệu Nosavina với nhãn hàng đặc trưng như Lài - Đông Xuân, Sen-Hè Thu, Cúc-Thu Đông đang được tiêu thụ mạnh tại TP HCM và được XK sang thị trường Singapore và mở hướng sang các thị trường tiềm năng Malaysia, châu Mỹ, châu Âu. Ngoài ra, doanh nghiệp tư nhân Hồ Quang ở Sóc Trăng, với 2 loại gạo mang thương hiệu ST5 và ST20 đã xuất ra nước ngoài với giá từ 850 - 945 USD/tấn. Ở miền Bắc có công ty An Đình đã tự xây dựng vùng nguyên liệu của mình để bán gạo đủ phẩm cấp cho người Nhật sống ngoài nước Nhật…
 
Để nâng cao giá trị gia tăng trong sản xuất lúa gạo, các chuyên gia kinh tế cho rằng phải sử dụng tổng hợp các yếu tố kỹ thuật, công nghệ, tổ chức sản xuất, marketing nhằm tác động lên toàn bộ các khâu trong quá trình sản xuất - tiêu thụ sản phẩm.
 
Theo Bộ trưởng Bộ NN và PTNT Cao Đức Phát, tới đây ngành sẽ triển khai nhiều biện pháp nhằm giảm tổn thất sau thu hoạch lúa từ 11- 13% hiện nay xuống còn 5- 6% bằng các biện pháp cơ giới hóa thu hoạch, đầu tư máy sấy, kho chứa thóc.
 
Đối với biện pháp đưa máy móc hiện đại vào đồng ruộng, cơ giới hóa trong khâu thu hoạch, thực hiện thu hoạch lúa bằng máy đạt 60% vào năm 2020, trong đó khu vực ĐBSCL đạt 90%, chủ yếu sử dụng máy gặt đập liên hợp có tính năng kỹ thuật cao, mức độ gặt sót dưới 1,5%, tỷ lệ gạo thu hồi trên 68%.
 
Ngành sẽ đầu tư phát triển các loại máy sấy phù hợp với quy mô, trình độ sản xuất. Từ nay đến năm 2020 sẽ đầu tư 40.000 máy sấy cải tiến công suất 0,5-2 tấn/mẻ đối với quy mô hộ và liên hộ; 3-5 tấn/mẻ đối với hộ làm dịch vụ; 6-10 tấn/mẻ đối với DN chế biến. Nâng tổng số máy sấy cả nước lên 50.000 máy, bảo đảm năng lực sấy lúa là trên 20 triệu tấn, đạt trên 80%, trong đó tỷ sấy tầng sôi, sấy tháp đạt khoảng 60%.
 
Cùng với đó, đẩy mạnh chuyển giao các mẫu hình kho bảo quản lúa, gạo quy mô hộ gia đình theo hướng tiện ích, an toàn. Xây dựng mới và nâng cấp hệ thống kho chứa thóc, kết hợp với hệ thống sấy, làm sạch để có thể thu mua thóc ướt cho người dân vào mùa mưa lũ. Cơ giới hóa các kho đạt 80% với 20% được tự động hóa, nâng cao năng suất lao động và kiểm soát các thông số kỹ thuật trong quá trình bảo quản.
 
Song song với đó, ngành nông nghiệp đưa ra giải pháp tăng cường đầu tư công nghệ và thiết bị nhằm tận dụng phụ phẩm lúa gạo. Toàn bộ phế phụ phẩm như trấu, cám trong xay xát lúa gạo được chế biến thành các sản phẩm có giá trị như củi trấu, trấu viên, ván ép, dầu cám, thức ăn chăn nuôi. Đối với rơm rạ, sử dụng trong sản xuất nấm, đóng bánh làm thức ăn chăn nuôi, chất đốt hay phân hữu cơ như cách làm truyền thống.

Lê Đức
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

ĐBSCL: Mua tạm trữ 760.000 tấn gạo