Khi nông dân cầm sổ đỏ: Giàu nghèo từ sổ đỏ
11:19 - 26/05/2015
Sổ đỏ là tài sản quý nhất của người nông dân nhưng không mấy chủ nhân được giữ vì phần lớn họ đã giao hết cho ngân hàng.
Ông Nguyễn Văn Mài và cuốn sổ đỏ cất giữ trong nhà

Rủi ro phận nghèo

Con số thống kê từ các địa phương cho thấy khu vực ĐBSCL hiện có khoảng 70% số hộ nông dân đã thế chấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của mình cho ngân hàng vay vốn phát triển sản xuất.

Ông Trần Văn Một, cán bộ nông nghiệp xã Trà Côn (Trà Ôn, Vĩnh Long) cho biết: Đã 16 năm, tờ giấy chứng nhận quyền sử dụng 5.500 m2 đất nông nghiệp của ông đã giao cho Ngân hàng NN-PTNT... giữ hộ. Đó là khoản nợ 18,5 triệu đồng ông vay chuyển đổi đất lúa lập vườn trồng cam sành hy vọng đổi đời. Đáng tiếc hy vọng ấy không thành hiện thực, trái lại ông phải ôm món nợ ngân hàng đến tận bây giờ chưa trả nổi.

Ông Một kể: Thấy người ta trồng cam sành tốt, mình cũng học trồng theo, sau 2 năm cây bị bệnh vàng lá hư sạch thế là ôm nợ. Vợ tôi thì buôn bán tạp hóa ở chợ Trà Côn, tôi đi làm ở xã chỉ đủ nuôi 2 con ăn học, còn chuyện trả nợ ngân hàng đành chọn phương án đóng lãi và đáo hạn hàng năm.

Tính mức lãi suất 7%/năm thì số tiền đóng lãi trong 16 năm qua đã gấp mấy lần số nợ vay ngân hàng. Cứ mỗi lần đến kỳ đáo hạn lại chạy đi hỏi vay bạc ngày (vay nóng) bên ngoài. Còn sổ đỏ, tờ giấy giá trị và quý nhất 16 năm nay tôi chỉ được thoáng nhìn thấy trên bàn trong lúc cán bộ tín dụng lấy ra làm lại hồ sơ cho vay.

Ông Một cho biết, không riêng gì ông, toàn xã Trà Côn có khoảng 70%/2.983 hộ nông dân thế chấp sổ đỏ cho ngân hàng để vay vốn chuyển đổi sản xuất. Tất cả mọi người hy vọng đổi đời nhưng không may trồng cam sành bị dịch bệnh thua lỗ sạch vốn, nhiều hộ không có cách gì trả nợ ngân hàng để lấy sổ về.

Toàn xã có 334 ha trồng cam sành thì chỉ khoảng 15% diện tích cho hiệu quả tốt. Vì trồng cam bị bệnh thua lỗ, có người bỏ quê lên Bình Dương làm công nhân rồi gửi tiền về đóng lãi vay. Có hộ hết cách đóng lãi và trả nợ để thành nợ quá hạn luôn. Hiện tại, xã Trà Côn đang đổi lại sổ đỏ cho bà con nhưng còn khá nhiều hộ chưa đổi được sổ mới do còn kẹt sổ cũ trong ngân hàng.

Ông Trần Văn Thành, ấp Mỹ Phú, xã Tân Mỹ (Trà Ôn) nói: Cuộc đời tôi đã hơn 60 năm gắn bó với mảnh đất nông nghiệp, trồng lúa mãi không thay đổi được cuộc sống. Ba năm trước tôi mang sổ chứng nhận 6.000 m2 ra ngân hàng thế chấp vay 200 triệu đồng về trồng cam sành.

Kết quả cam sành trồng vừa cho trái đã vàng lá hư sạch, thế là số nợ vay không còn cách trả. Hiện tại, khoản vay trên đã một lần đáo hạn bằng cách hỏi bạc ngày trả vào rồi vay lại. Không riêng gì tôi mà hầu hết những hộ nông dân ôm nợ ngân hàng ở xã Tâm Mỹ hay Trà Côn mỗi khi đến kỳ đáo hạn là bà con đều chọn giải pháp hỏi bạc ngày với mức lãi 5.000 – 10.000 đồng/triệu/ngày để trả cho ngân hàng rồi làm thủ tục vay lại.

Bây giờ nhu cầu vốn để chuyển đổi vật nuôi, cây trồng bà con rất cần nhưng không cách xoay xở. Cuốn sổ đỏ đã thế chấp ngân hàng rồi thì không còn thứ tài sản nào có thể thế chấp vay tiếp.

Vốn vay tín chấp chỉ có Ngân hàng chính sách xã hội cho vay nhưng hạn mức thấp, phải có dự án và cũng đã có nhiều hộ dân không khả năng trả nợ. Hiện tại, nông dân xã Trà Côn nợ Ngân hàng chính sách xã hội nhiều nhất.

Toàn xã hiện có 2,73% nợ quá hạn tương đương 703 triệu đồng, còn Ngân hàng nông nghiệp thì tổng dư nợ khoảng 28 tỷ với khoảng 600 hộ vay. Sở dĩ dư nợ Ngân hàng nông nghiệp thấp do nhiều hộ nông dân đã nợ Ngân hàng chính sách hoặc nợ các ngân hàng khác.

Giữ sổ đỏ vì sợ nợ

Bây giờ về nông thôn ĐBSCL tìm được hộ dân còn cất sổ đỏ trong nhà là khá khó. Ông Huỳnh Văn Hiểu (55 tuổi, ấp Tầm Du, xã Trà Côn (Trà Ôn), một chủ hộ còn giữ sổ đỏ, nói: Sở dĩ tôi giữ được sổ đỏ diện tích 1,1 ha là do tôi sợ nợ. Vốn để sản xuất rất cần nhưng vay thì không dám vì sản xuất dễ bị thiên tai, dịch bệnh, nếu làm ăn thất bại sẽ không biết lấy tiền đâu trả nợ, mất đất như chơi. Thôi đành liệu cơm gắp mắm.

Ở ấp Tầm Du này tôi thấy nhiều bà con thiếu vốn chuyển đổi cây trồng vật nuôi nên mang sổ đỏ đi thế chấp cho ngân hàng để lấy vốn làm ăn. Trong 10 người vay tiền trồng cam sành chỉ được 3 người đầu tư thành công, 2 người hòa vốn, còn lại thua lỗ dẫn đến ôm nợ ngân hàng. Tôi thấy sợ nên thà giữ sổ đỏ trong nhà, thiếu vốn sản xuất còn hơn cảnh còng lưng làm trả nợ.

09-33-50_tri-cm-snh-om-so-do

Trồng cam sành có thể giàu nhanh nhưng rủi ro cao vì dịch bệnh

Ông Nguyễn Văn Mài, 56 tuổi, ấp Hòa Thành, xã Xuân Hòa (Kế Sách, Sóc Trăng) còn giữ được sổ đỏ 6.000 m2, chia sẻ: Vốn đầu tư cho sản xuất lúc nào nhà nông cũng thiếu. Biết thế nhưng đi vay vốn ngân hàng đầu tư trồng cây ăn trái rất sợ dính thiên tai, dịch bệnh thua lỗ. Nhà nông chúng tôi không thiếu nợ ngân hàng đêm ngủ mới ngon giấc.

Làm giàu từ sổ đỏ

Ngược với những trường hợp trên, không ít nông dân biết tận dụng sổ đỏ vay vốn làm ăn hiệu quả.

Ông Nguyễn Thanh Nhã, Bí thư Đảng ủy xã Tích Thiện (Trà Ôn, Vĩnh Long) cho biết: Toàn xã có 2.394 hộ dân sinh sống, trong đó khoảng 85% hộ dân trực tiếp sản xuất nông nghiệp.

Nhu cầu vốn để đầu tư phát triển kinh tế hộ lúc nào bà con cũng cần. Toàn xã ước có khoảng 70% hộ nông dân thế chấp sổ đỏ cho ngân hàng để vay vốn đầu tư nuôi bò, heo, nuôi gà công nghiệp…

Kết quả trong nhiệm kỳ 5 năm hộ nghèo trong toàn xã từ mức trên 7% đã giảm xuống còn 4,17%, hộ giàu ngày càng tăng thêm. Hiện tại, phong trào vay tiền ngân hàng đầu tư nuôi bò đang phát triển rất mạnh. Một hộ vay 30 triệu đồng đầu tư nuôi bò, sau 18 tháng nuôi người dân bán từ 45-50 triệu đồng/con.

Nếu tính với mức lãi suất ngân hàng như hiện tại khoảng 7%/năm thì bà con chỉ đóng lãi khoảng 3 triệu đồng/30 triệu vay trong 18 tháng. Sau khi trừ mọi chi phí người dân vẫn còn lãi trên 10 triệu đồng.

Điển hình như hộ Tôn Tấn Tiên, ấp Cây Gòn (xã Tích Thiện, Trà Ôn, Vĩnh Long) mang sổ đỏ 6.000 m2 đất ruộng đi vay tiền ngân hàng đầu tư nuôi 3 con bò sau 15 tháng bán 155 triệu đồng, trừ chi phí thu lãi hơn 70 triệu đồng. Bây giờ ở xã Tích Thiện nhà nào cũng vay vốn nuôi bò vì phương án vay tiền đầu tư sản xuất rất khả thi.

Việc vay tiền cũng nhanh và thuận tiện bởi hoạt động tín dụng của Ngân hàng NN-PTNT, Công thương, Chính sách xã hội… phủ sóng đến tận xã. Hộ dân có nhu cầu vay vốn thì điện thoại cho ngân hàng sẽ có cán bộ đến tận nhà thẩm định đất thế chấp là làm thủ tục rất nhanh.

Đến nay, tổng dư nợ ở xã Tích Thiện tính riêng Ngân hàng nông nghiệp hơn 47 tỷ với trên 800 hộ vay. Điều này cho thấy nhu cầu vốn đầu tư sản xuất trong từng nông hộ để làm giàu rất lớn. Tuy nhiên, người dân phải biết đầu tư, không nên chạy theo phong trào.

THANH PHONG
Nguồn: NNVN
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

ĐBSCL: Mua tạm trữ 760.000 tấn gạo